Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

NHỮNG GƯƠNG HẠNH THÁNH TĂNG THỜI ĐỨC PHẬT

 NHỮNG GƯƠNG HẠNH THÁNH TĂNG THỜI ĐỨC PHẬT


1. La-hầu-la - cậu bé hạnh phúc nhất thế gian 


Cậu bé La-hầu-la là đứa con trai duy nhất của Thái tử Siddhārtha (người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca), khi cậu vừa tròn 10 tuổi, bằng tuổi một đứa bé bước vào lớp cuối cấp Tiểu học bây giờ thì đã được mẹ hướng dẫn cho xuất gia, rời bỏ gia đình, từ bỏ cung điện, ngai vàng trong tương lai. Sau 10 năm học đạo thì trở thành bậc thánh nhân A-la-hán.


Kết luận: Bạn không nhất thiết phải học quá nhiều các kiến thức của người thế gian, chỉ cần biết đọc biết viết, có hiểu biết vừa đủ là được. Quan trọng là bạn cần phải tu học trở thành một người sống đúng đạo đức làm người, mới có thể sống hạnh phúc an nhiên giữa cuộc đời. Nếu muốn bạn có thể tiến xa hơn, tu hành rốt ráo để trở thành một bậc thánh giải thoát. 


2. A-nan - người thông minh nhưng chứng đạo rất muộn


A-nan là một nam thanh niên khôi ngô, tuấn tú, được coi là người đa văn, được thận cận Phật, được nghe Phật thuyết pháp nhiều và nhớ nhiều nhất. Nhưng khi Phật nhập diệt thì A-nan vẫn bật khóc vì sự ra đi của Ngài, điều này cho thấy A-nan vẫn chưa thật sự giác ngộ. Đêm trước khi tăng đoàn tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất thì A-nan mới tu chứng đạo. 


Kết luận: Học nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều không bằng thực hành sống đúng đạo đức làm người, làm thánh. Muốn được giải thoát cần phải lấy thực hành sống đúng đạo đức làm quan trọng. Có thực hành mới có giải thoát. Học nhiều mà không thực hành thì cũng giống như cái tủ đựng kinh sách, chỉ thêm cản trở trên bước đường tu, chẳng có lợi ích gì cả. 

 

3. Ca-diếp - chủ trương sống khổ hạnh


Xuất thân từ tầng lớp Bà-la-môn, trong một gia đình giàu có nhưng ngài không thọ hưởng dục lạc thế gian, khước từ hôn thú. Ngài xuất gia theo Phật và tu 8 ngày thì chứng đạo. Ngài chủ trương sống khổ hạnh ở núi cao, rừng sâu, thường đi lượm vải cũ để mặc. Khi đi khất thực ngài hướng đến những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh, tránh xa người giàu sang. 


Kết luận: Con người vốn sinh ra từ dục vọng, sống trong dục vọng, chết cũng bởi dục vọng. Dục vọng là ác pháp, là phiền não, khổ đau. Sự giàu sang sẽ cản trở người xuất gia tầm đạo. Chỉ có xa rời các dục vọng, lạc thú trên thế gian mới có thể tiến tới sự giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử. Cần phải hiểu rõ như vậy để tránh xa sự thụ hưởng các dục lạc thế gian. 

 

4. Ni-đề, người làm nghề gánh phân tu hành đắc thánh quả A-la-hán 


Ni-đề là một người thuộc tầng lớp cùng đinh, khốn khổ trong xã hội Ấn Độ, ông làm nghề gánh phân, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật nên đã xuất gia tu hành. Chỉ sau chưa đầy một tuần lễ với sự nỗ lực tinh tấn dũng mãnh, ông đắc thánh quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn khỏi đời sống thế gian khổ đau. Sau đó ông được hàng vua chúa cung kính đảnh lễ.

 

Kết luận: Giai cấp và tầng lớp xã hội không có ý nghĩa phân biệt người có đạo đức hay không. Người có đạo đức mới là người đáng trân trọng. Những người sống trong cùng cực, khốn khổ, ít tài sản sẽ dễ buông xả và tu hành chứng đạo nhanh hơn. Ngược lại những người sống trong nhung lụa, giàu sang thường khó buông xả, do vậy cuộc sống cũng bất an hơn.


5. Angulimala - tướng cướp buông đao trở thành bậc thánh nhân


Ông Angulimala là một tên tướng cướp giết người khét tiếng tàn bạo ở vương quốc Kosala, với tay nhuốm máu, đầy tội lỗi, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật ông liền buông bỏ đao kiếm xuống, hóa sinh ngay thành một bậc hiền nhân, tinh tấn tu hành. Không bao lâu sau ông chứng quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn ra khỏi sinh tử, chấm dứt luân hồi khổ đau. 

 

Kết luận: Bất cứ con người nào cũng có mầm thiện lành ở trong tâm, chỉ cần gặp được người có đủ lòng vị tha thì sẽ cảm hóa được họ, biến họ trở thành một người có đạo đức thật sự. Không nên áp đặt theo định kiến rằng "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" mà cướp mất đi những cơ hội để cho những người có một quá khứ lầm lỗi được quay đầu làm lại cuộc đời. 


6. Liên-hoa-sắc - người kỹ nữ ở chốn lầu xanh trở thành bậc A-la-hán

 

Trong thời Đức Phật tại thế còn có một câu chuyện điển hình khác, đó là chuyện về người kỹ nữ tên là Liên-hoa-sắc trở thành bậc thánh nhân. Bà Liên-hoa-sắc là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng cuộc đời gặp nhiều điều bất hạnh, trái ngang. Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, cuối cùng bà gặp được Phật và tu hành chứng quả A-la-hán giải thoát hoàn toàn. 

 

Kết luận: Xinh đẹp không phải luôn là lợi thế của con người, ngược lại còn có thể là thảm họa cho chính họ. Thường thì những người xinh đẹp rất tự hào về bản thân, song chính điều đó đã khiến họ phải chuốc lấy những điều bất hạnh không ngờ tới. Khi đó họ mới thấy sắc đẹp là nguy hiểm, chỉ có đạo đức mới cứu rỗi được cuộc đời của con người mà thôi.

 

7. A-na-luật - một người mù đắc thánh quả A-la-hán, trở thành thiên nhãn đệ nhất

 

Ông A-na-luật là một thanh niên xuất thân từ dòng dõi quý tộc, tài năng hơn người nhưng sớm giác ngộ đời là biển khổ, ông khước từ kết hôn, quyết chí xuất gia tu hành giải thoát. Với sự kiên định, nỗ lực, tinh tấn đến mù cả hai con mắt, cuối cùng ông đắc đạo quả A-la-hán, trở thành bậc Thiên nhãn đệ nhất. Ông được nghe Phật giảng về 8 điều giác ngộ. 

 

Kết luận: Người thật sự có trí là người sớm giác ngộ sự thật cuộc đời là biển khổ, khi đó họ sẽ không chấp nhận sự ràng buộc thường tình của thế gian nữa. Có như vậy mới quyết chí vượt thoát ra khỏi biển khổ ấy. Việc làm một người sống có đạo đức thì không phân biệt người lành lặn hay người tật nguyền, chỉ cần có quyết tâm là có thể đạt được ý nguyện. 


8. Subhùti - chứng đạo với lòng yêu thương 

 

Subhùti là vị tu sĩ được Phật triển khai cho một đề tài về tâm Từ, và ông áp dụng tu tập đến chứng quả A-la-hán, trở thành đệ nhất về hạnh Từ vô lượng. Với ngài, tất cả mọi loài hữu tình (động vật) hay vô tình (thực vật) trên thế gian này đều đáng được trân trọng, bảo vệ, yêu thương. Sau khi chứng đạo ngài không làm tổn thương đến cả một nhành cây, ngọn cỏ.

 

Kết luận: Chỉ cần chuyên tâm với một pháp tu đúng đặc tướng của mình là có thể chứng quả A-la-hán giải thoát. Không nhất thiết phải tu nhiều pháp mới chứng đạo. Việc tìm ra pháp tu cho mình, nếu may mắn được bậc A-la-hán chỉ cho là một điều vô cùng quý, bằng không thì phải tự mình tìm ra pháp tu cho mình, bởi chỉ mình mới hiểu bản thân mình nhất. 


9. Các vị đệ tử chân chính thời Đức Phật bị trọng bệnh

 

Ngoài những tấm gương điển hình trên đây, trong thời Đức Phật còn có nhiều vị đệ tử chân chính như các Tôn giả Vakkali, Khemaka, Assaji, Channa,... các cư sĩ Dighavu, cư sĩ Cấp Cô Độc... họ là những người đệ tử thuần thành nhưng bị bệnh nặng, do có được duyên lành giác ngộ lý vô thường, vô ngã, khổ, không... Cuối cùng họ cũng chứng quả giải thoát. 

 

Kết luận: Bệnh hoạn không phải là chướng ngại khiến cho người ta không thể tiến tới sự giải thoát hoàn toàn, ngược lại nó còn là cơ hội để con người có thể vượt ra khỏi biển khổ. Chỉ có điều những người bệnh hoạn thì cần phải có ý chí và nghị lực hơn người, có như vậy mới có thể vượt qua những đau đớn, tiến tới sự làm chủ nhân quả, chấm dứt tái sinh luân hồi. 


* Đề-bà-đạt-đa - phản bội Phật, phải chịu quả báo


Trong thời Đức Phật không thể không nhắc đến Đề-bà-đạt-đa, một điển hình về kẻ vong ân bội nghĩa. Đề-bà-đạt-đa xuất gia tu hành, ban đầu cũng là một người đệ tử ngoan đạo, nhưng về sau bị danh lợi cám dỗ, ông ta quay lại phản bội Phật, thậm chí lập mưu hãm hại Phật để dành lấy Tăng đoàn. Cuối cùng ông ta phải trả giá, phải chết trong đau đớn tận cùng.

 

Kết luận: Không phải ai có duyên gặp được Phật pháp cũng đều giữ được duyên lành đó. Nếu không sáng suốt phân biệt thiện ác thì rất dễ bị danh lợi cuốn đi lúc nào không hay. Phải hết sức cẩn trọng, cảnh giác trong từng tâm niệm nhỏ để tránh bị sa vào ác pháp. Mất đi duyên Phật pháp là sẽ bị đọa vào địa ngục vô dán không biết đến bao giờ mới gặp lại nữa. 

 

BÀI HỌC


1. Tam bảo, Phật pháp là điều quý báu nhất thế gian. Chỉ có Phật pháp mới cứu rỗi con người thoát ra khỏi bể khổ trầm luân cuộc đời này.


2. Bất cứ xuất thân từ giai cấp nào, trong tầng lớp nào, hoàn cảnh ra sao... chỉ cần nỗ lực tu hành thì vẫn chứng đắc đạo quả giải thoát. 

 

3. Thông minh, học giỏi, thành đạt cao không phải là yếu tố quyết định sự giải thoát, mà quan trọng là việc thực hành sống đạo đức. 


4. Những người kiêu căng thì không thể tu hành giải thoát được, cùng lắm là tạo được chút phước hạnh cho đời sống sau mà thôi. 

 

***

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

9 điều suy ngẫm về nhân tình thế thái

 

9 điều suy ngẫm về nhân tình thế thái

 

Dưới đây là 9 điều về nhân tình thế thái mà một người đã rút ra khi nhìn ngắm cuộc đời của mình và những người khác, những điều rất đáng để học hỏi:

1. Thường xét lỗi lầm của mình, sẽ từ từ quên đi lỗi lầm của người khác. Vốn không có ai đúng ai sai, chỉ là lập trường bất đồng, mỗi người tôn trọng lập trường của nhau.

2. Xin bạn đừng mạo muội đánh giá tôi, bạn chỉ biết tên họ của tôi, trái lại không biết câu chuyện của tôi; bạn chỉ nghe nói tôi đã làm cái gì mà không biết tôi đã trải qua những gì.

3. Một người chân chính mạnh mẽ sẽ không quá quan tâm đến chuyện làm vui lòng đẹp ý người khác. Đừng quá quan trọng cái gọi là giữ gìn quan hệ xã hội, điều quan trọng nhất là bạn phải nâng cao nội lực của chính mình, chỉ khi chính bạn rèn luyện tốt rồi, mới sẽ có người khác đến gần gũi bạn, chính mình là cây ngô đồng, phượng hoàng mới đến đậu; chính mình là biển lớn, trăm sông mới tụ hội, như hoa có hương ắt ong bướm tìm đến. Chỉ khi bạn đến được tầng bậc nhất định thì mới có được những quan hệ xã hội tương ứng, mà không phải là ngược lại.

4. Không có ai theo bạn cả một đời, cho nên bạn phải có năng lực vui sống ở nơi đang sống, vui với việc mình làm. Sẽ không có ai giúp bạn cả một đời, cho nên bạn phải sẵn sàng tự lực.

5. Đời người vốn là một loại cảm thụ. Lúc người bạn yêu vứt bỏ bạn, dù cho bạn kêu trời trách đất cũng không ích gì; lúc có người nói xấu bạn, dù lưỡi bạn như hoa sen, bạn cũng trăm miệng không biện bạch được, chuyện đời vốn là vậy. Lúc đắc ý, tâm thế như triều dâng, lúc thất chí, tâm tình như hoa rụng. Đừng quá xem trọng chính mình, những lúc bị khuất nhục, không còn cách gì, muốn rơi lệ, chính những giây phút đó là một bộ phận không thể thiếu trong đường đời.

6. Có người luôn ngưỡng mộ, ham thích hạnh phúc của người khác, bỗng có lúc quay đầu nhìn lại phát hiện cuộc sống của chính mình đang được người khác ngưỡng mộ. Kỳ thực mỗi một người đều đang hạnh phúc, chỉ là hạnh phúc của bạn thường đang ở trong mắt người khác. Ngọn núi hạnh phúc này vốn không có đỉnh, không có đầu, bạn phải học cách đi thật chậm, chiêm ngưỡng cảnh núi, thưởng thức cầu vồng, hóng gió mát vi vu, tâm trạng thư thả mới có thể cảm nhận cuộc sống thật sung túc.

7. Hạnh phúc không bỏ sót bất kỳ người nào, sớm muộn gì cũng có ngày nó tìm đến bạn.

8. Đời người là một quá trình vận động phát triển liên tục, bạn sẽ không bao giờ biết thời khắc kế tiếp sẽ phát sinh chuyện gì, cũng sẽ không rõ vì sao vận mệnh đối đãi với bạn như vậy. Chỉ sau khi bạn trải qua các loại biến cố trong đời sống, bạn mới rũ bỏ cái nhìn phù hoa ban đầu, nhìn nhận thế giới bằng tâm thái khiêm tốn.

9. Ví như bạn quét lá, dù hôm nay bạn dùng hết sức, thì lá khô ngày mai vẫn bị gió thổi đến. Trên đời có rất nhiều việc không cách gì mong gấp mong sớm được, chỉ có thể sống với giây phút hiện tại, không ngừng vươn lên.

Nguồn: www.trungtamhotong.org

 

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

 

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

 


Nhằm giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về khổ đau và hạnh phúc do đồng tiền mang đến, chủ đề mà chúng tôi nói đến là “Hai mặt của đồng tiền”. Chúng ta cần hiểu và sử dụng đồng tiền như thế nào cho đúng, không vì nó để tạo nghiệp rồi chịu khổ đau tội lỗi mà nương vào nó làm lợi ích cho người.

Ai đã đi vào cuộc sống, bôn ba xuôi ngược trên chợ đời, tranh đua với người đời mà không một lần cảm nghiệm cái mãnh lực của đồng tiền? Đồng tiền nối liền với khúc ruột của con người, nó cũng chính là cái căn cơ của buồn vui sướng khổ của nhân loại? Cũng chính đồng tiền đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại, được thiên hạ nể vì, nhân nhượng hay khinh khi coi thường! Vì thế tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng trong cuộc sống con người. Thế sự thăng trầm, con người thay lòng đổi dạ, xã hội đảo điên, luân thường đạo lý bị xáo trộn, tất cả cũng vì ảnh hưởng của đồng tiền. Vậy đồng tiền có ý nghĩa như thế nào với con người.

Tiền – kẻ sát nhân. Tiền – ngọn nguồn của cuộc sống. Tiền – căn nguyên của cái ác.

Trước hết tôi xin định nghĩa về tiền: Vậy tiền là gì? Giá trị đích thực của nó ra sao, mà chi phối đời sống con người như thế? Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, tiền là những tờ giấy, hoặc những mảnh kim loại nhỏ được con người gán cho sự quý báu và định cho nó một giá trị nhất định, xem nó là cán cân để cân đong đo lường giá trị tất cả các vật dụng, có khi nó còn đo được cả tình cảm của con người! Song song với các giá trị ấy, tiền có khi đồng nghĩa với tội ác, với danh vọng, địa vị và mọi thứ làm nên cuộc đời. Dựa vào tiền, bên ngoài hiện tướng phân chia giai cấp, bên trong là lệ thuộc ; bên ngoài là an vui hạnh phúc, bên trong là khổ đau tột bậc. Vì thế, qua dòng lịch sử nhân loại, nhiều bậc thánh hiền, các nhà mô phạm, đặc biệt là các tôn giáo đã đưa ra nhiều lời, nhiều giáo thuyết nhằm răn dạy, cải hóa lòng người.

Theo lý thuyết nhà Phật: “tham-sân-si” là ba kẻ thù của con người. vậy muốn khởi công tu thân tích đức, con người, nhất là kẻ tầm “Đạo”, cần khước từ và chế ngự lòng tham! Tham lam là đầu mối sinh ra dục vọng. Vậy muốn thoát khổ con người cần diệt dục, mà muốn diệt dục, cần phải chế ngự, tận diệt lòng tham, vì lòng tham của con người vô đáy! Tham tiền, tài, danh vọng…. chính lòng ham mê tiền bạc là mẹ sinh ra muôn vàn tính hư nết xấu khác”.

Từ khi con người định giá trị đồng tiền thì nó đã đóng vai trò chính yếu quyết định đời sống con người. Đồng tiền gắn liền khúc ruột, nó chia cách tình cảm anh em ruột thịt, vì thế mà bao gia đình phải chịu cảnh cốt nhục chia lìa. Biết bao người vì đồng tiền mà vào tù ra khám, vì đồng tiền mà cướp bóc giết người, vì đồng tiền mà gây nên cảnh chiến tranh chết chóc, máu đổ thịt rơi. Ngày nay, đồng tiền đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh hoạt của con người. Đồng tiền có thể thay mắt, ghép tim, sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực. Mặt tích cực của đồng tiền là có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống nhân dân, đưa đất nước tiến bước theo nền văn minh đương đại, làm thay đổi vận mạng đất nước, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội…

Đồng tiền ngày nay có một sức mạnh thật đáng sợ. Trước đây, con người tạo ra tiền bạc dùng để thay thế giá trị hàng hóa. Nhưng khi đồng tiền trở nên hữu ích vì tiện lợi thì tiền bạc lại tác động chi phối mãnh liệt đến đời sống con người. Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì đồng tiền càng có vị thế. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta “bán rẻ” nó, chẳng hạn như quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội… Chính vì thế mà con người đã ví von đề cao đồng tiền đến mức gần như sùng kính: “Tiền là Tiên, là Phật”, đồng tiền có quyền năng rất lớn. Giá trị của đồng tiền đối với đời sống con người được xem như gắn liền với nhau: “Đồng tiền liền khúc ruột”, “Tiền là xương máu”, “Đồng tiền là mạch sống”… Tiền bạc không những ảnh hưởng sâu đậm trên cộc sống con người thôi đâu, nó còn làm sai lạc cả nhân quần xã hội, thế thái nhân tình cũng vì thế mà đảo-điên cuồng loạn. Nguyễn Công Trứ để lại bài thơ nổi danh như sau:

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
(Thế thái nhân tình).

Xã hội hiện đại là xã hội mà mọi người cần phải có tiền để giải quyết các nhu cầu đời sống, vì thế việc tạo ra tiền và sử dụng tiền gần như là vấn đề thiết yếu. Nhà cửa, trang phục, thực phẩm, phương tiện đi lại, phương tiện giải trí, thông tin truyền thông, mọi tiện nghi của đời sống… đều được trao đổi bằng tiền. Nếu không có tiền dường như chúng ta không có gì cả. Đồng tiền đã tạo nên áp lực rất lớn đối với con người và nó trở thành tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó.

Trong một xã hội nếu như giá trị đồng tiền chi phối tất cả thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, bởi lúc này người ta mù quáng vì tiền. Bản thân đồng tiền không có tội, chỉ vì sức ảnh hưởng của nó quá lớn đến độ che khuất cả tầm nhìn của chúng ta. Nếu bị mù quáng vì sức mạnh của đồng tiền thì chúng ta không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí chúng ta có thể rơi vào sai lầm, tội lỗi. Tiền bạc không những làm hư con người, không những làm cho con người trở nên mù quáng, mà nó còn làm cho nhân loại đi lạc vào sa đoạ! Người đời thường bị tiền bạc lung lạc, thay trắng đổi đen, hoặc trở nên kiêu căng ngạo nghễ, khinh dễ đồng loại cũng chỉ vì cậy vào mãnh lực của đồng tiền.

Người ta thường nói đùa mà thật về tiền bạc như sau: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…”. Điều này phản ảnh phần nào thực trạng xã hội khi đồng tiền có sức mạnh chi phối mọi lãnh vực của đời sống. Đồng tiền có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, vì tiền có thể tạo ra nhà cửa xe cộ, thức ăn thức uống, các thú vui tiêu khiển. Tiền có thể đáp ứng các nhu cầu, tham muốn hưởng thụ… Với ý nghĩa tiêu cực, đồng tiền có thể giúp người ta có được sự nghiệp danh vọng, giúp thăng quan tiến chức. Đồng tiền có thể bưng bít, che giấu sự thật, đảo lộn thị phi, làm ô dù che chở cho người ta nhúng tay vào tội lỗi, đồng tiền ở đâu thì cán cân công lý nghiêng về bên đó. Chính vì đồng tiền có sức mạnh và quyền năng như thế mà người ta không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để đeo đuổi mục đích kiếm tiền. Tiền bạc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì chạy theo đồng tiền mà người ta quên đi những giá trị sống khác, thậm chí đánh mất bản thân, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.

“Bạc ác chi mi lắm rứa tiền,
Mi làm nhân loại hóa ra điên!
Mi tô mặt nạ đen ra trắng,
Mi xé ân tình thẳng hóa xiên!

Mi gác luân thường vào một xó,
Mi đưa nhân nghĩa xếp ai bên!
Mi làm nhân loại đua tranh mãi,
Bạc ác chi mi lắm rứa tiền!???

Quốc Nghệ

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, suy xét kỹ, có nhiều thứ không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. Và một xã hội muốn phát triển phải toàn diện chứ không phải chỉ phát triển về kinh tế. Trong đời sống, đồng tiền có thể mua được thực phẩm, thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe và sinh mạng. Đồng tiền có thể mua được các thú vui hưởng thụ, các trò tiêu khiển giải trí nhưng không mua được an vui đích thực. Tiền bạc có thể tạo ra nhà cửa chứ không xây dựng được tổ ấm gia đình. Đồng tiền có thể mang lại giàu sang chứ không mang lại hạnh phúc. Có tiền dễ dàng có được chồng sang vợ đẹp nhưng không hẳn có được tình yêu. Có tiền sẽ có được nhiều tiện nghi nhưng chưa hẳn có được sự thảnh thơi thoải mái. Đồng tiền có thể tạo nên danh vọng, sự nghiệp, quyền lực nhưng không lâu bền. Đồng tiền có thể giúp người ta trốn tránh tội lỗi, thoát khỏi lưới ngục tù nhưng không thể thoát khỏi sự giày vò đày ải của lương tâm.

Việc tạo ra tiền và sử dụng tiền đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tạo ra tiền bằng công sức của chính mình, bằng cách thức, phương tiện chân chính, đó là tích cực. Sử dụng đồng tiền vào mục đích tốt làm lợi ích bản thân, gia đình và xã hội, xây dựng gia đình và xã hội phát triển vững mạnh, phồn vinh, đó là tích cực. Ngược lại, bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn bất chính, phi pháp làm tổn hại nhân phẩm đạo đức bản thân, vi phạm lợi ích, hạnh phúc an vui của người khác để tạo ra tiền cho mình, đó là tiêu cực. Việc sử dụng đồng tiền vào mục đích sai trái, gây ra tội lỗi là việc làm tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội. Trong xã hội hiện nay, việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực là một thử thách rất lớn đối với mọi người. Đối với người đệ tử Phật cần phải nhận rõ hai mặt của đồng tiền. Chúng ta phải biết tiền chỉ là phương tiện tạm thời, không quá mong cầu, tìm kiếm nó để rồi lại khổ đau ràng buộc. Vì chính thân ta còn giả tạm vô thường thì đồng tiền làm sao con mãi, nó là thứ trao tay hết người này đến người khác, ta không quá hệ lụy vào nó, ta phải biết nó là thứ giả tạm nên đừng quá mong cầu, bị mất ta không than trách. Ta nên sử dụng đồng tiền cho đúng, đừng quá tham lam, bo bo ích kỷ lo cho bản thân mà nên biết tiền là của 5 nhà, nên rộng lượng bố thí phóng sanh đúng cách, làm công đức cho mình ở hiện tại và tương lai. Để đồng tiền không trở thành rắn độc, làm ảnh hưởng đến chúng ta, người Phật tử phải bình tâm quán niệm để rủ bỏ những ý niệm bám víu, lệ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc, tìm về với những giá trị sống khác mà từ lâu ta lãng quên mới có thể thoát khỏi sự nhấn chìm của vòng xoáy tiền bạc, vượt qua được những khổ não, bất an do tiền bạc gây ra. Chúng ta phải biết vận dụng giáo pháp của Như Lai để việc kiếm tìền và vận dụng đồng tiền phù hợp với lời dạy của Ngài.

“Giàu sang cho lắm, ruộng đầy đồng
Nhắm mắt đi rồi cũng sạch không
Đau đớn, vợ con nào thế đặng
Tắt hơi, của cải chuộc đâu xong.

Xác nằm mả đá, người người trọng
Hồn xuống âm ty, quỷ xứ còng
Xét gẫm cuộc đời như thế ấy
Tu hành sau có chỗ trông mong”.

Nguyện đem thân nhỏ mọn này hiến dâng cho đời.

“Nguyện đem thân xác mọn này
Tô bồi đạo pháp đắp xây đạo tràng
Cúng dường tam bảo nghiêm trang
Làm cho đời đạo ngày càng xinh tươi”.

Chúng ta biết Tiền là giả tạm, là gốc khổ, chúng ta hãy tự suy nghĩ để hiểu biết thêm giá trị đích thực của tiền, khiến mỗi chúng ta hiểu và sử dụng đồng tiền sao cho đúng nghĩa!

Thích Nữ Thanh Tâm
Theo Phật Pháp Ứng Dụng