Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

CÂU CHUYỆN CÁC BẬC THÁNH TĂNG, THÁNH NI TRONG THỜI ĐỨC PHẬT

 CHUYỆN NGÀI UTTARA

Bây giờ Thầy thuật lại cho quý thầy thấy một vị nữa: Ngài Uttara, Ngài sanh ở thành Vương Xá, Ngài thông minh và thông suốt ba bộ kinh Vệ Đà. Ngài có danh tiếng tốt, Ngài có đức hạnh và dung sắc đẹp đẽ. Ngài được một vị Bộ trưởng ở thành Ma Kiệt Đà gả con gái cho Ngài, nhưng Ngài từ chối và xuất gia với ông Xá Lợi Phất nên Ngài thường làm bổn phận của một chú Sa Di hầu thầy. Một hôm Tôn giả Xá Lợi Phất bị bệnh, Ngài phải ôm bình bát ra bờ hồ lấy nước cho ông Xá Lợi Phất. Khi lấy nước xong, Ngài để bình bát ở trên bờ rồi lội xuống hồ để tắm, cùng lúc ấy có một tên trộm bị lính đuổi chạy ra khỏi thành. Khi chạy ngang qua bình bát của Ngài đang để trên bờ sông, gã ăn trộm liền quăng của báu đánh cắp vào bát của Ngài. Các người lính đuổi theo thấy trong bình bát của Ngài có của báu ăn cắp nên bắt Ngài về đưa cho Bộ trưởng đó (Vassakàra đó, là cái người muốn gả con cho ông ta đó, mà ông từ chối ông đi tu đó) để trừng trị. Nghĩa là bây giờ bắt ông đem về trừng trị do cái tội ông ăn cắp.

Ngài bị hành hạ đến chết đi, sống lại. Bậc Đạo sư liền đến khuyên Ngài : “Đây là kết quả của nghiệp đời trước của ngươi, ngươi cần phải chấp nhận và nhờ sức mạnh tư duy khổ thọ, tu tập Định vô lậu thì mới thoát khỏi nghiệp khổ này”. Bậc Đạo sư nói xong, đặt tay nhẹ lên đầu ông. Trong lúc đó ông bị cột trói ở trong một cái trụ cột rất là to và đồng thời thì đức Phật hiện đến và khuyên ông nên lấy cái Định vô lậu đó mà thực hiện cái khổ thọ, lấy cái đề mục khổ thọ mà đặt ra trước mặt để mà thực hiện cái Định vô lậu. Khi nói xong, thì đức Phật xoa đầu ông một cái rồi đức Phật biến mất. Nhờ thế mà tâm tư ông phấn khởi, đặt niệm quán xét thọ khổ, cuối cùng đoạn tận các uế nhiễm và lậu hoặc, chứng sáu thắng trí, chứng quả A La Hán. Lúc bấy giờ ông đang bị cột trói trong một trụ cột rất to. Khi chứng quả xong, ông dùng Giới tuệ Thần túc thông, vươn mình lên khỏi trụ cột, Ngài đứng trên hư không và hiện thần thông. Vì lòng từ mẫn đối với kẻ khác, Ngài không làm hại một người nào hết. Nghĩa là ông bị hành hạ đến cái mức độ mà tàn nhẫn sức không chịu đựng nổi. Bởi vì cái thù hận của cái ông bộ trưởng này đó là vì gả con cho ông mà ông không có nhận, cho nên khi mà bắt ông là ăn trộm rồi thì ông này hành hạ rất là độc. Do đó khi ông đã thực hiện được, nhưng cái lòng từ mẫn của ông, ông không bao giờ hại những cái kẻ mà đã làm hại ông. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, các vết thương trên thân Ngài đã bị tra tấn quá tàn ác đều được lành hẳn. Nghĩa là lúc bấy giờ ông dùng thần thông thì các vết thương ở trong thân của ông nó đều lành hết, nó không còn bầm xanh, hoặc là còn đổ máu hoặc còn  rỉ máu hoặc còn mủ máu nữa.

Có người hỏi Ngài, “Trong cảnh đau khổ ấy, làm sao Ngài còn bình tĩnh mà tu tập được?”. Ngài trả lời: “Tôi nhờ bậc Đạo sư nhắc nhở và an ủi, khi tôi thấy rõ sự đau khổ là nhân quả kiếp trước tái sanh của tôi và tánh nhân duyên sanh của sự vật và sự nguy hiểm của sự đau khổ trước kia nhiều hơn hiện tại. Vì thế tôi không còn dao động, tôi phát triển Thiền quán Vô lậu và chứng được kết quả. Sau khi chứng quả, tôi có làm bài kệ”.

Ở đây, cái chỗ này thì quý thầy phải hiểu, ông thấy rõ, khi mà được đức Phật nhắc ông thì ông thấy rõ cái nhân quả cái kiếp trước ông, ông đã tạo cho người ta khổ còn gấp mấy lần trong hiện tại ông đã chịu khổ. Ông ấy đã thấy được cái điều đó, cho nên ông nhận kiếp trước mình đã làm cho người ta khổ biết bao nhiêu, thì bây giờ cái chuyện hiện tại ông, cái khổ mà hiện bây giờ bị hành hạ như vậy nó không có khổ nhiều đâu. Vì thế mà tâm ông không còn dao động nữa, ông đã hiểu được như vậy, tức là đã hiểu được cái nhân quả chứ gì, cho nên tâm ông không sợ hãi, không dao động nữa, từ đó mà ông yên tâm, ông phát triển. Đang bị cột trói như vậy mà ông vẫn an nhiên mà phát triển cái con đường thiền quán của ông, cuối cùng ông thành quả. Cho nên ông viết cái bài kệ để cho chúng ta rút tỉa những kinh nghiệm mà tu tập.

“Không có gì có mặt

Lại thường còn mãi mãi

Không có các hành gì

Lại thường hằng, thường trú

Các uẩn được khởi lên”

Đó là cái pháp hướng, cái đề mục của ông mà ông đã đặt thành một cái niệm tu cái Định vô lậu mà qua cái bài kệ này ông lấy ra.

“Đến đời khác diệt vong

Biết được nguy hiểm này

Tôi chấm dứt sanh hữu

Từ bỏ tất cả dục

Tôi chứng lậu hoặc tận”

Nghĩa là ở đây Thầy giải thích từng câu kệ cho quý thầy thấy rõ. Khi mà quán vô thường mà đặt cái niệm khổ, niệm thọ khổ này, ông thấy lúc có đau, lúc không đau, cho nên ông thấy “không có gì có mặt”. Nghĩa là trong thế gian này không có một cái gì mà có mặt hết. “Lại thường còn mãi mãi”, nghĩa là vật này có thì nó không có kéo dài được trường tồn, cũng như bây giờ chúng ta có, chưa chắc đã là nó mãi mãi được, nó sẽ bị hoại diệt đi. Đó là cái sức quán của ông, thấy nó vô thường như vậy đó. “Không có các hành gì” tức là cái hành động nào, “Lại thường hằng, thường trú”, nghĩa là không có hành động nào mà nó thường hoài được, mà không có cái pháp gì mà trong thế gian này mà thường trú được, nó luôn luôn nó thay đổi và hoại diệt. Đó là ông thấy các pháp vô thường đó!

“Các uẩn được sanh khởi”, tức là năm cái uẩn của chúng ta nó sanh khởi thì nó lên nó thành cái thân, mà nó không có sanh khởi thì nó hoại diệt, thì nó đâu có cái thân. “Đến đời khác diệt vong”, nghĩa bây giờ hiện đời này thì nó hợp nhau nó sanh khởi thì nó có mình, mà đến đời khác thì nó mất đi. Cho nên đến đời khác thì nó diệt vong mất, nó đâu còn nữa. “Biết được nguy hiểm này”, nghĩa là thấy sự sanh khởi, sự vô thường, sự vô ngã của nó, sự thọ khổ của nó như vậy thì biết nó là cái sự nguy hiểm, rất là nguy hiểm. “Tôi chấm dứt sanh hữu”, sanh hữu là cái gì các thầy biết không? Sanh hữu tức là những cái dây mà trói buộc như nhà cửa, của cải, tài sản, anh em, cha mẹ ruột thịt, dòng họ, tất cả những vật nhỏ, vật lớn, đó gọi là sanh hữu. Cho nên, ông nghĩ rồi bắt đầu ông buông hết, không có còn gì trong tôi nữa hết, nghĩa là tôi phải buông sạch, thì buông sạch như vậy là còn ba y, một bát chứ gì? Từ lâu tới giờ ông đi theo, ông thọ theo làm Sa Di, theo hầu với ông Xá Lợi Phất nhưng ông có hết sanh hữu không? Còn sanh hữu chứ, chứ chưa phải hết. Cho nên, tới bây giờ ông mới quán được cái sanh hữu, ông mới diệt sạch nó, dứt sạch nó.

“Từ bỏ tất cả dục”, tất cả lòng ham muốn ông cũng đều bỏ hết xuống, không có ham muốn nữa. Mà dứt bỏ sanh hữu tức là dứt bỏ dục, bởi vì không có vật để mà dục nữa thì sao mà có dục? Cho nên ông không còn vật gì để mà ham muốn nữa. “Tôi chứng lậu hoặc tận”, nghĩa là lậu hoặc ông quét sạch rồi, không còn nữa, cho nên Định Vô lậu ông đã thành tựu, từ đó nó thực hiện được Tam minh, tức là có cái Trí tuệ, cái Giới tuệ của ông hẳn hoi.

Đó thì đó là một vị mà đã có thần thông, đã bị cột trói rồi từ cái chỗ mà chứng đạt thì Ngài thực hiện cái Tuệ, cái Giới tuệ vô lậu của Ngài mà Ngài thực hiện được thì Ngài biến ra một con người đứng ở trên hư không, rồi từ đó người ta hoảng sợ, người ta quá là sợ hãi rồi, không còn ai mà có thể hành hạ ông ta được nữa hết, và cuối cùng thì ông không trả thù người nào hết hoàn toàn, người nào đối xử với ông như thế nào ông cũng không có thù nhưng ông chỉ nghĩ rằng mình được giải thoát mà thôi.

Đó hôm nay chúng ta thấy những cái đó là những cái mà chúng ta bước sang qua một cái điều kiện mà chúng ta học về cái Giới tuệ, thì cái Giới tuệ là cái vấn đề mà chúng ta phải có Thiền định. Bởi vì nếu mà không có Thiền định, làm sao mà chúng ta có cái này được? Nếu không có Thiền định thì làm sao chúng ta có được? Có Thiền định là như thế nào? Chúng ta bảo các hành phải ngưng, thì bây giờ trong thân chúng ta các hành ngưng tức là thân định, mà tâm chúng ta nó diệt tầm tứ thì nó là định rồi. Cho nên lúc bấy giờ tâm nó định ở trên thân, mà thân bây giờ định ở trên tâm, cho nên Phật nói khi mà thân định trên tâm mà tâm định trên thân thì chúng ta câu hữu Tứ như ý túc, là Dục như ý túc, chúng ta muốn như thế nào là nó sẽ theo như thế nấy. Mà bây giờ cái hơi thở, các hành trong thân của chúng ta mà chúng ta bảo nó ngưng, thì nó ngưng được thì cái lực mà của tinh thần của chúng ta trong cái pháp hướng nó vi diệu đến mức độ nào nó mới ngưng chứ? Còn bây giờ chúng ta tập thở rồi chúng ta ngưng thở, thì cái điều đó không phải là chúng ta dùng cái lực của tinh thần mà chúng ta dùng cơ để nín thở. Dùng cơ nín thở thì chắc chắn là không đạt được kết quả mà phải dùng pháp hướng mới kết quả.

Cho nên Thầy thường nhắc quý thầy, người ta chỉ dùng cái pháp hướng mà người ta tu Định Vô lậu để người ta quét sạch được cái lậu hoặc của người ta thì cái pháp hướng đó nó trở thành hiệu quả mà người ta điều khiển được cái thân nó ngưng hoạt động, chứ không phải là chúng ta ngay đây mà chúng ta tập thở chậm hoặc là thở như thế nào chúng ta cũng có vận dụng cái sự thật chậm của nó thật, nhưng không phải quá sức của nó, quá sức của nó sẽ rối loạn cơ thể và làm chúng ta sẽ trở thành bệnh. Cho nên chúng ta phải hiểu được, còn cái lực mà tinh thần của chúng ta điều khiển nó rất là vi tế, nó ra lệnh, tuần tự nó sẽ chậm, nhẹ dần theo nó mà nó sẽ không bị rối loạn, nó thay đổi toàn bộ cơ thể chúng ta, đến khi nó dừng mà chúng ta không chết.

Quý thầy phải hiểu con đường tu tập theo đạo Phật là như vậy nó mới đúng cách. Cho nên ở đây chúng ta cần làm sao ly dục, ly bất thiện pháp mà thôi, mà ly được rồi thì chừng cái điều khiển này nó không phải khó khăn, bởi vì trong cái thời gian mà ly dục, ly bất thiện pháp đó chúng ta phải tu tập Định vô lậu và Chánh niệm tỉnh thức định cho cái sức tỉnh của chúng ta rất cao độ, để chúng ta phóng ra những cái tri kiến, làm cho cái sự quán xét của tất cả lậu hoặc chúng ta đều bắt được nó, cho nên chúng ta phải quét cho ra khỏi tâm. Mà quét ra khỏi tâm thì tâm chúng ta tịnh rồi, tức là cái pháp mà chúng ta đã dùng pháp hướng để quét tất cả lậu hoặc, nó trở thành một cái tinh thần, cái lực của tinh thần, cho nên gọi là lực định, hay hoặc là cái Định lực.

Trong đạo Phật nó có năm cái lực (Ngũ lực đó) thì: Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Huệ lực. Năm cái lực này chúng ta thấy rất rõ ràng nếu mà chúng ta tu tập đúng thì chúng ta có năm cái lực đó. Mà năm cái lực đó thì cái Niệm lực là nơi mà chúng ta tu cái Định vô lậu là nó đã có Niệm lực, mà cái Niệm lực đó thì đó là cái lực tinh thần của chúng ta, nó là cái pháp hướng, cho nên chúng ta ra lệnh thì ngay đó các hành trong thân của chúng ta ngưng, tức là cái Định lực. Do cái Định lực nó đã điều động được cái thân định - rồi thì lúc bấy giờ chúng ta mới dùng cái Huệ lực của chúng ta, do vì vậy mà cái Tam minh, cái Lậu tận minh nó mới thể hiện, nó mới thấy đây là khổ thật, đây là nguyên nhân của khổ, đây là con đường diệt khổ, đây là cảnh giới Niết Bàn.

Đó, nó mới thấy thật, mới chứng được cái lý Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Còn bây giờ chúng ta hiểu là cái ngộ chứ chưa phải là cái chứng lý. Chờ khi nào mà cái Lậu tận minh nó hiện ra thì cái Trí tuệ của cái Giới tuệ này nó hiện ra thì lúc bấy giờ chúng ta mới thấy nó mới chứng được cái lý Khổ - Tập - Diệt - Đạo, nó mới rõ ràng hơn.

Đó thì trên cái bước đường tu tập, thì quý thầy phải thấy, hiểu được những cái sự tu tập của chúng ta nó như thế nào mà đúng, như thế nào sai. Qua cái bài giảng của Thầy rồi thì quý thầy biết, quý thầy tu. Từ lâu tới giờ quý thầy tu sai hay đúng quý thầy biết liền. Còn ngay bây giờ quý thầy mà đi vào từ cái Chánh niệm Tỉnh thức, rồi bắt đầu từ cái Định Vô lậu mà quý thầy tu tập cho đến khi mà quý thầy thấy ly được dục, ly được ác pháp rồi thì quý thầy lấy những cái pháp hướng mà quý thầy đã từng tập luyện đó nó có cái hiệu quả đó, thì ngay đó bây giờ quý thầy chỉ thay đổi, thay đổi Trạch pháp cái câu ra, cái câu này bây giờ phải sử dụng cho nó như thế nào, sử dụng cho nó muốn nhập Nhị thiền thì mình chỉ ra lệnh rằng : “Tầm tứ phải tịnh chỉ, phải ngưng, không có được hoạt động nữa”. Thì ngay đó chúng ta chỉ dùng cái pháp hướng đó, nhắc một lần, hai lần thì ngay đó là Tầm, Tứ chúng ta diệt liền chứ khỏi cần phải mà ức chế nó đâu. Các thầy thấy rất rõ, bây giờ chúng ta muốn sáu cái loại tưởng hay mười tám cái loại tưởng mà để cho nó ly ra thì chúng ta chỉ cần ra lệnh “Mười tám cái loại tưởng phải ra khỏi”, tức là ly hỷ, trú xả đó, thì ngay đó là mười tám cái loại tưởng nó sẽ ra khỏi tâm chúng ta liền tức khắc, từ đó chúng ta sẽ nhập vào Tam thiền, đâu phải là cái khó? Đâu phải còn ma chướng nữa?

Còn chúng ta chưa có cái hiệu quả của cái pháp hướng tức là lực của tinh thần chúng ta chưa có mà chúng ta thực hiện thì chúng ta không bao giờ mà đạt kết quả được hết. Chúng ta phải có một cái sức lực của tinh thần của chúng ta, mà lực tinh thần tức là Niệm lực chứ cái gì? Cái Niệm lực là cái Pháp hướng, câu pháp hướng đó nó trở thành cái Niệm. Nếu mà không có cái câu đó, làm sao gọi là niệm? Chẳng hạn bây giờ chúng ta bảo Tầm - Tứ phải diệt mà không có cái tên Tầm - Tứ thì làm sao gọi là cái niệm? Quý thầy phải hiểu một cái đoạn văn, một cái câu nào đó nó là cái niệm. Mà cái niệm đó để chúng ta ra lệnh, truyền lệnh cho cái hành động của cái đối tượng đó nó phải ngưng, phải dừng, cho nên gọi là cái niệm. Vì vậy mà gọi là Niệm lực. Mà Niệm lực thì quý thầy phải biết nó là Tứ niệm xứ, mà Tứ niệm xứ thì nó ở đâu? Thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta ở trong thân của chúng ta chứ đâu? Đâu phải ngoài thân? Cho nên chúng ta ra lệnh trong thân chúng ta để mà làm chủ. Vì vậy mà học tới Tứ niệm xứ Thầy sẽ giảng cái này rất rõ để cho quý thầy biết để mà sử dụng ở trong Tứ niệm xứ. Nếu mà chúng ta chưa tu Tứ niệm xứ mà vội tu bốn Thiền thì cái chuyện đó hoài công.

Bởi vì Niệm rồi mới tới Định chứ? Chứ đâu lý nào mà Định đi trước Niệm được? Đó thì quý thầy phải biết, chứ không có thể nào mà chưa có Định mà có được cái Trí tuệ Tam minh thì làm sao có, làm sao có Trí tuệ mà thần thông được? Đâu có thể nào có Trí tuệ đó được? Cho nên phải tuần tự mà chúng ta tu tập từng cái bước của mỗi bước đi trên con đường của đạo Phật, xây dựng cho chúng ta từng chút để cho chúng ta không lạc lối.

 

CHUYỆN NGÀI GANGÀTIRIYA

Bây giờ tới một cái Ngài nữa, Ngài Gangàtiriya, Ngài này thường cái tên quá dài là tại vì cái tên này để mà dịch nghĩa ra là, trước kia thì Ngài không có cái tên, nhưng mà thường Ngài ở bên bờ sông Hằng, Ngài cất cái chòi ở trên đó, mà Ngài theo Phật xuất gia và Ngài ở trên cái bờ sông đó Ngài tu cho nên người ta gọi cái tên đó là cái người sống ở trên bờ sông Hằng. Cái tên của Ngài đó là “Người sống ở trên bờ sông Hằng”, chúng ta dịch ra Việt ngữ là như vậy đó! Còn gọi chung cái tên của Ngài là như vậy! Ngài xuất gia theo Phật tu hành, Ngài chọn đời sống khổ hạnh, ở trên bờ sông Hằng nên người ta gọi Ngài là “Người sống trên bờ sông Hằng”. Ngài làm một cái chòi để ở, Ngài nguyện không nói với một ai. Nghĩa là Ngài nguyện suốt cái thời gian tu hành, Ngài ở trên cái bờ sông Hằng đó, không có bao giờ nói với ai một lời nào hết. Suốt một năm, Ngài không thốt ra một lời nói nào. Trong năm thứ hai có một người nữ nhân trong làng thường mang thực phẩm đến cúng dường cho Ngài, muốn biết Ngài có phải là người câm hay không. Bởi vì suốt thời gian cả năm trời, mà không thấy ông này ổng nói một lời nói nào hết, cứ đem sớt bát rồi đi về chứ ông cũng không hỏi gì hết, không có nói chuyện gì hết, mà cũng không xin thêm cái gì hết, cứ cho cái gì thì ăn nấy chứ không hỏi gì hết. Cho nên cái cô này cô ấy không biết ông này ổng câm hay sao mà không nói tiếng nói nào hết, không thấy không nói nào hết, cho nên muốn thử ông ta coi thử coi có nói hay không. Thì đến năm thứ hai, cô mới đem đồ ăn uống đến cúng dường, khi đổ sữa cúng dường, cô làm đổ sữa ra ngoài.

Nghĩa là thay vì cô đổ vào trong bát cho ông ta thì cô lại làm cho nó đổ ra ngoài đi. Thì do đó, Ngài mới nói “Thôi, vừa rồi bà chị”, nghĩa là đổ ra ngoài khiến tràn bát ông, ổng thấy kỳ quá rồi cho nên buộc lòng ông phải nói tiếng nói “Thôi đủ rồi bà chị, đừng đổ nữa!”. Đó, như vậy là bà này biết ông này nói chứ không phải là câm. Các con thấy bà này cũng khéo đấy chứ? Để dò biết mà khiến ông ấy nói “Đổ vừa thôi chứ đổ gì đổ dữ đổ tràn ra mà cứ đổ hoài”. Nhưng đến năm thứ ba thì ông chứng quả A La Hán, nghĩa là khi mà bà ta biết ông nói được rồi thì bà ta cứ đem cơm đến cúng dường cho ông, rồi ông chẳng nói nữa. Suốt năm thứ ba thì ông đã chứng quả A La Hán. Ngài có làm bài kệ tán thán hạnh cũ của mình. Đó, thì các thầy nói là Thầy dạy độc cư mà các thầy mà giữ gìn đúng như vậy để chờ người ta thử như vậy. Bởi thấy nó kỳ lạ quá thì mới thốt ra nói thôi chứ còn cái chuyện mà không kỳ lạ chắc ông này không cạy miệng ổng được đâu! Cho nên ông ấy lập hạnh cũng dữ tợn lắm đó!

“Trên bờ sông Hằng

Dùng ba lá thốt nốt

 Chỉ dùng có ba lá thốt nốt thôi chứ ông ấy cũng không có dùng cái gì hết.

Ta dựng lên cho ta

Một chòi lá nho nhỏ

Bát ta là cái ghè

Dùng cúng sữa người chết

Nghĩa là ông lấy cái bát không phải cái bát như chúng mình đâu, mà là cái ghè người ta để ngoài gò mả để khi mà người ta tảo mộ đó, người ta đổ sữa vô đó để cúng người chết. Ông lấy cái đó ông làm cái bát ông ăn cơm. Các con thấy ghê gớm không? Mình thì chắc không dám đâu!

Bát ta là cái ghè

Dùng cúng sữa người chết

Còn y áo của ta

Lượm chấp từ đống rác

Suốt hai năm sống vậy

Ta chỉ nói một chữ

Nghĩa là chỉ có nói một lời với cô ta đó thôi chứ còn không có nói với ai nữa hết.

Trong khoảng năm thứ ba

Khối si ám tan tành”

Nghĩa là tất cả vô minh đã tiêu sạch hết rồi.

Đó, thì qua cái bài kệ này chúng ta thấy những bậc trong thời đức Phật có những bậc thiệt là vĩ đại thiệt chứ không phải thường đâu! Thậm chí là câm đến nỗi người ta tưởng là ông này câm thiệt, không có nói nên người ta mới thử đó, còn chúng ta chưa có gì hết, chúng ta lia lịa hết, không có còn giữ được cái chuyện gì nữa.

Qua cái hạnh này Thầy mới ghi chép lại cho chúng ta biết rằng những cái sự tu tập của chúng ta nó phải theo những cái gương hạnh. Bởi vì mình quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng mà? Mình phải quy y cho đúng các bậc Thánh Tăng chứ? Chứ không lẽ mình quy y nó không đúng các bậc Thánh Tăng thì mình nương với ai đây? Cho nên mình phải nương các bậc này, vì những bậc này chúng ta thấy tuyệt diệu, quá là tuyệt!

Bây giờ về bên phái nữ thì Thầy cũng khai triển luôn về cái phần nữ để chúng ta có những cái gương hạnh của người nữ, vì chúng ta ở đây, Tu viện chúng ta ở đây cũng có phái nữ, cho nên Thầy cũng khai triển thêm một vài vị tăng, một vài vị ni, Thánh ni.

 

CÂU CHUYỆN BÀ SHIHA

Bà được cha mẹ cho xuất gia tu hành theo Phật. Bà tu tập thiền quán nhưng không thể chặn đứng tâm tư chạy theo ngoại vật khả ý. Nghĩa là bà tuy tu vậy nhưng lòng bà cứ luôn luôn chạy theo sự ham muốn ở bên ngoài chứ không có nhiếp tâm được.

Bảy năm bị dày vò, nghĩa là bà tu tập bảy năm như vậy mà cái tâm ham muốn, cái tâm mà còn dính mắc cái này, cái kia của thế gian, còn thương mẹ, thương cha hoặc cái này kia nó vẫn còn hoài, nó không hết mà suốt bảy năm như vậy, làm sao thoát khỏi nếp sống ức nhiễm này? Bà nói cái ức nhiễm tức nó là cái thương, cái ghét, cái này, cái kia, cái nọ, ham muốn cái này cái kia, làm sao mà thoát ra được? Mà ông Phật, ông dạy mình mà tu hoài cũng không được! Nó không xả ra được, nó cứ dính hoài à! Cho nên bảy năm trời bà rất đau khổ! Ta hãy chết là tốt, bà nghĩ rằng mình đi tu như vầy mà cái tâm nó như vầy mà dẹp nó không được thì thôi chết cho rồi đi, để làm gì?

Bà cột một cái dây thòng lọng ở trên nhánh cây, đút cái cổ vào cái dây thòng lọng để thắt cổ chết cho rồi. Trong những giờ phút cuối cùng bà cố gắng triển khai thiền quán. Tức là bà đút cái cổ bà vô trong cái dây thòng lọng nhưng mà bà chưa có dám đạp cái ghế, sợ đạp nó siết họng chết đi. Cho nên lúc bấy giờ bà lúc đó bà chờ nếu mà quán mà nó không trôi được rồi, nó không xa được rồi thì bà đạp cái ghế một cái cho nó siết cái họng bà cho chết cho rồi chứ đừng có để cho nó dính dính ở trong đó nữa. Đó! các thầy thấy cái gương hạnh của người xưa kinh không? Người ta tu mà người ta thấy cái tâm nó không có dẹp được, người ta chỉ còn tìm cái chết. Mà giờ trước khi giờ chết người ta còn đem cái pháp ra để người ta tu hành coi xem cái giờ phút cuối cùng này nó ra hay không, hay nó còn dính nữa? Dính nữa thì ta đạp cái ghế cho mày đứt luôn! Đó, các con thấy cái sự tu hành của cái người xưa sao mà tuyệt quá! Họ không coi cái thân họ ra gì hết mà chỉ coi cái sự giải thoát là hơn hết!

Bà cố gắng triển khai thiền quán, trí tuệ viên mãn, nội tâm thiền quán tràn đầy, bà chứng được quả A La Hán, mở thòng lọng tức là cái dây cột cổ bà đó, bà trở về Tịnh xá. Nghĩa là bà chứng rồi đó, bà trở về Tịnh xá. Chỉ có đút cái cổ vô đó mà bà đã tu chứng, xa lìa được cái tâm thế gian tức là ly dục, ly bất thiện pháp đó. Những cái gương hạnh thiệt là tuyệt vời! Bà sung sướng, phấn khởi nói lên bài kệ:

“Không như lý tác ý

Bị dục tham ám ảnh

Nghĩa là luôn luôn lúc nào bà cũng tu tập theo lời Phật dạy mà bà không có cái Như lý tác ý ra, tức là Ám thị đó! Các thầy thấy bà sơ xuất ở chỗ Ám thị này! Ở trong này bà nói “Không như lý tác ý”, cho nên “Bị dục tham ám ảnh”, cái lòng ham muốn cái này, cái kia nó ám ảnh bà hoài mà không dứt được là do bà không có Như lý tác ý, tức là bà không dùng Pháp hướng. Còn chúng ta bây giờ hằng ngày tâm chúng ta khởi ham muốn cái gì hoặc là khởi có cái gì thì chúng ta dùng Pháp hướng chúng ta đánh bạt nó đi. Thì như vậy là chúng ta Như lý tác ý chứ gì? Còn cái này không, bà không có dùng theo cái lời Phật dạy cho nên bà nói:

Không như lý tác ý

Bị tham dục ám ảnh

 (nó cứ ám ảnh bà hoài à!)

Ta trước bị dao động

Không chế ngự được tâm

Bị phiền não chi phối

Lạc tưởng ngự trị ta

Tâm ta không thăng bằng

Bị tham tâm chi phối

Bảy năm sống ốm yếu

Da vàng, dung sắc xấu

Đêm ngày không an lạc

Ta sống chịu khổ đau

Do vậy ta lấy dây

Đi vào giữa khu rừng

Tốt hơn ta treo cổ

Còn hơn sống hạ liệt

Nghĩa là bà thấy cái tâm mà nó còn thương, còn ghét, còn ham, còn muốn này kia là cuộc sống hạ liệt, đâu phải là cuộc sống mà cao thượng đâu? Cho nên bà biết như vậy mà sao lại ly không được? Do cái chỗ bà không dùng pháp hướng, cho nên khi mà chứng rồi bà mới thấy, cái chính là do không Như lý tác ý, Như lý tác nó nó mới chính là cái chỗ để dẹp, còn bà không có dùng cái đó, cho nên bây giờ bà mới vô đầu bà nói “Không như lý tác ý” cho nên tâm bà bị tham dục, bà nhắc cho chúng ta thấy cái chỗ đó.

Bởi vì qua cái bài kệ này Thầy thấy qua những cái kinh nghiệm mà người ta nếu một người có tu, người ta nghe cái câu đó người ta biết rằng cái bà này thiếu Như lý tác ý tức là pháp ám thị, cho nên bà mới khổ sở bảy năm trời như vậy, cho nên đến chừng mà đút thòng lọng vô trong cổ đến gần chết rồi bà cứ nhắc đi nhắc lại, bà tác ý lia lịa, đến chừng đó bà xả được cái tâm của bà liền. Bà thấy đúng là pháp Như lý tác ý là cái pháp tuyệt diệu nhất chứ không có gì hơn. Đó thì, hôm nay lấy cái bài kệ này thì các thầy đã biết cái pháp nào mà các thầy tu rồi chứ gì? Cái gì mà tâm của quý vị nó khuấy động thì quý vị phải biết nó động tâm vì cái gì chứ gì, mà nó động tâm gì thì ngay ngay ngồi dậy thẳng lưng liền để mà đặt cái niệm đó trước mặt mà lấy cái pháp Như lý tác ý đó mà tát tai cho nó văng ra đi, đừng có để nó ôm ở trong bụng của quý vị thì quý vị sẽ thoát khỏi chứ gì? Cứ như vậy mà tu tập thì vô lậu nó sẽ đến với quý vị chứ có gì khác hơn?

“Còn hơn sống hạ liệt

Làm chắc dây thòng lọng

Ta cột ở cành cây

Quàng thòng lọng quanh cổ

Tâm ta liền giải thoát”

Mau không? Các thầy thấy xỏ cái đầu vào dây rồi bắt đầu ở đó mà quán, mới dùng Như lý tác ý ra, tất cả đều khổ, bây giờ có đứt cổ thì chết cũng là khổ, có nghẹt họng cũng chết cũng là khổ, cho nên vì vậy mà bà quán riết trôi ra hết tất cả, từ đó giải thoát.

 

Ðó thì, những cái gương hạnh của người tu nó gần gũi với chúng ta quá chừng, mà gần cái pháp mà Thầy dạy cho các thầy quá đỗi. Mà cái người ta không có tu tập mà người ta không có khai triển được cái gương hạnh này ra? Những cái bài kệ bà ta viết rõ ràng, bà ghi lại ở trong kinh rõ ràng như vậy, thế mà không có ai khai triển nổi ra những cái pháp tu hành này! Còn bây giờ, vì cái sự kinh nghiệm tu tập, qua cái pháp hướng mà Thầy biết đó là Ám thị chứ gì? Như lý tác ý chứ gì? Do đó Thầy khai triển ra thì đâu đâu nó cũng giống nhau như là in rập khuôn hết. Cho nên các vị đều là những bậc Thánh tăng, những bậc Thánh ni thời xưa, cũng đều là có những cái tu tập giống như mình không khác, mà người ta đạt được cái kết quả là do cái pháp hướng chứ không phải gì. Bởi vì chúng ta tu tập sai thì nó làm sao mà nó đúng được?

 

CÂU CHUYỆN BÀ PATACARA

Bây giờ Thầy nhắc đến bà Patacara, bà Patacara này là người ta còn dịch cái tên theo cái âm của người Hoa đó thì bà có gọi là cái tên là Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo, mà cái tên này thường thường chúng ta hay nghe bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo. Ở đây, cái câu chuyện của bà thì dài dòng lắm, nó không có ngắn, nhưng mà ở đây thì Thầy tóm lược lại để cho chúng ta biết để mà qua những bài kệ của bà để mà chúng ta lấy kinh nghiệm mà tu tập thôi. Khi bà đến với đức Phật với một tâm trạng đau buồn nhất, hai đứa con đã chết, chồng cũng chết, cha mẹ và đứa em trai cũng chết. Nghĩa là đồng thời trong một cái ngày hôm đó là cả một cái gia đình chết tan nát, chỉ còn một mình bà sống thôi. Đức Thế Tôn dùng kệ khuyên bà:

“Nước bốn biển ít hơn

Nước mắt của loài người”

Đức Phật nói nước bốn biển nó còn ít hơn nước mắt loài người.

“Khóc than vì đau khổ

Vậy sao ngươi hủy hoại”

Nghĩa là bà đang ở trong cảnh đau khổ, hai đứa con chết, chồng chết, rồi cha mẹ, rồi đứa em trai cũng chết, làm sao bà không khổ? Vì vậy mà đức Phật có cái bài kệ để khuyên bà, thì đức Phật ví như nước bốn biển ít hơn nước mắt của bà trong lúc này nữa, nhưng đức Phật có cái ý trách bà sao bà lại quá ngu si vậy, khóc than để mà mình tự giết hại mình, hủy hoại cái sinh mạng của mình sao? Nghe kệ xong, bà nguôi được cơn đau buồn. Bậc Đạo sư lại dạy tiếp :

“Các con, cha, bà con

Không phải chỗ nương tựa

Khi thân hoại, mạng chung

Bà con, huyết thống ngươi

Không thể che chở ngươi

Thấy được sự thật này

Kẻ trí sống giới đức

Và mau chóng thành tựu

Con đường hướng Niết Bàn”

Đó, đức Phật nói là dù mình có thương, có gì đi nữa mà khi thân hoại, mạng chung hoặc mình đau bệnh, mình già chết thì chắc chắn là bà con huyết thống của mình, những người thân, cha mẹ của mình không thay thế mình được cái điều đó đâu! Cho nên cái người trí biết thì phải sống với giới đức, giới hạnh, còn cái người không biết thì không sống với giới đức, giới hạnh thì không có thể nào mà hướng tới con đường mà Niết Bàn được.

“Và mau chóng thành tựu

Con đường hướng Niết Bàn”

Đức Đạo sư lại dạy tiếp:

“Người sống một trăm năm

Không thấy pháp sinh diệt

Tốt hơn sống một ngày

Thấy được pháp sanh diệt”

Nghĩa là Ngài khuyên như vậy để rồi Ngài cho một cái đề mục. Ngài khuyên cho bà này và an ủi được bả rồi, bả hiểu được rồi là lấy giới mà sống, khi mà sống được với Giới đức rồi thì cái người đó phải dùng cái Định vô lậu mà quán xét, quán xét cái sự vô thường, cái sự sanh - diệt của các pháp, cho nên cái bài kệ, bốn câu kệ này :

“Người sống một trăm năm

Không thấy pháp sinh diệt

Tốt hơn sống một ngày

Thấy được pháp sanh diệt”.

Chúng ta tuy là biết cái thân này nó vô thường, nó sanh - diệt liên tục ở trong này, mà chúng ta biết, hiểu như vậy mà chúng ta không sợ hãi, không có lo lắng tu hành mà cứ sống để cho nó sanh - diệt, sanh - diệt mãi.

Cho nên, coi như là sống dù một trăm tuổi mà không biết nó sinh - diệt, như bây giờ chúng ta là những người chưa biết sinh - diệt, cho nên chúng ta chưa dám ly gia đình, chưa dám bỏ của cải, chưa dám bỏ tài sản. Đó là chúng ta chưa biết pháp sinh diệt, bởi vì tất cả các pháp sinh - diệt nó đều thay đổi liên tục. Bữa nay nó là của mình, ngày mai nó là của người ta chứ còn là của mình nữa sao? Thế mà mình cứ chấp là của mình, mình cứ ôm giữ nó hoài. Cũng như bữa nay là vợ mình, ngày mai biết là vợ ai đây? Cho nên vì vậy mà mình cứ ôm nó là vợ mình không à, mà không ngờ rằng ngày mai mình chết, ngày mốt nó đi lấy thằng khác mất rồi! Mình đâu có biết được chuyện đó, vì nó là pháp sinh - diệt mà? Nó đâu có phải là thường còn được? Cho nên có ông Trang Tử ông ấy vỗ bụng ca đó, khi mà vợ ổng chết ổng đánh trống ổng vỗ: “Vợ chết trước là vợ ổng, vợ chết sau là vợ người ta”.

Rõ ràng là cái lời của ông Trang Tử nói rất đúng về pháp sinh - diệt, cho nên nó đâu có thường hằng được? Mình nghĩ là mình chết chắc vợ mình nó ở vậy nó nuôi con thôi chứ, nhưng mà sự thật ra ba bữa sau nó chờ cho mình chôn xuống mồ rồi, ba bữa sau nó đi theo thằng khác rồi. Cái điều đó là mình không ngờ được cái sự sinh - diệt đó, thế mà mình cứ ôm ấp cho mọi cái là của mình hết. Tiền của bữa nay do mồ hôi, nước mắt mình làm ra, chưa chắc gì mình đã thọ hưởng hết được, tối mình làm ra rồi mình đem cất trong tủ, tối thằng trộm nó vô nó lấy hay hoặc ăn cướp nó vô nó cạy họng, nó đánh mình u đầu, đổ máu rồi lấy ra cũng sạch. Đó là pháp sinh - diệt, nó càng đem cái sự khổ đến cho mình, cho nên ở đây đức Phật nói:

“Tốt hơn sống một ngày

Mà thấy pháp sinh diệt”.

Thấy được pháp sinh - diệt thì người ta vứt bỏ hết chứ người ta đâu có thèm nữa? Nó là rắn độc mà, nó là thú dữ mà, tại sao mình cứ huân vô để mình lấy khổ? Nó không giải thoát được! Cho nên ở đây, khi một người mà đã hiểu được Phật pháp rồi người ta rất sợ các pháp sinh diệt! Mà các pháp sinh diệt là gì? Là xung quanh chúng ta toàn là các pháp, nó luôn luôn sinh - diệt! Cho nên chúng ta phải ra khỏi, ra khỏi cho mau chứ không phải là còn một phút giây nào là đau khổ, cũng như là bây giờ Thầy còn cái thân này nè tức là Thầy còn đau khổ chứ? Bữa nay nó không đau nhưng ngày mai nó đau.

Suốt cái thời gian mà Thầy giảng cho quý thầy, quý thầy thấy Thầy cũng mệt nhọc, cũng khổ sở, cũng đủ thứ hết, cũng nhức đầu, cũng mệt cái này, cũng mệt cái kia chứ đâu phải, đó là cái pháp sinh - diệt mà làm sao mà bảo nó đừng làm cái chuyện đó được? Cho nên bỏ nó là chúng ta khỏe, vì vậy mà bỏ nó tức là Thầy được giải thoát hoàn toàn, cho nên đâu có thiết gì cái thân này mà phải trường thọ làm gì?

Khi nghe kệ xong, bà đặt cái pháp trạch pháp đó, bà lấy các pháp vô thường sinh diệt, bà đặt thành một cái pháp hướng, cho nên từ đó bà quán cái pháp hướng đó mà bà tu tập cái Định vô lậu, bà chứng được quả A La Hán liền tức khắc. Các thầy thấy chưa, nội cái ông Phật, ông cho bốn cái câu kệ này là bà ấy đã biết được đó là cái pháp hướng của bà rồi. Còn chúng ta nghe cái câu kệ này chứ chưa biết đâu, phải không? Nhưng mà Thầy giải thích ra thì quý thầy biết đây là một cái pháp hướng trạch ra cái câu này, tức là ông Phật ông ấy biết không có thế nào mà không dạy cho cái bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo này mà hiểu được cái pháp hướng này thì chắc là không hết cái lậu hoặc của bà ta đâu! Cho nên ông Phật tiếp thêm cho bà cái câu trạch pháp ra, cái câu pháp hướng.

“Người sống một trăm tuổi

Không thấy pháp sinh diệt

Tốt hơn sống một ngày

Thấy được pháp sanh diệt”.

Do đó bà đặt cái câu này ra bà làm cái trạch pháp của bà, thì hằng ngày bà dùng cái đó mà quét sạch cái tâm vô lậu của bà, cho nên bà chứng quả A La Hán. Sau khi bà chứng quả A La Hán rồi thì bà cũng có làm một cái bài kệ nói lên cái chỗ tu tập của mình:

”Với cày, cày ruộng đất

Gieo hạt giống trên đất

Loài người được tài sản

Nuôi dưỡng vợ và con

Sao ta giới đầy đủ

Làm theo Đạo sư dạy

Lại không chứng Niết Bàn?

Không sợ, không dao động

Khi ta đang rửa chân

Làm cho dòng nước chảy

Thấy được nước rửa chân

Từ cao chảy xuống thấp

Nhờ vậy tâm ta được định

Như ngựa hiền khéo luyện”.

Đó, thì khi mà đức Phật khuyên bà để cho bà không có buồn khổ, rồi khuyên bà để bà thấy rằng các pháp thế gian không phải là chỗ nương tựa như cha mẹ, anh em, huyết thống gì đó, không phải là chỗ nương tựa, của cải, tài sản cũng không phải là chỗ nương tựa, nhưng mà bà cứ bà tu hoài mà sao bà thấy rằng giới luật của Phật giảng cho bà như vậy, bà giữ giới luật như vậy. Bởi vì trong cái bài kệ trước thì quý Thầy thấy có cái chỗ “Kẻ trí sống giới đức” đó, cho nên bà giữ gìn giới đức của Phật dạy, cái giới nào bà cũng giữ rất là nghiêm chỉnh, nhưng mà bà thấy sao mình lại không chứng Niết Bàn? Làm theo lời Đạo sư dạy lại không chứng được Niết Bàn, mà tâm thì không sợ, không dao động, không có buồn lo nữa mà sao vẫn không chứng?

Một hôm đó bà được đức Phật cho cái bài kệ tiếp bà cũng chưa hiểu nữa. Cho nên bây giờ hôm đó bà đang rửa chân, bà rửa chân, rồi bà thấy cái dòng nước mà nó chảy xuống, rồi thấy được nước rửa chân từ trên cao mà nó chảy xuống thấp, “Nhờ vậy tâm ta định”, nghĩa là trong lúc đó bà mới nhớ lại câu kệ này, tức là cái dòng nước nó chảy hoài, chảy hoài thì bà nghĩ rằng nó chảy hoài tức là vô thường chứ gì? Đó, thì các pháp sinh - diệt đó nó không còn cái chỗ mà một mực nữa, cho nên từ đó mà bà mới ngộ được bốn cái câu ở bài kệ trên, do đó bà mới đặt nó thành một cái câu thiền quán vô lậu của bà để cho bà quét sạch những lậu hoặc. Nhờ cái thực hiện rửa chân rồi bà, bởi vì đức Phật nói mà bà chưa có hiểu, bà chưa có thấu đạt cái lý đó, từ cái chỗ bà rửa chân, bà thấy nước nó chảy xuống, chảy xuống mà nó không có chảy lại được, do đó bà mới thấy à cái dòng nước là cái dòng các pháp sinh - diệt, cho nên bà ngộ được rồi. Bà ngộ được rồi thì cái tâm bà nó được định tỉnh rồi, được định tỉnh rồi thì bà mới như thế nào để cho tiếp tục trên con đường tu hành của bà.

“Rồi ta cầm cây đèn

Bước vào ngôi Tịnh xá

Nằm trên chiếc giường nhỏ

Ta nhìn, quán ngọn đèn

Rồi ta lấy cây kim nhỏ

Dìm tim đèn xuống dần

Thấy cây đèn Niết Bàn

Tâm ta được giải thoát”.

Như vậy là như thế nào? Bây giờ cái ngọn đèn nó như thế này, đang cháy ngọn lửa đó, bà lấy cái kim bà đè cái tim đèn cứ dần dần xuống thì ngọn lửa cứ nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi cái tim nó bị lún sâu quá và ngọn đèn nó tắt đi, thì bà thấy ngay đó là cái dòng sinh - diệt nó đã hết rồi. Các thầy thấy, đó là qua cái kinh nghiệm tu hành của người ta, quán xét từng chút để người ta thấy được cái tâm của người ta thay đổi từng chút từng chút ở trong cái sự quán xét của Định vô lậu nó như vậy. Còn mình ngồi quán quán gì thì mình cũng chẳng biết gì hết, còn người ta rất là vi tế ở trên cái sự tu tập của người ta để người ta quán xét được cái chỗ tu tập đó. Đó là những cái bài kệ qua những cái kinh nghiệm tu tập rất là vi tế khi mà chúng ta tu Định vô lậu. Chúng ta phải xét từng chút, nếu chúng ta cứ đặt một cái câu rồi chúng ta quán thường nó thì không có nhằm nhò gì hết.

Cho nên Thầy nói Thầy ngồi ở trên núi, ở trên cái Hòn Sơn đó, Thầy ngồi mà Thầy dùng những cái sự quan sát những loài chúng sanh, Thầy thấy như thế này, thế khác, nó làm cho tâm của Thầy nó mới có khởi lên cái lòng thương yêu đối với chúng sanh sâu sắc. Còn các thầy không chịu ngồi quan sát thì làm sao các thầy có lòng thương yêu đó được? Cho nên, ở đây chúng ta muốn vô lậu thì chúng ta phải quan sát tất cả những sự kiện thay đổi, mà những sự kiện thay đổi đó nó làm cho chúng ta sâu ở trong cái chỗ pháp, cho nên chúng ta mới chứng được cái lý vô thường. Còn các thầy cứ nghe Thầy nói câu nào viết đó, rồi cứ nhai đi nhai lại cũng như nhai bã mía vậy thì thôi thôi nó có vô thường gì được? Các thầy hiểu điều đó không?

Cho nên Thầy mới thấy bà Hoa Ni Sắc Tỳ Kheo này thiệt là hay à! Cái bài kệ này thật là tuyệt diệu, nó ở trong cái hành động để mà phá vỡ cái lậu hoặc. Nếu mà không đem cái bài kệ này giảng cho quý thầy thì chắc chắn là quý thầy cũng nhai lại bã mía của Thầy thôi chứ không có gì khác hơn, nhai hoài mà lậu hoặc nó vẫn còn, cũng vẫn còn nhớ nhà nhớ cửa, cũng còn nhớ này kia mà nó không hết. Đó, đến đây là chúng ta đã qua những cái gương hạnh của Thánh Tăng và những bậc Thánh ni.

***

Nguồn: https://sites.google.com/site/61cuonbang/giai-doan-2/bang-so-19-cau-chuyen-cac-bac-thanh-tang-thanh-ni-gioi-hanh-va-gioi-duc

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Loài người có bớt ngạo mạn?


Một bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh
Đáng đọc và suy ngẫm.
Chúng ta chỉ tồn tại trong một hơi thở.
Loài người có bớt ngạo mạn?
VietnamNet | 11/04/2020.
Những ngày cách ly toàn xã hội, tôi, bạn và chúng ta có quãng đời sống chậm để nghĩ về bản thân, về kiếp người và số phận mong manh trước thiên nhiên gần gũi hiền hòa mà bí ẩn, dữ dội.
Mỗi người hãy hòa mình vào dân tộc, nhân loại. Loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên.
Con người chớ ngạo mạn đến mức khùng điên làm chúa tể của muôn loài không chế, thống trị chúng sinh, mà không biết sống hòa nhập hòa bình trong sinh thái cân bằng.
Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Hà Nội mùa dịch Covid - 19. Mấy hôm nay bầu trời nặng trịch. Âm u. Và vắng lặng!
Phố phường, hầu như cửa hàng đóng cánh, cửa hiệu cài then, không một bóng người.
Chẳng ai muốn cái vắng lặng, hiu hắt này; nhưng là cái vắng để sinh tồn cần thiết cho một đất nước, mỗi người, mỗi gia đình.
Cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội phòng chống dịch Covid 19. “Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Mọi người tự giác ở nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. 14 ngày cách ly toàn xã hội, tôi, bạn và chúng ta có quãng đời sống chậm để nghĩ về bản thân, về kiếp người và số phận mong manh trước thiên nhiên gần gũi hiền hòa mà bí ẩn, dữ dội.
Có thể tôi bớt kiêu ngạo phần nào, hoặc hết hẳn, và bạn trở nên khiêm tốn bất ngờ.
***
Con người, như ai đó tự nhận là chúa tể của muôn loài, như ai đó tự phong là quyền năng của vạn vật. Quả thật!
Con người là động vật cao cấp, tiến hóa đến mức bộ óc biết nghĩ, đi được bằng hai chân, dùng hai tay để lao động.
Con người biết thuần hóa động vật hoang dã bắt trâu bò đi cày, lừa ngựa kéo xe, chó giữ nhà.
Đến cả chúa sơn như sư tử cũng bị con người nhốt vào cũi, khỏe như voi nhổ cả cây, đạp nát cả cánh rừng cũng bị sai khiến săn bắt đồng loại, hoặc xích vào chuồng đặt trong công viên giải trí cho trẻ con trêu chọc.
Loài người bị trả giá, con người có bớt ngạo mạn?
Con người giỏi dang đến mức ở đầu dây chuyền sản xuất là con lợn sống ngoay ngoảy kêu eng éc, con bò rống thảm thiết, thì ở cuối dây chuyền nó đã biến thành các hộp thịt, đem khui ăn được ngay.
Đáy biển sâu cũng có tầu ngầm nguyên tử lặn xuống nửa cây số khám phá.
Mặt trăng xa xôi cách trái đất khoảng 384.400 km mà Neil Armstrong lái phi thuyền đổ bộ cách đây hơn nửa thế kỷ.
Chinh phục thiên nhiên.
Khám phá thiên nhiên.
Cải tạo thiên nhiên.
Đấu tranh với thiên nhiên hung dữ...
Toàn là các mỹ từ mạnh mẽ biểu hiện khát vọng chiến thắng.
Không nghĩ loài người chỉ là một trong vô số loài được Mẹ Thiên Nhiên nuôi dưỡng, ôm ấp, chở che, bao bọc.
Không ai thống kê hết hàng triệu ha rừng trên địa cầu chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện.
Màu xanh biến mất, màu trắng hiện lên. Đập Tam Hiệp - Trung Quốc sản sinh gần 100 tỉ kwh thì cũng nhấn chìm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.600 làng, và làm cho 1,43 triệu người dân phải rời bỏ quê cha đất tổ.
Còn hàng ngàn điểm di tích lịch sử và một tiểu vùng văn hóa biến mất, hậu quả sẽ ra sao thì chỉ có trời mới biết.
Bao nhiêu quốc gia trên quả đất đáng thương này hân hoan với dòng bạc trắng thì rừng xanh biến mất?
Dời non lấp biển.
Độ đá vá trời.
Bắt nước chảy ngược.
Thay trời làm mưa.
Toàn là những cụm từ thể hiện khát vọng lớn bắt thiên nhiên khuất phục.
Không nghĩ nổi loài người chỉ là một chủng loài nhỏ bé chỉ cần địa cầu hắt hơi, sổ mũi thì cũng nháo nhác, hoảng loạn.
***
Có người ví von một cách sinh động rằng:
Con người có thế ăn bất cứ mọi con vật có bốn chân, trừ bốn chân ghế.
Con người có thể ăn tất cả mọi chim chóc có hai chân, trừ hai chân thang.
Các cụ xưa ví “Miệng ăn, núi lở”, “Ăn sạt nghiệp”... Rắn độc cũng bị bắt nhét vào bình rượu ngâm.
Hổ báo, hươu, nai, gấu, khỉ, trăn,... cũng thành món nhậu, cũng nấu thành cao.
Rừng thì kiệt quệ xơ xác. Biển thì cạn kiệt cá tôm, nhiễm độc.
Chúng ta chỉ biết đào bới, xúc, móc, moi từ ruột trái đất tài nguyên khoáng sản để tiêu xài, phục vụ đời sống hiện tại.
Tài nguyên khoáng sản cạn dần, cũng có nghĩa là chúng ta đang tiêu xài hết phần của cha ông để lại, và cũng ăn luôn phần kế thừa của con cháu mai sau.
Con người kiêu ngạo làm chúa tế muôn loài, được quyền sinh quyền sát, quyền cho tồn tại loài này, quyền cho tuyệt diệt giống kia.
Con người bạc đãi thiên nhiên, coi thường vạn vật.
Sự thực thì con người mới tội nghiệp và đáng thương.
Còn đáng thương hơn cả những con hổ đã vào nồi nấu cao, con rắn bị ngâm trong bình rượu.
Ra sức khai thác rừng đến kiệt quệ, đánh bắt vét đến con đòng đong, cân cấn ở sông ngòi, hồ biển.
Những cánh rừng xanh bị tàn phá.
Những chủng loài động vật bị tuyệt diệt.
Những loài dã thảo mất tăm tích...
Để rồi, ngày lại ngày con người với bộ mặt bạc phếch, hối hả, vội vàng, gấp gáp mưu sinh, sáng chui ra, tối chui vào các khu nhà bê tông cốt thép.
Con người đang sống trong môi trường mất cân bằng sinh thái.
Loài người đang sống trên quả địa cầu tróc lở, nham nhở, xơ xác, đau thương.
Con người đốt rẫy làm nương, đốn cây cổ thụ, phá rừng làm cho không biết bao nhiêu đồi núi trọc lốc.
Khai thác, bòn vét rừng xơ xác, rồi lại hò nhau đi trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn.
Tàn phá màu xanh, khoanh đất làm công nghiệp đùn khói và khí độc lên trời, đổ chất thải rắn ra môi trường, bơm chất thải lỏng ra sông ngòi, biển hồ rồi lại hò nhau chống biến đổi khí hậu, làm trong sạch môi trường.
Tự đầu độc nguồn nước, không khí, phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng lên rau cỏ, trộn thuốc tăng cân vào thức ăn cho lợn gà; rồi lại chi tiền nghiên cứu khoa học điều chế thuốc chống ung thư, gút, tim mạch, tiểu đường...
Nhấn chìm các di sản văn hóa lịch sử xuống lòng hồ, bán cổ vật, phá đình chùa, lại căng lễ hội, rồi lại kêu nhau xây dựng môi trường văn hóa.
Quên gốc, sống gấp gáp, chạy theo kinh tế, lối sống hưởng thụ, tranh dành cấp chức, thoán đoạt lợi ích, tước mạng sống của nhau; rồi lại kêu gọi sống chậm, chống văn hóa xuống cấp, chống thói vô cảm, thờ ơ, cá nhân vị kỉ.
Chiến tranh vũ tranh, chiến tranh thương mại, chiến tranh sinh học, quyết định sinh mệnh, áp đặt các quốc gia, dân tộc nhỏ..., rồi các cường quốc lại ngồi với nhau bàn giải pháp hòa bình, xây dựng trái đất thành ngôi nhà chung
Dường như cái gì con người cũng làm được. Chúa tể của muôn loài mà.
Nhưng, đến loài virus thì dường như loài người khốn đốn.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 14h ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), số người tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới 95.766 người, số ca nhiễm tăng lên 1.605.277, số ca bệnh nặng và nguy kịch là 49.145.
Nước Mỹ hùng mạnh với tầu vũ trụ lên mặt trăng, tầu ngầm vượt đại dương, tên lửa vượt châu lục, quốc gia giàu nhất thế giới nhưng cũng bị virus Covid làm cho thất điên bát đảo.
Nước Ý xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải thì hơn 18. 000 người chết. Phi thuyền, tầu ngầm, tên lửa hạt nhân,... dường như không địch nổi những con virus vô hình và biến đổi chủng loại không lường.
Các nền kinh tế thị trường hùng mạnh cũng bị khủng hoảng. Giá dầu lao dốc. Hơn 10 triệu người lao động ở Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đang điên đảo bởi những con Covid vô hình.
“WTO dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh hơn nhiều so với mức 12,6% của khủng hoảng 2009”
Virus Covid 19 không từ một ai, từ công dân hạng bét đến thượng lưu quý tộc.
Thái tử Charles con trai cả Nữ hoàng Elizabeth II, người kế vị ngài vàng nước Anh cũng dương tính virus corona. Phó tổng thống Iran và hàng hoạt quan chức cao cấp của đất nước tấm thảm bay cũng nhiễm Covid từ đầu tháng 3.
Mới nhất, Covid đã kịp làm cho ông Matt Hancock - Bộ trưởng Y tế Anh và ngài Boris Johnson - Thủ tướng Anh dương tính virus corona phải tự cách ly.
Loài người bị những virus vô hình quật cho tơi bời, chẳng biết về sau có ngạo nghễ coi mình là Chúa tể của muôn loài với cái nghĩa quyền sinh quyền sát không.
Chưa bao giờ tiềm năng, sức mạnh cũng căn tính dân tộc yếu kém của các quốc gia hiển lộ, phơi bày như “chiến tranh chống virus Covid” hiện nay.
Chính phủ, quốc gia nào chủ quan, bỏ qua thời cơ vàng, thụ động chống dịch thì bị trả giá nặng nề.
Chính phủ, quốc gia nào chủ động tổ chức phòng chống ngay từ đầu, quyết liệt thì bớt đau thương.
Chủng loài virus corona mới này đến từ đâu, mà cả gan xâm lược đánh phá loài người?
Dĩ nhiên, chúng không đến từ hành tinh khác. Chúng đến từ trái đất.
Cuộc chiến này không phải “chiến tranh giữa các vì sao”, mà trận tuyến là hai giống loài trên địa cầu này:
Con người và virus Covid. Giặc Covid lại bình đẳng gây bệnh cho bất cứ cá thể nào, quốc gia nào.
Chúng không ưu ái nước lớn, mà cũng chẳng bạc đãi nước nhỏ.
Trong cuộc chiến này, các cường quốc không có quyền áp đặt luật chơi với virus Covid, như đã từng áp đặt, chia chác lãnh thổ, tài nguyên trên lưng nước nhỏ.
***
Giặc Covid đang áp đặt luật chơi cho loài người, và đã thấy rõ con người mới yếu ớt, mỏng manh, nhỏ bé biết bao.
Trong cuộc chiến này, nếu muốn lật ngược thế cờ, đẩy giặc virus Covid ra khỏi cơ thể, dập dịch thành công ở mỗi quốc gia, nhân loại, thì con người phải nghĩ đến con người.
Cá nhân nghĩ đến mình, những cũng phải nghĩ đến mọi người.
Chỉ cần Covid đục thủng phòng tuyến ở một người, và người đó chủ quan, vô tình, tiếp xúc vô tội vạ, không cách ly toàn xã hội, thì đội quân virus sẽ tràn lan cả cộng đồng, cả quốc gia.
Chỉ cần Covid xâm nhập vào một quốc gia, nhưng quốc gia ấy và các quốc gia khác không phong tỏa, lơ là phòng chống, thì đại dịch sẽ hoành hành, tàn phá khắp hành tinh.
Mỗi người hãy hòa mình vào dân tộc, nhân loại.
Loài người hãy hòa nhập với thiên nhiên.
Không phá đi rồi xây.
Không hủy diệt rồi nuôi trồng.
Không đối đầu.
Không đối nghịch. Không đối kháng.
Con người phải đặt trong môi trường sinh thái của thiên nhiên, chung sống hòa bình với vạn vật.
Một con voi, con hổ, hay con sâu cái kiến, một loài côn trùng, một loại vi khuẩn, một chủng virus nào đó cũng có vị thế trong vũ trụ của Tạo hóa.
Con người chớ ngạo mạn đến mức khùng điên làm chúa tể của muôn loài không chế, thống trị chúng sinh, mà không biết sống hòa nhập hòa bình trong sinh thái cân bằng.
***
Nhận thức lại về thiên nhiên và giống loài trên trái đất để ứng xử là một điều cần thiết.
Hy vọng nhân loại sẽ đi qua đại dịch Covid 19. Sau bão giông, trời lại sáng.
Những cánh rừng lại xanh.
Ngựa, dê, hổ báo nô đùa với con người.
Chim chóc đậu nơi cửa sổ nghiêng ngó đầu nhìn đôi vợ chồng trẻ sau một đêm nồng nàn đang ngủ nướng.
Nắng mới tràn mọi ngõ ngách!
Cuộc sống thường nhật an lành sẽ lại về trong hạnh phúc bình dị.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh.
***
Ước nguyện: Chúng ta cùng học đạo đức làm người: “sống không làm khổ mình, khổ người, và không làm khổ tất cả chúng sinh”.