Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Khi một đứa trẻ ăn cắp, tất cả chúng ta đều có tội.

Bài viết của Thầy Thái Hạo

Khi một đứa trẻ ăn cắp, tất cả chúng ta đều có tội.
Những người điều hành Nền kinh tế có tội; Hệ thống an sinh có tội, Giáo dục có tội, Văn hóa có tội…, và chúng ta có tội.
Không ai bênh vực cho việc ăn cắp cả, nhưng việc tập trung mổ xẻ để tỏ ra sáng suốt trong trường hợp này thì chỉ chứng tỏ sự thiển cận. Tôi từng đọc một câu chuyện về phiên tòa ở Mỹ xử một đứa trẻ ăn cắp bánh mì. Kết thúc phiên tòa, tất cả mọi người có mặt trong phòng xử án đều bị phạt 10 đô la vì đã…gây ra tội ác là khiến đứa trẻ phải ăn cắp.
Ăn cắp một chiếc váy thì tất nhiên không giống với ăn cắp bánh mì, nhưng hãy đặt mình vào một thiếu nữ 16 tuổi ở thời đại này, trong đất nước này, lúc ấy bạn sẽ thấy chiếc váy nhiều khi quan trọng không kém bánh mì đâu. Cái nghèo và sự mặc cảm thấp kém giày vò con người ta có khi còn khủng khiếp hơn là một cơn đói. Đừng kẻ cả khi bạn chưa bao giờ thiếu tiền để mua một chiếc váy 160k hoặc đã quên đi điều đó trong quá khứ.
Hành vi của chủ cửa hàng thì có lẽ không cần bình luận nữa, nhất là nó lại diễn ra sau khi đứa bé đã quay lại xin lỗi. Đó không những là cái ác mà còn là lòng tham đến tàn bạo.
Trong môi trường nội trú, tôi đã nhìn thấy trong những ánh mắt của không ít em học sinh một nỗi mặc cảm, tự ti, khổ sở vì gia đình quá nghèo. Cháy bỏng trong các em là được bằng bạn bằng bè, là có được những bộ áo quần và váy xống như các bạn. Và tôi đã thấy sự ăn cắp trong ký túc xá, đa phần những vụ trộm ấy là từ những đứa trẻ nghèo.
Chúng ta đã làm ra một xã hội đổ vỡ giá trị, chúng ta lấy vật chất và hình thức bên ngoài để làm thước đo, chúng ta đánh đồng nó với giá trị một con người. Và thế là nó trở thành khí quyển của xã hội này. Nó quấn riết lấy tất cả, cả chúng ta, chứ không riêng gì đứa trẻ kia. Cứ tự nhìn lại xem chúng ta đang chạy theo cái gì thì rõ.
Chúng ta cho mình cái quyền phán xét như thể mình vô can và cao đạo.
Những đứa trẻ phải được bảo vệ, không phải bằng cách bênh vực hành vi ăn cắp của chúng; mà bằng giáo dục, bằng văn hóa, bằng môi trường sống lành mạnh với những chân giá trị được chính chúng ta giữ gìn và vun đắp.
Khi chúng ta để những kẻ cắp hiên ngang đi vào hệ thống điều hành và phá nát quốc gia này, phá nát núi rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, đầu độc nguồn nước và mặc sức tung hoành như phường lục lâm thảo khấu thì bất công sẽ ngày càng lớn, và ăn cắp sẽ trở thành phổ biến. Khi một nhóm người ăn cướp để làm giàu thì đa số còn lại sẽ phải ăn cắp để sống.
Khi một đứa trẻ trên đất nước này ăn cắp, nếu cảm giác đầu tiên khởi lên trong chúng ta không phải là tự xấu hổ, thì ta tiêu rồi.
Thái Hạo

GIẢI THÍCH SƠ LƯỢC VỀ 7 GIÁC CHI

 GIẢI THÍCH SƠ LƯỢC VỀ 7 GIÁC CHI

(Trưởng lão trả lời cho Sư Từ Quang)

 

Nếu mình không hiểu rõ đức Phật thì mình sẽ tu sai. Nghe nói bảy Giác Chi thì phải hiểu pháp này là pháp rất quan trọng bởi vì nó có cái phương pháp và đồng thời nó có cái năng lực, vì vậy nó có tên là Bồ Đề. Nó giải thoát thì phải có năng lực. Nếu nó không có năng lực thì nó không giải thoát.

 

Thí dụ bây giờ con nhiếp tâm, con an trú được, nghĩa là con chỉ an trú trong một phút thôi, một giây thôi thì bảy Giác Chi cũng xuất hiện tại chỗ đó con mới có an trú, bằng không thì con chưa an trú được. Không an trú thì không bao giờ có 7 Giác Chi. Mà cùng lúc nó có đủ cả 7 Giác Chi chứ không phải một Giác Chi. Con nghe được khinh an chứ thật ra nó có đủ 7 Giác Chi vào lúc đó; nó có Tinh tấn Giác Chi, Khinh an Giác Chi, Hỉ Giác Chi, Niệm Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi.

 

Khi con nhận ra Khinh An thì nó làm cho con thích thú siêng năng tức Tinh Tấn Giác Chi, còn các phần Xả Giác Chi, phần Niệm Giác Chi, phần Định Giác Chi thì con thấy được rồi. Thí dụ con ngồi thấy hít thở vô ra nhẹ nhàng thì đó là Niệm của con, con đã tu được Niệm Giác Chi rồi; khi cái tâm bám vào trong, con không còn lưu ý ra ngoài thì đó là Định Giác Chi đó. Trong vấn đề Định không phải chỉ nói riêng về bốn Thánh Định, bốn Thánh Định là Chánh Định, còn ở trên bốn Niệm Xứ là Chánh Niệm nhưng mà Chánh Niệm vẫn có Định cho nên đức Phật nói Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu.... Con quán như khi có một lời nói nào làm phiền não, cơn sân khởi lên, con quán cho hạ cơn sân xuống thì đó là Định đó, nó là Định Giác Chi, nhờ có nó thực hiện mới phá cái si được.

 

Cho nên 7 Giác Chi liên tục xuất hiện, nó có năng lực mặc dù rất nhỏ, tu càng cao thì năng lực càng lớn. Nhưng mà mới vô đầu thì con cũng phải Trạch Pháp Giác Chi kìa. Con phải chọn pháp mà tu chứ; trạch pháp là chọn lựa cái pháp. Trạch rồi mới tới Niệm. Muốn tác ý câu gì thì con đã phải chọn nó, chọn là trạch pháp. Con tác ý ra là con Niệm câu đó, tác ý là Niệm Giác Chi. Niệm Giác Chi thành tựu thì nó sẽ khinh an, là Khinh An Giác Chi, có khinh an thì có ngay Hỉ Giác Chi. Như vậy nó kéo nhau ra liên tục 7 Giác Chi, nhưng Trạch Pháp Giác Chi sẽ có cái lực chỉ khi nào ta viên mãn đầy đủ chừng đó nó mới trở thành cái lực thật sự để xuất hiện cái Định Giác Chi. Đây không phải là Tứ Thánh Định, đây chỉ là Định Giác Chi nằm trong nhóm của Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

 

Sự thật, đức Phật dùng chữ Định có nghĩa rộng rãi lắm, nhưng tới cái định tướng, cái định thuộc thân định thì nó khác rồi. Bắt đầu vô Chánh Định thì nó có định đầu tiên là Định Sơ Thiền là định của tâm li dục li ác pháp, là định của tâm “do li dục sanh hỉ lạc”. Qua Định Nhị Thiền thì định thuộc về thân, nó thuộc về thân định cho nên mới nói do định sanh hỉ lạc, “diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền do định sanh hỉ lạc”, không còn do li dục nữa. Từ Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền là định của thân cho nên mới từ cái này để lần lượt tịnh chỉ các hành cho thân bất động. Tới Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở là hết giai đoạn Định mới qua giai đoạn Tuệ, đó là 3 Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh. Bắt đầu từ đây mới gọi là Tuệ. Do đó mình mới thấy rõ phần trước là Định trong Chánh Niệm, định trên niệm cho nên mình nhiếp tâm trên cái niệm, chứ không phải Định trong Định. Cái tâm mình an ổn là định, hay là định tỉnh. Con cần phân biệt rõ để khỏi lẫn lộn định này ra định kia, phải thông suốt đây là Thiền Định, đây là Định Tỉnh, đừng để lộn xộn.

 

Còn 7 Giác Chi thì đừng có hiểu tôi phải tu cho tới cuối cùng mới hiện ra 7 Giác Chi. Không phải vậy, hễ con vô tu 1 giờ thì có 7 Giác Chi một 

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Thư của nhà giáo Mạc Văn Trang gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

 Ngày 8/12/2021

 

KÍNH GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO 

 

Thưa Bộ Trưởng NGUYỄN KIM SƠN,

 

Tôi là Mạc Văn Trang, nhà giáo, 84 tuổi. Tôi đi dạy học từ lúc 22 tuổi, rồi sau này vừa học, vừa nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn Nghiên cứu sinh cho đến 80 tuổi. Cả một đời yêu nghề, gắn bó với giáo dục. Giờ đây vẫn rất trăn trở với nhiều chuyện của Ngành ta. Trong Thư này, tôi chỉ xin thưa với Bộ trưởng về vấn đề GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG.

 

1. Nhà giáo là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục

Ngày xưa, các ông Đồ, các Thầy dạy tư có khi chả biết Bộ giáo dục là gì, tự họ dạy học trò nên người, người dân tin tưởng gửi con đến nhờ các Thầy dạy dỗ. Thời phong kiến, thực dân, thời Việt Nam Cộng hòa, người Thầy giáo vừa được trọng vọng vừa có lương bổng nuôi sống cả vợ con.

 

Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ 1954 đến 1960, các giáo viên “Lưu dung" từ chế độ cũ vẫn được trọng dụng, hưởng nguyên lương như trước, cao gấp 2 - 3 lần giáo viên “cách mạng". Từ năm 1961 tiến lên CNXH, rồi sau đó chiến tranh, đời sống dân miền Bắc vô cùng khó khăn, nhưng nền giáo dục XHCN cùng với Y tế luôn được coi là “Hai Bông hoa” đáng tự hào của chế độ. 

 

Tất cả những giai đoạn nêu trên, Nhà trường và Thầy giáo luôn có vị trí được xã hội tôn kính. Chính quyền, nhất là cấp Xã/ Phường không có chuyện can thiệp thô bạo vào nhà trường hay vô lễ với các Thầy, Cô giáo.

 

Từ những năm 1961 - 1962 tôi làm Hiệu trưởng trường cấp 2; lúc đó không có chuyện Chủ tịch, Bí thư xã đến “huấn thị" cho nhà trường. Họ lên phát biểu chỉ cảm ơn các Thầy, Cô và mong các Thầy, Cô thông cảm, địa phương còn nhiều khó khăn, chưa chăm sóc được cho nhà trường đầy đủ… Khi một giáo viên có chuyện gì, Công an báo cáo với Hiệu trưởng để xem xét giải quyết và thông báo cho họ…

 

Các giáo viên dù được đào tạo Chính quy hay Hàm thụ, khi đã tốt nghiệp đi dạy, không ai phân biệt, và như vậy đã ĐỦ ĐIỀU KIỆN để làm giáo viên. Việc đánh giá giáo viên chỉ có học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh đánh giá là chính xác; cho nên mỗi giáo viên không ngừng TỰ học hỏi, trau dồi nghề nghiệp để mình xứng đáng làm Thầy, để có uy tín…

 

Càng yêu cầu cao với người giáo viên thì càng phải tôn trọng họ cao hơn và tạo điều kiện để họ sống đàng hoàng, xứng đáng với vị trí người Thầy…

 

Phải biết trân trọng lao động của Giáo viên và tôn trọng Nhân cách người Thầy, vì họ là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục.

 

Khi các cơ quan quản lý phình to, quan liêu, hống hách, còn vị trí Nhà trường và người giáo viên nhỏ bé đi thì hỏng rồi! Nên nhớ từ những năm 1960 người giáo viên “có giá" lắm, “coi thường" các cơ quan quản lý, không giáo viên giỏi nào chịu về các cơ quan quản lý, vì bị “mất dạy"! Lúc đó anh em giáo viên bông đùa: “Ho lao thối phổi về Ty/ Tham ô, hủ hoá thì đi về Phòng/ Những người già lão có công/ Thì đưa về Bộ cho xong cuộc đời”! Người giáo viên đàng hoàng, tự tin lắm, không phải xun xoe, khúm núm trước các cơ quan quản lý.

 

Hãy hình dung Bộ giáo dục, Sở giáo dục, Phòng giáo dục “tự nhiên biến mất", nhưng nhà trường còn, giáo viên còn, thì mọi hoạt động giáo dục vẫn diễn ra như thường!

 

Vậy thì Bộ, Sở, Phòng giáo dục sinh ra để làm gì? Để phục vụ giáo viên thực hiện tốt nhất sứ mệnh thiêng liêng của mình. Cục Nhà giáo sinh ra là để chăm lo cho các Nhà giáo lao động nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả hơn; Chế độ, chính sách lương bổng, đời sống giáo viên ngày càng cải thiện, sung sướng hơn, để nhà giáo thêm yên tâm cống hiến…

 

2. Vậy mà các cơ quan quản lý giáo dục đang làm khổ giáo viên đủ trò

 

Bao lâu nay bày trò “Thi giáo viên dạy giỏi” cấp trường, cấp huyện/quận, cấp tỉnh... rồi “Thi đua" đủ mọi thứ; bình bầu, đánh giá giáo viên theo bao nhiêu tiêu chí, khiến hoạt động giảng dạy của giáo viên bị rối nhiễu; người thầy giáo phân tán tâm trí, hao phí thời gian, sức lực vào những chuyện vô bổ, thậm chí gian dối... Những hoạt động đó thường gây không khí căng thẳng, tiêu cực trong môi trường sư phạm của nhà trường. 

 

Nghe nói nhiều Phòng giáo dục, nhiều Hiệu trưởng trở thành “quan lớn" ức hiếp giáo viên, gây nhiều nỗi bức xúc cho các Thầy, Cô giáo. Nghe nói có nơi bắt các cô giáo đi “tiếp khách" hầu hạ quan chức(?). Hỏng quá! 

 

Đặc biệt là Bộ, rồi các Sở quy định giáo viên phải học thêm bao nhiêu chứng chỉ mới được công nhận là giáo viên chính. Đây là trò làm khổ giáo viên, làm nhục giáo viên và làm giàu cho “nhóm lợi ích” ăn tiền trên mồ hôi nước mắt của giáo viên. Tôi đã nói ở trên, người đã tốt nghiệp Trường/Khoa Sư phạm ra làm giáo viên, sau thời gian tập sự, họ đã đủ điều kiện, không cần bất cứ Chứng chỉ nào nữa. Họ thiếu, yếu cái gì thì sẽ tự bồi dưỡng tại cơ sở…

 

Tôi có rất nhiều bằng chứng các giáo viên cung cấp: Họ bị bắt buộc đi học một cách qua loa, để nộp tiền và nhận mấy cái Chứng chỉ về vứt xó…

 

Tất nhiên cần những Tiêu chuẩn Nhà giáo, ai không còn xứng đáng thì đưa ra khỏi ngành, nhưng không vì thế mà làm như “khủng bố" tất cả cả đội ngũ giáo viên!

 

3. Mấy kiến nghị

 

3.1. Đề nghị Bộ trưởng TINH GIẢN BỘ MÁY các cơ quan quản lý giáo dục; càng lắm người, họ càng nghĩ ra nhiều trò có hại: Họ soạn ra bao nhiêu văn bản sai trái, có hại; họ tổ chức nhiều cuộc họp hành vô bổ… Đặc biệt xin Bộ trưởng kiến nghị các cấp có thẩm quyền bỏ ngay các Phòng giáo dục Quận/Huyện đi! Thêm cấp quản lý này chỉ bày việc ra làm khổ giáo viên, nhiều chuyện tồi lắm, không muốn kể ra đây! Thời đại 4.0, Bộ, Sở giáo dục thông tin trực tiếp đến các trường, vừa nhanh, vừa chính xác, không cần cấp trung gian.

 

3.2. Bãi bỏ ngay việc bắt giáo viên HỌC CÁC CHỨNG CHỈ và CẢI TIẾN CÁCH ĐÁNH GIÁ GIÁO VIÊN. Nên bỏ việc Thi giáo viên giỏi các cấp; không bỏ được Thi đua thì tinh giản các tiêu chuẩn càng ít càng tốt; nghiên cứu việc đánh giá giáo viên sao cho nhẹ nhàng, thực chất. Cần thấy rằng, dẫu là Chiến sĩ Thi đua, Tiên tiến xuất sắc, Tiên tiến hay Bình thường không có giá trị gì, nếu học sinh và đồng nghiệp không tín nhiệm. 

 

Người Thầy giáo không cần danh hiệu nào, ngoài sự kính trọng, yêu mến của học sinh và sự tin tưởng của Cha mẹ học sinh, của đồng nghiệp. Đó mới là điều người giáo viên cần tu dưỡng, rèn luyện, chứ không phải bày đặt mấy cái danh hiệu thi đua tào lao! 

 

3.3. Việc học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên là việc thường xuyên và hết sức quan trọng, nhưng hãy tiến hành BỒI DƯỠNG TẠI TRƯỜNG bằng hình thực trực tiếp hay trực tuyến, hoặc qua các băng hình… Tránh hết sức bắt giáo viên tập trung nghe giảng bồi dưỡng rồi "mua" Chứng chỉ!. Mỗi trường học, Tổ bộ môn là một đơn vị tự bồi dưỡng hiệu quả nhất. Qua hoạt động tự học, tự bồi dưỡng cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.

 

3.4. Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ này, mong Bộ trưởng hãy CẢI THIỆN HÌNH ẢNH và ĐỜI SỐNG CỦA NHÀ GIÁO. Như Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nói, nhiều giáo viên yêu thích nghề vì “được nghỉ hè ba tháng" và là “nghề Tự do"... Hãy tôn trọng lao động sư phạm có tính độc lập, tự do của người giáo viên và do đó người giáo viên càng có ý thực tự chủ vươn lên xứng đáng với trách nhiệm của mình; càng o ép, kiểm soát làm người giáo viên nhỏ bé đi, hèn mọn đi, thì sự nghiệp giáo dục càng hỏng.

 

Bộ trưởng hãy tìm cách cải thiện đời sống cho giáo viên, nhất là các Thầy, Cô giáo ở những vùng khó khăn. Không thể để xã hội nhìn nhà giáo tội nghiệp như những kẻ cần được bố thí! Hãy kiên quyết làm sao để giáo viên được tăng lương.

 

Thưa Bộ trưởng, 

 

Tôi tâm đắc với câu Bộ trưởng nói: “Bỏ văn mẫu", “Dạy THẬT, Học THẬT, Nhân tài THẬT", nhưng trước hết toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh phải NÓI THẬT đã!

 

Thư này tôi nói rất THẬT, và xin nhắc lại: Nhà giáo là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục. Vì vậy từ Bộ trưởng đến Hiệu trưởng hãy kính trọng các Thầy, Cô giáo đang đứng lớp.

 

Kính Chúc Bộ trưởng Mạnh khoẻ, Hạnh phúc! 

 

Mạc Văn Trang

Ngụ tại Khu căn hộ Phú Mỹ Thuận, xã Phú Xuân,

huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh

 

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

ĐỨC PHẬT DẠY VỀ VÔ THƯỜNG

ĐỨC PHẬT DẠY VỀ VÔ THƯỜNG

Dù là cha mẹ anh em, hay những người bạn rất thân từng vào sinh ra tử, khi cái chết đến, không ai có thể đi chung với ai được, người nào cũng phải đi đơn độc một mình.
Thời gian sẽ làm phai mờ đi nhiều thứ, nhưng cũng chính thời gian sẽ làm rõ được nhiều điều.
Người đời thường thấy vui khi hôm nay đi trước được người này, rồi ngày mai lại thấy buồn khi phải đi sau người khác, hay hạnh phúc khi có ai đó đi chung, đâu biết, cuối cùng, dù muốn hay không, ai cũng phải đi một mình, đơn độc bước qua cánh cửa tử mà mình lại chưa chuẩn bị được điều gì cho ngày ấy cả. Cả một đời buồn vui hoàn toàn phụ thuộc vào người.
Cuộc sống là những câu chuyện duyên sinh, tất cả đều phải tựa vào nhau để sinh khởi và tồn tại, nhưng việc một người bắt bản thân phải phụ thuộc vào nhiều thứ bên ngoài mới có thể bình yên lại là một câu chuyện khác, rất khác.
Chỉ khi nào có thể bình yên một mình, không phụ thuộc vào những điều bên ngoài, khi đó mới là bình yên thực sự, đó là giải thoát. Khi đó sẽ đủ bình thản bước qua cánh cửa tử một mình, không phải hoang mang.
Ai biết cách tựa vào bản thân mình để bình yên, biết cách sống một mình mà hạnh phúc, thì cũng sẽ biết cách bước qua cánh cửa tử một mình trong bình yên.
Cuộc sống như một chuyến tàu, có đủ hạng người trên đó, có người bước lên, có người bước xuống, có người còn ngồi lại, nhưng cuối cùng ai cũng phải rời tàu, rồi về nhà một mình.
Không có gì tàn nhẫn bằng việc chúng ta bỏ rơi chính mình bằng cách bắt bản thân phải phụ thuộc vào người khác để bình yên.
Nguồn: Sưu tầm.

PHÁP TU CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI BỆNH

PHÁP TU CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI BỆNH

Người già và người bệnh nặng là hai đối tượng không có đầy đủ điều kiện tốt nhất để tu hành theo đúng trình tự thứ lớp của Đạo đế nhằm đi đến chứng đạo rốt ráo, để có thể làm chủ hoàn toàn Sinh Già Bệnh Chết bằng năng lực Tứ thiền. Do vậy lúc sắp lâm chung thì họ chỉ có thể tu pháp giữ gìn tâm bất động để vượt qua các ác pháp và các cảm thọ khốc liệt, nhằm làm chủ nhân quả, chấm dứt tái sinh luân hồi mà thôi. Muốn vậy họ cần phải được trang bị đầy đủ tri kiến, nghị lực và lòng gan dạ để đối trị với nhân quả khốc liệt vào giai đoạn cuối cùng, đồng thời họ cũng cần có được những sự trợ duyên, trợ lực nhất định từ các đạo hữu tương ưng trong chùm nhân quả với nhau. Các điều kiện cần thiết không có gì ngoài pháp Như Lý Tác Ý và tối thiểu một người trợ duyên. Cụ thể là:

I. Pháp Như Lý Tác Ý:

1- “Các pháp là vô thường, không có gì là mãi mãi”.
2- “Các pháp là vô ngã, không phải là ta, không phải của ta”.
3- “Thế gian là trống rỗng, vô chủ, vô sở hữu, là nô lệ cho khát ái, là khổ đau vô cùng tận”.
4- “Gia đình là một chùm nhân quả gặp nhau để vay trả, trả vay. Còn duyên thì ở, hết duyên thì đi. Nghiệp ai nấy chịu, không ai lo thay cho ai được”.
5- “Bệnh đau mặc kệ bệnh đau. Bệnh đau này không phải là ta, không phải của ta”.
6- “Chết mặc kệ chết. Cái chết này không phải của ta”.
7- “Chết để chấm dứt sinh tử luân hồi đau khổ mãi”.
8- “Thọ là vô thường. Cái bệnh (nói rõ tên) này phải đi đi! An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít (hoặc đưa tay) vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở (hoặc đưa tay) ra”.
9- “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
Tác ý xong thì giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, bệnh đau cứ mặc bệnh đau, đừng nghĩ đến cơn đau thì cường độ cơn đau sẽ giảm đi rất nhiều.

II. Người Thiện hữu trợ duyên:

Khi sắp đến ngày lâm chung, cần tối thiểu một người trợ duyên, trợ lực, lo cơm nước, thuốc thang, tắm rửa và nhắc nhở người bệnh các câu tác ý như trên.

Những ai có công đức trợ duyên giúp cho một người được giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử thì người đó được hưởng phước báu vô lượng không thể đo lường được. Phước lành ấy sẽ giúp cho bản thân người đó có được nhân duyên lành, có niềm tin và nội lực mạnh mẽ hơn để tiếp tục sống thanh thản và có cơ hội giải thoát trong tương lai. Một người gieo duyên, trợ duyên, trợ lực cho một người được giải thoát tức là họ đang gieo nhân giải thoát cho chính mình, nhất định họ sẽ được giải thoát trong tương lai không xa.