Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

 

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

 


Nhằm giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về khổ đau và hạnh phúc do đồng tiền mang đến, chủ đề mà chúng tôi nói đến là “Hai mặt của đồng tiền”. Chúng ta cần hiểu và sử dụng đồng tiền như thế nào cho đúng, không vì nó để tạo nghiệp rồi chịu khổ đau tội lỗi mà nương vào nó làm lợi ích cho người.

Ai đã đi vào cuộc sống, bôn ba xuôi ngược trên chợ đời, tranh đua với người đời mà không một lần cảm nghiệm cái mãnh lực của đồng tiền? Đồng tiền nối liền với khúc ruột của con người, nó cũng chính là cái căn cơ của buồn vui sướng khổ của nhân loại? Cũng chính đồng tiền đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại, được thiên hạ nể vì, nhân nhượng hay khinh khi coi thường! Vì thế tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng trong cuộc sống con người. Thế sự thăng trầm, con người thay lòng đổi dạ, xã hội đảo điên, luân thường đạo lý bị xáo trộn, tất cả cũng vì ảnh hưởng của đồng tiền. Vậy đồng tiền có ý nghĩa như thế nào với con người.

Tiền – kẻ sát nhân. Tiền – ngọn nguồn của cuộc sống. Tiền – căn nguyên của cái ác.

Trước hết tôi xin định nghĩa về tiền: Vậy tiền là gì? Giá trị đích thực của nó ra sao, mà chi phối đời sống con người như thế? Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, tiền là những tờ giấy, hoặc những mảnh kim loại nhỏ được con người gán cho sự quý báu và định cho nó một giá trị nhất định, xem nó là cán cân để cân đong đo lường giá trị tất cả các vật dụng, có khi nó còn đo được cả tình cảm của con người! Song song với các giá trị ấy, tiền có khi đồng nghĩa với tội ác, với danh vọng, địa vị và mọi thứ làm nên cuộc đời. Dựa vào tiền, bên ngoài hiện tướng phân chia giai cấp, bên trong là lệ thuộc ; bên ngoài là an vui hạnh phúc, bên trong là khổ đau tột bậc. Vì thế, qua dòng lịch sử nhân loại, nhiều bậc thánh hiền, các nhà mô phạm, đặc biệt là các tôn giáo đã đưa ra nhiều lời, nhiều giáo thuyết nhằm răn dạy, cải hóa lòng người.

Theo lý thuyết nhà Phật: “tham-sân-si” là ba kẻ thù của con người. vậy muốn khởi công tu thân tích đức, con người, nhất là kẻ tầm “Đạo”, cần khước từ và chế ngự lòng tham! Tham lam là đầu mối sinh ra dục vọng. Vậy muốn thoát khổ con người cần diệt dục, mà muốn diệt dục, cần phải chế ngự, tận diệt lòng tham, vì lòng tham của con người vô đáy! Tham tiền, tài, danh vọng…. chính lòng ham mê tiền bạc là mẹ sinh ra muôn vàn tính hư nết xấu khác”.

Từ khi con người định giá trị đồng tiền thì nó đã đóng vai trò chính yếu quyết định đời sống con người. Đồng tiền gắn liền khúc ruột, nó chia cách tình cảm anh em ruột thịt, vì thế mà bao gia đình phải chịu cảnh cốt nhục chia lìa. Biết bao người vì đồng tiền mà vào tù ra khám, vì đồng tiền mà cướp bóc giết người, vì đồng tiền mà gây nên cảnh chiến tranh chết chóc, máu đổ thịt rơi. Ngày nay, đồng tiền đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh hoạt của con người. Đồng tiền có thể thay mắt, ghép tim, sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực. Mặt tích cực của đồng tiền là có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống nhân dân, đưa đất nước tiến bước theo nền văn minh đương đại, làm thay đổi vận mạng đất nước, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội…

Đồng tiền ngày nay có một sức mạnh thật đáng sợ. Trước đây, con người tạo ra tiền bạc dùng để thay thế giá trị hàng hóa. Nhưng khi đồng tiền trở nên hữu ích vì tiện lợi thì tiền bạc lại tác động chi phối mãnh liệt đến đời sống con người. Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì đồng tiền càng có vị thế. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta “bán rẻ” nó, chẳng hạn như quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội… Chính vì thế mà con người đã ví von đề cao đồng tiền đến mức gần như sùng kính: “Tiền là Tiên, là Phật”, đồng tiền có quyền năng rất lớn. Giá trị của đồng tiền đối với đời sống con người được xem như gắn liền với nhau: “Đồng tiền liền khúc ruột”, “Tiền là xương máu”, “Đồng tiền là mạch sống”… Tiền bạc không những ảnh hưởng sâu đậm trên cộc sống con người thôi đâu, nó còn làm sai lạc cả nhân quần xã hội, thế thái nhân tình cũng vì thế mà đảo-điên cuồng loạn. Nguyễn Công Trứ để lại bài thơ nổi danh như sau:

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
(Thế thái nhân tình).

Xã hội hiện đại là xã hội mà mọi người cần phải có tiền để giải quyết các nhu cầu đời sống, vì thế việc tạo ra tiền và sử dụng tiền gần như là vấn đề thiết yếu. Nhà cửa, trang phục, thực phẩm, phương tiện đi lại, phương tiện giải trí, thông tin truyền thông, mọi tiện nghi của đời sống… đều được trao đổi bằng tiền. Nếu không có tiền dường như chúng ta không có gì cả. Đồng tiền đã tạo nên áp lực rất lớn đối với con người và nó trở thành tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó.

Trong một xã hội nếu như giá trị đồng tiền chi phối tất cả thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, bởi lúc này người ta mù quáng vì tiền. Bản thân đồng tiền không có tội, chỉ vì sức ảnh hưởng của nó quá lớn đến độ che khuất cả tầm nhìn của chúng ta. Nếu bị mù quáng vì sức mạnh của đồng tiền thì chúng ta không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí chúng ta có thể rơi vào sai lầm, tội lỗi. Tiền bạc không những làm hư con người, không những làm cho con người trở nên mù quáng, mà nó còn làm cho nhân loại đi lạc vào sa đoạ! Người đời thường bị tiền bạc lung lạc, thay trắng đổi đen, hoặc trở nên kiêu căng ngạo nghễ, khinh dễ đồng loại cũng chỉ vì cậy vào mãnh lực của đồng tiền.

Người ta thường nói đùa mà thật về tiền bạc như sau: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…”. Điều này phản ảnh phần nào thực trạng xã hội khi đồng tiền có sức mạnh chi phối mọi lãnh vực của đời sống. Đồng tiền có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, vì tiền có thể tạo ra nhà cửa xe cộ, thức ăn thức uống, các thú vui tiêu khiển. Tiền có thể đáp ứng các nhu cầu, tham muốn hưởng thụ… Với ý nghĩa tiêu cực, đồng tiền có thể giúp người ta có được sự nghiệp danh vọng, giúp thăng quan tiến chức. Đồng tiền có thể bưng bít, che giấu sự thật, đảo lộn thị phi, làm ô dù che chở cho người ta nhúng tay vào tội lỗi, đồng tiền ở đâu thì cán cân công lý nghiêng về bên đó. Chính vì đồng tiền có sức mạnh và quyền năng như thế mà người ta không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để đeo đuổi mục đích kiếm tiền. Tiền bạc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì chạy theo đồng tiền mà người ta quên đi những giá trị sống khác, thậm chí đánh mất bản thân, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.

“Bạc ác chi mi lắm rứa tiền,
Mi làm nhân loại hóa ra điên!
Mi tô mặt nạ đen ra trắng,
Mi xé ân tình thẳng hóa xiên!

Mi gác luân thường vào một xó,
Mi đưa nhân nghĩa xếp ai bên!
Mi làm nhân loại đua tranh mãi,
Bạc ác chi mi lắm rứa tiền!???

Quốc Nghệ

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, suy xét kỹ, có nhiều thứ không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. Và một xã hội muốn phát triển phải toàn diện chứ không phải chỉ phát triển về kinh tế. Trong đời sống, đồng tiền có thể mua được thực phẩm, thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe và sinh mạng. Đồng tiền có thể mua được các thú vui hưởng thụ, các trò tiêu khiển giải trí nhưng không mua được an vui đích thực. Tiền bạc có thể tạo ra nhà cửa chứ không xây dựng được tổ ấm gia đình. Đồng tiền có thể mang lại giàu sang chứ không mang lại hạnh phúc. Có tiền dễ dàng có được chồng sang vợ đẹp nhưng không hẳn có được tình yêu. Có tiền sẽ có được nhiều tiện nghi nhưng chưa hẳn có được sự thảnh thơi thoải mái. Đồng tiền có thể tạo nên danh vọng, sự nghiệp, quyền lực nhưng không lâu bền. Đồng tiền có thể giúp người ta trốn tránh tội lỗi, thoát khỏi lưới ngục tù nhưng không thể thoát khỏi sự giày vò đày ải của lương tâm.

Việc tạo ra tiền và sử dụng tiền đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tạo ra tiền bằng công sức của chính mình, bằng cách thức, phương tiện chân chính, đó là tích cực. Sử dụng đồng tiền vào mục đích tốt làm lợi ích bản thân, gia đình và xã hội, xây dựng gia đình và xã hội phát triển vững mạnh, phồn vinh, đó là tích cực. Ngược lại, bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn bất chính, phi pháp làm tổn hại nhân phẩm đạo đức bản thân, vi phạm lợi ích, hạnh phúc an vui của người khác để tạo ra tiền cho mình, đó là tiêu cực. Việc sử dụng đồng tiền vào mục đích sai trái, gây ra tội lỗi là việc làm tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội. Trong xã hội hiện nay, việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực là một thử thách rất lớn đối với mọi người. Đối với người đệ tử Phật cần phải nhận rõ hai mặt của đồng tiền. Chúng ta phải biết tiền chỉ là phương tiện tạm thời, không quá mong cầu, tìm kiếm nó để rồi lại khổ đau ràng buộc. Vì chính thân ta còn giả tạm vô thường thì đồng tiền làm sao con mãi, nó là thứ trao tay hết người này đến người khác, ta không quá hệ lụy vào nó, ta phải biết nó là thứ giả tạm nên đừng quá mong cầu, bị mất ta không than trách. Ta nên sử dụng đồng tiền cho đúng, đừng quá tham lam, bo bo ích kỷ lo cho bản thân mà nên biết tiền là của 5 nhà, nên rộng lượng bố thí phóng sanh đúng cách, làm công đức cho mình ở hiện tại và tương lai. Để đồng tiền không trở thành rắn độc, làm ảnh hưởng đến chúng ta, người Phật tử phải bình tâm quán niệm để rủ bỏ những ý niệm bám víu, lệ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc, tìm về với những giá trị sống khác mà từ lâu ta lãng quên mới có thể thoát khỏi sự nhấn chìm của vòng xoáy tiền bạc, vượt qua được những khổ não, bất an do tiền bạc gây ra. Chúng ta phải biết vận dụng giáo pháp của Như Lai để việc kiếm tìền và vận dụng đồng tiền phù hợp với lời dạy của Ngài.

“Giàu sang cho lắm, ruộng đầy đồng
Nhắm mắt đi rồi cũng sạch không
Đau đớn, vợ con nào thế đặng
Tắt hơi, của cải chuộc đâu xong.

Xác nằm mả đá, người người trọng
Hồn xuống âm ty, quỷ xứ còng
Xét gẫm cuộc đời như thế ấy
Tu hành sau có chỗ trông mong”.

Nguyện đem thân nhỏ mọn này hiến dâng cho đời.

“Nguyện đem thân xác mọn này
Tô bồi đạo pháp đắp xây đạo tràng
Cúng dường tam bảo nghiêm trang
Làm cho đời đạo ngày càng xinh tươi”.

Chúng ta biết Tiền là giả tạm, là gốc khổ, chúng ta hãy tự suy nghĩ để hiểu biết thêm giá trị đích thực của tiền, khiến mỗi chúng ta hiểu và sử dụng đồng tiền sao cho đúng nghĩa!

Thích Nữ Thanh Tâm
Theo Phật Pháp Ứng Dụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét