Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Những vì sao lấp lánh


Những vì sao lấp lánh
Soi gì trong đêm sâu
Lung linh đôi mắt đẹp
Ngỡ nàng tiên nhiệm mầu 

Những vì sao lấp lánh
Đứng im không tìm nhau
Để lòng đêm trống trải
Bâng khuâng mối tình đầu. 

Những vì sao lấp lánh
Soi gì trong đêm thâu
Con đường xa phía trước
Bao nhiêu nỗi âu sầu 

Những vì sao lấp lánh
Sáng riêng một góc trời
Mây buồn trôi xa mãi
Con đường giờ chia hai. 

Những vì sao lấp lánh
Lặng im không nói cười
Suốt một đời lấp lánh
Giữa bao la bầu trời. 
     Tháng 7/2006

108 Câu tự tại


108 Câu tự tại (Phần I)

Thiền sư Thánh Nghiêm là một hòa thượng nổi tiếng Đài Loan sáng lập ra đoàn thể Phật giáo Pháp Cổ Sơn (Ngọn núi có trống Phật pháp). Ngài viên tịch năm 2009, năm mà tôi bắt đầu sang Đài Loan học tập. Tôi may mắn được một lần đến tham quan đại bản doanh Pháp Cổ Sơn ở Đài Bắc của ngài, ngoài ra còn có dịp tham quan nhiều ngôi chùa nhỏ khác cũng thuộc đoàn thể Phật giáo này. Thiền sư Thánh Nghiêm chủ trương Thiền – Tịnh song tu, muốn biến cảnh thế gian thành Cực Lạc tại thế, phát nguyện rộng độ hết tất cả chúng sanh thành Phật.
 Một lần, tôi cùng gia đình chú Trần đạp xe đến tham quan một thiền viện nhỏ của ngài ở huyện Đào Viên. Tôi được sư cô ở đó tặng cho một quyển sách nhỏ do ngài viết lúc còn sống có tên là “108 câu tự tại”. Về nhà đọc đi đọc lại thấy nội dung hay và thiết thực với cuộc sống, có ý nghĩa giáo dục con người hướng thiện cao, nên tôi dịch lần lần và đăng trên Blog này để chia sẻ với bạn đọc.

Thiền sư Thánh Nghiêm

 Chương I. Nâng cao nhân phẩm:
1. Thứ cần dùng không nhiều, thứ muốn dùng rất nhiều.
2. Biết ơn báo ơn làm đầu, lợi người cũng là lợi mình.
3. Tận tâm tận lực làm đầu, không tranh ta người nhiều ít.
4. Từ bi không có kẻ địch, trí tuệ không sinh phiền não.
5. Người bận thời gian nhiều nhất, cần lao sức khỏe tốt nhất.
6. Người bố thí có phước, người hành thiện an vui.
7. Tâm lượng cần phải lớn, tự ngã cần phải nhỏ.
8. Chỉ có buông xuống, mới có thể cầm lên. Cầm buông tự nó như như, mới là người tự tại.
9. Biết người biết ta biết tiến thoái, mỗi thời thân tâm đều bình an; biết phước tiếc phước vun cội phước, mọi chốn đều kết được duyên lành.
10. Cầm lên được thì buông xuống được, mỗi năm cát tường như ý; dùng trí tuệ trồng ruộng phước, mỗi ngày đều là ngày tốt.
11. Thân tâm thường thảnh thơi, gặp người môi nở nụ cười; thảnh thơi khiến thân tâm chúng ta mạnh khỏe, luôn nở nụ cười dễ kết giao tình hữu nghị với nhau.
12. Lời nói đến cửa miệng nên nghĩ lại, trước khi nói chuyện cần lắng lại một chút, không phải không nói, mà cần phải thận trọng lời nói.
13. Trong cuộc sống, đừng ngại rèn luyện cách nghĩ: “Có được, rất tốt; không có được, cũng chẳng sao”, như thế có thể chuyển khổ thành vui, khiến cho cuộc sống tự tại hơn.
14. Bốn điều “an”: an tâm, an thân, an gia, an nghiệp.
15. Bốn điều “được”: cần phải được, muốn được, có thể được, nên được.
16. Bốn điều “cảm”: cảm ân, cảm tạ, cảm hóa, cảm động.
17. Bốn điều “nó”: đối diện nó, tiếp nhận nó, xử lý nó, buông xả nó.
18. Bốn điều “phước”: tri phước, tiếc phước, bồi phước, trồng phước.
19. Có thể cần, đáng cần mới là cần; không thể cần, không đáng cần tuyệt đối không cần.
20. Biết cảm ơn có thể khiến chúng ta trưởng thành, biết báo ơn có thể khiến chúng ta thành tựu.
21. Cảm ơn đã cho chúng tôi cơ hội, thuận cảnh hay nghịch cảnh đều là ân nhân.
22. Gặp phải điều tốt, cần vui theo, khen ngợi, cổ vũ, nhất là tự dặn lòng học theo.
23. Phê bình ít, khen ngợi nhiều, đây là cách tốt để tránh tạo khẩu nghiệp.
24. Tâm bình thường chính là tâm tự tại nhất, thảnh thơi nhất.
25. Vững chải bước một bước chân, còn hơn nói một trăm câu hoa lệ mà trống rỗng.
26. Biết khuyết điểm của mình càng nhiều, tốc độ trưởng thành sẽ càng nhanh, niềm tin đối với bản thân cũng ngày càng kiên định.
27. Nghe nhiều xem nhiều ít nói chuyện, nhanh tay nhanh chân chậm xài tiền.
28. Chỉ có thể nghiệm qua cảnh ngộ gian khổ, mới có lòng phấn đấu tinh tấn.
29. Bền bĩ vững chải làm người, tấm lòng cần phải rộng lớn; ổn định vững chắc làm việc, tầm nhìn cần phải sâu rộng.
Chương II. Việc hưởng thụ
30. Bận mà không lộn xộn, mệt mà không suy sụp.
31. Bận sao cho khoan khoái, mệt sao cho vui vẻ.
32. Bận – không sao cả, miễn không ưu phiền là được.
33. Lảm việc cần tháo vát nhưng không cần cuống quýt, thân tâm cần thư thả chứ không cần căng thẳng.
34. Nên bận làm việc một cách nhanh nhẹn có trật tự, không cần phải khẩn trương để câu thời gian.
35. Không nên lấy phú quý bần tiện để bàn luận về thành bại được mất của người khác, mà nên đánh giá bằng sự tận tâm tận lực để làm lợi mình lợi người.
36. Người đảm trọng trách hay bị oán ghét, người chăm làm việc ắt bị phê bình; gặp oán ghét phải có lòng từ nhẫn, trong lời phê bình của người tìm thấy ngọc vàng.
37. Gặp điều gì cũng an vui, gặp việc gì cũng làm hết mình.
38. Ba điều thành công: tùy thuận nhân duyên, làm chủ nhân duyên và sáng tạo nhân duyên.
39. Thấy có cơ duyên thì nắm chặt, không có cơ duyên thì tạo dựng, cơ duyên chưa chín muồi không nên miễn cưỡng.
40. Thăng trầm lên xuống của đời người đều là kinh nghiệm để trưởng thành.
41. Dùng trí tuệ để xử lý việc, dùng từ bi để quan tâm người.
42. Lấy trí tuệ mỗi thời sửa ngay lệch lạc, lấy từ bi mỗi nơi giúp ích cho người.
43. Lòng từ bi càng lớn, trí tuệ sẽ càng cao, phiền não do đó sẽ càng ít.
44. Đối diện với nhiều tình huống, chỉ cần dùng trí tuệ để xử lý việc, lấy từ bi để đối đãi người, mà không bận tâm sự lợi hại được mất của chính mình, như thế sẽ không có phiền não.
45. Tâm theo cảnh chuyển là phàm phu, cảnh theo tâm chuyển là thánh hiền.
46. Vịt to bơi thành đường lớn, vịt bé bơi thành đường nhỏ, không bơi thì không có đường.
47. Núi không dời được thì đường dời, đường không dời được thì người dời, người không dời được thì tâm dời.
48. Tinh tấn không có nghĩa là làm thục mạng, mà là nỗ lực không nài.
49. Thuyền qua dòng nước không dấu vết, chim bay không lưu lại ảnh, thành bại được mất không làm dậy khởi ba động trong lòng, đó mới là bậc tự tại giải thoát đại trí tuệ.
50. Thuận tiện cho người cũng chính là thuận tiện cho mình.
51. Cam lòng chịu lỗi trước mọi người, đó là người nhân; chịu nhục giấu giếm lỗi lầm mình, đó là người ngu xuẩn.
52. Áp lực thường đến từ chỗ quá để ý đến sự vật bên ngoài thân mình, đồng thời cũng quá chú ý đến lời bình luận khen chê của người khác.
53. Lấy lòng cảm ơn, lấy lòng báo ơn, để làm công việc phục vụ người khác, sẽ không cảm thấy mỏi mệt và suy sụp.
54. Tùy lúc tùy nơi lòng luôn cảm kích, lấy tài lực thể lực trí lực tâm lực để phụng hiến cho tất cả mọi người.
Chương III. Đời sống bình an
55. Ý nghĩa của cuộc sống là phục vụ, giá trị của đời người là cống hiến.
56. Mục tiêu của đời người là đến thọ báo, phát nguyện và hoàn nguyện.
57. Giá trị của đời người không phải ở thọ mạng dài ngắn, mà ở chỗ đã cống hiến nhiều hay ít.
58. Quá khứ đã thành hư huyễn, tương lai vẫn còn là mộng tưởng, nắm chắc hiện tại là quan trọng nhất.
59. Không nên luyến tiếc về quá khứ, không cần phải lo lắng cho tương lai, hãy vững chắc ở hiện tại, bạn sẽ an vui trong quá khứ lẫn tương lai.
60. Trí tuệ không phải là kiến thức, không phải là kinh nghiệm, cũng không phải là tư biện, mà chính là thái độ siêu việt tự ngã.
61. Làm người tích cực là muôn phần khiêm tốn; tự ngã càng lớn thì bất an càng nhiều.
62. Người thượng đẳng an tâm ở đạo, người trung đẳng an tâm ở việc, người hạ đẳng an tâm ở danh lợi vật dục.
63. Bạn là người có thân phận như thế nào, thì hãy làm những sự việc đúng với thân phận đó.
64. Trong lúc an định hài hòa, hãy nắm chắc giây phút tuyệt vời của ngày hôm nay để bước ra ngày mới tốt lành.
65. Lo lắng là sự khổ sở dư thừa, dụng tâm là động lực của sự an toàn.
66. Tài sản như nước chảy, bố thí giống như đào giếng. Giếng càng sâu, nước càng nhiều; bố thì càng nhiều, tài sản sẽ càng lớn.
67. Đối diện với cuộc sống cần có: “chuẩn bị điều tốt nhất và dự tính điều xấu nhất”.
68. Chỉ cần còn một hơi thở, là có vô hạn hy vọng, đó là tài sản lớn nhất.
69. Người cứu khổ cứu nạn là bồ tát, người chịu khổ chịu nạn là đại bồ tát.
70. Ba nguyên tắc vượt ra khỏi sinh lão bệnh khổ: sống sao cho vui vẻ, bệnh sao cho mạnh khỏe, bệnh sao cho có hy vọng.
71. Ba nguyên tắc vượt lên trên cái chết: không tìm đến cái chết, không nên sợ chết, không cần đợi chết.
72. Cái chết không phải hỷ sự, cũng không phải tang sự, mà là một Phật sự trang nghiêm.
73. Mỗi đứa con đều có thể là một bồ tát nhỏ giúp đỡ cha mẹ thành tựu.
74. Đối với thanh thiếu niên, cần quan tâm chứ không cần lo lắng, cần dạy dỗ chứ không cần khống chế, dùng thương lượng chứ không dùng quyền uy.
75. Con cái biết thương bạn, thay vì lo lắng cho nó, bạn hãy chúc phúc đi!
76. Vợ chồng có quan hệ luân lý, chứ không phải quan hệ “luận lý”.
77. Không vứt rác bừa bãi, tùy lúc mà nhặt sạch rác, đều là làm việc công đức.
78. Nhãn quang là trí tuệ của bạn, vận khí là phúc đức của bạn.
79. Cái yêu thích thì muốn chiếm hữu, cái ghét khinh thì thì muốn trừ bỏ, lo được lo mất, phiền não theo đó mà đến.
80. Người thường biết thiểu dục tri túc, mới là người giàu có không sự thiếu thốn.
81. Tâm không bình an là nỗi khổ thật sự, bệnh đau của thân thể chưa chắc là đã khổ.
82. Nếu biết rõ tâm không bình an là việc khổ, thì hãy nhanh gấp trì niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát” để an tâm.
83. Cái có được ở hiện tại mới là cái tốt nhất, có càng nhiều mà không biết đầy đủ, thì cũng giống như kẻ nghèo khổ mà thôi.
84. Không nên dùng sự kìm nén để khống chế cảm xúc, tốt nhất là dùng quán tưởng, dùng Phật hiệu, dùng cầu nguyện để hóa giải cảm xúc.
Chương IV. Hạnh phúc nhân gian
85. Lời hay mọi người cùng nói, việc tốt mọi người cùng làm, vận may mọi người cùng chuyển.
86. Mọi người nói lời hay, mọi người làm việc tốt, mọi người chuyển vận tốt.
87. Mỗi người mỗi ngày nói nhiều một câu nói hay, làm nhiều một việc làm tốt, tất cả điều tốt nho nhỏ, sẽ hợp thành điều tốt to lớn.
88. Việc gấp cần làm, việc đang cần người làm, ta đến làm thôi!
89. Ta hòa người hòa, tâm hòa miệng hòa, vui vui vẻ vẻ có hạnh phúc.
90. Trong hòa ngoài hòa, nhân hòa duyên hòa, đó là chân bình an tự tại.
91. Tự cầu tâm an thì có bình an, quan tâm người khác thì có hạnh phúc.
92. Nhân phẩm giống như tài sản, dâng hiến giống như tích lũy.
93. Phụng hiến tức là tu hành, an tâm tức là thành tựu.
94. Có nhiều không nhất định khiến con người cảm thấy đầy đủ; có ít không nhất định khiến con người thêm thiếu thốn.
95. Hiện tại đạt được là do quá khứ đã tạo, tương lai đạt được là do hiện tại đã tạo.
96. Người tốt không tịch mặc, người thiện vui vẻ nhất, mọi lúc mọi nơi giúp người lợi ta, mọi lúc mọi nơi bạn hạnh phúc nhất.
97. Nếu muốn quan hệ với mọi người được tốt đẹp, thì cần phải mở lòng thật lớn, rộng tiếp nạp người, rộng bao dung người.
98. Chỉ cần tâm thái của mình thay đổi, hoàn cảnh cũng theo đó mà thay đổi, trên đời này không có cái gì tuyệt đối tốt hoặc xấu.
99. Đạo xử sự giữa người với người, cần phải cảm thông, cảm thông không được thì thỏa hiệp, thỏa hiệp không được thì bạn hãy tha thứ và nhẫn nhịn nó.
100. Cái lớn cần phải biết bao dung cái nhỏ, cái nhỏ cần phải thấu hiểu cái lớn.
101. Dùng toàn tâm toàn ý để quan tâm gia đình, dùng tất cả sự sống để quan tâm sự nghiệp.
102. Phương pháp diệt lòng tham lớn nhất là bố thí nhiều, cống hiến nhiều và chia sẻ với mọi người thật nhiều.
103. Lúc bao dung người khác, vấn đề giữa hai bên sẽ được giải quyết.
104. Người học Phật có hai nhiệm vụ lớn: trang nghiêm quốc độ và thành thục chúng sinh.
105. Muốn làm một cái thùng rác không đáy, cần phải học làm tấm gương phản xạ không dính bụi.
106. Tiêu phiền não trở về với tự tâm chính là trí tuệ, chia sẻ lợi ích với người khác chính là từ bi.
107. Dùng tâm nghiêm khắc để nhìn chính mình, dùng tâm biết ơn để nhìn thế giới.
108. Tịnh hóa lòng người, thiểu dục tri túc; tịnh hóa xã hội, quan tâm tha nhân.
Hết phần 1
108 câu tự tại (Phần II)
Tự tại. Nguồn: giacngo.vn
Thiền sư Thánh Nghiêm
 Chương 1. Tự tại nhân sinh
 1. Khiêm tốn với người dưới, tôn trọng người trên là bài học quan trọng của người tu Bồ tát hạnh.
2. Lấy cống hiến để thay thế tranh đoạt, lấy việc tạo phước để thay thế việc hưởng phước.
3. Tự thương mình và thương người, thương tất cả chúng sanh; tự cứu mình rồi cứu người, cứu tất cả chúng sanh.
4. Làm lợi tha nhân bằng chính tâm thanh tịnh không cầu quả báo và đền đáp.
5. Chiếm hữu và cống hiến đều là ái, nhưng có sự khác biệt giữa lợi mình và lợi người; chiếm hữu là tư ái, chỉ tham cầu cho chính mình; cống hiến là đại ái, vô tư hỷ xả mọi thứ.
6. Đạo lý được dùng để hoàn thiện chính mình, chứ không phải để yêu cầu hà khắc đối với người.
7. Muốn có tâm lượng lớn như đá đỡ chân người, thì phải có tấm lòng giúp người thành tựu.
8. Làm cho người khác hiểu lầm, cũng chính là cái sai của bản thân ta.
9. Khi hành sự phải nghĩ tới nghĩ lui cho người khác, khi phạm sai lầm phải xem xét tới lui bản thân mình.
10. Lấy lễ để làm cho đối phương thành tựu bản thân, lấy tôn trọng đối phương để hóa giải nghi hoặc, lấy ca ngợi đối phương để tiến bộ hài hòa.
11. Không buông bỏ được tự ngã là không có trí tuệ, không buông bỏ được tha nhân là không có từ bi.
12. Gặp gỡ mọi người, một tiếng “Tôi chúc phúc cho anh!” cũng thắng được tình hữu nghị, đạt được bình an.
13. Dùng tình hữu nghị để đối đãi với người, luôn dang tay giúp đỡ người, đó cũng chính là phát tán sự bình an hòa lạc.
14. Ít miệng lưỡi sẽ ít thị phi, nhiều chân thành sẽ nhiều bình an.
15. Khẳng định ưu điểm của chính mình là tự tin, biết được khuyết điểm của chính mình là trưởng thành, thấu hiểu lập trường của người khác là tôn trọng.
16. Cần phải làm cho hạnh phúc của chúng sanh được nhân rộng, cần phải buông xả những thành tựu của chính mình.
17. Chia sẻ công việc với thuộc hạ, lấy sự quan tâm thay lời trách móc, lấy sự khích lệ thay lời chê bai, lấy sự thương lượng thay cho mệnh lệnh.
18. Người cứng rắn hay tổn thương người, chẳng mang ích lợi gì cho mình; người mềm mỏng dễ hòa thuận với mọi người, lòng ắt tự an.
19. Người biết làm an lòng người khác là người hòa thuận với mọi người, người biết phục người khác là người nhu mì; bởi vì hòa có thể hợp với mọi người, nhu có thể khắc cương.
20. Ý nghĩa của cuộc sống là ở chỗ không ngừng học tập và cống hiến, giúp đỡ người khác thành tựu, cũng chính là tự mình trưởng thành.
21. Người có trí tuệ làm việc nhỏ nhất cũng không leo lẻo không ngừng với mọi người.
22. Dùng hòa khí để đối xử với người, ắt sẽ có cuộc sống bình an.
23. Người thông minh chưa chắc đã có trí tuệ, người ngu dốt chưa chắc không có trí tuệ; trí tuệ không đồng nhất với tri thức, mà là ở thái độ đối nhân xử thế.
24. Vì tha nhân giảm bớt đi phiền não là từ bi, vì bản thân giảm bớt phiền não là trí tuệ.
25. Đừng lấy giày của mình gọi người khác mang, cũng đừng lấy vấn đề của người khác biến thành vấn đề của mình.
 Chương 2. Cuộc sống giản dị
 26. Cần mẫn chăm lo cho người khác khi khổ nạn là phước báo lớn, an vui khi xử lí vấn đề của người khác là trí tuệ lớn.
27. Nhận biết rõ sự thật tất cả hiện tượng của thế giới đều là vô thường, thì sẽ tạo nên sự bình an chân thật của thế giới nội tâm.
28. Gặp người tạo ân đừng tạo oán, ắt sẽ có cuộc sống hài hòa, vui vẻ.
29. Một nụ cười nhỏ, một câu nói hay, đều là sự bố thí rộng lớn để kết thiện duyên.
30. Chỉ cần ít đùa một vài chuyện không ý nghĩa, là có thể tạo ra ít hơn những phiền não không đáng có.
31. Cống hiến là để báo ơn, sám hối là để sửa mình.
32. Phàm những người tận tâm tận sức lấy lợi ích của tha nhân để trưởng thành chính mình, đó là những người thành công.
33. Làm người xử sự cần “trong vuông” mà “ngoài tròn”, “trong vuông” chính là nguyên tắc, “ngoài tròn” chính là thấu đạt.
34. Lúc chúng ta không đủ sức giúp đỡ người khác, chí ít chúng ta có thể ngừng tổn thương người khác.
35. Tích lũy nhiều một chút lời nói tốt, tạo ra ít một chút lời nói sai, chính là công đức bồi phước cầu phước.
36. Đời người cần trong sự hài hòa cầu phát triển, trong nỗ lực thấy được hy vọng.
37. Tâm thành bại được mất ít một chút, tâm tinh tấn nỗ lực nhiều một chút, tỉ suất thành công ắt tự nhiên tăng lên.
38. Sự ấm áp của gia đình đến từ chỗ thương nhau kính nhau, sự quý giá của gia đình đến từ chỗ giúp nhau lượng thứ nhau.
39. Làm ông chủ, tâm được mất cần ít một chút, lấy sự chân thành và tín nhiệm để vào lòng, ắt sẽ có thắng lợi.
40. Nghe lời nói của người, trước tiên cần tĩnh tâm phản tỉnh chính mình, có sai thì sửa, không sai thì tự cổ vũ. Nếu như buông lung tâm ý, sức tổn thương của lời nói sẽ càng lớn.
41. Khổ nạn của nội tâm giúp tăng trưởng trí tuệ của chúng ta, khổ nạn của cuộc sống giúp tăng trưởng phước báo của chúng ta.
42. Đối diện cuộc sống, cần phải có đầy đủ hy vọng; đối diện cái chết, cần tùy thời mà chuẩn bị tốt.
43. Cần biết rõ những thứ cần thiết cho bản thân, cần hóa giải những ham muốn dục vọng của cá nhân.
44. Mọi việc cần phải đối diện để nhận thức và suy ngẫm những mặt trái.
45. Thất bại rồi cần nỗ lực, thành công rồi càng cần nỗ lực, đó mới là nguyên tắc an vui với nghề nghiệp.
46. Đức tính cần thiết nhất để bảo vệ môi trường là giản dị chất phác, sống càng giản dị chính là biết sống bảo vệ môi trường.
47. Người thành thục không để ý đến quá khứ, người thông minh không hoài nghi hiện tại, người thông suốt không lo lắng tương lai.
48. Hai loại cảnh ngộ thuận nghịch đều có thể làm tăng nhân duyên, cần lấy tâm bình thường và tâm cảm ơn để đón tiếp.
49. Quá khứ vị lai, danh lợi chức tước, đều nên xem như không có liên quan gì đến mình; nhưng cần trải qua một cách tích cực, sống thật an vui, đó mới là cuộc sống hạnh phúc tự tại.
50. Học lực không đại diện cho thân phận, năng lực không đại diện cho nhân cách, danh vị không đại diện cho phẩm chất, công việc không có sang hèn, quan niệm và hành vi có thể quyết định tất cả.
51. Phương pháp hóa giải buồn bực là cần phải thành khẩn, chủ động, nhanh nhẹn; không nên do dự, bị động, chờ đợi.
52. Làm việc thế gian, không có việc nào không có khó khăn, chỉ cần làm với lòng tin và sự nhẫn nại, ít nhất cũng cũng có thể mang lại một vài thành tích.
53. Sống với hiện tại, đừng hối hận phiền não quá khứ, đừng âu lo thấp thỏm tương lai.
54. Cách tốt nhất để giảm nhẹ áp lực, đó chính là giảm ít đi tâm được mất, thêm nhiều hơn tâm thưởng thức cuộc sống.
55. Đối với quá khứ, không oán trách không hối hận; đối với tương lai, tích cực chuẩn bị; đối với hiện tại, mỗi bước đều vững chải.
56. Đừng nói lời cảm ơn suông, cần phải biến thành hành động báo ơn.
57. Phàm mọi việc trước tiên không cần lo lắng, tìm đúng người, dùng đúng phương pháp, chọn thời cơ thích đáng, tức có thể an nhiên qua cửa.
58. Bỏ cái lợi hại được mất tự ngã xuống, mới có được trí tuệ thông đạt vạn vật trong trời đất.
 Chương 3. Như ý cát tường
 59. Giao bệnh cho bác sĩ, giao mạng cho bồ tát, làm như vậy, chính mình là người mạnh khỏe không vướng bận.
60. Con người bởi vì không nhận rõ được chính mình, nên tự mang lại cho mình những phiền phức không đáng có.
61. Việc quan trọng nhất của đời người là học làm người, đó chính là tận tâm, tận lực, tận trách nhiệm, tận bổn phận.
62. Xử lí việc riêng của cá nhân có thể dùng tình, xử lí việc chung của mọi người ắt phải dùng lý.
63. Tranh giành với người khác những thứ không thuộc về mình, chi bằng giỏi trân quý và vận dụng những cái mà mình đã có.
64. Đừng quá lo lắng về quá khứ, tương lai, cũng như tất cả những điều tốt xấu, tốt nhất chỉ lo cho hiện tại của chính mình.
65. Nếu có thể thật sự buông bỏ tất cả, thì có thể bao dung tất cả, có được tất cả.
66. Nâng lên được là sự khởi đầu mới, buông xuống được là để nâng lên lại; tiến bộ nằm ở giữa của nâng lên và hạ xuống, từng bậc mà tiến lên.
67. Đừng có so đo cao thấp với tha nhân, chỉ cần tự mình tận tâm tận lực.
68. Hoàn cảnh của chúng ta xưa nay không có tốt hay xấu, mà hãy xem mình nhìn nhận như thế nào.
69. Sau tai nạn, là dịp để suy ngẫm một cách chính diện, làm người có thể tìm thấy trong tai nạn nhiều bài học quý giá.
70. Chỉ cần không còn tham cầu, không còn chấp chước, mới có thể giữ được tôn nghiêm.
71. Nếu biết quý giá mỗi nhân duyên trong hiện tại, thì mỗi giây phút đều là độc nhất vô nhị.
72. Bất kì việc gì nếu như đặt cái ta vào đó thì đều có vấn đề, có phiền phức. Trừ dứt những được mất tự ngã chủ quan, thì có thể giải thoát rồi.
73. An vui không phải đến từ danh lợi lớn nhỏ nhiều ít, mà đến từ nội tâm tri túc thiểu dục.
74. Khi nói chuyện phải dùng chân tâm để nói lời thật, dùng tâm lành để nói lời tốt, đó chính là lập ngôn.
75. Dù thân này là người bình thường, nhưng tâm trách nhiệm phải gánh vác lên, còn tâm chấp chước cần phải buông xuống.
76. Lúc bận không cảm thấy mệt mỏi, lúc nhàn không cảm thấy vô vị, như thế mới không thả mình theo dòng nước, trôi chảy không biết gì cả.
77. Lúc việc thuận buồm xuôi gió, đừng đắc ý quên hình; lúc việc gian nan trắc trở, đừng thương tâm táng chí.
78. Người mà lượng tâm nhỏ hẹp, lại còn đầy ắp tham giận, dù cuộc sống vật chất có giàu có, thì cũng không biết hạnh phúc an vui là gì.
79. Người đời cần phải trong bình đạm cầu tiến bộ, trong gian khổ thấy ánh sáng huy hoàng.
80. Người đời cần trong an định cầu giàu đủ, trong rèn luyện thấy được trang nghiêm.
81. Người có cảm xúc ổn định, mới là đứng trên nền tảng của sự bất bại.
Chương 4. Tâm linh trưởng thành
 82. Tâm không theo cảnh là công phu của thiền định, tâm không rời cảnh là tác dụng của trí tuệ.
83. Lấy thoái lui làm tiến bộ, lấy im lặng làm lời nói, lấy cống hiến cho người khác làm phương pháp tốt nhất để thành tựu chính mình.
84. Phật ở trong tâm, Phật ở trong miệng, Phật ở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.
85. Từ bi là loại tình cảm hàm chứa lý trí, trí tuệ là loại lý trí đầy tính mềm dẻo.
86. Đông tây nam bắc đều là hướng tốt, đi đứng nằm ngồi không việc gì không phải là đạo; biết giữ lòng hỗ thẹn, sẽ biết hối lỗi và báo ân.
87. Người tu hành cần mở rộng lòng bố đức, chân thành đối đãi nhau, không giữ lòng ác niệm tà, đó gọi là “chân tâm là đạo tràng”.
88. Lúc phiền não hiện tiền, không cần kháng cự; cần dùng tâm hỗ thẹn, tâm sám hối, tâm cảm ơn để hóa giải nó.
89. Thể nghiệm cuộc sống một cách vững bền, đó chính là tu thiền.
90. Thân tâm mạnh khỏe mới là tài sản lớn nhất của cuộc sống.
91. Hít thở chính là tài sản, sống như vậy mới có hy vọng.
92. Trong lòng nếu như thắt nút rồi, tốt nhất có thể hướng vào bên trong quan sát chỗ động niệm của tâm mình.
93. Lúc gặp phải phiền não, tốt nhất hãy hưởng thụ cảm giác hít thở của mình.
94. Lúc trong lòng có trở ngại, thế giới trong mắt ta đều không bằng phẳng; lúc trong lòng không ưu phiền, thế giới trong mắt chúng ta đều rất tốt đẹp.
95. Tâm không rộng mở đó là khổ, tâm cảnh khoáng đạt có thể chuyển khổ thành vui.
96. Hiện tượng sinh diệt là trạng thái bình thường của thế gian, nếu quan sát được sự sinh diệt của hiện tượng, đó là người có trí.
97. Tâm niệm có thể biến chuyển, vận mệnh cũng theo đó mà biến chuyển.
98. Trí tuệ không chỉ là thông hiểu kinh điển, mà cần phải có phương tiện xảo diệu để chuyển hóa phiền não.
99. Phiền não tức bồ đề, không thể nói không có phiền não, mà là mặc dù có phiền não, nhưng bạn không nghĩ nó là phiền não.
100. Chỉ cần tâm bình khí hòa, cuộc sống ắt có được an vui.
101. Đối mặt với tức giận, cần biết “phản quan tự chiếu”, tức là soi chiếu lại tâm niệm của mình, hỏi tại sao mình phải nổi giận?
102. Tâm động tức có việc, tâm yên ắt vô sự.
103. Từ khẳng định tự ngã, đề cao tự ngã, đến tự ngã tiêu tan, là 3 giai đoạn tu hành từ “tự ngã” đến “vô ngã”.
104. Cần xem trọng bồi dưỡng nhân lành, không nên chỉ mong đợi hưởng thụ quả tốt.
105. Khi bạn thể nhận được trí tuệ của bản thân còn chưa đủ, trí tuệ vô hình trung đã tăng trưởng lên rồi.
106. Tâm cần phải như vách tường, dù bất động nhưng có tác dụng.
107. Muốn làm tấm gương phản chiếu không bụi bặm, chiếu soi tất cả mọi vật, nhưng không nhiễm tất cả mọi vật.
108. Trong lúc mọi người đều tranh đoạt một cách tối tăm, bạn tốt nhất hãy chọn cho mình một con đường đi.
Hết phần 2
108 câu tự tại (Phần III)

Tác phẩm "Tự tại" - Thư pháp Việt Minh Hoàng. Nguồn: http://yume.vn
Thiền sư Thánh Nghiêm
 Chương 1. Hạnh nguyện từ bi
 1. Làm thiện hay ác chỉ cách nhau một tâm niệm, tu hành phước huệ trong từng giây phút.
2. Ánh lửa của ngôi sao đủ để lóe sáng, những việc thiện nhỏ có thể cứu cả thế giới.
3. Trời đất ban đức hóa dục lớn, ta sao lại không phát đại nguyện từ bi.
4. Cứu độ chúng sanh là nâng lên, không chấp chước mọi việc là buông xả.
5. Giữa chốn bụi hồng tâm vô nhiễm, khắp nơi hoa cỏ chống gậy hành.
6. Từ bi như gió xuân hóa mưa, trí tuệ giống ánh mặt trời phổ chiếu.
7. Bi thiện xua tan khổ não, lòng từ mang lại niềm vui; lửa trí đốt cháy tội, tuệ đoạn diệt mê hoặc.
8. Hữu đại trí tuệ hữu đại nguyện, vô lượng phước đức vô lượng thọ.
9. Nếu thấy Như Lai tạng trong tâm, nhà lửa tam giới biến sen hồng.
10. Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm, là vào cửa từ bi.
11. Trong đạo tâm có bố thí vô úy.
12. Khi buông xả vạn duyên, chúng sanh một vai vác.
13. Thân thể và tâm linh được bình an, nhà cửa và sự nghiệp cũng theo đó an định.
14. Cây tùng núi nam sớm đã già yếu, ngôi sao bắc đẩu vẫn còn trẻ trung.
15. Thần long ẩn náu đầm sâu ao lớn, mãnh hổ nằm nơi núi cao vách hiểm.
16. Phật pháp không có khác biệt, chỉ có một vị, đó là vị giải thoát lợi mình lợi người.
17. Thường niệm Quán Âm bồ tát, tâm an ắt có bình an.
18. Quay về núi lớn lễ tu hành, cầu phúc tiêu tai nguyện dễ thành, miệng niệm tai nghe tâm cung kính, ba bước một lạy đi về trước, thân tâm an định càng cảm ứng, nghiệp tiêu chướng trừ phước huệ tăng.
19. Một bát khất thực cơm ngàn nhà, mình tăng chống gậy đi vạn dặm, tùy duyên thích ứng thôi được mất, duyên hết thân xả tay buông dài.
20. Buông xả không giống như vứt bỏ, là để thoát khổ, là để cầm lên; buông xả được mới cầm lên được, cầm buông phải lúc là người tự tại.
 Chương 2. Trí tuệ nhân gian
 21. Gặp việc phải tìm hiểu mặt chính và suy nghĩ mặt trái của nó, thành việc xác lập phương hướng mà không bỏ.
22. Đi đường gặp vách núi cheo leo thì bước nhanh qua, khéo đến tiên cảnh trần gian cùng đừng lưu lại.
23. Quyền thế tài sản thì mọi người chung hưởng, họa phúc khổ sướng là nhân duyên mỗi người.
24. Người thấy danh lợi quyền vị không động tâm, bị ép vào nơi thiên quân vạn mã cũng không lo sợ.
25. Trời không sai đất không sai là tâm ta sai, họ có lý bạn có lý ta không có lý.
26. Đừng oán cháu hiền con hiếu sao quá ít, hãy hỏi dưỡng dục con cháu như thế nào.
27. Lĩnh vực học vấn quan trọng ở nghiên cứu, phạm trù kinh nghiệm phải có từ thực tiễn.
28. Đêm dài vắng mộng đêm xuân ngắn, biển khổ có thuyền bĩ ngạn gần.
29. Nương thuyền bát nhã chống qua vạn trùng chướng ngại, kiến tạo phước đức dựng nên tịnh độ nhân gian.
30. Lên thuyền bát nhã khổ hải vượt qua, leo núi niết bàn tâm tính bất động.
31. Sông núi vẫn vậy, cảnh vật đổi thay; nhật nguyệt thường chuyển, nhân sự đều không.
32. Trời đất nhân gian vui với khổ, tự tâm tạo tác tự thân nhận.
33. Non xanh nước biếc lưỡi dài rộng, chim hót hoa thơm nói diệu pháp.
34. Giáo dục là nghiệp lớn ngàn năm, hiền năng là khuôn thước muôn đời.
35. Nước sâu ngàn trượng cũng có thể thấy đáy, núi cao vạn dặm cũng mọc lên từ biển.
36. Vân môn ngày ngày đều là ngày tốt, hành cước bước bước đều qua cỏ thơm.
37. Thế gian vốn không cấu cũng chẳng tịnh, chỉ duyên theo tâm phân biệt tự khởi.
38. Trong tịch dương xuống phía tây thấy ngày mai, trong ngày mới lên phía đông thấy hoàng hôn.
39. Ngoài trò chơi thấy trò chơi rồi quên trò chơi, trong giấc mộng thấy mộng ảo mà không biết mộng.
40. Sương tuyết mưa móc vốn không chủ, gió mưa sấm chớp tùy thời hiện.
41. Nguy cơ chuyển hóa thành thời cơ, đường cùng bước ra thấy đường sống.
42. Thiên đường địa ngục do tâm tạo, thành phật làm tổ không ngoài tâm.
43. Kinh giác chấp mê đã gần ngộ, biết mê bất ngộ sai trong sai.
44. Đời người như mộng ai cũng biết nói, cả đời nằm mộng sao lại không tỉnh.
45. Trăm ngàn kế hoạch bận rộn cả đời, vạn duyên buông xả đường trước mặt tựa trải gấm.
46. Khát nước mới lo đào giếng ắt không kịp, tức thời học Phật tức thời thoát mê.
47. Đừng vì có việc mà âu lo, nên vì vô sự mà thấy vui.
48. Thiền pháp tức là tâm pháp, vạn pháp theo tâm sinh diệt.
49. Mộng lớn ai giác trước, rời mộng tưởng đảo điên.
50. Trên người lại có người, núi cao sông dài.
51. Đi bộ rèn luyện sức khỏe, lại có thể rèn tâm tu hành; đi nhanh đuổi theo vọng tình, đi chậm phát tuệ tập định.
52. Ngày trăng khuyết trăng tròn, lúc tối rồi lúc sáng; đêm mưa gió không trăng, ánh trăng vốn thường sáng.
53. Cảnh thế tục: thân như cây ngọc gặp gió, tâm như trăng thu đáy hồ.
54. Cảnh tu hành: thân như cây bồ đề, tâm như đài gương sáng.
55. Cảnh sau khi giác ngộ: Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng chẳng đài.
56. Có tướng không tướng có không tướng, thật không giả không thật giả không.
57. Kết bạn cần tìm người thẳng ngay lượng thứ biết nhiều, tin Phật cần tránh phí sức tổn thần, học pháp tránh mò mẫm khắp nơi, kính tăng phải tránh tin theo người mù quáng.
 Chương 3. Cảm ơn bồi phước
 58. Nhiều phước ít phước đang bồi phước, biết ơn nhớ ơn tất báo ơn.
59. Tâm từ bi hóa giải oán hận, tâm trí tuệ tiêu trừ phiền não.
60. Tâm cung kính hộ trì tam bảo, tâm thanh tịnh hoằng pháp lợi sinh.
61. Tâm cảm ơn thể nghiệm cuộc sống, tâm tinh tấn giỏi dùng cuộc sống.
62. Tâm hỗ thẹn tăng trưởng phước đức, tâm sám hối tiêu diệt tội chướng.
63. Nhớ ơn báo ơn ơn tiếp nối, uống nước nhớ nguồn nguồn không dứt.
64. Tâm kiên cố dễ xông pha khốn khó, tâm rộng xa có thể thành nên đại sự.
65. Tâm bạn tâm tôi đồng tâm Phật, biết phước quý phước thêm bồi phước.
66.  Ơn nhỏ như giọt nước cũng phải dâng suối để đền ơn, thí một bữa cơm nát thân này cũng phải báo đáp.
67. Xách nước uống nước lấy nước uống người, thọ ơn tạ ơn lấy ơn để tạ người.
68. Mở bỏ tâm yêu ghét hận thù, học tập tâm từ bi hỷ xả.
69. Ơn của cha mẹ nặng như trời đất, đức của tam bảo nhiều khắp hằng sa.
70. Biết ơn báo ơn là uống nước nhớ nguồn, ân tình kết đọng dễ làm tổn thương nhau.
71. Cảm ơn là phước báo cả đời thọ dụng, ôm hận chính là ma chướng níu kéo muôn đời.
72. Nếu không giỏi dùng tài sản của mình đem lại lợi ích cho thế nhân, cũng giống như chiếc áo gấm đi trong đêm tối tự kiêu ngạo mạn.
73. Bố thí là giá trị của kinh doanh giàu có, gieo phước là nguyên nhân của giàu có hơn người.
74. Gia nghiệp trăm năm không sa sút bởi vì biết tích phước, phú quý không quá ba đời bởi vì chỉ biết tư lợi.
75. Tùy thời phục vụ người khác, cả đời hạnh phúc; có sức mà không kết thiện duyên, về sau hối hận không kịp.
76. Giờ trông trời sạ giống, ngày làm cỏ bón phân, tháng thu hoạch cảm ơn, năm cầu nguyện được mùa.
77. Bốn việc tốt lớn mà người đời mong cầu: cầu phước trước tiên cần phải gieo phước, bồi phước, quý phước; cầu lộc trước tiên cần phải kết rộng thiện duyên; cầu thọ ắt thường giữ gìn sức khỏe; cầu hỷ trước tiên phải lấy nụ cười đối đãi người.
78. Lấy lòng hỗ thẹn mà nhìn lại chính mình, lúc nào cũng thấy rằng mình nỗ lực không đủ, cống hiến không nhiều.
79. Lấy lòng hỗ thẹn để quán chiếu bản thân làm người thế nào, làm người nếu không biết tự mình tỉnh sát kiểm điểm ngay lệch, thì tùy lúc mà gặp phải nguy hại.
80. Lấy lòng cảm ơn để đối đãi sự vật thế giới, làm người nếu không biết lấy cảm ơn và báo đáp để cống hiến thế giới, nước chảy ắt sẽ khô kiệt.
81. Trăm năm luôn giữ mấy điều: tôn kính và cảm ơn nhau, học tập sở trường của nhau, lượng thứ thiếu sót của nhau, quan tâm yêu thương che chở nhau.
 Chương 4. Tích đức tu phước
 82. Tâm chân thành tất ứng, tinh chuyên vạn sự thành.
83. Nên lấy lời động viên bổ sung cho sự vụng về, đừng ỷ mình thông minh mà lơi lỏng.
84. Nghiêm để kỉ luật bản thân không lơ là, khoan để đối đãi người thu được nhiều lợi ích.
85. Trong nghèo cầu giàu nên cần kiệm, trong loạn cầu yên không động tâm.
86. Cọng rau thơm sạch áo vải ấm, cần lao mạnh khỏe tiết kiệm giàu.
87. Vui vẻ đúng lúc là lãng mạn, tùy nơi tu thiện tích công đức.
88. Có thể được hay không thể được, đều do tự mình nỗ lực chứ không ai mang lại.
89. Lúc tranh luận đừng cầu nghe lời thuận tai, nếm được vị đắng chính là thuốc tốt.
90. Trời nắng hạn cầu mưa kịp thời, trời đông lạnh làm cho người ấm.
91. Chim phượng hoàng hay đậu nhà phú quý, chịm bạch hạc thích xuống nhà phước thọ.
92. Trong lòng không có những suy nghĩ về được mất, thường làm người vô sự trên thế gian.
93. Tài đức song toàn là bậc hiền lương, có tài không đức hại bầy ngựa.
94. Biết lỗi liền sửa không sợ sỉ nhục, buông dao đồ tể lập tức thành Phật.
95. Cảnh giác phú quý không quá ba đời, cẩn thận quyền thế dễ khiến người đọa lạc.
96. Tự cổ bậc tướng lĩnh phần nhiều xuất thân hàn môn, vị công vô tư thiên hạ thái bình.
97. Ít đi chấp trước thị phi nhân ngã, nhiều hơn lời nói và hành động làm cho người tốt đẹp hơn.
98. Nếu muốn giữ gìn được phú quý, cần vun bồi phước đức đầy đủ, phú quý phần nhiều từ tích phước mà đến.
99. Trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, đạt được vô lượng vô biên phước đức.
100. Tranh đoạt chén cơm của người khác chẳng bằng tự mình cày ruộng, nhà mình không có ruộng để cày thì giúp người khác cày ruộng cũng được.
101. Thường ăn bát cơm khiêm tốn cung kính thứ nhẫn khoan hậu, uống nhiều chén canh thành thực lễ nhượng cần lao tiết kiệm.
102. Một đêm giàu có là bạo phú, một đêm thành danh là hư danh, bạo phú bộc phát giàu khó giữ, hư danh không thực danh lụy người.
103. Tri âm khó gặp là chuyện bình thường, đừng vì cô độc không để ý người khác; ít phiền ít não phước đức dày, nhiều tư nhiều lự chướng ngại lớn.
104. Tâm luôn lo sợ đề phòng người khác dễ gặp quỷ, biết ta biết người gặp quý nhân, phú quý bần tiện đều do bố thí, tự lợi lợi người lợi chúng sanh.
105. Nhân sinh trên đời, sẽ gặp 4 điều được: sinh được chỗ, già được phước, bệnh được khỏe, chết được hợp thời. Muôn ngàn hạnh phúc đều ở trong đó.
106. Phú quý chưa chắc chỉ 3 đời, hiền triết chưa chắc sinh chốn hàn môn; phú quý nên tích đức, hàn môn cần được động viên.
107. Hành thiện không có điều kiện.
108. Quý tiếc cuộc sống, vì bản thân nỗ lực.
Hết phần III


108 câu tự tại (Phần cuối)
Tâm từ bi - tâm tự tại. Nguồn: chuahaiquang.com.vn
 Thiền sư Thánh Nghiêm
 Chương 1. Giữ gìn trạng thái tâm linh
 1. Dùng tâm bình thường đối mặt với việc bất bình thường.
2. Được lý nhường 3 phần, lý trực khí phải nhu.
3. Phát giác cảm xúc bản thân khởi dậy không ổn định, cần phải lập tức tập trung hít thở. Thể nghiệm hít thở, cảm nhận hít thở, thì từ từ có thể an ổn lại.
4. Tâm bất an, chủ yếu là do hoàn cảnh cuộc sống hoặc nhân tố sức khỏe ảnh hưởng. Nếu có thể chăm sóc tốt tâm của mình, hiểu rõ trạng thái thân tâm của chính mình, thì có thể tự tại bình an.
5. Hoàn cảnh chính là tấm gương phản chiếu chúng ta, phát hiện lời nói hành động cử chỉ của mình khiến người khác khó chịu hay kinh hãi, cần phải lập tức phản tỉnh, sám hối, cải tiến chính mình.
6. Tâm là người thầy của chúng ta. Tâm của chúng ta tùy lúc tùy nơi hợp lại làm một với sự việc đang làm, hoàn cảnh đang sống trong hiện tại, đó chính là sống trong Tịnh độ.
7. Bất kể vui vẻ hay đau khổ, chỉ vì lời bình phẩm của người khác mà khiến cho tâm của chúng ta dao động, khiên lụy; thì đó là không biết bảo vệ tâm mình, không làm tốt việc giữ gìn trạng thái tâm linh.
8. Tức giận là thứ phiền não có thể do sức khỏe, quan niệm hoặc những nhân tố khác dẫn đến, không nhất định thể hiện tu dưỡng không tốt. Nếu như có thể quán chiếu lại nội tâm, dùng trí tuệ để hóa giải phiền não, thì chắc chắn sẽ không hại mình hại người.
9. Trong bất kì trường hợp nào cũng cần để ý đến tâm của mình, giữ gìn sự bình ổn và an định của nội tâm, đó chính là sức khỏe của tâm linh, chính là Giữ gìn trạng thái tâm linh.
10. Gặp phải chuyện bực bội khó chịu cần phải điều tâm. Điều tâm tức là điều hòa tâm của chính bản thân chúng ta, không phải điều hòa tâm của người khác.
11. Bất kể đối phương là người mình yêu thích hay là người mình chán ghét, bất kể gặp phải chuyện vui vẻ hay phiền phức, đều cần phải tâm bình khí hòa để xử lý sự việc, đối đãi với người. Đây chính là “đúng sai cần ôn nhu”.
12. Ôn nhu là lấy tâm nhu hòa, lấy thái độ nhu thuận để đối đãi người, xử lý việc, nhưng không đồng nghĩa với nhu nhược.
13. Đời người tự tại, không có nghĩa là không có thất bại, mà là trong lúc gặp phải thất bại, vẫn giữ được thân tâm bình ổn, thung dung.
14. Nếu như người nào cũng truy cầu đầy đủ từ hoàn cảnh tự nhiên, truy cầu công chính từ hoàn cảnh xã hội, truy cầu bình đẳng từ người khác… mặc dù sẽ có hiệu quả ở nhiều trình độc khác nhau, nhưng rốt cuộc không có cách nào thật sự hóa giải xung đột.
15. Buông xả không giống như vứt bỏ. Buông xả là không nghĩ quá khứ, không nghĩ tương lai, tâm không chấp trước; vứt bỏ là cái gì cũng không tin tưởng, hoàn toàn mất đi lòng tin và dũng khí.
16. Có lòng tin, có hy vọng, thì có thể có tương lai.
17. Hối hận là phiền não, sám hối là tu hành.
18. Ưu phiền lo lắng không có lợi ích gì, lưu tâm và dụng tâm mới thật sự cần thiết.
19. Để tâm tình thật thoải mái, lúc bệnh hoạn vẫn sinh hoạt như trước, vẫn làm những việc cần làm như trước, thì sẽ bệnh một cách rất khỏe mạnh.
20. Bệnh chưa chắc đã khổ, nghèo chưa chắc đã khổ, làm việc cực nhọc chưa chắc đã khổ, tâm khổ mới thật sự là khổ.
21. Xem bệnh tật như một loại thể nghiệm, sẽ không thấy bệnh là khổ.
22. Xem những điều bất như ý như là một sự thể nghiệm có ý nghĩa, thì sẽ có những thu hoạch quý giá.
23. Chuẩn bị tinh thần đón nhận thất bại thì sẽ không sợ thất bại phát sinh.
24. Đời người không chỉ có trời yên biển lặng, thân thể không tránh khỏi có lúc đau bệnh, làm việc khó tránh khỏi trở ngại, môi trường tự nhiên kho tránh khỏi tai hại; chỉ cần tâm an thì có được bình an.
25. Thế giới này có lúc phát sinh tai nạn, bình thường làm tốt công tác dự phòng và chuẩn bị tâm lý, thì trong lúc tai nạn phát sinh, có thể khiến cho thương vong thiệt hại giảm đến mức thấp nhất.
26. Nếu có quan niệm chính xác, biết sinh lão bệnh tử đều là hiện tượng tự nhiên, thì sẽ không oán trời trách người.
27. Suy nghĩ nhiều 2 phút, vẫn còn nhiều con đường sống để đi; chỉ cần vẫn còn một hơi thở, thì vẫn còn hy vọng vô hạn.
28. Chỉ cần vẫn còn một hơi thở, tâm niệm một khi chuyển đổi, hoàn cảnh cũng theo đó mà chuyển đổi, bởi lẽ hoàn cảnh vốn là vô thường.
29. Bất luận hoàn cảnh bên ngoài thay đổi như thế nào, chỉ cần nội tâm an ổn và bình lặng để đối diện, nhất định có thể tìm được biện pháp giải quyết vấn đề.
30. Bất luận bận bịu hay rảnh rang, ở riêng một mình hay ở chung với mọi người, nội tâm cần phải giữ gìn an định, trong sáng, tinh tường; đó chính là tu thiền, là giữ gìn đời sống tâm linh vững chắc.
31. Âm thanh phản đối, phiền nhiễu vốn không có gì đáng sợ; có thể đối diện, bao dung; thì đó là một thứ trợ lực giúp cho bản thân mình trưởng thành hơn.
32. Xử lý vấn đề cần phải tâm bình khí hòa; tâm bất bình, khí bất hòa sẽ dễ dàng nói sai lời, khiến cho vấn đề càng thêm phức tạp.
 Chương 2. Tận tâm trách nhiệm
 33. Muốn tồn tại hài hòa với hoàn cảnh bên ngoài, trước tiên cần phải sống hài hòa với nội tâm của chính mình.
34. Thoải mái thân tâm, thể nghiệm thân tâm, mới có thể sống hài hòa với nội tâm của chính mình.
35. Có thể sống hài hòa với nội tâm của chính mình, thì mới có thể hiểu sâu sắc về bản thân mình, tức là hiểu được ưu điểm và khuyết điểm của bản thân.
36. Đừng nên tự cho mình là phải, cũng đừng nên tự xem nhẹ chính mình.
37. Đừng so sánh với chính mình, đừng so sánh với người khác, chỉ biết nỗ lực ở hiện tại, tuy thời chuẩn bị cho tương lai.
38. Thông thường người ta đều thích phô bày ưu điểm của mình, ưu điểm cần phát huy, cần tiếp tục trưởng thành, không cần phải khoa trương.
39. Người ta luôn luôn che giấu khuyết điểm của mình, không chấp nhận đối diện hoặc thừa nhận nó; nếu có thể thản nhiên đối diện khuyết điểm của mình, khuyết điểm sẽ ngày càng ít, vấn đề cũng sẽ ngày càng nhỏ.
40. Nhận thức được rõ ràng ưu khuyết điểm của mình, hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và lẽ sinh tồn, là bắt đầu khẳng định được chính mình.
41. Khẳng định được chính mình mà đối với ưu khuyết điểm của bản thân không chấp trước, không vì thế mà kiêu ngạo hay hối tiếc, tinh tấn nỗ lực không ngừng, đó chính là một loại thái độ vô ngã.
42. Điều kiện của mỗi người không giống nhau, trí tuệ không giống nhau, hoàn cảnh không giống nhau, sức khỏe không giống nhau, tiền đề không giống nhau, nên không thể đánh giá như nhau; chỉ có bước chân vững chải, từng bước an ổn, mới có thể bước ra một con đường lớn.
43. Trong cuộc đời của một người, nếu như có thể có một giá trị quan đúng đắn và kiên định bất biến, thì mỗi gian đoạn trong hành trình cuộc đời đều sẽ là một bữa tiệc đầy ắp không hề vơi cạn.
44. Tự tư tự lợi, xem ra là bồi đắp cho chính mình, kì thực thì không như vậy, tổn hại người khác rối cuộc rồi sẽ hại mình.
45. Đời người sở dĩ tự tư tự lợi, tham lam không chán, là bởi vì mất đi cảm giác an toàn.
46. Sở dĩ xung đột phát sinh là bởi vì chúng ta quá nhấn mạnh cái vị trí trung tâm của chính mình.
47. Xem mình là trung tâm vốn là một loại động lực của cuộc sống, đó chưa chắc là việc xấu; nhưng nếu như xem mình là trung tâm quá mạnh, thường cho mình luôn đúng, tham lam không chán, ngạo mạn hoặc tự ti, sẽ không thấy an vui sống dậy ở nơi mình.
48. Vượt qua được tự tư tự lợi, cùng với được mất lợi hại của quan niệm xem mình là trung tâm, thì có thể khiến cho lòng dạ rộng mở, lòng bao dung tăng trưởng, tâm được mất hơn thua cũng sẽ giảm ít đi.
49. Nếu có thể vượt qua lợi hại được mất của cá nhân, thì sẽ có thể lấy lợi hại được mất của toàn thể xã hội, toàn nhân loại xem như là lợi hại được mất của bản thân mình.
50. Chúng ta hy vọng bản thân mạnh khỏe, vui tươi, bình an; cũng hy vọng người khác mạnh khỏe, vui tươi, bình an; trong đó cũng có quan niệm mình là trung tâm, nhưng không giống với “mình là trung tâm” đầy tính tư lợi, mà là bồ đề tâm lợi tha.
51. Giá trị của đời người ở chỗ cống hiến, trong lúc cống hiến trưởng thành, kết rộng thiện duyên.
52. Trời sinh ta tài ắt có chỗ dùng, mỗi người sinh ra đời đều đã mang theo trách nhiệm và giá trị đến với thế giới. Chỗ được dùng này thể hiện ở trách nhiệm đối với lịch sử thế giới, sự tận tâm đối với toàn thể xã hội.
53. Sự sống của ta mặc dù nhỏ bé, chỉ cần phát huy hết năng lực và sở trường, điều tiết được sức mạnh của bản thân, thì có thể đóng vai “tiếp người trước mở đường sau” trong lịch sử nhân loại.
54. Phàm việc gì cũng giữ lòng cảm ơn, nỗ lực ở hiện tại, xem mình là khúc nối “tiếp người trước mở đường sau”, một mặt tiếp nhận sự dạy bảo của người đi trước, rồi đem những tinh túy của mình truyền lại thế hệ sau, đó mới là giỏi biết tận cùng trách nhiệm cuộc sống.
55. Làm hòa thượng một ngày gióng chuông một ngày, ở thân phận và chức vị như thế nào, thì phải tận tâm tận sức, làm hết trách nhiệm bổn phận của vị trí đó. Thế mới là nắm chắc hiện tại, mới là gìn giữ tâm linh.
56. Cam tâm tình nguyện cống hiến hết toàn bộ những gì mình có và mình biết, lợi ích người thân bạn bè, cho đến tất cả chúng sinh, trở thành người mà mọi người đều cần thiết, đó mới là một “yếu nhân”.
 Chương 3. Từ bi trí tuệ
 57. Khổ vui của đời người luôn đến từ thể nghiệm nội tâm. Nếu có thể mang khổ vui của đời người làm thành quá trình tăng trưởng tâm từ bi và tâm trí tuệ, thì đó là người đại tự tại.
58. Trong tâm không giữ ý nghĩ được mất, mới là người vô sự trên thế gian. Vô sự không phải là không có việc để làm hay không chịu làm việc; mà là lúc đảm nhiệm công việc, trong tâm không có điều gì quái ngại.
59. Chỉ cần thường lấy an vui của người khác làm an vui của chính mình, lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, tất nhiên đó chính là người bình an rồi.
60. Người người đều có thể giúp người, thật lòng khen ngợi người, động viên người, an ủi người; cổ vũ cho người, khai thông cho người cũng chính là giúp đỡ người.
61. Khai hoa kết quả là hiện tượng tự nhiên, khai hoa mà không kết quả cũng là hiện tượng bình thường, đó chính là nhân duyên.
62. Nhân là điều kiện chủ quan, duyên là nhân tố khách quan; điều kiện chủ quan có thể nắm chắc, nhân tố khách quan cần phải có kế hoạch.
63. Có thể nhận biết nhân duyên, thì có thể từ ưu phiền khổ não đạt được giải thoát.
64. Sự tình thành công hay không, mặc dù không đi so đo, vậy mà một phần nỗ lực, một phần dụng tâm cũng đều là tăng trưởng duyên.
65. Nhân duyên cần phải dùng tâm nắm chặt, giả sử nhân duyên vẫn chưa thành thục, đừng ngại tiếp tục đợi thêm. Chờ đợi cộng thêm nỗ lực, lúc nhân duyên thành thục mới có thể nắm chắc.
66. “Tri mệnh” và “nhận mệnh” khác nhau. “Nhận mệnh” là thái độ tiêu cực, hoàn toàn vứt bỏ hành vi của cuộc sống. “Tri mệnh” là nhận biết vạn sự vạn vật đều có nhân duyên của nó. Điều đáng đến nhất định sẽ đến, thuận nghịch đều vốn tự nó.
67. Nếu có thể “tri mệnh”, thì có thể thản nhiên đối diện với cuộc sống nhân sinh.
68. Trong bất kì trường hợp nào, đối với người cần phải tôn trọng, đối với việc cần phải cáng đáng, đối với bản thân cần phải có trí tuệ.
69. Từ bi là đối đãi với bất kì người nào cũng vậy, không chỉ không làm tổn thương họ mà còn cần phải giúp đỡ họ.
70. Bất luận lúc nào nơi nào, không tổn thương người không hiềm tị người, đó chính là bảo vệ chính mình, bảo vệ người khác.
71. Không xem mình là trung tâm, mà lấy lập trường khách quan, thậm chí vượt lên lập trường chủ quan để đối đãi người, xử lí việc; sai lầm do tự mình phạm phải sẽ ít đi, dối đãi người sẽ từ bi hơn.
72. Dưới bầu trời không có người xấu thật sự, chỉ có những người làm việc sai trái; cũng không có những người thật sự ác tâm, chỉ là quan niệm phát sinh sai lầm.
73. Từ bi là lấy thái độ bình đẳng không sai biệt, không đối lập để đối đãi tất cả mọi người.
74. Trí tuệ là trong bất kì tình huống nào, làm cho mình trở về số không một cách tâm bình khí hòa, để xử lý tất cả mọi việc.
75. Vấn đề nếu có thể giải quyết được, rất tốt! Nếu như không thể giải quyết hoặc lưu lại hậu quả không tốt cũng không cần quái ngại, chỉ cần tận việc người, thì không cần phải oán trời trách người.
76. Từ bi đối với người, là giúp đỡ họ, khoan thứ họ, bao dung họ, cảm động họ; trí tuệ đối với việc, là đối mặt với nó, tiếp nhận nó, xử lí nó, buông xả nó.
77. Từ bi là yêu quý giúp đở tất cả chúng sanh một cách bình đẳng không phân biệt người ân kẻ oán; trí tuệ là giải quyết tất cả vấn đề đạt đến kết quả tốt.
78. Từ bi cần phải có trí tuệ đồng hành, từ bi mà khiếm khuyết trí tuệ, rất có khả năng tự hại hại người, mặc dù có lòng hảo tâm, nhưng làm sai việc sẽ hại người.
79. Từ bi không phải là làm người tốt chung chung, mà là làm những việc có lợi ích đối với mọi người, giúp đỡ người khác cùng mình nâng cao phẩm chất và tình cảm tâm linh.
 Chương 4. Vui vẻ hạnh phúc
80. Người đời xử thế, có người “hỗn thế”, có người “luyến thế”. Hỗn thế là ôm chặt thế gian mà sống qua ngày, thậm chí tạo thành sự hỗn loạn của thế giới; luyến thế là trìu mến ưa thích thế gian không xả, chấp trước vào tất cả mọi thứ liên quan đến mình.
81. Người đời xử thế cũng có 2 loại thái độ “nhập thế” và “xuất thế”. Nhập thế là tham dự vào thế gian, cứu tế thế giới, lấy giúp đỡ mọi người làm nhiệm vụ của mình; xuất thế tức là ẩn cư nơi rừng núi, không màng thế sự, tự mình lo cho mình mà tu hành.
82. Bồ tát hạnh là lấy tâm xuất thế để làm việc nhập thế: họ đi vào xã hội, quan tâm xã hội, cứu khổ cứu nạn, mà không luyến tiếc vinh hóa phú quý, không tham cầu danh lợi no ấm, đó mới là người giải thoát chân thật.
83. Nhận biết việc bất như ý của đời người 10 việc có đến 8, 9. Việc bất như ý nằm trong dự liệu, thì sẽ không cảm thấy không tự tại nữa.
84. Khẳng định cái thế giới này là không hoàn mĩ, có mưa kịp thời thì cũng có mưa trễ hạn, hiểu như vậy sẽ không quá mức trông đợi sự hoàn mĩ.
85. Chúng ta nên thường hỏi chính mình vui vẻ không? Có thật sự vui vẻ không? Vui vẻ không phải đến từ sự kích thích của điều kiện vật chất, mà là nội tâm thật sự an định và bình tĩnh.
86. Đối xử với người khác, miệng không tuôn lời xấu, đó chình là bảo vệ người khác, cũng là bảo vệ chính mình.
87. Tương tác với người khác, cho họ không gian cũng chính là cho mình không gian.
88. Làm bất cứ việc gì, nhất định cần phải giữ gìn thái độ lạc quan tích cực, tự mình vui vẻ, mới có thể khiến cho người khác cũng được vui vẻ.
89. Người ta nếu như chỉ truy cầu khoái lạc, mà không chịu gánh trách nhiệm, thì sự khoái lạc này cũng không kéo dài được, mà luôn luôn trở thành gánh nặng tâm lý.
90. Lúc chúng ta vì người khác cống hiến, chính ta cũng đang trưởng thành, đang có một loại cảm giác thành tựu; sự trưởng thành và cảm giác thành tựu này dệt nên niềm an vui, đó là niềm an vui thanh thản.
91. Lấy lòng chán ghét, thù hận để nhìn thế giới, sẽ khiến cho dục vọng tăng lên không ngừng nghỉ, nên cứ dong ruổi bên ngoài con đường an vui.
92. Nhiều một phần tâm cống hiến, ít một phần tâm tư lợi, thì sẽ có bình an, sẽ có khoái lạc.
93. Kiếm tiền không tư lợi, có tiền mọi người cùng kiếm; mọi người có tiền kiếm, mới là sự giàu có đáng tin cậy.
94. Cần phải đạt được sự giàu có một cách có đạo lý, ngoài những phước báo tiên thiên mang lại, cần phải cộng thêm sự nỗ lực hậu thiên, nhất là kết rộng thiện duyên.
95. Giàu có bao gồm giàu thế gian, giàu trí tuệ và giàu công đức, nếu 3 thứ đều đạt được, nhất định bình an, mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc.
96. Làm nhiều việc tốt, cho người nhiều phương tiện, là giàu công đức; quan niệm chính xác, hiểu được hóa giải phiền não, là giàu trí tuệ.
97. Giàu thế gian cố nhiên quan trọng, nếu có thể lấy giàu có làm thành một loại công cụ, dùng nó để bố thí cứu tế, hành thiện công ích, mới là người đại phú quý thật sự.
98. Đời người hạnh phúc cần phải có 3Q: IQ là năng lực học tập, EQ là năng lực quản lý tình cảm, cùng với MQ là phẩm chất đạo đức. Cái cuối cùng tức là giúp đỡ người, lợi ích người, quan tâm người.
99. Hoàn cảnh bên ngoài càng không khởi sắc, con người càng cần phải biết bảo vệ sức khỏe thân tâm, làm nhiều hơn những việc có ích cho người khác.
100. Người có tâm cống hiến, thì sẽ không lo lắng mình không nhận được sự quan tâm; có được ý nguyện, tức có được tâm lực để chăm lo cho người. Có thể lo lắng cho người khác, cũng có thể lo lắng cho chính mình.
101. Cuộc sống của con người vốn ngắn ngủi, nên cần phát tâm nguyện từ bi vô hạn.
102. Phàm mọi việc đều tận tâm tận sức, tùy thuận nhân duyên, duyên đến thì sự thành.
103. Vì chúng sinh làm tất cả mọi việc, ắt có thể tâm nghĩ sự thành.
104. Hành thiện không có phân biệt lớn nhỏ, chỉ cần mang một tâm niệm thiện lành, tâm ắt sẽ được bình an.
105. Tốt nhất nên phát nguyện rộng lợi mình lợi người, chí ít cần phải làm việc lợi mình mà không hại người trước, không tổn thương đến người khác.
106. Phát nguyện cũng có thứ lớp của nó, từ cái nhỏ bắt đầu, từ cái gần nhập thủ. Giữ tâm lành, nói lời hay, làm việc tốt, là thiện nguyện mà mọi người có thể làm được, mọi người có thể phát tâm được.
107. Nói lời hay, làm việc tốt, ít tạo ác nghiệp, thì có thể cải biến vận mệnh chính mình, cũng có thể làm chuyển biến cộng nghiệp của nhân loại.
108. Làm việc thiện nên để cho người biết, chứ không cầu người báo đáp. Chúng ta cổ vũ mọi người đều đến làm việc tốt, khiến cho việc tốt được lan rộng, được kéo dài, được nhiều người hưởng ứng.
 Hết