CHÂN LÝ CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA
Đức Phật Thích Ca đã khẳng định không
có thế giới siêu hình, không có linh hồn. Thế giới siêu hình mà những tôn giáo
khác đưa ra như là âm phủ, địa ngục, thiên đường, cõi Tây phương Cực lạc, vv…
chỉ là điều mơ hồ, ảo tưởng.
Con người mang thân Ngũ uẩn. Ngũ uẩn cũng gọi
là Ngũ ấm, là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố
tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là
cái "ta".
Ngũ uẩn là:
1.
Sắc, chỉ thân và sáu giác quan (hay
còn gọi là sáu căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân và ý), do Tứ đại chủng tạo
thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối
tượng của chúng.
2.
Thọ, tức là toàn bộ các cảm giác
từ thân và sáu giác quan đem lại, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu
hay trung tính.
3.
Tưởng, là sự nhận biết các tri
giác như màu sắc, âm thanh, mùi vị, xúc giác..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
4.
Hành, là những hoạt động tâm lí sau
khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác.
Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác...
5.
Thức, bao gồm sáu dạng ý thức
liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ
thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần bên ngoài để hình thành nên sáu thức.
Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v…
(Sáu trần bao gồm sáu dạng tác động vào sáu giác quan).
Ngũ uẩn cũng được gọi là
năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới
không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngã và Khổ.
Tính chất khổ và vô thường
của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo.
Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được
tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không
có một cái "ta" thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến
về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có
thể đưa đến giải thoát. Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày
như sau về tầm quan trọng đó:
"Đời sống của
mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện
tượng đã hoạt động vô số kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận
sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẽ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng
không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì
được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta.
Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng."
Joseph Goldstein cũng viết:
"Cái mà chúng
ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ."
Bởi vậy khi chết đi, Tứ đại chủng tan hoại thì cả năm uẩn không còn bất
cứ uẩn nào, chỉ có nghiệp lực đi tái sinh luân hồi mà thôi. Vì vậy linh hồn
không có là một điều chắc chắn.
Vô thường nghĩa là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn". Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt). Từ tính vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là Khổ và Vô ngã.
Vô ngã là một trong Ba
tính chất của sự vật. Quan điểm vô ngã là giáo pháp cơ bản của đạo Phật,
cho rằng, không có một Ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán,
tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái
"tôi" cũng chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn, luôn luôn thay đổi, mất mát và, vì vậy,
"tôi" chỉ là một sự giả
hợp, gắn liền với cái Khổ.
Khổ là một khái niệm quan trọng
của Phật giáo, là cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ là một trong ba tính chất của
sự vật.
Không phải
chỉ là những cảm thụ khó chịu mới là Khổ; Khổ dùng để chỉ tất cả mọi hiện tượng
vật chất và tâm thức, xuất phát từ Ngũ uẩn,
chịu dưới quy luật của sự thay đổi và biến hoại. Như thế tất cả
những điều an lạc đang có cũng là khổ vì chúng sẽ hoại diệt. Khổ xuất phát từ
Ái và con đường thoát khổ là Bát chính đạo.
Chân lí
thứ nhất của Tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau: Sinh là khổ; già
là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là
khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là
khổ." (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội
khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thịnh khổ.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét