Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

KHI NÀO TÂM BẤT ĐỘNG THANH THẢN AN LẠC VÀ VÔ SỰ ?

KHI NÀO TÂM BẤT ĐỘNG THANH THẢN AN LẠC VÀ VÔ SỰ ?


Khi Tâm hết dục và ác pháp.

Khi chúng ta còn sống trong đối đãi giữa thiện và ác, thì tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự chưa thể có được. Chỉ khi chúng ta ly dục và ác pháp hết thì tâm sẽ toàn thiện, sự toàn thiện này là tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Trong bài Tứ Chánh Cần đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện”. Qua bài kinh này xác định lời đức Phật dạy chúng ta:

·         Không phải tu theo đạo Phật là tâm không niệm thiện niệm ác.
·         Mà là chỉ ngăn và diệt niệm ác, làm cho sanh và tăng trưởng niệm thiện.

Chính vì vậy mà khi tu xong đức Phật vẫn sống trong niệm thiện, hằng ngày tìm đủ mọi cách, mọi phương pháp giáo hóa chúng sanh, tạo duyên cho chúng sanh với Phật pháp, dạy dỗ đệ tử để được chứng đạo như mình, tiếp phật tử và giảng dạy về đạo đức, v.v…

Do vậy trong quá trình tu xả tâm, người tu hành không chỉ nên lo ngăn và diệt ác pháp, mà khi có niệm thiện thì phải tư duy suy nghĩ cho sâu để nắm rõ niệm thiện, đó gọi là làm cho sanh trưởng và tăng trưởng thiện pháp. Còn nếu chỉ lo ngăn và diệt ác pháp, không làm cho sanh trưởng và tăng trưởng thiện pháp thì tu như vậy cũng không đúng.

Bởi vì chúng ta tu hành theo đạo Phật không phải để trở thành cây đá, không cho  khởi niệm thiện niệm ác. Đó là những lời chỉ dạy sai của các tổ, không đúng với lời dạy của đức Phật Thích Ca. Bằng chứng là từ khi các phật tử nhiễm bởi những lời dạy của các tổ đến nay không có ai tu chứng đạo.

Sự chứng đạo của đạo Phật rất đơn giản, không phải cao siêu để lòe thiên hạ mà chỉ cần con người sống buông xả tất cả, sống đời sống đạo đức, không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sinh.

Chính từ câu “tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự” đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của đời sống giải thoát chứng đạo.

1.    Bất động ở đây là bất động trước ác pháp và các cảm thọ. Tâm không bị chi phối bởi dục và ác pháp. Trước bệnh tật đau đớn tâm vẫn giữ bất động không sợ hãi, lo lắng hay buồn phiền.

2.    Thanh thản ở đây chỉ nói về tâm thanh thản không còn dính mắc và bất cứ vật gì, người nào, hoàn cảnh nào,… Bởi vì tâm này là tâm toàn thiện, tâm ly dục và ác pháp, tâm đức hạnh, tâm vô ngã ác pháp, nhưng hữu ngã thiện pháp, tâm từ bi hỷ xả trải rộng vô bờ bến,…

3.    An lạc là chỉ thân an lạc, không bệnh tật đau đớn, mệt mỏi mà ngược lại rất khỏe mạnh và đầy sức lực,…

4.    Vô sự là không còn dính mắc vào bất kỳ vật gì, tài sản của cải nào, tình cảm nào, danh lợi nào hay dục lạc, v.v…

Tóm lại chỉ khi chúng ta sống trong toàn thiện thì tâm đó là tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Đó là tâm niết bàn.

Khi kéo dài tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự được 7 ngày đêm thì sẽ có đủ Tứ Thần Túc, lúc đó chúng ta muốn nhập định nào cũng được, muốn có tuệ nào cũng được. Định và Tuệ này là chánh định và chánh tuệ của đạo Phật do đời sống đức hạnh ly dục ly ác pháp, chứ không phải do ngồi thiền, tụng kinh niệm phật để không có niệm thiện niệm ác. Định và tuệ của đạo Phật không phải là đối tượng tu hành, chúng chỉ là kết quả của việc giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, là do sống ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Do vậy mới có câu Định và Tuệ do Giới sanh.

Người ngày nay đến với đạo Phật chỉ nhắm vào chữ Định và Tuệ bỏ qua Giới Luật cho nên sanh ra những pháp môn không phải của đức Phật Thích Ca nhưng vẫn mang nhãn hiệu Phật Giáo, đó là ngồi thiền để có định, tụng kinh niệm phật để tâm bất loạn để có định, luyện thần chú để có thần thông, ngồi thiền không để khởi niệm thiện niệm ác, v.v… Đúng vậy tất cả những nhãn hiệu Phật giáo đó là đệ tử của đức Phật Di Đà và Phật tương lai Di Lạc.

Không sao cả, chỉ cần người tu hành hiểu rõ mình tu theo Phật gì là được, tu theo Phật A Di Đà hay Di Lặc thì cứ tụng kinh niệm Phật hay ngồi thiền để tâm không khởi niệm thiện niệm ác. Để rồi khi chết được rước vào thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Còn ai tu theo Phật Thích Ca thì chỉ cần xả tâm cho sạch, buông xuống hết, sống đời sống đạo đức  đức hạnh để thấy rõ sự giải thoát chứng đạo ngay trong đời này, trong hiện tại mà không phải mệt nhọc phí sức, chỉ cần sống tự nhiên bình thường xả tâm không phải ngồi thiền, tụng kinh niệm phật gì cho mệt cả.

Nói chung, tất cả đều là nhân quả, ai có duyên với Phật nào thì cứ tu theo đường đó. Miễn sao quan trọng là phải có trí tuệ hiểu rõ con đường nào thực tế, giải thoát, có ích không đem đến đau khổ cho chính mình, cho người là được.


 (Bài này được trích ra từ bài giảng ngày 16/11/2010)

2 nhận xét:

  1. Xin chào bạn, bạn có thể cho mình xin pháp âm của bài này được không ạ? Mình xin cảm ơn nhiều ạ!

    Trả lờiXóa