Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

BẠN

 ‘BẠN’ 


Một khi chúng ta lơ đễnh, buông mình theo một niềm đam mê nào đó thì nguy cơ thiện pháp cũng bị thả trôi rất dễ. Khả năng đó rất lớn! Một người có đắc thiền như ông Devādatta, chỉ vì một phút mềm lòng trước cám dỗ danh lợi mà chuyện gì cũng làm. Một vị đắc thiền như thế này chỉ một phút lơ đễnh cũng quên mình, suýt nữa gieo họa rồi, người say chuyện gì cũng làm.


Trong kinh kể Bồ tát Thích Ca Mâu Ni rất nhiều lần đắc thiền, đắc thần thông, gặp nữ sắc cũng bị đứt thiền, lúc đi thì bay, lúc về lội bộ ‘thấy bà’ luôn. Chuyện đó thường lắm. Chuyện phiền não hễ lơ đễnh là dính. Chúng ta hãy nhớ mỗi người sanh ra có hai cánh tay, có người thuận tay phải, có người thuận tay trái, đó là nói về thể xác; còn nói về tinh thần và tâm linh thì mỗi người cũng có hai bản năng: thiện và ác, vấn đề là ở chỗ ta thuận tay nào, và trong hai bản năng đó ta mạnh bản năng nào. 


Thật ra ở mỗi người bản năng thiện hay ác khó nói cái nào mạnh hơn. Dĩ nhiên thường mình thấy ác mạnh hơn, nhưng không phải vì nó mạnh mà mình bỏ qua điều kiện khách quan. Ví dụ mình là người tánh tham nhiều sân nhiều, nhưng nếu mình có chú ý đến bối cảnh sống, điều kiện thầy bạn chung quanh thì mình bớt sân, bớt tham, bớt nhỏ mọn, bớt keo kiệt. Mình là người lười học hay hiếu học, đó là bản tánh của mình, nhưng cũng nhờ sự hỗ trợ của thầy bạn rất là nhiều. Bởi nếu không có sự hỗ trợ của thầy bạn, của điều kiện sống chung quanh thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng buông trôi thả nổi con người của mình. 


Lần đó ngài Ānanda vào thưa với Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con thấy trong đời tu, tình bạn quan trọng quá, con nghĩ tu phải nỗ lực, nhưng phần nỗ lực của mình chỉ là một nửa, một nửa là phải nhờ sự hỗ trợ của bạn bè.”


Đức Phật dạy: “Này Ānanda, ta không nói một nửa mà ta nói toàn bộ chớ không phải một nửa”.


Tại sao Đức Phật lại nói vậy, không lý nào Ngài phủ nhận sự tự lực, tự giác, tự độ, tự tu, tự tĩnh của mỗi cá nhân mà phải dựa vào bạn? Ở đây Ngài định nghĩa chữ ‘bạn’ theo một lối rất mới.


‘Bạn’ ở đây được định nghĩa rất rộng. Bạn là tất cả những ai và những gì thiết thân, kề cận, gần gũi và nhiều tác động với ta nhất. 


Ví dụ, facebook cũng là một người bạn, còn nó là bạn xấu hay bạn tốt thì quí vị tự hiểu. Xấu là càng chơi với nó mình càng tệ, càng kém, còn mỗi ngày lên facebook mà quí vị thấy thiện pháp đạo nghiệp của mình ngày một phát triển thì đó là bạn tốt. 


Người cũng vậy, vật cũng vậy. Có những người ở gần họ thiện pháp của mình phát triển. Chú giải nói rất rõ, kinh Tứ Niệm Xứ dạy rằng, khi mình muốn trau dồi một thiện pháp nào đó thì ở gần người mạnh về cái đó. Muốn kham nhẫn giỏi thì ở gần người giỏi nhẫn. Muốn trau dồi chánh niệm thì phải ở gần cá nhân hay tập thể nào niệm mạnh, miên mật. Định, Xả, hạnh bố thí cũng vậy. Ở gần người kẹo lâu ngày mình cũng kẹo.


Cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ để lại một nếp hằn, một dấu ấn. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy rằng, đừng nói bạn bè chỉ là một nửa của đời tu mà phải nói là toàn bộ, vì trong tất thảy những gì ta gặp gỡ, cọ quệt va chạm mỗi ngày chính là cơ sở nền tảng để ta trở thành ai đó. 


Hôm nay chúng ta đang sống trong thế giới điện toán, bạn mình tràn lan, nhiều khi mình nói mình ở một mình nhưng 11 giờ khuya mình còn thức online, bốn giờ sáng chưa ra khỏi giường là chụp ipad, tablet coi có ai gởi tin nhắn, email gì không, đó là người bạn của mình, bạn lành hay bạn xấu thì tùy quí vị biết. Kể từ bây giờ khi nghe kinh này mình phải nhớ một chuyện: tôi sẽ cẩn trọng với tất cả những người hay vật chung quanh tôi, tôi sẽ rất cẩn trọng với nếp sinh hoạt thường nhật của tôi, vì tất thảy những thứ đó sẽ để lại vết hằn hoặc dấu ấn lên con người tôi.


Người sống theo chánh đạo và những điều kiện hỗ trợ ta sống theo chánh đạo được gọi chung là bạn lành. Người sống theo tà đạo và những điều kiện hỗ trợ ta sống theo tà đạo được gọi là bạn xấu. Hãy nhớ rằng, ngày chúng ta ra đời, chúng ta chỉ có một mình thôi. Lọt lòng mẹ, chúng ta có mẹ, có cha, có anh, có em, có chị; lớn lên chúng ta có tình yêu, có hôn nhân; ngoài xã hội chúng ta có bạn bè, có chủ tớ trong công việc; nhưng thật ra lúc đau đớn nhất đời thì chúng ta chỉ có một mình. 


Đối diện với tai tiếng hay những suy sụp về sức khỏe thì chúng ta chỉ có một mình, và mai này đối diện với cái chết chúng ta chỉ có một mình. Chính vì vậy Đức Phật mới định nghĩa chữ ‘bạn’ rộng một chút. Có những lúc chúng ta không có người nào để làm bạn thì chúng ta tự tạo, tự tìm những người bạn không có hai tay hai chân. Đó chính là nếp sống của chúng ta. Có một ngày cả thế giới đều quay lưng với chúng ta, chúng ta vẫn có thể sống an lạc, sống thiện lành với chính mình, chúng ta vẫn còn đó một người bạn.


Sư Giác Nguyên giảng


Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasam Buddhassa. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét