Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

Khi một đứa trẻ ăn cắp, tất cả chúng ta đều có tội.

Bài viết của Thầy Thái Hạo

Khi một đứa trẻ ăn cắp, tất cả chúng ta đều có tội.
Những người điều hành Nền kinh tế có tội; Hệ thống an sinh có tội, Giáo dục có tội, Văn hóa có tội…, và chúng ta có tội.
Không ai bênh vực cho việc ăn cắp cả, nhưng việc tập trung mổ xẻ để tỏ ra sáng suốt trong trường hợp này thì chỉ chứng tỏ sự thiển cận. Tôi từng đọc một câu chuyện về phiên tòa ở Mỹ xử một đứa trẻ ăn cắp bánh mì. Kết thúc phiên tòa, tất cả mọi người có mặt trong phòng xử án đều bị phạt 10 đô la vì đã…gây ra tội ác là khiến đứa trẻ phải ăn cắp.
Ăn cắp một chiếc váy thì tất nhiên không giống với ăn cắp bánh mì, nhưng hãy đặt mình vào một thiếu nữ 16 tuổi ở thời đại này, trong đất nước này, lúc ấy bạn sẽ thấy chiếc váy nhiều khi quan trọng không kém bánh mì đâu. Cái nghèo và sự mặc cảm thấp kém giày vò con người ta có khi còn khủng khiếp hơn là một cơn đói. Đừng kẻ cả khi bạn chưa bao giờ thiếu tiền để mua một chiếc váy 160k hoặc đã quên đi điều đó trong quá khứ.
Hành vi của chủ cửa hàng thì có lẽ không cần bình luận nữa, nhất là nó lại diễn ra sau khi đứa bé đã quay lại xin lỗi. Đó không những là cái ác mà còn là lòng tham đến tàn bạo.
Trong môi trường nội trú, tôi đã nhìn thấy trong những ánh mắt của không ít em học sinh một nỗi mặc cảm, tự ti, khổ sở vì gia đình quá nghèo. Cháy bỏng trong các em là được bằng bạn bằng bè, là có được những bộ áo quần và váy xống như các bạn. Và tôi đã thấy sự ăn cắp trong ký túc xá, đa phần những vụ trộm ấy là từ những đứa trẻ nghèo.
Chúng ta đã làm ra một xã hội đổ vỡ giá trị, chúng ta lấy vật chất và hình thức bên ngoài để làm thước đo, chúng ta đánh đồng nó với giá trị một con người. Và thế là nó trở thành khí quyển của xã hội này. Nó quấn riết lấy tất cả, cả chúng ta, chứ không riêng gì đứa trẻ kia. Cứ tự nhìn lại xem chúng ta đang chạy theo cái gì thì rõ.
Chúng ta cho mình cái quyền phán xét như thể mình vô can và cao đạo.
Những đứa trẻ phải được bảo vệ, không phải bằng cách bênh vực hành vi ăn cắp của chúng; mà bằng giáo dục, bằng văn hóa, bằng môi trường sống lành mạnh với những chân giá trị được chính chúng ta giữ gìn và vun đắp.
Khi chúng ta để những kẻ cắp hiên ngang đi vào hệ thống điều hành và phá nát quốc gia này, phá nát núi rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, đầu độc nguồn nước và mặc sức tung hoành như phường lục lâm thảo khấu thì bất công sẽ ngày càng lớn, và ăn cắp sẽ trở thành phổ biến. Khi một nhóm người ăn cướp để làm giàu thì đa số còn lại sẽ phải ăn cắp để sống.
Khi một đứa trẻ trên đất nước này ăn cắp, nếu cảm giác đầu tiên khởi lên trong chúng ta không phải là tự xấu hổ, thì ta tiêu rồi.
Thái Hạo

GIẢI THÍCH SƠ LƯỢC VỀ 7 GIÁC CHI

 GIẢI THÍCH SƠ LƯỢC VỀ 7 GIÁC CHI

(Trưởng lão trả lời cho Sư Từ Quang)

 

Nếu mình không hiểu rõ đức Phật thì mình sẽ tu sai. Nghe nói bảy Giác Chi thì phải hiểu pháp này là pháp rất quan trọng bởi vì nó có cái phương pháp và đồng thời nó có cái năng lực, vì vậy nó có tên là Bồ Đề. Nó giải thoát thì phải có năng lực. Nếu nó không có năng lực thì nó không giải thoát.

 

Thí dụ bây giờ con nhiếp tâm, con an trú được, nghĩa là con chỉ an trú trong một phút thôi, một giây thôi thì bảy Giác Chi cũng xuất hiện tại chỗ đó con mới có an trú, bằng không thì con chưa an trú được. Không an trú thì không bao giờ có 7 Giác Chi. Mà cùng lúc nó có đủ cả 7 Giác Chi chứ không phải một Giác Chi. Con nghe được khinh an chứ thật ra nó có đủ 7 Giác Chi vào lúc đó; nó có Tinh tấn Giác Chi, Khinh an Giác Chi, Hỉ Giác Chi, Niệm Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi.

 

Khi con nhận ra Khinh An thì nó làm cho con thích thú siêng năng tức Tinh Tấn Giác Chi, còn các phần Xả Giác Chi, phần Niệm Giác Chi, phần Định Giác Chi thì con thấy được rồi. Thí dụ con ngồi thấy hít thở vô ra nhẹ nhàng thì đó là Niệm của con, con đã tu được Niệm Giác Chi rồi; khi cái tâm bám vào trong, con không còn lưu ý ra ngoài thì đó là Định Giác Chi đó. Trong vấn đề Định không phải chỉ nói riêng về bốn Thánh Định, bốn Thánh Định là Chánh Định, còn ở trên bốn Niệm Xứ là Chánh Niệm nhưng mà Chánh Niệm vẫn có Định cho nên đức Phật nói Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu.... Con quán như khi có một lời nói nào làm phiền não, cơn sân khởi lên, con quán cho hạ cơn sân xuống thì đó là Định đó, nó là Định Giác Chi, nhờ có nó thực hiện mới phá cái si được.

 

Cho nên 7 Giác Chi liên tục xuất hiện, nó có năng lực mặc dù rất nhỏ, tu càng cao thì năng lực càng lớn. Nhưng mà mới vô đầu thì con cũng phải Trạch Pháp Giác Chi kìa. Con phải chọn pháp mà tu chứ; trạch pháp là chọn lựa cái pháp. Trạch rồi mới tới Niệm. Muốn tác ý câu gì thì con đã phải chọn nó, chọn là trạch pháp. Con tác ý ra là con Niệm câu đó, tác ý là Niệm Giác Chi. Niệm Giác Chi thành tựu thì nó sẽ khinh an, là Khinh An Giác Chi, có khinh an thì có ngay Hỉ Giác Chi. Như vậy nó kéo nhau ra liên tục 7 Giác Chi, nhưng Trạch Pháp Giác Chi sẽ có cái lực chỉ khi nào ta viên mãn đầy đủ chừng đó nó mới trở thành cái lực thật sự để xuất hiện cái Định Giác Chi. Đây không phải là Tứ Thánh Định, đây chỉ là Định Giác Chi nằm trong nhóm của Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

 

Sự thật, đức Phật dùng chữ Định có nghĩa rộng rãi lắm, nhưng tới cái định tướng, cái định thuộc thân định thì nó khác rồi. Bắt đầu vô Chánh Định thì nó có định đầu tiên là Định Sơ Thiền là định của tâm li dục li ác pháp, là định của tâm “do li dục sanh hỉ lạc”. Qua Định Nhị Thiền thì định thuộc về thân, nó thuộc về thân định cho nên mới nói do định sanh hỉ lạc, “diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền do định sanh hỉ lạc”, không còn do li dục nữa. Từ Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền là định của thân cho nên mới từ cái này để lần lượt tịnh chỉ các hành cho thân bất động. Tới Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở là hết giai đoạn Định mới qua giai đoạn Tuệ, đó là 3 Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh. Bắt đầu từ đây mới gọi là Tuệ. Do đó mình mới thấy rõ phần trước là Định trong Chánh Niệm, định trên niệm cho nên mình nhiếp tâm trên cái niệm, chứ không phải Định trong Định. Cái tâm mình an ổn là định, hay là định tỉnh. Con cần phân biệt rõ để khỏi lẫn lộn định này ra định kia, phải thông suốt đây là Thiền Định, đây là Định Tỉnh, đừng để lộn xộn.

 

Còn 7 Giác Chi thì đừng có hiểu tôi phải tu cho tới cuối cùng mới hiện ra 7 Giác Chi. Không phải vậy, hễ con vô tu 1 giờ thì có 7 Giác Chi một 

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Thư của nhà giáo Mạc Văn Trang gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

 Ngày 8/12/2021

 

KÍNH GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO 

 

Thưa Bộ Trưởng NGUYỄN KIM SƠN,

 

Tôi là Mạc Văn Trang, nhà giáo, 84 tuổi. Tôi đi dạy học từ lúc 22 tuổi, rồi sau này vừa học, vừa nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn Nghiên cứu sinh cho đến 80 tuổi. Cả một đời yêu nghề, gắn bó với giáo dục. Giờ đây vẫn rất trăn trở với nhiều chuyện của Ngành ta. Trong Thư này, tôi chỉ xin thưa với Bộ trưởng về vấn đề GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG.

 

1. Nhà giáo là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục

Ngày xưa, các ông Đồ, các Thầy dạy tư có khi chả biết Bộ giáo dục là gì, tự họ dạy học trò nên người, người dân tin tưởng gửi con đến nhờ các Thầy dạy dỗ. Thời phong kiến, thực dân, thời Việt Nam Cộng hòa, người Thầy giáo vừa được trọng vọng vừa có lương bổng nuôi sống cả vợ con.

 

Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ 1954 đến 1960, các giáo viên “Lưu dung" từ chế độ cũ vẫn được trọng dụng, hưởng nguyên lương như trước, cao gấp 2 - 3 lần giáo viên “cách mạng". Từ năm 1961 tiến lên CNXH, rồi sau đó chiến tranh, đời sống dân miền Bắc vô cùng khó khăn, nhưng nền giáo dục XHCN cùng với Y tế luôn được coi là “Hai Bông hoa” đáng tự hào của chế độ. 

 

Tất cả những giai đoạn nêu trên, Nhà trường và Thầy giáo luôn có vị trí được xã hội tôn kính. Chính quyền, nhất là cấp Xã/ Phường không có chuyện can thiệp thô bạo vào nhà trường hay vô lễ với các Thầy, Cô giáo.

 

Từ những năm 1961 - 1962 tôi làm Hiệu trưởng trường cấp 2; lúc đó không có chuyện Chủ tịch, Bí thư xã đến “huấn thị" cho nhà trường. Họ lên phát biểu chỉ cảm ơn các Thầy, Cô và mong các Thầy, Cô thông cảm, địa phương còn nhiều khó khăn, chưa chăm sóc được cho nhà trường đầy đủ… Khi một giáo viên có chuyện gì, Công an báo cáo với Hiệu trưởng để xem xét giải quyết và thông báo cho họ…

 

Các giáo viên dù được đào tạo Chính quy hay Hàm thụ, khi đã tốt nghiệp đi dạy, không ai phân biệt, và như vậy đã ĐỦ ĐIỀU KIỆN để làm giáo viên. Việc đánh giá giáo viên chỉ có học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh đánh giá là chính xác; cho nên mỗi giáo viên không ngừng TỰ học hỏi, trau dồi nghề nghiệp để mình xứng đáng làm Thầy, để có uy tín…

 

Càng yêu cầu cao với người giáo viên thì càng phải tôn trọng họ cao hơn và tạo điều kiện để họ sống đàng hoàng, xứng đáng với vị trí người Thầy…

 

Phải biết trân trọng lao động của Giáo viên và tôn trọng Nhân cách người Thầy, vì họ là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục.

 

Khi các cơ quan quản lý phình to, quan liêu, hống hách, còn vị trí Nhà trường và người giáo viên nhỏ bé đi thì hỏng rồi! Nên nhớ từ những năm 1960 người giáo viên “có giá" lắm, “coi thường" các cơ quan quản lý, không giáo viên giỏi nào chịu về các cơ quan quản lý, vì bị “mất dạy"! Lúc đó anh em giáo viên bông đùa: “Ho lao thối phổi về Ty/ Tham ô, hủ hoá thì đi về Phòng/ Những người già lão có công/ Thì đưa về Bộ cho xong cuộc đời”! Người giáo viên đàng hoàng, tự tin lắm, không phải xun xoe, khúm núm trước các cơ quan quản lý.

 

Hãy hình dung Bộ giáo dục, Sở giáo dục, Phòng giáo dục “tự nhiên biến mất", nhưng nhà trường còn, giáo viên còn, thì mọi hoạt động giáo dục vẫn diễn ra như thường!

 

Vậy thì Bộ, Sở, Phòng giáo dục sinh ra để làm gì? Để phục vụ giáo viên thực hiện tốt nhất sứ mệnh thiêng liêng của mình. Cục Nhà giáo sinh ra là để chăm lo cho các Nhà giáo lao động nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả hơn; Chế độ, chính sách lương bổng, đời sống giáo viên ngày càng cải thiện, sung sướng hơn, để nhà giáo thêm yên tâm cống hiến…

 

2. Vậy mà các cơ quan quản lý giáo dục đang làm khổ giáo viên đủ trò

 

Bao lâu nay bày trò “Thi giáo viên dạy giỏi” cấp trường, cấp huyện/quận, cấp tỉnh... rồi “Thi đua" đủ mọi thứ; bình bầu, đánh giá giáo viên theo bao nhiêu tiêu chí, khiến hoạt động giảng dạy của giáo viên bị rối nhiễu; người thầy giáo phân tán tâm trí, hao phí thời gian, sức lực vào những chuyện vô bổ, thậm chí gian dối... Những hoạt động đó thường gây không khí căng thẳng, tiêu cực trong môi trường sư phạm của nhà trường. 

 

Nghe nói nhiều Phòng giáo dục, nhiều Hiệu trưởng trở thành “quan lớn" ức hiếp giáo viên, gây nhiều nỗi bức xúc cho các Thầy, Cô giáo. Nghe nói có nơi bắt các cô giáo đi “tiếp khách" hầu hạ quan chức(?). Hỏng quá! 

 

Đặc biệt là Bộ, rồi các Sở quy định giáo viên phải học thêm bao nhiêu chứng chỉ mới được công nhận là giáo viên chính. Đây là trò làm khổ giáo viên, làm nhục giáo viên và làm giàu cho “nhóm lợi ích” ăn tiền trên mồ hôi nước mắt của giáo viên. Tôi đã nói ở trên, người đã tốt nghiệp Trường/Khoa Sư phạm ra làm giáo viên, sau thời gian tập sự, họ đã đủ điều kiện, không cần bất cứ Chứng chỉ nào nữa. Họ thiếu, yếu cái gì thì sẽ tự bồi dưỡng tại cơ sở…

 

Tôi có rất nhiều bằng chứng các giáo viên cung cấp: Họ bị bắt buộc đi học một cách qua loa, để nộp tiền và nhận mấy cái Chứng chỉ về vứt xó…

 

Tất nhiên cần những Tiêu chuẩn Nhà giáo, ai không còn xứng đáng thì đưa ra khỏi ngành, nhưng không vì thế mà làm như “khủng bố" tất cả cả đội ngũ giáo viên!

 

3. Mấy kiến nghị

 

3.1. Đề nghị Bộ trưởng TINH GIẢN BỘ MÁY các cơ quan quản lý giáo dục; càng lắm người, họ càng nghĩ ra nhiều trò có hại: Họ soạn ra bao nhiêu văn bản sai trái, có hại; họ tổ chức nhiều cuộc họp hành vô bổ… Đặc biệt xin Bộ trưởng kiến nghị các cấp có thẩm quyền bỏ ngay các Phòng giáo dục Quận/Huyện đi! Thêm cấp quản lý này chỉ bày việc ra làm khổ giáo viên, nhiều chuyện tồi lắm, không muốn kể ra đây! Thời đại 4.0, Bộ, Sở giáo dục thông tin trực tiếp đến các trường, vừa nhanh, vừa chính xác, không cần cấp trung gian.

 

3.2. Bãi bỏ ngay việc bắt giáo viên HỌC CÁC CHỨNG CHỈ và CẢI TIẾN CÁCH ĐÁNH GIÁ GIÁO VIÊN. Nên bỏ việc Thi giáo viên giỏi các cấp; không bỏ được Thi đua thì tinh giản các tiêu chuẩn càng ít càng tốt; nghiên cứu việc đánh giá giáo viên sao cho nhẹ nhàng, thực chất. Cần thấy rằng, dẫu là Chiến sĩ Thi đua, Tiên tiến xuất sắc, Tiên tiến hay Bình thường không có giá trị gì, nếu học sinh và đồng nghiệp không tín nhiệm. 

 

Người Thầy giáo không cần danh hiệu nào, ngoài sự kính trọng, yêu mến của học sinh và sự tin tưởng của Cha mẹ học sinh, của đồng nghiệp. Đó mới là điều người giáo viên cần tu dưỡng, rèn luyện, chứ không phải bày đặt mấy cái danh hiệu thi đua tào lao! 

 

3.3. Việc học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên là việc thường xuyên và hết sức quan trọng, nhưng hãy tiến hành BỒI DƯỠNG TẠI TRƯỜNG bằng hình thực trực tiếp hay trực tuyến, hoặc qua các băng hình… Tránh hết sức bắt giáo viên tập trung nghe giảng bồi dưỡng rồi "mua" Chứng chỉ!. Mỗi trường học, Tổ bộ môn là một đơn vị tự bồi dưỡng hiệu quả nhất. Qua hoạt động tự học, tự bồi dưỡng cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.

 

3.4. Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ này, mong Bộ trưởng hãy CẢI THIỆN HÌNH ẢNH và ĐỜI SỐNG CỦA NHÀ GIÁO. Như Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nói, nhiều giáo viên yêu thích nghề vì “được nghỉ hè ba tháng" và là “nghề Tự do"... Hãy tôn trọng lao động sư phạm có tính độc lập, tự do của người giáo viên và do đó người giáo viên càng có ý thực tự chủ vươn lên xứng đáng với trách nhiệm của mình; càng o ép, kiểm soát làm người giáo viên nhỏ bé đi, hèn mọn đi, thì sự nghiệp giáo dục càng hỏng.

 

Bộ trưởng hãy tìm cách cải thiện đời sống cho giáo viên, nhất là các Thầy, Cô giáo ở những vùng khó khăn. Không thể để xã hội nhìn nhà giáo tội nghiệp như những kẻ cần được bố thí! Hãy kiên quyết làm sao để giáo viên được tăng lương.

 

Thưa Bộ trưởng, 

 

Tôi tâm đắc với câu Bộ trưởng nói: “Bỏ văn mẫu", “Dạy THẬT, Học THẬT, Nhân tài THẬT", nhưng trước hết toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh phải NÓI THẬT đã!

 

Thư này tôi nói rất THẬT, và xin nhắc lại: Nhà giáo là trụ cột và linh hồn của sự nghiệp giáo dục. Vì vậy từ Bộ trưởng đến Hiệu trưởng hãy kính trọng các Thầy, Cô giáo đang đứng lớp.

 

Kính Chúc Bộ trưởng Mạnh khoẻ, Hạnh phúc! 

 

Mạc Văn Trang

Ngụ tại Khu căn hộ Phú Mỹ Thuận, xã Phú Xuân,

huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh

 

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

ĐỨC PHẬT DẠY VỀ VÔ THƯỜNG

ĐỨC PHẬT DẠY VỀ VÔ THƯỜNG

Dù là cha mẹ anh em, hay những người bạn rất thân từng vào sinh ra tử, khi cái chết đến, không ai có thể đi chung với ai được, người nào cũng phải đi đơn độc một mình.
Thời gian sẽ làm phai mờ đi nhiều thứ, nhưng cũng chính thời gian sẽ làm rõ được nhiều điều.
Người đời thường thấy vui khi hôm nay đi trước được người này, rồi ngày mai lại thấy buồn khi phải đi sau người khác, hay hạnh phúc khi có ai đó đi chung, đâu biết, cuối cùng, dù muốn hay không, ai cũng phải đi một mình, đơn độc bước qua cánh cửa tử mà mình lại chưa chuẩn bị được điều gì cho ngày ấy cả. Cả một đời buồn vui hoàn toàn phụ thuộc vào người.
Cuộc sống là những câu chuyện duyên sinh, tất cả đều phải tựa vào nhau để sinh khởi và tồn tại, nhưng việc một người bắt bản thân phải phụ thuộc vào nhiều thứ bên ngoài mới có thể bình yên lại là một câu chuyện khác, rất khác.
Chỉ khi nào có thể bình yên một mình, không phụ thuộc vào những điều bên ngoài, khi đó mới là bình yên thực sự, đó là giải thoát. Khi đó sẽ đủ bình thản bước qua cánh cửa tử một mình, không phải hoang mang.
Ai biết cách tựa vào bản thân mình để bình yên, biết cách sống một mình mà hạnh phúc, thì cũng sẽ biết cách bước qua cánh cửa tử một mình trong bình yên.
Cuộc sống như một chuyến tàu, có đủ hạng người trên đó, có người bước lên, có người bước xuống, có người còn ngồi lại, nhưng cuối cùng ai cũng phải rời tàu, rồi về nhà một mình.
Không có gì tàn nhẫn bằng việc chúng ta bỏ rơi chính mình bằng cách bắt bản thân phải phụ thuộc vào người khác để bình yên.
Nguồn: Sưu tầm.

PHÁP TU CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI BỆNH

PHÁP TU CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI BỆNH

Người già và người bệnh nặng là hai đối tượng không có đầy đủ điều kiện tốt nhất để tu hành theo đúng trình tự thứ lớp của Đạo đế nhằm đi đến chứng đạo rốt ráo, để có thể làm chủ hoàn toàn Sinh Già Bệnh Chết bằng năng lực Tứ thiền. Do vậy lúc sắp lâm chung thì họ chỉ có thể tu pháp giữ gìn tâm bất động để vượt qua các ác pháp và các cảm thọ khốc liệt, nhằm làm chủ nhân quả, chấm dứt tái sinh luân hồi mà thôi. Muốn vậy họ cần phải được trang bị đầy đủ tri kiến, nghị lực và lòng gan dạ để đối trị với nhân quả khốc liệt vào giai đoạn cuối cùng, đồng thời họ cũng cần có được những sự trợ duyên, trợ lực nhất định từ các đạo hữu tương ưng trong chùm nhân quả với nhau. Các điều kiện cần thiết không có gì ngoài pháp Như Lý Tác Ý và tối thiểu một người trợ duyên. Cụ thể là:

I. Pháp Như Lý Tác Ý:

1- “Các pháp là vô thường, không có gì là mãi mãi”.
2- “Các pháp là vô ngã, không phải là ta, không phải của ta”.
3- “Thế gian là trống rỗng, vô chủ, vô sở hữu, là nô lệ cho khát ái, là khổ đau vô cùng tận”.
4- “Gia đình là một chùm nhân quả gặp nhau để vay trả, trả vay. Còn duyên thì ở, hết duyên thì đi. Nghiệp ai nấy chịu, không ai lo thay cho ai được”.
5- “Bệnh đau mặc kệ bệnh đau. Bệnh đau này không phải là ta, không phải của ta”.
6- “Chết mặc kệ chết. Cái chết này không phải của ta”.
7- “Chết để chấm dứt sinh tử luân hồi đau khổ mãi”.
8- “Thọ là vô thường. Cái bệnh (nói rõ tên) này phải đi đi! An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít (hoặc đưa tay) vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở (hoặc đưa tay) ra”.
9- “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.
Tác ý xong thì giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, bệnh đau cứ mặc bệnh đau, đừng nghĩ đến cơn đau thì cường độ cơn đau sẽ giảm đi rất nhiều.

II. Người Thiện hữu trợ duyên:

Khi sắp đến ngày lâm chung, cần tối thiểu một người trợ duyên, trợ lực, lo cơm nước, thuốc thang, tắm rửa và nhắc nhở người bệnh các câu tác ý như trên.

Những ai có công đức trợ duyên giúp cho một người được giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử thì người đó được hưởng phước báu vô lượng không thể đo lường được. Phước lành ấy sẽ giúp cho bản thân người đó có được nhân duyên lành, có niềm tin và nội lực mạnh mẽ hơn để tiếp tục sống thanh thản và có cơ hội giải thoát trong tương lai. Một người gieo duyên, trợ duyên, trợ lực cho một người được giải thoát tức là họ đang gieo nhân giải thoát cho chính mình, nhất định họ sẽ được giải thoát trong tương lai không xa.

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

NHỮNG GƯƠNG HẠNH THÁNH TĂNG THỜI ĐỨC PHẬT

 NHỮNG GƯƠNG HẠNH THÁNH TĂNG THỜI ĐỨC PHẬT


1. La-hầu-la - cậu bé hạnh phúc nhất thế gian 


Cậu bé La-hầu-la là đứa con trai duy nhất của Thái tử Siddhārtha (người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca), khi cậu vừa tròn 10 tuổi, bằng tuổi một đứa bé bước vào lớp cuối cấp Tiểu học bây giờ thì đã được mẹ hướng dẫn cho xuất gia, rời bỏ gia đình, từ bỏ cung điện, ngai vàng trong tương lai. Sau 10 năm học đạo thì trở thành bậc thánh nhân A-la-hán.


Kết luận: Bạn không nhất thiết phải học quá nhiều các kiến thức của người thế gian, chỉ cần biết đọc biết viết, có hiểu biết vừa đủ là được. Quan trọng là bạn cần phải tu học trở thành một người sống đúng đạo đức làm người, mới có thể sống hạnh phúc an nhiên giữa cuộc đời. Nếu muốn bạn có thể tiến xa hơn, tu hành rốt ráo để trở thành một bậc thánh giải thoát. 


2. A-nan - người thông minh nhưng chứng đạo rất muộn


A-nan là một nam thanh niên khôi ngô, tuấn tú, được coi là người đa văn, được thận cận Phật, được nghe Phật thuyết pháp nhiều và nhớ nhiều nhất. Nhưng khi Phật nhập diệt thì A-nan vẫn bật khóc vì sự ra đi của Ngài, điều này cho thấy A-nan vẫn chưa thật sự giác ngộ. Đêm trước khi tăng đoàn tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất thì A-nan mới tu chứng đạo. 


Kết luận: Học nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều không bằng thực hành sống đúng đạo đức làm người, làm thánh. Muốn được giải thoát cần phải lấy thực hành sống đúng đạo đức làm quan trọng. Có thực hành mới có giải thoát. Học nhiều mà không thực hành thì cũng giống như cái tủ đựng kinh sách, chỉ thêm cản trở trên bước đường tu, chẳng có lợi ích gì cả. 

 

3. Ca-diếp - chủ trương sống khổ hạnh


Xuất thân từ tầng lớp Bà-la-môn, trong một gia đình giàu có nhưng ngài không thọ hưởng dục lạc thế gian, khước từ hôn thú. Ngài xuất gia theo Phật và tu 8 ngày thì chứng đạo. Ngài chủ trương sống khổ hạnh ở núi cao, rừng sâu, thường đi lượm vải cũ để mặc. Khi đi khất thực ngài hướng đến những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh, tránh xa người giàu sang. 


Kết luận: Con người vốn sinh ra từ dục vọng, sống trong dục vọng, chết cũng bởi dục vọng. Dục vọng là ác pháp, là phiền não, khổ đau. Sự giàu sang sẽ cản trở người xuất gia tầm đạo. Chỉ có xa rời các dục vọng, lạc thú trên thế gian mới có thể tiến tới sự giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử. Cần phải hiểu rõ như vậy để tránh xa sự thụ hưởng các dục lạc thế gian. 

 

4. Ni-đề, người làm nghề gánh phân tu hành đắc thánh quả A-la-hán 


Ni-đề là một người thuộc tầng lớp cùng đinh, khốn khổ trong xã hội Ấn Độ, ông làm nghề gánh phân, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật nên đã xuất gia tu hành. Chỉ sau chưa đầy một tuần lễ với sự nỗ lực tinh tấn dũng mãnh, ông đắc thánh quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn khỏi đời sống thế gian khổ đau. Sau đó ông được hàng vua chúa cung kính đảnh lễ.

 

Kết luận: Giai cấp và tầng lớp xã hội không có ý nghĩa phân biệt người có đạo đức hay không. Người có đạo đức mới là người đáng trân trọng. Những người sống trong cùng cực, khốn khổ, ít tài sản sẽ dễ buông xả và tu hành chứng đạo nhanh hơn. Ngược lại những người sống trong nhung lụa, giàu sang thường khó buông xả, do vậy cuộc sống cũng bất an hơn.


5. Angulimala - tướng cướp buông đao trở thành bậc thánh nhân


Ông Angulimala là một tên tướng cướp giết người khét tiếng tàn bạo ở vương quốc Kosala, với tay nhuốm máu, đầy tội lỗi, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật ông liền buông bỏ đao kiếm xuống, hóa sinh ngay thành một bậc hiền nhân, tinh tấn tu hành. Không bao lâu sau ông chứng quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn ra khỏi sinh tử, chấm dứt luân hồi khổ đau. 

 

Kết luận: Bất cứ con người nào cũng có mầm thiện lành ở trong tâm, chỉ cần gặp được người có đủ lòng vị tha thì sẽ cảm hóa được họ, biến họ trở thành một người có đạo đức thật sự. Không nên áp đặt theo định kiến rằng "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" mà cướp mất đi những cơ hội để cho những người có một quá khứ lầm lỗi được quay đầu làm lại cuộc đời. 


6. Liên-hoa-sắc - người kỹ nữ ở chốn lầu xanh trở thành bậc A-la-hán

 

Trong thời Đức Phật tại thế còn có một câu chuyện điển hình khác, đó là chuyện về người kỹ nữ tên là Liên-hoa-sắc trở thành bậc thánh nhân. Bà Liên-hoa-sắc là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng cuộc đời gặp nhiều điều bất hạnh, trái ngang. Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, cuối cùng bà gặp được Phật và tu hành chứng quả A-la-hán giải thoát hoàn toàn. 

 

Kết luận: Xinh đẹp không phải luôn là lợi thế của con người, ngược lại còn có thể là thảm họa cho chính họ. Thường thì những người xinh đẹp rất tự hào về bản thân, song chính điều đó đã khiến họ phải chuốc lấy những điều bất hạnh không ngờ tới. Khi đó họ mới thấy sắc đẹp là nguy hiểm, chỉ có đạo đức mới cứu rỗi được cuộc đời của con người mà thôi.

 

7. A-na-luật - một người mù đắc thánh quả A-la-hán, trở thành thiên nhãn đệ nhất

 

Ông A-na-luật là một thanh niên xuất thân từ dòng dõi quý tộc, tài năng hơn người nhưng sớm giác ngộ đời là biển khổ, ông khước từ kết hôn, quyết chí xuất gia tu hành giải thoát. Với sự kiên định, nỗ lực, tinh tấn đến mù cả hai con mắt, cuối cùng ông đắc đạo quả A-la-hán, trở thành bậc Thiên nhãn đệ nhất. Ông được nghe Phật giảng về 8 điều giác ngộ. 

 

Kết luận: Người thật sự có trí là người sớm giác ngộ sự thật cuộc đời là biển khổ, khi đó họ sẽ không chấp nhận sự ràng buộc thường tình của thế gian nữa. Có như vậy mới quyết chí vượt thoát ra khỏi biển khổ ấy. Việc làm một người sống có đạo đức thì không phân biệt người lành lặn hay người tật nguyền, chỉ cần có quyết tâm là có thể đạt được ý nguyện. 


8. Subhùti - chứng đạo với lòng yêu thương 

 

Subhùti là vị tu sĩ được Phật triển khai cho một đề tài về tâm Từ, và ông áp dụng tu tập đến chứng quả A-la-hán, trở thành đệ nhất về hạnh Từ vô lượng. Với ngài, tất cả mọi loài hữu tình (động vật) hay vô tình (thực vật) trên thế gian này đều đáng được trân trọng, bảo vệ, yêu thương. Sau khi chứng đạo ngài không làm tổn thương đến cả một nhành cây, ngọn cỏ.

 

Kết luận: Chỉ cần chuyên tâm với một pháp tu đúng đặc tướng của mình là có thể chứng quả A-la-hán giải thoát. Không nhất thiết phải tu nhiều pháp mới chứng đạo. Việc tìm ra pháp tu cho mình, nếu may mắn được bậc A-la-hán chỉ cho là một điều vô cùng quý, bằng không thì phải tự mình tìm ra pháp tu cho mình, bởi chỉ mình mới hiểu bản thân mình nhất. 


9. Các vị đệ tử chân chính thời Đức Phật bị trọng bệnh

 

Ngoài những tấm gương điển hình trên đây, trong thời Đức Phật còn có nhiều vị đệ tử chân chính như các Tôn giả Vakkali, Khemaka, Assaji, Channa,... các cư sĩ Dighavu, cư sĩ Cấp Cô Độc... họ là những người đệ tử thuần thành nhưng bị bệnh nặng, do có được duyên lành giác ngộ lý vô thường, vô ngã, khổ, không... Cuối cùng họ cũng chứng quả giải thoát. 

 

Kết luận: Bệnh hoạn không phải là chướng ngại khiến cho người ta không thể tiến tới sự giải thoát hoàn toàn, ngược lại nó còn là cơ hội để con người có thể vượt ra khỏi biển khổ. Chỉ có điều những người bệnh hoạn thì cần phải có ý chí và nghị lực hơn người, có như vậy mới có thể vượt qua những đau đớn, tiến tới sự làm chủ nhân quả, chấm dứt tái sinh luân hồi. 


* Đề-bà-đạt-đa - phản bội Phật, phải chịu quả báo


Trong thời Đức Phật không thể không nhắc đến Đề-bà-đạt-đa, một điển hình về kẻ vong ân bội nghĩa. Đề-bà-đạt-đa xuất gia tu hành, ban đầu cũng là một người đệ tử ngoan đạo, nhưng về sau bị danh lợi cám dỗ, ông ta quay lại phản bội Phật, thậm chí lập mưu hãm hại Phật để dành lấy Tăng đoàn. Cuối cùng ông ta phải trả giá, phải chết trong đau đớn tận cùng.

 

Kết luận: Không phải ai có duyên gặp được Phật pháp cũng đều giữ được duyên lành đó. Nếu không sáng suốt phân biệt thiện ác thì rất dễ bị danh lợi cuốn đi lúc nào không hay. Phải hết sức cẩn trọng, cảnh giác trong từng tâm niệm nhỏ để tránh bị sa vào ác pháp. Mất đi duyên Phật pháp là sẽ bị đọa vào địa ngục vô dán không biết đến bao giờ mới gặp lại nữa. 

 

BÀI HỌC


1. Tam bảo, Phật pháp là điều quý báu nhất thế gian. Chỉ có Phật pháp mới cứu rỗi con người thoát ra khỏi bể khổ trầm luân cuộc đời này.


2. Bất cứ xuất thân từ giai cấp nào, trong tầng lớp nào, hoàn cảnh ra sao... chỉ cần nỗ lực tu hành thì vẫn chứng đắc đạo quả giải thoát. 

 

3. Thông minh, học giỏi, thành đạt cao không phải là yếu tố quyết định sự giải thoát, mà quan trọng là việc thực hành sống đạo đức. 


4. Những người kiêu căng thì không thể tu hành giải thoát được, cùng lắm là tạo được chút phước hạnh cho đời sống sau mà thôi. 

 

***

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

9 điều suy ngẫm về nhân tình thế thái

 

9 điều suy ngẫm về nhân tình thế thái

 

Dưới đây là 9 điều về nhân tình thế thái mà một người đã rút ra khi nhìn ngắm cuộc đời của mình và những người khác, những điều rất đáng để học hỏi:

1. Thường xét lỗi lầm của mình, sẽ từ từ quên đi lỗi lầm của người khác. Vốn không có ai đúng ai sai, chỉ là lập trường bất đồng, mỗi người tôn trọng lập trường của nhau.

2. Xin bạn đừng mạo muội đánh giá tôi, bạn chỉ biết tên họ của tôi, trái lại không biết câu chuyện của tôi; bạn chỉ nghe nói tôi đã làm cái gì mà không biết tôi đã trải qua những gì.

3. Một người chân chính mạnh mẽ sẽ không quá quan tâm đến chuyện làm vui lòng đẹp ý người khác. Đừng quá quan trọng cái gọi là giữ gìn quan hệ xã hội, điều quan trọng nhất là bạn phải nâng cao nội lực của chính mình, chỉ khi chính bạn rèn luyện tốt rồi, mới sẽ có người khác đến gần gũi bạn, chính mình là cây ngô đồng, phượng hoàng mới đến đậu; chính mình là biển lớn, trăm sông mới tụ hội, như hoa có hương ắt ong bướm tìm đến. Chỉ khi bạn đến được tầng bậc nhất định thì mới có được những quan hệ xã hội tương ứng, mà không phải là ngược lại.

4. Không có ai theo bạn cả một đời, cho nên bạn phải có năng lực vui sống ở nơi đang sống, vui với việc mình làm. Sẽ không có ai giúp bạn cả một đời, cho nên bạn phải sẵn sàng tự lực.

5. Đời người vốn là một loại cảm thụ. Lúc người bạn yêu vứt bỏ bạn, dù cho bạn kêu trời trách đất cũng không ích gì; lúc có người nói xấu bạn, dù lưỡi bạn như hoa sen, bạn cũng trăm miệng không biện bạch được, chuyện đời vốn là vậy. Lúc đắc ý, tâm thế như triều dâng, lúc thất chí, tâm tình như hoa rụng. Đừng quá xem trọng chính mình, những lúc bị khuất nhục, không còn cách gì, muốn rơi lệ, chính những giây phút đó là một bộ phận không thể thiếu trong đường đời.

6. Có người luôn ngưỡng mộ, ham thích hạnh phúc của người khác, bỗng có lúc quay đầu nhìn lại phát hiện cuộc sống của chính mình đang được người khác ngưỡng mộ. Kỳ thực mỗi một người đều đang hạnh phúc, chỉ là hạnh phúc của bạn thường đang ở trong mắt người khác. Ngọn núi hạnh phúc này vốn không có đỉnh, không có đầu, bạn phải học cách đi thật chậm, chiêm ngưỡng cảnh núi, thưởng thức cầu vồng, hóng gió mát vi vu, tâm trạng thư thả mới có thể cảm nhận cuộc sống thật sung túc.

7. Hạnh phúc không bỏ sót bất kỳ người nào, sớm muộn gì cũng có ngày nó tìm đến bạn.

8. Đời người là một quá trình vận động phát triển liên tục, bạn sẽ không bao giờ biết thời khắc kế tiếp sẽ phát sinh chuyện gì, cũng sẽ không rõ vì sao vận mệnh đối đãi với bạn như vậy. Chỉ sau khi bạn trải qua các loại biến cố trong đời sống, bạn mới rũ bỏ cái nhìn phù hoa ban đầu, nhìn nhận thế giới bằng tâm thái khiêm tốn.

9. Ví như bạn quét lá, dù hôm nay bạn dùng hết sức, thì lá khô ngày mai vẫn bị gió thổi đến. Trên đời có rất nhiều việc không cách gì mong gấp mong sớm được, chỉ có thể sống với giây phút hiện tại, không ngừng vươn lên.

Nguồn: www.trungtamhotong.org

 

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

 

HAI MẶT CỦA ĐỒNG TIỀN

 


Nhằm giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về khổ đau và hạnh phúc do đồng tiền mang đến, chủ đề mà chúng tôi nói đến là “Hai mặt của đồng tiền”. Chúng ta cần hiểu và sử dụng đồng tiền như thế nào cho đúng, không vì nó để tạo nghiệp rồi chịu khổ đau tội lỗi mà nương vào nó làm lợi ích cho người.

Ai đã đi vào cuộc sống, bôn ba xuôi ngược trên chợ đời, tranh đua với người đời mà không một lần cảm nghiệm cái mãnh lực của đồng tiền? Đồng tiền nối liền với khúc ruột của con người, nó cũng chính là cái căn cơ của buồn vui sướng khổ của nhân loại? Cũng chính đồng tiền đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại, được thiên hạ nể vì, nhân nhượng hay khinh khi coi thường! Vì thế tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng trong cuộc sống con người. Thế sự thăng trầm, con người thay lòng đổi dạ, xã hội đảo điên, luân thường đạo lý bị xáo trộn, tất cả cũng vì ảnh hưởng của đồng tiền. Vậy đồng tiền có ý nghĩa như thế nào với con người.

Tiền – kẻ sát nhân. Tiền – ngọn nguồn của cuộc sống. Tiền – căn nguyên của cái ác.

Trước hết tôi xin định nghĩa về tiền: Vậy tiền là gì? Giá trị đích thực của nó ra sao, mà chi phối đời sống con người như thế? Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, tiền là những tờ giấy, hoặc những mảnh kim loại nhỏ được con người gán cho sự quý báu và định cho nó một giá trị nhất định, xem nó là cán cân để cân đong đo lường giá trị tất cả các vật dụng, có khi nó còn đo được cả tình cảm của con người! Song song với các giá trị ấy, tiền có khi đồng nghĩa với tội ác, với danh vọng, địa vị và mọi thứ làm nên cuộc đời. Dựa vào tiền, bên ngoài hiện tướng phân chia giai cấp, bên trong là lệ thuộc ; bên ngoài là an vui hạnh phúc, bên trong là khổ đau tột bậc. Vì thế, qua dòng lịch sử nhân loại, nhiều bậc thánh hiền, các nhà mô phạm, đặc biệt là các tôn giáo đã đưa ra nhiều lời, nhiều giáo thuyết nhằm răn dạy, cải hóa lòng người.

Theo lý thuyết nhà Phật: “tham-sân-si” là ba kẻ thù của con người. vậy muốn khởi công tu thân tích đức, con người, nhất là kẻ tầm “Đạo”, cần khước từ và chế ngự lòng tham! Tham lam là đầu mối sinh ra dục vọng. Vậy muốn thoát khổ con người cần diệt dục, mà muốn diệt dục, cần phải chế ngự, tận diệt lòng tham, vì lòng tham của con người vô đáy! Tham tiền, tài, danh vọng…. chính lòng ham mê tiền bạc là mẹ sinh ra muôn vàn tính hư nết xấu khác”.

Từ khi con người định giá trị đồng tiền thì nó đã đóng vai trò chính yếu quyết định đời sống con người. Đồng tiền gắn liền khúc ruột, nó chia cách tình cảm anh em ruột thịt, vì thế mà bao gia đình phải chịu cảnh cốt nhục chia lìa. Biết bao người vì đồng tiền mà vào tù ra khám, vì đồng tiền mà cướp bóc giết người, vì đồng tiền mà gây nên cảnh chiến tranh chết chóc, máu đổ thịt rơi. Ngày nay, đồng tiền đóng một vai trò chính yếu, thậm chí còn quyết định đời sống sinh hoạt của con người. Đồng tiền có thể thay mắt, ghép tim, sửa xấu thành đẹp, có thể thay đổi cuộc đời nghèo khổ thành giàu sang tột bực. Mặt tích cực của đồng tiền là có thể nâng cao dân trí, cải thiện đời sống nhân dân, đưa đất nước tiến bước theo nền văn minh đương đại, làm thay đổi vận mạng đất nước, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội…

Đồng tiền ngày nay có một sức mạnh thật đáng sợ. Trước đây, con người tạo ra tiền bạc dùng để thay thế giá trị hàng hóa. Nhưng khi đồng tiền trở nên hữu ích vì tiện lợi thì tiền bạc lại tác động chi phối mãnh liệt đến đời sống con người. Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì đồng tiền càng có vị thế. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta “bán rẻ” nó, chẳng hạn như quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội… Chính vì thế mà con người đã ví von đề cao đồng tiền đến mức gần như sùng kính: “Tiền là Tiên, là Phật”, đồng tiền có quyền năng rất lớn. Giá trị của đồng tiền đối với đời sống con người được xem như gắn liền với nhau: “Đồng tiền liền khúc ruột”, “Tiền là xương máu”, “Đồng tiền là mạch sống”… Tiền bạc không những ảnh hưởng sâu đậm trên cộc sống con người thôi đâu, nó còn làm sai lạc cả nhân quần xã hội, thế thái nhân tình cũng vì thế mà đảo-điên cuồng loạn. Nguyễn Công Trứ để lại bài thơ nổi danh như sau:

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
(Thế thái nhân tình).

Xã hội hiện đại là xã hội mà mọi người cần phải có tiền để giải quyết các nhu cầu đời sống, vì thế việc tạo ra tiền và sử dụng tiền gần như là vấn đề thiết yếu. Nhà cửa, trang phục, thực phẩm, phương tiện đi lại, phương tiện giải trí, thông tin truyền thông, mọi tiện nghi của đời sống… đều được trao đổi bằng tiền. Nếu không có tiền dường như chúng ta không có gì cả. Đồng tiền đã tạo nên áp lực rất lớn đối với con người và nó trở thành tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó.

Trong một xã hội nếu như giá trị đồng tiền chi phối tất cả thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, bởi lúc này người ta mù quáng vì tiền. Bản thân đồng tiền không có tội, chỉ vì sức ảnh hưởng của nó quá lớn đến độ che khuất cả tầm nhìn của chúng ta. Nếu bị mù quáng vì sức mạnh của đồng tiền thì chúng ta không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí chúng ta có thể rơi vào sai lầm, tội lỗi. Tiền bạc không những làm hư con người, không những làm cho con người trở nên mù quáng, mà nó còn làm cho nhân loại đi lạc vào sa đoạ! Người đời thường bị tiền bạc lung lạc, thay trắng đổi đen, hoặc trở nên kiêu căng ngạo nghễ, khinh dễ đồng loại cũng chỉ vì cậy vào mãnh lực của đồng tiền.

Người ta thường nói đùa mà thật về tiền bạc như sau: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…”. Điều này phản ảnh phần nào thực trạng xã hội khi đồng tiền có sức mạnh chi phối mọi lãnh vực của đời sống. Đồng tiền có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, vì tiền có thể tạo ra nhà cửa xe cộ, thức ăn thức uống, các thú vui tiêu khiển. Tiền có thể đáp ứng các nhu cầu, tham muốn hưởng thụ… Với ý nghĩa tiêu cực, đồng tiền có thể giúp người ta có được sự nghiệp danh vọng, giúp thăng quan tiến chức. Đồng tiền có thể bưng bít, che giấu sự thật, đảo lộn thị phi, làm ô dù che chở cho người ta nhúng tay vào tội lỗi, đồng tiền ở đâu thì cán cân công lý nghiêng về bên đó. Chính vì đồng tiền có sức mạnh và quyền năng như thế mà người ta không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để đeo đuổi mục đích kiếm tiền. Tiền bạc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì chạy theo đồng tiền mà người ta quên đi những giá trị sống khác, thậm chí đánh mất bản thân, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.

“Bạc ác chi mi lắm rứa tiền,
Mi làm nhân loại hóa ra điên!
Mi tô mặt nạ đen ra trắng,
Mi xé ân tình thẳng hóa xiên!

Mi gác luân thường vào một xó,
Mi đưa nhân nghĩa xếp ai bên!
Mi làm nhân loại đua tranh mãi,
Bạc ác chi mi lắm rứa tiền!???

Quốc Nghệ

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, suy xét kỹ, có nhiều thứ không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. Và một xã hội muốn phát triển phải toàn diện chứ không phải chỉ phát triển về kinh tế. Trong đời sống, đồng tiền có thể mua được thực phẩm, thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe và sinh mạng. Đồng tiền có thể mua được các thú vui hưởng thụ, các trò tiêu khiển giải trí nhưng không mua được an vui đích thực. Tiền bạc có thể tạo ra nhà cửa chứ không xây dựng được tổ ấm gia đình. Đồng tiền có thể mang lại giàu sang chứ không mang lại hạnh phúc. Có tiền dễ dàng có được chồng sang vợ đẹp nhưng không hẳn có được tình yêu. Có tiền sẽ có được nhiều tiện nghi nhưng chưa hẳn có được sự thảnh thơi thoải mái. Đồng tiền có thể tạo nên danh vọng, sự nghiệp, quyền lực nhưng không lâu bền. Đồng tiền có thể giúp người ta trốn tránh tội lỗi, thoát khỏi lưới ngục tù nhưng không thể thoát khỏi sự giày vò đày ải của lương tâm.

Việc tạo ra tiền và sử dụng tiền đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tạo ra tiền bằng công sức của chính mình, bằng cách thức, phương tiện chân chính, đó là tích cực. Sử dụng đồng tiền vào mục đích tốt làm lợi ích bản thân, gia đình và xã hội, xây dựng gia đình và xã hội phát triển vững mạnh, phồn vinh, đó là tích cực. Ngược lại, bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn bất chính, phi pháp làm tổn hại nhân phẩm đạo đức bản thân, vi phạm lợi ích, hạnh phúc an vui của người khác để tạo ra tiền cho mình, đó là tiêu cực. Việc sử dụng đồng tiền vào mục đích sai trái, gây ra tội lỗi là việc làm tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội. Trong xã hội hiện nay, việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực là một thử thách rất lớn đối với mọi người. Đối với người đệ tử Phật cần phải nhận rõ hai mặt của đồng tiền. Chúng ta phải biết tiền chỉ là phương tiện tạm thời, không quá mong cầu, tìm kiếm nó để rồi lại khổ đau ràng buộc. Vì chính thân ta còn giả tạm vô thường thì đồng tiền làm sao con mãi, nó là thứ trao tay hết người này đến người khác, ta không quá hệ lụy vào nó, ta phải biết nó là thứ giả tạm nên đừng quá mong cầu, bị mất ta không than trách. Ta nên sử dụng đồng tiền cho đúng, đừng quá tham lam, bo bo ích kỷ lo cho bản thân mà nên biết tiền là của 5 nhà, nên rộng lượng bố thí phóng sanh đúng cách, làm công đức cho mình ở hiện tại và tương lai. Để đồng tiền không trở thành rắn độc, làm ảnh hưởng đến chúng ta, người Phật tử phải bình tâm quán niệm để rủ bỏ những ý niệm bám víu, lệ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc, tìm về với những giá trị sống khác mà từ lâu ta lãng quên mới có thể thoát khỏi sự nhấn chìm của vòng xoáy tiền bạc, vượt qua được những khổ não, bất an do tiền bạc gây ra. Chúng ta phải biết vận dụng giáo pháp của Như Lai để việc kiếm tìền và vận dụng đồng tiền phù hợp với lời dạy của Ngài.

“Giàu sang cho lắm, ruộng đầy đồng
Nhắm mắt đi rồi cũng sạch không
Đau đớn, vợ con nào thế đặng
Tắt hơi, của cải chuộc đâu xong.

Xác nằm mả đá, người người trọng
Hồn xuống âm ty, quỷ xứ còng
Xét gẫm cuộc đời như thế ấy
Tu hành sau có chỗ trông mong”.

Nguyện đem thân nhỏ mọn này hiến dâng cho đời.

“Nguyện đem thân xác mọn này
Tô bồi đạo pháp đắp xây đạo tràng
Cúng dường tam bảo nghiêm trang
Làm cho đời đạo ngày càng xinh tươi”.

Chúng ta biết Tiền là giả tạm, là gốc khổ, chúng ta hãy tự suy nghĩ để hiểu biết thêm giá trị đích thực của tiền, khiến mỗi chúng ta hiểu và sử dụng đồng tiền sao cho đúng nghĩa!

Thích Nữ Thanh Tâm
Theo Phật Pháp Ứng Dụng