Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Việc kết hôn là sáng tạo ngu ngốc nhất của nhân loại


Việc kết hôn là sáng tạo ngu ngốc nhất của nhân loại

Osho


- Tác giả Osho là một vị chân tu thuộc thế kỷ XX.
- Bạn phải là một người thật sự có trí tuệ mới hiểu được nội dung bài viết này.
- Không hiểu, không chấp nhận nội dung bài viết này là đồng nghĩa với sự thật: bạn ngu.
*****

Trong gia đình tôi phải có đến 50 tới 60 người – tất cả mọi họ hàng, ông bà, cô bác, chú thím, dì dượng… sống cùng nhau. Tôi đã được chứng kiến toàn bộ sự hỗn độn đó. Trên thực tế, 60 người này giúp tôi rất nhiều trong việc không tạo ra gia đình của riêng mình. Kinh nghiệm đó là quá đủ.

Nếu bạn đủ thông minh, bạn sẽ học được nhiều điều từ những lỗi lầm của người khác. Nhưng nếu bạn không thông minh, bạn thậm chí không học được chút gì từ lỗi lầm của chính mình. Vậy nên tôi học từ lỗi lầm của cha tôi, mẹ tôi, chú tôi, dì tôi... Đó là một gia đình lớn, và tôi đã chứng kiến toàn bộ cái rạp xiếc ấy, tình trạng khổ sở ấy, những cuộc xung đột liên tục, tranh đấu với nhau vì những thứ nhỏ nhặt, những thứ vô nghĩa vẫn diễn ra liên tục hàng ngày và có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt.

Thế nên từ thời thơ ấu tôi đã trở nên chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ muốn tạo ra một gia đình của riêng mình nữa.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một người được sinh ra trong một gia đình… và tại sao anh ta có thể vẫn tiếp tục tạo ra một gia đình nữa? Nhìn thấy toàn bộ những cảnh tượng khổ sở ấy mà anh ta vẫn cứ tiếp tục lặp lại nó cho được?

Khi tôi hoàn tất chương trình đại học, một cách tự nhiên, cha tôi đã rất lo lắng chuyện kết hôn của tôi. Mẹ tôi đã phải ướm lời trước, bởi vì cha tôi luôn thận trọng trong việc hỏi tôi bất cứ gì, bởi vì một khi tôi đã nói gì với ông thì sau đó không còn cách nào để thay đổi cả. Vậy nên đầu tiên ông ấy thử thông qua mẹ tôi, ông nói rằng: “Bà nên tìm hiểu xem nó nghĩ gì về việc kết hôn, bởi vì một khi nó đã nói không với tôi thì chúng ta phải vứt bỏ cái chủ đề ấy khỏi tư tưởng mãi mãi. Nên bà hãy thử tìm hiểu suy nghĩ của nó…”

Khi tôi định đi ngủ thì mẹ tôi đến và ngồi bên giường tôi và hỏi: “Giờ con đã học xong cả rồi, con nghĩ gì về việc kết hôn?”

Tôi nói: “Con muốn hỏi mẹ, bởi vì trước giờ con chưa bao giờ kết hôn cả nên con không có bất cứ kinh nghiệm nào về việc này. Mẹ đã kết hôn rồi, mẹ đã nuôi lớn 11 đứa trẻ. Mẹ là một người có rất nhiều kinh nghiệm. Con muốn xin mẹ lời khuyên. Rằng cuộc đời này của mẹ có phải là một cuộc đời tràn ngập hạnh phúc hay không? Có phải trong đời mẹ đã nghĩ nhiều lần rằng nếu mẹ không kết hôn thì chắc đời mẹ sẽ khá hơn? Và con không cần mẹ phải trả lời ngay giờ, con sẽ cho mẹ 15 ngày để suy nghĩ về điều đó.”

Bà nói: “Điều này thật lạ. Ta định cho con thời gian để suy nghĩ về điều này, và con lại nói ta hãy suy nghĩ về nó!”.

Tôi nói: “Vâng, bởi vì con không biết. Con tin mẹ. Nếu sau 15 ngày mẹ nói “Đúng vậy, cuộc đời mẹ là một cuộc đời ngập tràn niềm vui ngây ngất, dĩ nhiên con sẽ kết hôn. Nhưng mẹ hãy nhớ, con tin tưởng mẹ rất nhiều, con đang trao cả cuộc đời con và sự tin tưởng của con trong tay mẹ. Và cũng nhớ điều này rằng con biết hết về cuộc đời mẹ – mẹ chưa bao giờ có bất cứ niềm vui ngây ngất nào cả, hay bất cứ niềm hạnh phúc hân hoan nào. Nó chỉ là cuộc chiến liên tục, một cuộc tranh đấu – với cha, với những đứa trẻ… Và mẹ đã phải khổ sở thế – đó là những gì con biết. Có lẽ sâu bên trong mẹ có những kinh nghiệm hân hoan nào đó mà con không nhận thức được. Mẹ hãy nghĩ về những điều đó trong 15 ngày. Và con sẽ để cho mẹ quyền quyết định: nếu mẹ nói “Kết hôn đi”, con sẽ kết hôn.”

Sau 15 ngày bà ấy nói: “Không. Đừng kết hôn. Con đã hại ta. Con tin tưởng ta quá nhiều đến nỗi ta không thể nào phản bội lại con, và ta không thể lừa con và cũng không thể nói dối con. Con nói đúng, rất nhiều lần ta đã nghĩ về cuộc đời khốn khổ của ta và những gì ta đã làm – chỉ sinh nở, chăm sóc nuôi nấng những đứa trẻ. Đó là toàn bộ cuộc sống của ta, nó luôn bắt đầu từ lúc 4h sáng cho tới 12h khuya và ta vẫn đang phải tiếp tục. Ta không bao giờ được có bất cứ giây phút nào của riêng mình.” – Bà nói tiếp: “15 ngày này đã tạo ra một sự hỗn loạn lớn trong ta. Ta chưa bao giờ nghĩ về toàn bộ cuộc đời ta theo cách mà con bắt ta phải suy nghĩ. Ta yêu con, và ta thu hồi lại câu hỏi ban đầu. Nó không thật sự là câu hỏi của ta, nhưng là cha con đang cố để tìm hiểu câu trả lời đó.”

Tôi nói: “Nói với ông ấy hãy đến mà hỏi thẳng con thì hơn.”

Và bà ấy nói với cha tôi: “Như những gì tôi biết, mọi việc xong rồi. Tôi đã nói nó đừng kết hôn.”

Cha tôi nói: “Chúa ơi! Bà đã khuyên nó đừng kết hôn sao?”

Bà nói: “Vâng, bởi vì nó tin tưởng tôi rất nhiều, và nó đề nghị tôi suy nghĩ trong 15 ngày và nếu tôi vẫn giữ lời khuyên, nó sẽ sẵn sàng. Nhưng tôi không thể lừa dối nó và nếu tôi lừa dối nó thì tôi sẽ không thể nào sống với cái tội lỗi ấy cả đời tôi được. Ông hãy đi làm những gì ông muốn làm đi.”

Giờ thì ông ấy thậm chí còn lo lắng hơn – mẹ tôi cũng đã rời khỏi tầm tay ông ấy. Nhưng bằng cách nào đó câu trả lời đã được hiểu, về những gì tôi muốn. Ông ấy nhờ tới một người bạn của ông, một vị biện hộ của tòa án tối cao, rất nổi tiếng, rất logic với lý luận học, rất hợp lý… Cha tôi nghĩ rằng đó đúng là người thích hợp nhất để tranh luận với tôi. Và tất nhiên người đàn ông đó đã nói: “Đừng lo. Tôi đã tranh luận cả đời tôi ở tòa án tối cao. Ông không nghĩ là tôi có thể thuyết phục con trai anh sao – người mà mới chỉ rời trường đại học về? Nó thì biết gì chứ? Nó thì có kinh nghiệm gì nào? Tôi sẽ đến vào ngày mai.”

Ngày tiếp theo là chủ nhật, tòa án đóng cửa. Ông ấy đến nhà tôi và tôi bảo ông: “Trước khi ông bắt đầu – bởi vì cha tôi đã bảo tôi rằng ông đang đến để thuyết phục tôi về việc kết hôn – trước khi ông bắt đầu tôi muốn chúng ta làm một thỏa thuận rõ ràng rằng nếu ông có thể thuyết phục được tôi, thì tôi sẽ sẵn sàng kết hôn. Nhưng nếu ông không thể thuyết phục được tôi thì ông sẽ phải ly hôn với vợ của ông. Ông phải làm gì đó cho việc này trở thành đáng giá chứ. Và tôi tin tưởng ông, vậy nên tôi không đề nghị ông một vị thẩm phán. Tôi yêu mến và tôn trọng ông như tôi yêu mến và tôn trọng cha tôi. Vậy nên tôi không yêu cầu một vị thẩm phán nào đứng ra phán xét cả bởi vì điều đó sẽ giống như không tin tưởng ông. Tôi tin vào khả năng của ông và tôi sẵn sàng tranh luận, nhưng thỏa thuận này cần phải được ghi nhớ.”

Ông ấy nói: “Khoan hãy cho ta một chút thời gian, bởi vì ta chưa bao giờ nghĩ về tình huống này. Dù sự thật là ta đã phải sống cam chịu với chuyện kết hôn cả đời ta, nhưng ta chưa bao giờ thật sự có một suy nghĩ nào về nó. Và cậu lại đang đề xuất ta ly hôn nếu ta không thể thuyết phục cậu hứng thú với việc kết hôn. Hãy để ta suy nghĩ lại cho rõ ràng đã. Ta còn có những đứa trẻ và một bà vợ, ta cũng đang có địa vị trong xã hội nữa. Ta không thể ly hôn quá dễ dàng như thế.”

Tôi nói: “Và ông nghĩ tôi không có gì sao? Tất cả những gì ông có là quá khứ và tất cả những gì tôi có là tương lai. Quá khứ thì đã chết rồi, đã qua rồi. Tôi đang phải mạo hiểm cuộc sống của tôi, những thứ còn đang tới và chưa tới, và ông thì đang mạo hiểm chỉ những thứ đã đi rồi, xong rồi. Vậy mà ông lại nghĩ ông đang mạo hiểm nhiều hơn những gì tôi đang mạo hiểm sao?”

Và vào ngày thứ hai ông ấy đã thông báo cho tôi rằng: “Ta không muốn tranh cãi với cậu về bất cứ thứ gì nữa cả”.

Tôi đã phải đi đến nhà ổng mỗi ngày, và ông ấy luôn nói với vợ: “Bà nói với cậu ta là tôi không có nhà”.

Sau cùng người vợ nói: “Tại sao ông lại sợ chàng trai đó? Tại sao ông lại phải vào nhà tắm, khóa lại rồi trốn bên trong? Bất cứ lúc nào ông thấy cậu ta đến, tại sao ông lại sợ hãi?”

Ông ấy nói: “Bà không biết đâu. Vấn đề là hoặc cậu ta sẽ kết hôn hoặc tôi sẽ phải ly hôn với bà. Nó là một câu hỏi về sự sống và cái chết. Bà cứ đi ra nói với cậu ta rằng ta không có nhà đi.”

Trước khi tôi rời thành phố và vào đại học như một giảng sư, ngày cuối cùng tôi đến nói với vợ ông ấy: “Tôi biết ông ấy luôn ở bên trong, và bà cũng biết tại sao ông ấy lại không ra gặp tôi. Chỉ cần bà nói với ông ấy rằng ông ấy có thể là một nhà biện hộ với nhiều kinh nghiệm trong tòa án tối cao, nhưng ông ấy đã thua vụ này ngay từ đầu. Hãy nói với ông ấy rằng ổng nên ngưng khoác loác về việc ông ấy không bao giờ thua vụ kiện nào. Trên thực tế ông ấy đã thua một vụ này mà thậm chí không cần tới thẩm phán. Ông ấy đã có thể là cả hai. Tôi đã trao cho ông ấy cơ hội để là cả thân chủ lẫn thẩm phán. Ông ấy có thể lừa tôi, ông ấy có thể gian trá với tôi. Nhưng tôi biết ông ấy không thể vì thật là một việc khó khăn khi lừa ai đó mà họ tin tưởng quá nhiều vào mình…”

Ông ấy đi ra trong khi tôi đang nói với vợ ông ấy và ông nói: “Hãy tha thứ cho ta. Cậu nói đúng. Ta đã luôn tự hào như thế nhưng nay cậu đã làm ta rất sợ. Ta không bao giờ sợ bất cứ ai nhưng ta lại sợ cậu, bởi vì ta không thể nói một lời dối trá nào khi ta nhìn cậu, nhìn vào trong mắt cậu, nhìn vào sự tin tưởng của cậu, tình yêu của cậu dành cho ta. Ta không thể nói dối nhưng ta cũng không thể ly hôn với vợ ta được. Có quá nhiều thứ liên quan và đã có quá nhiều sự đầu tư – ta chỉ không thể làm được. Theo ta cậu nên nói thẳng với cha cậu rằng không có cách nào khác nữa, ông ấy phải nói trực tiếp với cậu điều ông ấy muốn biết”. Cha tôi không bao giờ làm điều đó. Tôi hỏi ông ấy rất nhiều lần: “Tại sao cha không hỏi con về việc kết hôn nữa? Cha đã cố gắng hỏi thăm từ những người khác, tại sao cha không hỏi một cách trực tiếp luôn?”

Ông ấy nói: “Ta biết rằng câu trả lời của con sẽ tạo ra phiền muộn cho ta. Câu trả lời của con là không kết hôn về phần con, nhưng nó sẽ trở thành ác mộng đối với ta. Con hãy quên chuyện này đi. Bất cứ gì con muốn làm, thì cứ làm. Nếu con muốn kết hôn, con hãy kết hôn. Nếu con không muốn, hãy dừng chủ đề này lại. Ta cũng đã ném ý tưởng ấy đi từ sớm rồi.”

Việc kết hôn là một trong những sáng tạo ngu ngốc nhất mà con người tạo ra. Nhưng nó được tạo ra với sự quan tâm sâu sắc, với lòng thiện chí. Tôi không nghi ngờ về tính thiện chí, tôi chỉ nghi ngờ về sự khôn ngoan của con người. Mục đích của họ thì có thể đúng, nhưng trí thông minh của họ thì rất xoàng.

Một người có sự hiểu biết thật sự sẽ không bao giờ hứa hẹn về ngày mai, anh ta chỉ có thể nói: “Trong giây phút này”. Một người có sự chân thành thật sự sẽ không thể hứa hẹn về tương lai chút nào. Anh ta có thể hứa gì? Ai có thể biết được về ngày mai? Ngày mai có thể đến, có thể không. Ngày mai có thể đến và bạn nói: “Tôi đã không như cũ, bạn đã không như cũ”. Ngày mai có thể đến và nói: “Anh hãy tìm ai đó khác phù hợp hơn với anh, em cũng sẽ tìm ai đó khác hài hòa hơn với em”. Thế giới thì bao la thế, tại sao phải làm kiệt nó hôm nay? Hãy giữ cho những cánh cửa được mở, hãy giữ cho khả năng thay đổi được sẵn sàng.

Tôi chống lại việc kết hôn. Nó luôn tạo ra những vấn đề không cần thiết, thậm chí là ngu ngốc. Sự sáng tạo ngu ngốc nhất trên thế giới chính là việc kết hôn, bởi vì nó hướng người ta đến với sự giả tạo: người ta luôn thay đổi, nhưng người ta phải tiếp tục giả vờ như thể họ vẫn giữ tình trạng y nguyên như cũ.

Tôi đã ở cùng với hàng ngàn gia đình – ai cũng khổ cả. Và bởi vì tôi được yêu quý nên cả người chồng lẫn người vợ đều đến và mở lòng họ ra với tôi. Cả hai khi tách riêng đều là những người rất tốt, nhưng khi ở cùng nhau thì họ liên tục tạo ra tranh đấu. Mỗi ngôi nhà đều trở thành một chiến trường. Và những đứa trẻ thì phải lớn lên trong bầu không khí bị nhiễm độc ấy. Chúng sớm muộn sẽ học được cùng những kĩ thuật và chiến lược mà cha mẹ chúng đã sử dụng và một cách tự nhiên chúng cũng sẽ lặp lại tất cả những điều đó.

Đó là lý do tại sao mỗi thế hệ đều không ngừng truyền những căn bệnh của nó cho những thế hệ sau. Những thế hệ thay đổi liên tục nhưng những căn bệnh thì trở nên nan y không thể chữa được. Bây giờ chúng ta phải chặn đứng căn bệnh ấy, để cho nhân loại tương lai có thể được tự do khỏi những sự ngu ngốc này.

Đừng chỉ đưa ra một khái niệm mới, mà hãy thay đổi nó từ trong nền tảng.

Osho’s Life and Teaching
_Phi Tuyết dịch_


Dưới đây là nội dung phản hồi của người đăng bài viết trên đây:

5/1/2017: Đã hiểu tại sao lượng người theo dõi (follow) tăng và đường truyền (serve) bị tắc nghẽn hôm qua, hóa ra do bài dịch này, bạn nào lỡ đọc tới đây mà thấy đồng tình và hiểu được thông điệp của câu chuyện trên, thì thôi. Bạn nào không hiểu hay chưa hiểu, hay không đồng ý, xin hãy đọc tiếp vài dòng:

Mới đăng lên 2 ngày mà đã đạt 12k likes (thấy sai sai, hay bị hack? hay 1,2k?), dù sao thì cũng chắc chắn là hơn cả bài viết “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu” năm ngoái rồi.

Nhưng nhìn các bình luận mới thấy buồn, đa phần các bạn hiểu sai quá sai thông điệp trong câu chuyện này. Cùng như cách các bạn đã hiểu sai thông điệp của những bậc giác ngộ khác từ xưa tới nay.

Trí óc các bạn đã quá chật chội với những tư duy cũ kĩ, lối mòn, những tư tưởng bị cài đặt, bị định hướng… đến nỗi nó không còn chút chỗ trống nào cho những tư duy mới mẻ cả. Mà chính những tư duy mới mẻ ấy mới là thứ có thể giải phóng tâm trí bạn, giải phóng linh hồn bạn. Bạn đã sống trong cũ kĩ hàng vạn kiếp rồi, và nếu bạn cứ đóng chặt tâm trí không tiếp nhận những thông điệp mới mẻ thì bạn sẽ lại sống thêm hàng triệu kiếp cũ kĩ như vậy nữa.

Đầu tiên, bạn không biết Osho là ai, và câu chuyện này là một câu chuyện có thật, không phải truyện bịa để bạn cười nhạo.

Osho là một bậc chân sư giác ngộ thuộc thế kỉ 20 – giống như Phật tổ giác ngộ hồi trước công nguyên và Chúa Jesus vào đúng công nguyên vậy – Họ đều là những bậc thầy dẫn dắt nhân loại trên con đường tâm linh – bạn có chê cười những lời dạy của Phật tổ không? Bạn có chê cười những lời rao của Chúa Jesus không? Osho cũng vậy, nếu bạn chê cười là bạn bỏ lỡ một cơ hội vĩ đại để học hỏi, để tiến hóa cho linh hồn của bạn. Bởi vì Phật và Đức Jesus đã thuyết giảng từ hàng ngàn năm trước trong những bối cảnh cổ xưa đến nỗi giờ bạn nghe chúng thấy sao mà khó hiểu. Còn Osho, ông ấy thuyết giảng dựa trên nền tảng nhận thức của con người hiện đại với những mối quan tâm hiện đại: tài sản, danh vọng, chính trị, gia đình, con cái… nên chúng cực kì dễ hiểu và một khi bạn có thể hiểu, cuộc đời bạn sẽ được khai phóng để đến với sự tự do và hạnh phúc.

Đừng chê cười một thứ chỉ vì bạn không có khả năng/chưa có khả năng để hiểu!

Phật nói bạn vứt hết tài sản đi, ném hết vào sọt rác đi, buông bỏ hết đi. – bạn có nói Phật điên không?

Đức Jesus nói hãy đưa thêm má trái cho kẻ nào tát má phải của bạn, hãy yêu thương kẻ thù của mình đi… – bạn có nói đức Jesus là nhảm nhí?

Cũng vậy thôi, Osho kêu bạn rằng hãy vứt bỏ mọi quan niệm cũ kĩ đi, nhìn mọi thứ sâu vào bản chất đi, hãy làm những gì mới mẻ khiến cho đời bạn nở hoa, khiến cho đời bạn thành lễ hội đi… (chuyện không nên kết hôn chỉ là 1 trong hàng triệu lời khuyên của ông ấy). Và bạn chưa biết ông ấy là ai, bạn chưa hiểu được ý của ông ấy là gì, bạn chưa từng đạt tới cấp độ về tâm thức đủ để nhìn ra những sự thật về cuộc đời bạn đang sống.

Ấy thế mà bạn vội phán những điều này là ngớ ngẩn, là nhảm nhí, là ngu si ư?

Phật từ bỏ gia đình vợ con từ khi đi tu tập, Đức Jesus không kết hôn và nói với mẹ mình “Bà không phải mẹ tôi”, Lão Tử cũng không kết hôn chút nào… bạn cũng nói họ ngu ngốc ư?

Từ khi nào mà bất cứ thứ gì bạn không thể hiểu bạn đều cho là nhảm nhí, là ngu ngốc?

Từ bao giờ bạn còn sáng suốt hơn cả các chân sư của nhân loại?

Bạn nhìn mọi thứ theo quan điểm của những nô lệ – nô lệ của xã hội, họ nhìn mọi thứ theo quan điểm của một người tự do. Và bạn là con chim trong lồng chửi những con chim đang bay lượn trên trời là ngu ngốc?

Tôi nói thật với các bạn là tôi chán giải thích lắm, trí óc các bạn kín quá nên không chỉ tôi mà đến Chân lý cũng không chen vào đó được nữa. Tôi chán giải thích nhưng cũng không muốn các bạn hiểu lầm rồi tự đi vào ngõ cụt.

Chắc phải viết thêm một lần nữa về thông điệp này: Tại sao kết hôn là một việc ngu ngốc – cái nhìn dưới góc độ của một bậc giác ngộ.