Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

GỬI ANH - NGƯỜI THẦY CỦA EM

GỬI ANH - NGƯỜI THẦY CỦA EM.


Anh biết không?

Có lần em vô tình đọc một bài viết trên facebook hỏi cộng đồng mạng: "Một người đàn ông không uống rượu, không thuốc lá, không trai gái, không cờ bạc có tồn tại hay không?"

Phía dưới là vô số những bình luận, nào là chỉ có trong tù hoặc là kẻ ăn mày, kiếm đâu ra...

Những người đàn ông đọc được bình luận này có vẻ khoái trí, tag tên vợ và bạn gái vào để đọc. Với ý nghĩ: coi đi, coi đi, lấy đâu ra người như vậy mà đòi với hỏi. 


Thế rồi có một bình luận mà em rất tâm đắc: "Hãy tìm một Phật tử nam thuận thành theo truyền thống Phật giáo Theravada, họ không uống rượu, không hút thuốc, không cờ bạc hay trai gái. Cơ mà lấy họ xong cũng nên chuẩn bị tinh thần rằng họ sẽ đi tu ngày nào không hay."


Đọc xong bình luận này, em thấy rất chuẩn. Và tự nhiên có một cảm giác hạnh phúc, mãn nguyện trong tâm. Bởi mình chính là người đã tìm ra được người chồng như vậy.

Em cảm thấy đó là phúc phần khi gặp được anh, người không chỉ là bạn đời, bạn đạo mà còn là một người thầy đặc biệt.


Hôm nay, nhân ngày 20.11, ngày để nói lời biết ơn đến những người thầy đã chỉ dạy mình, em xin gửi lời biết ơn tới anh.


Anh à!

Từ khi gặp anh, cuộc đời em đã hoàn toàn thay đổi. Anh chính là người đã nâng đỡ em, cứu giúp em và hơn cả là mang ánh sáng Phật Pháp đến cho em, nhờ đó: 

Từ một đứa nóng giận, nghĩ gì nói đấy, chỉ chúi đầu vào làm ăn, kiếm tiền.

Từ một đứa không có một nền tảng giáo lý Phật pháp nào.

Nay em đã trở thành người biết đâu là thiện, đâu là ác, biết điều chỉnh cảm xúc và buông bỏ những gì không cần thiết.


Đức Phật từng dạy: Người nào làm thiện người đó là người thiện. Người nào vừa làm thiện lại hướng dẫn, dẫn dắt người khác làm thiện, người đó là người thiện trên cả người thiện.

Đối với em, anh chính là người thiện trên cả người thiện.

Sự xuất hiện của anh trong cuộc đời em là một điều kỳ diệu; sự dạy dỗ, chỉ bảo của anh để em có được ngày hôm nay lại một điều kỳ diệu nữa. Em trân trọng và biết ơn anh rất nhiều.


Để đáp lại sự mong mỏi của anh, mỗi ngày trôi qua, em vẫn luôn cố gắng rèn luyện để diệt trừ những tham sân si của chính mình. Nguyện những phước lành nào có được, sẽ là duyên lành giúp anh luôn mạnh khỏe, tinh tấn, giác ngộ, sớm sống đời sống xuất gia, thiểu dục tri túc, để mau giải thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi.

Những điều mong ước và ý nguyện này của em, cầu mong sớm được thành tựu như ý!

Thân gửi!

Link bài viết gốc: 

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid0eTZoJKbQBQnxzksVfHh98iZUcPPpwGVV1Epf594R34vwxbYKghJAS2UttreDq1HXl&id=100002527683459&mibextid=Nif5oz


Facebook tác giả:

https://www.facebook.com/hien.tran.3785?mibextid=ZbWKwL


Facebook chồng tác giả:

https://www.facebook.com/hoainamjsc?mibextid=ZbWKwL




TẠI SAO PHẢI SỐNG PHẠM HẠNH?

 TẠI SAO PHẢI SỐNG PHẠM HẠNH?


Để mà chúng ta làm chủ sự sống chết, cái này là khó nhất. Nói vậy thôi chứ không có vậy. Mà vì một cái gì mà chúng ta phải chấp nhận sống phạm hạnh? Vì sinh tử luân hồi, vì khổ đau của kiếp người, chúng ta mới phát hạnh. Chứ đời sống mà phạm hạnh khổ lắm! Lấy gốc cây mà làm giường nằm, ăn thì đi xin từng nhà, chứ không phải là được một nhà cung cấp mình, cũng không đúng đâu. (0:26) Như đức Phật nói mà xin ăn, mà phải xin nhà cho miếng, miếng. Chứ còn mà một nhà cho đủ ăn là thấy cũng chưa phải đúng đâu. Cho nên, thí dụ bữa nay nhà này cấp đủ ăn bữa nay, nó cũng chưa đúng cái hạnh đâu. Ờ, lại chỗ này họ cho chén cơm, lại kia họ cho miếng muối, chỗ nọ họ cho cọng rau thì cái đó là đúng cách, là cái phạm hạnh đó. Kinh lắm chứ không phải dễ đâu. Còn y áo mà nó lành lẽ như quý sư thì không phải y phấn tảo đâu. Nghĩa là dơ bẩn mà như cái áo của Thầy như thế này ấy, rồi vá víu là đúng phấn tảo rồi. Thì các sư nên nhớ rằng hết còn có làm đẹp chỗ nào nữa hết. Chứ nhiều khi nó làm như thế này, nó còn đẹp đó, là ông sư cũng đẹp lắm ấy chứ. Còn ông sư mà bận đồ vá, đồ dơ, đồ bẩn như Thầy vầy đây, ông sư hết đẹp rồi. Thấy là hết có muốn có tình cảm gì ông sư đó nữa. Như vậy mới dễ tu đó. Chứ Phật tử nó có tình cảm, nó cung cấp thôi ăn, uống, mặc đầy đủ hết thì chắc ông sư đó chết luôn rồi. Còn nó không tình cảm, nó không cúng dường. Ông đến, thấy nó nghèo quá họ thương, họ cho để sống vậy chứ, thấy ông sư cũng thấy không ưa. Đó! Thầy nói thật sự, càng mà ăn mặc xấu. Người ta cảm tình được là thấy ông đó đẹp. Còn thấy ông đó mặc đồ bẩn thỉu, dơ dáy người ta không có cảm tình bằng cái người mà sang đẹp. Cái tình cảm con người họ đặt sai hướng. Họ chỉ có thương thôi. Thương là tại ông đó nghèo quá, không có quần áo, rách rưới, mặc đồ bẩn, thương! Thương hại đó, chứ không phải là thương thật. Còn thấy cái ông đó ăn mặc sang đẹp, cái tình cảm của họ đặt vào đấy. Cho ổng ăn cái này, giúp cho ổng cái kia nữa, ổng là Phật, đẹp! (2:19) Cho nên người ta tưởng ông Phật đẹp lắm như là cái cốt tượng, nhưng không phải. Ông Phật xấu lắm, như cái ông già lụm cụm. Ăn ngày một bữa, đâu có ăn nhiều được, đâu có mập được. Còn bộ xương không, chứ làm gì mà mập được. Thế mà ông Phật của mình như búp bê. Như đứa bé mà nó đã sổ sữa vậy, cha mẹ cho uống sữa quá tay, nó ú nù. Bởi vậy từ cái tượng Phật, nó đã hiểu lầm ông Phật rất đẹp. Thì Thầy thấy không phải, ông Phật không đẹp. Đẹp sao ông bảo: “Cạo bỏ râu tóc khoác áo cà sa?”. Là đâu còn đẹp nữa. Nghĩa là làm cho hết đẹp rồi mà, còn cái gì đẹp nữa? Thế mà bây giờ chúng ta lại sai, hiểu sai. Tưởng ông Phật đẹp lắm, nào hào quang, tướng hảo quang minh. Thầy nói cái thân này bây giờ có tướng hảo quang minh, nó cũng là một đống rác hôi thúi, chứ có gì? Phải không? Có cái thân ai mà đẹp đẽ mà gọi là nó không thơm bao giờ đâu? Bây giờ chúng ta thấy có một cái người đó đẹp thật đẹp. Nhưng mà họ nhổ nước miếng ra, họ khạc đàm ra, chúng ta thấy đẹp chỗ nào? Ghèn cháo đẹp chỗ nào? Cứt mũi nè, cứt ráy nè, chỗ nào đẹp nữa đâu?! Đâu thấy đâu có đẹp đâu! Thật sự ra, cứ hễ mang cái thân này thì không bao giờ đẹp hết. Thậm chí như có người đến đây hỏi Thầy, nghe nói: “Một người tu cái thân không có cần tắm nữa, mà nó thơm tho”. Thầy nói: Chỉ có con chồn hương hay là con chồn đèn, chồn xạ nó vậy thôi chứ. Còn không có con người mà mang cái thân này mà gọi là thơm tho nữa. Chỉ có con chồn xạ là nó thơm theo kiểu nó. Tu mà thành chồn xạ chắc Thầy không có ham đâu”. Thầy nói thẳng mà, cái thân này là cái thân hôi thúi mà, nó bẩn thỉu mà. Cái thân là do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà, làm sao mà gọi là tu mà để cho thơm tho? Mấy người nói, cái đó là cái sai! Người ta tu là người ta ra khỏi cái thân cũng như người ta ra khỏi cái tù. Còn vầy để cho thơm tho đặng mang đi. Thầy nói thật sự, Thầy mua một lố nước thơm, một lố dầu thơm, đi đâu Thầy cũng xịt vô trong đó thì chắc là thơm dữ lắm. Thì Thầy cần gì mà Thầy phải đi tu chi cho nó cực, để mà cho cái thân nó thơm. Chỉ đem dầu thơm mà xịt cho nó cũng thơm chứ gì?

(Trích trong tài liệu chuyển ngữ " Vấn Đạo 2002" - Trưởng Lão Thích Thông Lạc)


BẠN

 ‘BẠN’ 


Một khi chúng ta lơ đễnh, buông mình theo một niềm đam mê nào đó thì nguy cơ thiện pháp cũng bị thả trôi rất dễ. Khả năng đó rất lớn! Một người có đắc thiền như ông Devādatta, chỉ vì một phút mềm lòng trước cám dỗ danh lợi mà chuyện gì cũng làm. Một vị đắc thiền như thế này chỉ một phút lơ đễnh cũng quên mình, suýt nữa gieo họa rồi, người say chuyện gì cũng làm.


Trong kinh kể Bồ tát Thích Ca Mâu Ni rất nhiều lần đắc thiền, đắc thần thông, gặp nữ sắc cũng bị đứt thiền, lúc đi thì bay, lúc về lội bộ ‘thấy bà’ luôn. Chuyện đó thường lắm. Chuyện phiền não hễ lơ đễnh là dính. Chúng ta hãy nhớ mỗi người sanh ra có hai cánh tay, có người thuận tay phải, có người thuận tay trái, đó là nói về thể xác; còn nói về tinh thần và tâm linh thì mỗi người cũng có hai bản năng: thiện và ác, vấn đề là ở chỗ ta thuận tay nào, và trong hai bản năng đó ta mạnh bản năng nào. 


Thật ra ở mỗi người bản năng thiện hay ác khó nói cái nào mạnh hơn. Dĩ nhiên thường mình thấy ác mạnh hơn, nhưng không phải vì nó mạnh mà mình bỏ qua điều kiện khách quan. Ví dụ mình là người tánh tham nhiều sân nhiều, nhưng nếu mình có chú ý đến bối cảnh sống, điều kiện thầy bạn chung quanh thì mình bớt sân, bớt tham, bớt nhỏ mọn, bớt keo kiệt. Mình là người lười học hay hiếu học, đó là bản tánh của mình, nhưng cũng nhờ sự hỗ trợ của thầy bạn rất là nhiều. Bởi nếu không có sự hỗ trợ của thầy bạn, của điều kiện sống chung quanh thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng buông trôi thả nổi con người của mình. 


Lần đó ngài Ānanda vào thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con thấy trong đời tu, tình bạn quan trọng quá, con nghĩ tu phải nỗ lực, nhưng phần nỗ lực của mình chỉ là một nửa, một nửa là phải nhờ sự hỗ trợ của bạn bè.”


Đức Phật dạy: “Này Ānanda, ta không nói một nửa mà ta nói toàn bộ chớ không phải một nửa”.


Tại sao Đức Phật lại nói vậy, không lý nào Ngài phủ nhận sự tự lực, tự giác, tự độ, tự tu, tự tĩnh của mỗi cá nhân mà phải dựa vào bạn? Ở đây Ngài định nghĩa chữ ‘bạn’ theo một lối rất mới.


‘Bạn’ ở đây được định nghĩa rất rộng. Bạn là tất cả những ai và những gì thiết thân, kề cận, gần gũi và nhiều tác động với ta nhất. 


Ví dụ, facebook cũng là một người bạn, còn nó là bạn xấu hay bạn tốt thì quí vị tự hiểu. Xấu là càng chơi với nó mình càng tệ, càng kém, còn mỗi ngày lên facebook mà quí vị thấy thiện pháp đạo nghiệp của mình ngày một phát triển thì đó là bạn tốt. 


Người cũng vậy, vật cũng vậy. Có những người ở gần họ thiện pháp của mình phát triển. Chú giải nói rất rõ, kinh Tứ Niệm Xứ dạy rằng, khi mình muốn trau dồi một thiện pháp nào đó thì ở gần người mạnh về cái đó. Muốn kham nhẫn giỏi thì ở gần người giỏi nhẫn. Muốn trau dồi chánh niệm thì phải ở gần cá nhân hay tập thể nào niệm mạnh, miên mật. Định, Xả, hạnh bố thí cũng vậy. Ở gần người kẹo lâu ngày mình cũng kẹo.


Cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ để lại một nếp hằn, một dấu ấn. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy rằng, đừng nói bạn bè chỉ là một nửa của đời tu mà phải nói là toàn bộ, vì trong tất thảy những gì ta gặp gỡ, cọ quệt va chạm mỗi ngày chính là cơ sở nền tảng để ta trở thành ai đó. 


Hôm nay chúng ta đang sống trong thế giới điện toán, bạn mình tràn lan, nhiều khi mình nói mình ở một mình nhưng 11 giờ khuya mình còn thức online, bốn giờ sáng chưa ra khỏi giường là chụp ipad, tablet coi có ai gởi tin nhắn, email gì không, đó là người bạn của mình, bạn lành hay bạn xấu thì tùy quí vị biết. Kể từ bây giờ khi nghe kinh này mình phải nhớ một chuyện: tôi sẽ cẩn trọng với tất cả những người hay vật chung quanh tôi, tôi sẽ rất cẩn trọng với nếp sinh hoạt thường nhật của tôi, vì tất thảy những thứ đó sẽ để lại vết hằn hoặc dấu ấn lên con người tôi.


Người sống theo chánh đạo và những điều kiện hỗ trợ ta sống theo chánh đạo được gọi chung là bạn lành. Người sống theo tà đạo và những điều kiện hỗ trợ ta sống theo tà đạo được gọi là bạn xấu. Hãy nhớ rằng, ngày chúng ta ra đời, chúng ta chỉ có một mình thôi. Lọt lòng mẹ, chúng ta có mẹ, có cha, có anh, có em, có chị; lớn lên chúng ta có tình yêu, có hôn nhân; ngoài xã hội chúng ta có bạn bè, có chủ tớ trong công việc; nhưng thật ra lúc đau đớn nhất đời thì chúng ta chỉ có một mình. 


Đối diện với tai tiếng hay những suy sụp về sức khỏe thì chúng ta chỉ có một mình, và mai này đối diện với cái chết chúng ta chỉ có một mình. Chính vì vậy Đức Phật mới định nghĩa chữ ‘bạn’ rộng một chút. Có những lúc chúng ta không có người nào để làm bạn thì chúng ta tự tạo, tự tìm những người bạn không có hai tay hai chân. Đó chính là nếp sống của chúng ta. Có một ngày cả thế giới đều quay lưng với chúng ta, chúng ta vẫn có thể sống an lạc, sống thiện lành với chính mình, chúng ta vẫn còn đó một người bạn.


Sư Giác Nguyên giảng


Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa.