THI HỌC SINH GIỎI CHO AI?
Câu hỏi này có vẻ thừa, vì không cho học trò thì còn cho ai! Nhưng sự thể nhiều khi không đơn giản như thế, “nói vậy mà không phải vậy”.
Chúng ta phải trả lời mấy câu hỏi sau: (1) Ai là người tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi và nhằm mục đích gì? (2) Ai là người được lợi nhiều nhất từ những giải học sinh giỏi ấy? (3) Ai là người khao khát mãnh liệt nhất những cái giải học sinh giỏi kia?
Tổ chức, tất nhiên rồi, là các cơ sở giáo dục cho đến các cấp quản lý giáo dục. Để làm gì? Thoạt tiên, là để làm cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo thời gian, mục đích ấy dần bị thay thế và thay thế hoàn toàn bằng một cuộc chạy đua thành tích khốc liệt. Thi không còn là để đo đếm kết quả của quá trình giáo dục nữa mà bị biến thành nơi để tạo ra kết quả. Thi cử không thể để tạo ra kết quả, nếu có, nó sẽ là những trái cây chín ép, là những thành tích ảo do thực hiện tổng lực các biện pháp ôn luyện, nhồi nhét, thậm chí chạy điểm, chạy đề…
Đánh giá chất lượng giáo dục phải được thực hiện thường xuyên với một cách thức phong phú trong suốt quá trình học. Từ đánh giá trong nội bộ hệ thống giáo dục và đánh giá ngoài – là những phẩm chất và năng lực mà người học sở đắc được, rồi mang vào đời sống, như chính con người họ, chứ không phải chỉ là những con số nằm trên tờ giấy thi, và chấm hết.
Thi cử trong giáo dục không thể quan niệm như một trận bóng đá hay một trận boxing để tìm kiếm nhà vô địch. Không ai trong những nền giáo dục tiến bộ còn quan niệm rằng, kết quả của một lần thi sẽ dán lên học trò một cái nhãn là giỏi/dốt suốt đời. Dùng một kỳ thi để kết luận năng lực của một người học là cách tốt nhất để gây ra niềm tự hào giả tạo hoặc lòng tự ti vô cớ. Và nó sẽ lấy mất cơ hội hoàn thiện của mỗi người bằng việc ban ra một cái giấy chứng nhận. Các cấp quản lý giáo dục, vì thế, cần thay đổi tư duy đánh giá, chuyển từ cách đánh giá cũ kỹ, lạc hậu sang đánh giá một cách khoa học và mang tính giáo dục thật sự.
Một phương cách đánh giá chất lượng bằng các kỳ thi như lâu nay, tất dẫn đến những chạy đua thành tích. Vì thành tích lúc này đồng với danh dự, đồng với năng lực, đồng với phẩm chất, và đồng với sự sống còn của các cá nhân có liên quan hữu cơ: giám đốc sở, trưởng phòng, hiệu trưởng, giáo viên, học sinh… Cấp càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Và cái trách nhiệm ấy được bổ đều xuống các cấp thấp hơn. Cứ thế, chúng dồn hết lên đầu những “người lính” trực tiếp ra trận: là học sinh.
*
Như thế, áp lực lớn nhất và cuối cùng là học sinh, vì các em phải gánh toàn bộ cái gánh nặng khủng khiếp trên vai – gánh giám đốc sở, gánh trưởng phòng, gánh thầy cô giáo, thậm chí gánh cả gia đình, họ tộc, làng xóm.
Đó là một sức nén tâm lý ghê gớm có thể phá hủy thế giới tinh thần lành mạnh của người học. Khi một học sinh của chúng tôi trượt trong kỳ thi Olimpic 30/4 ở phía Nam, em ấy đã bỏ ăn nhiều ngày và tự nhốt mình trong phòng, không tiếp xức với bất kỳ ai… Đó là một hiện tượng quái dị trong nền giáo dục: biến một trải nghiệm tri thức trong quá trình trưởng thành thành một cuộc đấu thành bại, sinh tử. Và thực tế, không ít lần chúng ta đã phải đau đớn chứng kiến những cái chết thương tâm của tuổi hoa ngay trên sân trường của các em bằng một cú nhảy lầu oan nghiệt sau một kỳ thi “thất bại”.
*
Áp lực lớn nhất thì học sinh gánh chịu, nhưng lợi thì ai hưởng? Tất nhiên không phải là các em! Học sinh đoạt giải, ngoài một chiếc giấy khen và chút tiền thưởng tượng trưng thì phần còn lại chủ yếu là một cái danh. Chỉ có thế. Những ưu đãi dành cho học sinh giỏi quốc gia cũng thu hẹp dần: không được tuyển thẳng vào các trường lớn như trước nữa.
Khi một trường có nhiều giải học sinh giỏi, đặc biệt là học sinh giỏi quốc gia thì hiệu trưởng của trường ấy sẽ ưỡn ngực bước đi. Đó là danh hiệu một nhà quản lý giáo dục đại tài, một chiến lược gia tầm cỡ, một người mẫn cán và làm nên kỳ tích. Người ấy sẽ được trọng dụng, ưu ái, được cất nhắc…; bằng không thì sự nghiệp lẹt đẹt.
Chính vì thế, việc hiệu trưởng dành tổng lực cho các giải học sinh giỏi là điều bình thường và gần như tất yếu, từ nhân lực, tài chính, thời gian đến quan hệ. Nó gây ra một không khí căng thẳng trong môi trường sư phạm bởi những sức ép, bởi sự dọa nạt, bởi hăm dọa thi đua. Nó biến trường học và các trường học thành một cuộc chiến trường kỳ mà tất cả đều là “chiến sĩ” buộc phải “tham chiến” để mang thành tích về cho trường (mà thực chất là cho hiệu trưởng).
Hiệu trưởng không phải là người trực tiếp dạy học, tất cả quá trình “nấu sử sôi kinh” đầy áp lực và khổ nhọc kia là của thầy cô và học trò đội tuyển. Nhưng cái mà họ nhận được chỉ là một cảm giác an toàn và nhiều ảo ảnh nếu (không thất bại); bao nhiêu thành tích đều nhờ sự lãnh đạo tài tình của hiệu trưởng! Đó là một sự bất công, cái bất công không mang lại ý nghĩa gì cho sự tiến bộ của giáo dục nước nhà, mà chỉ mang tới danh lợi cho một thiểu số làm công tác quản lý.
*
Chỉ khi nào không dùng kết quả các kỳ thi học sinh giỏi để làm thước đo giáo dục nữa thì những vấn nạn trên mới bị phá bỏ. Cởi trói cho giáo dục, trước tiên là phải cởi trói khỏi các kỳ thi nặng bệnh thành tích có tính dán nhãn này.
Người ta giỏi là vì học, chứ không phải vì thi. Mà cái học ấy phải là học bởi động cơ yêu thích, đam mê; học bởi sự kích thích của tư duy phản biện và ý thức tìm kiếm sự thật, chứ không phải bởi những cái giải đầy áp lực bị động. Một sự vẫy gọi từ những cái giải như thế chỉ khiến con người tăng trưởng lòng tham, sự háo danh và nỗi sợ hãi. Nó gián tiếp hủy hoại lòng hiếu tri và sự trong sáng của tình yêu tri thức.
Những kỳ thi như đã và đang được tiến hành, đáng lo thay, ngày càng đưa con người xa rời mục đích chân chính của giáo dục: là hoàn thiện nhân cách.
Và, nó không thể được tiếp tục!
THÁI HẠO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét