SĀ 1034
TRƯỜNG THỌ
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản dịch tiếng Anh của Tỳ-khưu Ānalayo
Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc (Veluvana), khu Ca-lan-đà (Kalandakā) tại thành Vương Xá (Rājagaha). Bấy giờ có đồng tử Trường Thọ (Dīghāvu) là con trai của gia chủ Thọ Đề (Jotika) thân mắc bệnh nặng.
Bấy giờ Thế Tôn nghe tin đồng tử Trường Thọ thân mắc bệnh nặng, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Vương Xá khất thực. Rồi đi đến nhà đồng tử Trường Thọ. Đồng tử Trường Thọ từ xa thấy Thế Tôn, vịn giường muốn ngồi dậy.
Thấy thế, Thế Tôn nói: “Này đồng tử, không nên ngồi dậy, bệnh khổ sẽ gia tăng.” Thế Tôn ngồi xuống rồi hỏi: “Bệnh của con có chịu đựng được không? Bệnh giảm dần hay tăng thêm?”
Đồng tử Trường Thọ bạch Phật: ““Bệnh của con không thuyên giảm và thân con không được an ổn; các thứ khổ bức bách càng tăng thêm, không giảm bớt. Giống như người có nhiều sức mạnh bắt lấy người gầy yếu đuối, dùng dây trói chặt vào đầu rồi dùng hai tay siết chặt làm cho đau đớn vô cùng. Hiện tại sự đau đớn của con còn hơn thế nữa.
“Giống như tên đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò lấy nội tạng nó ra. Làm sao con bò ấy chịu đựng được sự đau đớn ở bụng? Hiện tại bụng của con còn đau đớn hơn thế nữa.
“Giống như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo lên trên lửa rồi đốt hai chân. Hiện tại hai chân của con còn nóng hơn thế nữa. Bệnh khổ của con chỉ gia tăng, không giảm bớt.”
Thế Tôn nói: “Này đồng tử Trường Thọ, con nên học tập như vầy: ‘Tôi có lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Tôi có lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Pháp. Tôi có lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Tăng. Tôi đã thành tựu Thánh giới.’ Nên học tập như vậy.”
Đồng tử bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn đã dạy về bốn bất hoại tịnh tín. Con luôn luôn có lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Con luôn luôn có lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Pháp. Con luôn luôn có lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Tăng. Con luôn luôn thành tựu Thánh giới.”
Phật bảo đồng tử: “Dựa vào bốn bất hoại tịnh tín, con nên tiếp tục tu tập sáu minh phần tưởng. Những gì là sáu? Quán tưởng vô thường trong tất cả các hành, quán tưởng khổ trong những gì là vô thường, quán tưởng vô ngã trong những gì là khổ, quán tưởng về thực [*], quán tưởng tất cả thế gian không gì đáng vui, và quán tưởng về sự chết.”
Đồng tử bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, bây giờ con có sáu minh phần tưởng, tu tập dựa vào bốn bất hoại tịnh tín như Ngài đã dạy. Nhưng con vẫn có ý nghĩ: ‘Sau khi mình chết, không biết cha của mình là gia chủ Thọ Đề sẽ thế nào?’”
Bấy giờ gia chủ Thọ Đề nói với đồng tử Trường Thọ: “Bây giờ con đừng nghĩ đến chuyện đó. Hãy tập trung chăm chú nghe Thế Tôn nói Pháp và ghi nhớ, như thế mới có thể được phước lợi, an vui, nhiêu ích lâu dài.”
Đồng tử Trường Thọ nói: “Con quán tưởng vô thường trong tất cả các hành, quán tưởng khổ trong những gì là vô thường, quán tưởng vô ngã trong những gì là khổ, quán tưởng về thực, quán tưởng tất cả thế gian không gì đáng vui, và quán tưởng về sự chết. Lúc nào con cũng giữ các điều đó trước mặt.”
Phật bảo đồng tử: “Hôm nay con đã tự ký thuyết quả Nhất lai.”
Đồng tử Trường Thọ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, xin thỉnh Ngài thọ thực tại nhà con.” Rồi Thế Tôn im lặng nhận lời.
Gia đình của đồng tử Trường Thọ liền cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành, cung kính cúng dường. Sau khi thọ thực xong, Thế Tôn thuyết pháp thêm cho đồng tử Trường Thọ, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Ghi chú:
[*] Bốn loại thức ăn, tứ thực (āhārā), theo Tỳ-khưu Giác Giới, Kho tàng Pháp học (2005):
1. Đoàn thực (kabaliṅkārāhāra) là vật thực thô tế mà chúng sanh ăn uống nhai nếm như cơm cháo v.v... để nuôi dưỡng thân sắc pháp. Khi liễu tri đoàn thực cũng sẽ liễu tri tham phát sinh từ Ngũ dục.
2. Xúc thực (phassāhāra) là xúc tâm sở, sự hội tụ của căn - cảnh - thức sẽ làm duyên cho thọ sinh khởi. Khi liễu tri xúc thực cũng sẽ liễu tri tam thọ.
3. Tư niệm thực (manosañcetanāhāra) là tư tâm sở, sự cố ý hành động tạo ra thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, sẽ làm nhân cho quả tái tục trong các hữu. Khi đạt tri được tư niệm thực cũng sẽ đạt tri ba ái.
4. Thức thực (viññāṇāhāra) là thức uẩn hay tâm thức, pháp làm duyên trợ danh sắc. Khi đạt tri được thức thực cũng sẽ đạt tri danh sắc.
Đoàn thực là sắc vật thực, còn xúc thực, tư niệm thực và thức thực là danh vật thực. Gọi là vật thực vì các pháp ấy nâng đỡ nuôi dưỡng danh pháp và sắc pháp, làm cho sự sống được phát triển. – (SN 12.63, SĀ 373)
XVII.3 THẢO LUẬN
Trong khi bài kinh của Tạp A-hàm chấm dứt khi Đức Phật rời khỏi nhà của Dīghāvu, bài kinh tương đương trong Tương ưng bộ thuật lại những gì đã xảy ra sau Đức Phật ra về. Bản kinh đó ghi như sau:
Không bao lâu sau khi Thế Tôn ra đi, cư sĩ Dīghāvu liền mệnh chung. Rồi một số tỳ-khưu đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên, rồi bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dīghāvu sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Vị cư sĩ ấy tái sinh về nơi nào?”
“Này các tỳ-khưu, cư sĩ Dīghāvu là người hiền trí. Cư sĩ Dīghāvu đã tu tập đúng theo Pháp, không hành sai Pháp khiến Ta phải phiền lòng. Sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, cư sĩ Dīghāvu được hóa sinh, sẽ đắc Niết-bàn tại đấy, không trở lại thế giới này nữa.”
Như thế, trong phiên bản Pāli, các lời dạy sâu sắc của Đức Phật đã giúp cư sĩ Dīghāvu đang lâm trọng bệnh có thể buông bỏ mọi lo âu về cha của mình và từ đó, cư sĩ đắc quả vị Bất lai. Bên cạnh kết luận khác nhau, sự khác biệt khác giữa hai phiên bản liên quan đến sáu pháp quán tưởng mà Đức Phật đã dạy cho Dīghāvu. Bản kinh trong Tương ưng bộ có ba pháp quán tưởng cuối khác với bản Tạp A-hàm là:
• quán tưởng về từ bỏ,
• quán tưởng về ly tham,
• quán tưởng về đoạn diệt.
Các pháp quán tưởng này, trong cùng một trình tự, tương tự như các pháp quán tưởng trong chương trình hành thiền được phác họa trong bài kinh Girimānanda (AN 10.60), đã được giới thiệu trong Chương 12 và sẽ được thảo luận thêm trong phần kết luận.
Ba pháp quán tưởng đầu tiên, chung cho hai phiên bản của bài kinh, tương ứng với ba đặc tướng của đời sống, giáo lý căn bản để phát triển tuệ giác trong tư tưởng Phật giáo Sơ kỳ. Ba pháp quán tưởng ấy là:
• quán tưởng về vô thường trong tất cả các hành,
• quán tưởng về khổ (dukkha) trong những gì là vô thường,
• quán tưởng về về vô ngã trong những gì là khổ.
Ba quán tưởng này phản ánh một mô hình cơ bản trong tu tập tuệ giải thoát. Nền tảng được đặt ra là có sự nhận thức rõ ràng và liên tục về sự kiện thực tế là tất cả các hành (saṅkhāra, pháp hữu vi, có điều kiện) có bản chất thay đổi, không ngoại lệ. Tiếp đến là cái nhìn sâu sắc rằng những gì là vô thường không thể mang lại sự hài lòng lâu dài, vì thế là khổ (dukkha). Cái gì không thỏa lòng và luôn luôn có tính chất thay đổi thì không thể xem như là “tự ngã”, bởi vì theo định nghĩa, “ngã” phải là cái gì thường tồn, không thay đổi (theo quan niệm về ngã trong tư tưởng Ấn Độ cổ đại). Sự thông hiểu này dẫn đến pháp quán tưởng về vô ngã, anattā. Chính xác là sự tự do không còn chấp thủ bắt nguồn tự nhận thức về khổ tạo thêm nhiên liệu để tiến sâu vào nhận thức về vô ngã.
Trong phương diện thực hành, trau dồi ba pháp quán tưởng này bắt đầu bằng cách ghi nhận tất cả các khía cạnh mà hành giả trải nghiệm như là một tiến trình, như là một cái gì đó luôn luôn thay đổi. Khi nhận thức về vô thường như thế được thiết lập tốt, hành giả tiếp tục nhận thức tiến trình trải nghiệm về sự đổi thay đó với thái độ không thỏa lòng và thất vọng. Vẫn duy trì nhận thức được cùng một tiến trình thay đổi, vô thường ấy, tiếp theo hành giả nuôi dưỡng một thái độ sẵn sàng buông bỏ các khuôn mẫu đồng hóa nhân thân với những gì đang trải nghiệm và buông bỏ ý tưởng sở hữu bất kỳ khía cạnh nào của trải nghiệm đó – buông bỏ các ý niệm về ngã (tôi) và ngã sở (của tôi).
Dựa trên mô hình cơ bản này để tu tập phát triển tuệ giác, thay vì tiếp tục với các pháp quán tưởng về từ bỏ, ly tham, và đoạn diệt như trong bản kinh Nikāya, phiên bản Tạp A-hàm liệt kê tiếp theo ba pháp quán tưởng sau đây:
• quán tưởng về các vật thực,
• quán tưởng về nhàm chán đối với toàn thế giới,
• quán tưởng về cái chết.
Đầu tiên trong ba pháp này, quán tưởng về các vật thực, rất có thể là về bốn loại thức ăn (tứ thực, āhārā):
• đoàn thực,
• xúc thực,
• tư niệm thực,
• thức thực.
Những lời giảng dạy về các loại dinh dưỡng ấy cho thấy cách thức bốn loại thức ăn này nuôi dưỡng sự liên tục của hiện hữu và là những điều kiện thiết yếu cho sự hiện hữu đó. Đoàn thực cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể; xúc thực nuôi dưỡng cảm giác. Cũng giống như sự kích thích của cơn đói thể chất khiến ta phải đi tìm thức ăn, thèm khát trong tâm ý về các kích thích dẫn đến kết quả tìm kiếm sự tiếp xúc. Tư niệm là một chất nuôi dưỡng căn bản theo quan điểm của giáo lý về nghiệp trong Phật giáo Sơ kỳ, đại diện cho ảnh hưởng tạo điều kiện của các hành động cố ý để xác định một cá thể là gì, như thế nào và sẽ trở thành qua các hoạch định và khát vọng. Cuối cùng, mong muốn được trải nghiệm như thế là phương cách mà thức uẩn, sự nhận biết, nuôi dưỡng sự liên tục của hiện hữu.
Quán tưởng về bốn loại thức ăn và phương cách chúng nuôi dưỡng và từ đó tạo điều kiện cho sự tiếp tục hiện hữu của một cá nhân có thể giúp dẫn đến một nhận thức mạnh mẽ đưa đến giác minh, trong ý nghĩa nó giúp hành giả thấy được mức độ mà sự hiện hữu tùy thuộc vào các loại thức ăn này.
Hai pháp quán tưởng khác trong phiên bản Tạp A-hàm là quán tưởng về sự nhàm chán đối với toàn thế giới và quán tưởng về chết. Quán tưởng về sự nhàm chán đối với toàn thế giới đã được đề cập trong bài kinh Girimānanda ở Chương 12 và sẽ được thảo luận thêm trong phần kết luận của cuốn sách. Trong bối cảnh hiện tại của chương này, đây là một phần nối tiếp tự nhiên từ quán tưởng các loại dinh dưỡng đưa đến sự giảm thiểu hoan lạc của hành giả đối với hiện hữu. Tiếp theo là quán tưởng về cái chết để giúp hành giả chấp nhận sự tử vong không tránh được, một đề tài tôi sẽ trình bày chi tiết ở Chương 24.
Như đã đề cập trong phần giới thiệu của chương này, một đóng góp cụ thể của bài kinh là ghi nhận về mối quan hệ gia đình tại thời điểm cận kề cái chết. Gia chủ Jotika cố gắng khuyên con trai của mình là Dīghāvu nên sử dụng cơ hội quý giá này để tăng tiến phát triển tuệ giác và tăng tiến tâm ý buông xả trong sự hiện diện của Đức Phật. Thật ra, Dīghāvu đã có các phẩm chất cao quý và quen thuộc với các pháp quán tưởng đã được đức Phật đề cập. Tuy nhiên, dường như vì lo lắng về cha mình đã ngăn cản anh ta chuyên tâm vào các pháp quán tưởng đó. Thái độ của gia chủ Jotika trong tình huống này là mẫu mực của cách thức chúng ta nên áp dụng khi người mà ta yêu quý đang cận kề với cái chết. Mục đích chính là khuyến khích người sắp chết nên buông bỏ những quan tâm và lo âu, không nên bị vướng bận vào bất cứ điều gì. Theo cách này, phù hợp với cơ bản của các lời Đức Phật dạy cho Dīghāvu, chính gia chủ Jotika cũng tự thực hành và đồng thời khuyến khích con trai của mình thực hành một điều quan trọng nhất khi đối mặt với cái chết: tâm không chấp thủ.
* * *
SN 55.3
DĪGHĀVU
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản dịch tiếng Anh của Tỳ-khưu Bodhi
Một thời, Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, cư sĩ Dīghāvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Rồi cư sĩ Dīghāvu thưa với cha là Jotika:
“Xin cha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh con, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: ‘Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dīghāvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.’ Rồi nói: ‘Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Ngài đi đến nhà cư sĩ Dīghāvu vì lòng từ mẫn.’”
“Ðược, này con,” gia chủ Jotika trả lời, rồi đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên, rồi bạch theo lời của Dīghāvu. Thế Tôn im lặng nhận lời.
Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của cư sĩ Dīghāvu. Sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, Thế Tôn nói với cư sĩ Dīghāvu: “Này Dīghāvu, con có kham nhẫn được chăng? Con có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không tăng trưởng?”
“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Ðau đớn kịch liệt nơi con không có giảm thiểu, chúng tăng trưởng. Chúng có dấu hiệu tăng trưởng, không có dấu hiệu giảm thiểu.”
“Do vậy, này Dīghāvu, hãy học tập như sau: ‘Tôi sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: Ðây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
‘Tôi sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đối với Pháp: Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
‘Tôi sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đối với Tăng: Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, chân chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, tức là bốn đôi tám chúng, chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
‘Tôi sẽ thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định’. Hãy học tập như thế.”
“Bạch Thế Tôn, đối với bốn Dự lưu phần do Thế Tôn thuyết giảng, tất cả các pháp ấy đều có ở trong con. Con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật ... đối với Pháp ... đối với Tăng ... Con thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính ... đưa đến thiền định.”
“Do vậy, này Dīghāvu, sau khi đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (cha vijjābhāgiye dhamme). Ở đây, này Dīghāvu, hãy trú, quán tưởng vô thường trong tất cả các hành, quán tưởng khổ trong những gì là vô thường, quán tưởng vô ngã trong những gì là khổ, quán tưởng về từ bỏ, quán tưởng về ly tham, quán tưởng về đoạn diệt. Hãy học tập như thế.”
“Bạch Thế Tôn, đối với sáu minh phần pháp được Thế Tôn thuyết giảng này, chúng đều có ở trong con và con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con trú, quán tưởng vô thường trong tất cả các hành, quán tưởng khổ trong những gì là vô thường, quán tưởng vô ngã trong những gì là khổ, quán tưởng về từ bỏ, quán tưởng về ly tham, quán tưởng về đoạn diệt. Tuy nhiên bạch Thế Tôn, con có ý nghĩ sau đây: ‘Sau khi mình chết đi, mong rằng gia chủ Jotika này không phải rơi vào cảnh khốn khổ.’”
“Này Dīghāvu, chớ có quan tâm như vậy. Hãy chăm chú lắng nghe những gì Thế Tôn đang nói cho con.”
Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới cho cư sĩ Dīghāvu, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Không bao lâu sau khi Thế Tôn ra đi, cư sĩ Dīghāvu liền mệnh chung.
Rồi một số tỳ-khưu đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên, rồi bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dīghāvu sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Vị cư sĩ ấy tái sinh về nơi nào?”
“Này các tỳ-khưu, cư sĩ Dīghāvu là người hiền trí. Cư sĩ Dīghāvu đã tu tập đúng theo Pháp, không hành sai Pháp khiến Ta phải phiền lòng. Sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, cư sĩ Dīghāvu được hóa sinh, sẽ đắc Niết-bàn tại đấy, không trở lại thế giới này nữa.”
***
Như vậy, một người cư sĩ Phật giáo nếu bệnh nặng thì nên bám chặt vào 4 niềm tin và 6 pháp quán dưới đây thì sẽ làm chủ được chấm dứt sinh tử luân hồi, đó là:
@ 4 niềm tin:
1. Phật là bậc giác ngộ, làm chủ sinh lão bệnh tử.
2. Pháp là chân lý được Phật tuyên thuyết, đưa đến giác ngộ giải thoát.
3. Tăng là những người thực hành theo Pháp và đạt kết quả giải thoát.
4. Giới là những hành động đạo đức cụ thể hóa từ Pháp Phật giúp đưa đến sự giải thoát.
@ 6 pháp quán:
1. Quán tưởng vô thường trong tất cả các hành,
2. Quán tưởng khổ trong những gì là vô thường,
3. Quán tưởng vô ngã trong những gì là khổ,
4. Quán tưởng về thực,
5. Quán tưởng tất cả thế gian không gì đáng vui,
6. Quán tưởng về sự chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét