Minh Bảo.
[Những ký ức về tuổi thơ in đậm trong tâm trí của những người con miền quê Hà Tĩnh].
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chiêm trũng Bắc Trung Bộ, cái vùng quê quanh năm nghèo khó, phải oằn lưng nặng gánh hai đầu đất nước. Vùng đất trũng thấp ấy chỉ một trận mưa cóc là nước đã dâng ngập cả cánh đồng. Phù sa đắp bồi đâu chẳng thấy, chỉ thấy đất đai ngày càng bị gột rửa đến hoang hóa bạc màu. Quê tôi quanh năm chỉ có hai mùa lúa, đất không thuận lợi để có thể trồng thêm bất kỳ cây hoa màu nào nữa. Vì vậy, cứ khoảng sau rằm tháng Bảy là bà con nông dân lại nhàn rỗi, chẳng biết làm gì để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cứ như vậy họ lại ngồi chờ cho đến tháng Mười Một âm lịch mới lại bắt đầu ra đồng chuẩn bị cho mùa trồng trọt vụ Đông Xuân năm tới. Khoảng thời gian ấy cũng chính là mùa bão lũ liên miên hoành hành lên làng mạc quê tôi. Đó cũng là nỗi lo thường trực ở những người lớn tuổi, vì họ sợ nước lên sẽ cuốn trôi đi tất cả thóc lúa, tài sản, nhà cửa của họ.
Có những năm lũ về sớm trước mùa thu hoạch lúa, khi đồng ruộng còn xanh ngắt, lúa bắt đầu trổ bông, nhìn cả cánh đồng ngập tràn trong biển nước hàng tuần không rút, mọi người ra đồng nhìn những thửa ruộng lúa nhà mình mà ngán ngẩm. Họ không thể khóc, nhưng ẩn sâu trong lòng là một nỗi buồn và lo lắng tột cùng. Một cảnh đói kém đang chờ đợi họ ở phía trước. Nhìn mẹ tôi đứng trước đám ruộng nhà mình lặng im không nói gì, tôi lờ mờ không thể hiểu được người lớn họ nghĩ như thế nào trước cảnh tượng ấy. Tôi cũng buồn theo mẹ một chút như để cùng cảm thông, chia sẻ với mẹ nỗi lo lắng nào đó trong lòng người lớn, nhưng rồi nỗi buồn của tôi qua đi nhanh chóng, thay vào đó là sự háo hức với con nước đang dâng lên ngày càng nhanh càng mạnh trên cánh đồng quê và những con đường, ngõ hẻm trong làng.
Mùa lũ, chúng tôi được nghỉ học ở nhà bởi sân trường đã ngập đầy nước, chúng tôi tha hồ chạy nhảy tung tăng trước ngõ nhà mình, trên những con đường đất trong làng, nước ngập đến bắp chân. Tôi cúi xuống vốc những vốc nước mưa trong vắt đang chảy qua dưới chân mình, hoặc bắt những con cá nhỏ xíu, vớt những cây bèo lạ hay những cánh lục bình ở chốn nào lạc về đây. Tôi thích mùa lũ, vì với tôi, mùa lũ là một điều gì đó vừa bí ẩn vừa thú vị. Được bố mẹ thả từ trên gác xuống cho mình con thuyền thúng hoặc có khi cả thuyền gỗ ba lá để bơi ra ngoài sông, hoặc bơi ngay trên khoảng sân trước nhà mình, những nơi mà không có lũ thì chẳng thể nào kéo nổi con thuyền vào chỗ ấy được. Thỉnh thoảng tôi chèo thuyền ra cánh đồng trắng xóa nước sau nhà để phóng tầm mắt nhìn ra không gian bao la cho thỏa thích.
Mùa lũ, nhìn những đụn bèo lục bình từ đâu trôi về đây, chúng bị mắc kẹt lại nơi chân cầu rồi từ từ xếp hàng chui qua gầm cầu và nối đuôi nhau trôi về đâu đó chẳng ai biết được. Trên những đụn bèo ấy là cả một thế giới của những loài sinh vật nhỏ bé, những con cua đồng, con cáy hay con còng với hai chiếc càng đỏ chói ẩn nấp dưới gốc bèo, chúng chạy qua chạy lại nhanh thoăn thoắt rồi cắn nhau chí chóe. Đám cào cào, châu chấu thì dành chỗ nhau trên những chiếc lá bèo to đùng và non tơ, đạp càng tanh tách trên lá. Nơi đó không chỉ là chỗ trú ngụ an toàn của chúng mà còn có cả một kho thức ăn khổng lồ luôn luôn có sẵn. Nếu vạch đám rễ bèo lên chúng ta còn thấy cả những con niềng niễng đen láy, con bọ xám và cả những con vật mà ta chưa từng biết tên hay thậm chí chưa nhìn thấy nó bao giờ. Tôi là đứa trẻ tinh nghịch và ưa khám phá. Tôi chăm chú nhìn anh chàng cào cào nhỏ xíu chểm chệ ngồi trên lưng chị cào cào to bự, rồi tôi đặt ra một điều thắc mắc: Tại sao ở loài người thì đàn ông thường to lớn hơn phụ nữ, còn ở loài cào cào thì con đực lại nhỏ hơn con cái nhiều đến thế.
Mùa lũ, đám bạn tôi hớn hở kéo nhau chạy ra cánh đồng nước ngập mênh mông và rủ nhau tắm trên những thửa ruộng mới gặt, nước mát lạnh và dưới chân vẫn đầy gốc rạ sắc nhọn, có đứa còn bị rách cổ gà khi dẫm phải những gốc rạ cứng vừa mới bị cắt ấy. Khi đã chán chê, chúng tôi leo lên bờ, mặc nguyên cả quần áo còn ướt. Xong, chúng tôi chạy đi tìm những con ếch to đùng ngồi bên bờ ruộng để bắt. Bắt được bọn ếch này không dễ chút nào, vì chúng tinh mắt lắm, thấy bóng người từ xa là chúng nhảy tùm xuống nước trốn đến chừng năm mười phút sau mới lại ngoi lên để thở, khó đứa nào kiên nhẫn chờ đợi được, đành bỏ đi. Và như thế nhiều chú ếch đã thoát nạn.
Mùa lũ, nước lụt ngập hầu hết diện tích cánh đồng, các loài vật phải tập trung lại trên những gò đất cao nhỏ bé hoặc trên các bè rơm rạ nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Có những loài thì lũ lụt là một mùa đại nạn đối với chúng, như loài chuột đồng, loài rắn, loài cua... Những loài này dễ bị con người đuổi bắt về hoặc tiêu diệt vì chúng không còn nhiều chỗ đậu trên mặt đất vốn đã bị thu hẹp lại bởi nước. Cũng có loài thì lũ là một đặc ân và là cơ hội cho chúng như loài cá tôm, ếch đồng,... vì nước ngập mênh mông loài người khó mà bắt được chúng. Vả lại thức ăn thì cơ man nào là những loài côn trùng luôn bày sẵn ngay trước miệng, chúng chẳng thèm để ý đến cái mồi bằng hoa dâm bụt đỏ chói hay một thứ gì đó thật hấp dẫn mà bọn tôi thường đem ra để dụ dỗ chúng. Chúng không thèm mắc lừa chúng tôi nữa vì đã no nê với bữa tiệc soạn sẵn ngoài kia rồi.
Mùa lũ, đàn chim từ khắp nơi về đây tụ hội, những đàn cò trắng toát, những loài mòng, loài két lội bì bõm trên những cánh đồng ngập cạn nước tìm kiếm thức ăn, những loài chim én thì chao liệng trên bầu trời. Chúng đùa chơi, thi nhau khoe những bộ lông đủ màu sặc sỡ, phô diễn những vũ điệu quyến rũ trên những thửa ruộng nước vừa ngập tới khuỷu chân của chúng. Chúng đâu biết từ đằng xa có kẻ đang hướng nòng súng định mệnh về phía mình, chỉ một phút lơ đễnh là chúng trở thành những bữa tiệc ngon cho những kẻ đi săn bắt tàn nhẫn. Đám chim sẻ ríu rít chuyền từ trên dây của những cây cột điện cao thế xuống vệ đường quốc lộ kiếm mồi. Chúng chẳng sợ người vì chẳng ai muốn bắt những con chim nhỏ bé mà chúng tôi vẫn thường nuôi làm cảnh, và có khi lại trở thành những người bạn thân. Chỉ có lũ én sào chao liệng trên bầu trời lại là mục tiêu của một số tay đi đặt bẫy. Cứ sau mỗi ngày như vậy người thợ đặt bẫy lại mang về chừng vài trăm con én trong lồng.
Mùa lũ, anh trai tôi đi đánh cá bằng những cheo lưới cũ kỹ của cha tôi để lại từ ngày xưa, bắt về những mớ cá rô béo tròn. Mẹ tôi đem chiên lên, thêm một chút rau ngò gai vào, đến bữa cơm dọn ra thơm ngậy cả gian nhà. Tôi ngồi vào mâm mà chỉ muốn ăn vụng ngay một con cho đỡ thèm thuồng. Thức ăn mùa lũ quê tôi thường là tự tạo ra hoặc là thức ăn khô dự trữ, vì mùa này chợ không họp được nữa, nước ngập hết những chợ búa xa gần. Mẹ tôi lôi ra mớ cá khô, món cà pháo hay mớ nhút mít muối dự trữ từ trước khi mùa lũ đến, đem chúng nấu với mỡ heo, ăn vào với cơm cũng ngon phết. Thỉnh thoảng có con gà "chết oan" vì lũ, và như vậy chúng tôi được một bữa ăn tươi gọi là cải thiện. Những chiều mùa lũ, ngồi trong nhà nhìn hoàng hôn buông xuống là lúc lòng buồn vô hạn. Một cảm giác tê tái, khó tả với những kẻ sống nội tâm và có tâm hồn lãng mạn như tôi.
Mùa lũ, khi đài truyền thanh báo có bão là lúc bố mẹ tôi kinh hãi vì sợ bão hất tung ngôi nhà yếu ớt ấy chỏng vó lên. Nước ngập vây quanh nhà đã mấy ngày, độ bền chắc không còn như lúc khô ráo, làm sao dám tin là sẽ đảm bảo độ an toàn. Thế rồi có năm bão lên ngay trong những ngày nước ngập sâu trong nhà tôi. Anh em chúng tôi phải leo lên chạn trú ẩn vì không còn chỗ nằm dưới đất nữa. Gió giật cấp 8 cấp 9 rồi tăng dần, tăng mạnh dần lên, nỗi lo lắng của chúng tôi cũng tăng lên theo từng cấp số của bão. Rồi bão cấp 12 cấp 13, gió đánh đu căn nhà của chúng tôi đong đưa trong mưa, sàng qua sàng lại. Hai anh em chúng tôi chỉ biết ôm chặt vào nhau, khóc lóc và sợ hãi. Lúc ấy tôi nghĩ rằng khó mà giữ được ngôi nhà thân yêu của chúng tôi qua khỏi trận bão khủng khiếp ấy. Thậm chí tôi nghĩ đến cái chết có thể đến với chúng tôi khi căn nhà đổ ập xuống. Tôi ghì chặt anh trai hơn, sợ hãi nghĩ rằng nếu có chết cũng được ở bên nhau.
Thế rồi cơn bão qua đi, thật may ngôi nhà tôi vẫn giữ được thế đứng hiên ngang trong mắt bão và những trận cuồng phong đêm qua. Sáng ra, làng xóm tôi tiêu điều, xơ xác, nom cây cối đến tội nghiệp, lá rách tươm trông như những chiếc lược mà không còn lấy một chút nào lành lặn. Khi mặt trời lên, những lá cây xơ mướp ấy khô queo lại, thân cây chỉ trơ lại toàn những cành gân guốc. Bố tôi và anh trai chèo thuyền đi một vòng quanh làng xem tình hình nhà cửa bà con hàng xóm ra sao, rồi đến thăm người chị gái tôi đêm qua đến xin ở trọ trong một gia đình khác. Một ngôi nhà hàng xóm bị hất tung lên, chỏng bốn vó lên trời, mấy căn nhà khác bị đổ tường, tốc mái bay đi đâu mất.
Đáng sợ nhất là cái dãy nhà hội trường của xã bị đánh sập hoàn toàn. Trong dãy hội trường ấy đêm qua là nơi trú ngụ của những đứa trẻ trong làng đem trâu bò đến trú tạm trong đó. Trong đó cũng có cả chị gái tôi nữa. Chị tôi kể lại: Khi bão bắt đầu chuyển hướng là lúc trời đang cuồng xoáy bỗng nhiên yên tĩnh (mắt bão), như có ai mách bảo sự nguy hiểm sắp sửa ập đến, chị tôi và một số người quyết định di chuyển đàn trâu bò đi nơi khác. Đúng như dự đoán, khoảng vài chục phút sau bão trở lại, lần này kịch liệt hơn, gió giật tung từng đám ngói trên nhà văng đi tới vài chục mét. Cả bốn bức tường rung chuyển rồi căn nhà bị đánh sập hoàn toàn. Thật hú vía! Tôi cảm thấy tiêng tiếc những gì bão vừa lấy đi của làng xóm mình, dù nhà tôi chẳng ảnh hưởng gì. Tôi không còn thích thú lắm với mùa lũ từ sau cơn bão ấy. Có lẽ một phần là tôi đã lớn khôn hơn. Năm ấy tôi tròn 13 tuổi, (năm 1989).
Sau mỗi mùa lũ, khi nước đã rút đi, toàn cánh đồng bạc phếch một màu của đất phèn chua, để lại những bừa bộn rác rưởi và cả xác súc vật thối rữa. Mặt nước đen ngầu, những con tôm con cá không thể sống nổi, chúng ngoi lên bờ nằm chờ chết. Mẹ tôi lục lọi tất cả đồ đạc mấy lâu bị ngâm trong nước lụt ra lau chùi lớp đất bám chặt chung quanh. Đám gà trống khoan khoái vỗ cánh phành phạch, gáy vang khắp xóm làng.
Thời gian trôi qua đi, quê tôi không mấy thay đổi, tuy đất và người thì có những đổi thay cùng với nhịp thay đổi của đất nước. Những con đường hẹp đầy bùn đất ấy nay đã được thay bằng những con đường rộng lớn hơn và được đổ bê tông sạch sẽ, nhưng những ký ức về mùa lũ ở một miền quê nghèo khó vẫn mãi đẹp và không thể xóa nhòa trong tâm trí tôi. Còn cái cảm giác thích thú xen lẫn sợ hãi mỗi khi mùa bão lũ về vẫn cứ ám ảnh mãi trong tôi đến suốt cuộc đời.
Tháng 9/2009
Chú thích:
- Cổ gà: Phần phía dưới chỗ eo của các ngón chân người.
- Cheo lưới: Một tay lưới.
- Chạn: Cái trần nhà.
- Nhút mít: Món ăn làm từ trái mít non được muối dùng ăn dần.
- Én: Tên gọi khác của loài chim yến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét