PHÉP LẠ TRONG ĐẠO PHẬT
● Lẽ ra chuyện đó đã xảy ra, phải xảy ra nhưng nó không xảy ra.
Đó là phép lạ thứ nhứt.
● Khi người ta mắng mình, người ta bạc đãi mình, người ta xúc phạm mình, người ta làm tổn thương mình lẽ ra mình nổi giận, mà mình không nổi giận.
Đó là phép lạ của đạo Phật.
Có hiểu không?
● Mình đang nghèo, mình không đủ ăn nhưng mình vẫn đủ hào sảng chia sẻ cái mình có cho người khác.
Đó là phép lạ của đạo Phật.
● Giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt, nhộn nhịp như thế này ấy vậy mà vẫn có người Phật tử ngồi thiền.
Đó là phép lạ của đạo Phật.
● Giữa khi kinh tế toàn cầu đang gặp biến động với những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội ấy vậy có những người vẫn đêm đêm bình tâm lần chuỗi, vẫn đêm đêm bình tâm hít thở ra vào, giữa lúc mùa covid giăng bủa tứ bề, nhà nhà người người sống trong âu lo tuyệt vọng, ấy vậy mà có những kẻ đêm đêm vẫn nhìn lên Phật mà an lạc với riêng mình.
Đó là phép lạ của đạo Phật.
● Lẽ ra phải run, phải lo, phải sợ, phải buồn, nhưng mà không.
Có những kẻ ngay ở thành phố này, ngay đất nước này đã thực hiện được một phép lạ của đạo Phật đó là không buồn, không lo, an lạc.
Đó là một phép lạ của đạo Phật.
● Phép lạ thứ hai, lẽ chuyện đó không xảy ra nhưng nó lại xảy ra.
● Lẽ ra chúng ta không đủ hào sảng nhưng mình lại đủ hào sảng.
● Lẽ ra mình phải nổi giận nhưng mà lại không nổi giận.
Đó chính là phép lạ của đạo Phật.
Tôi mong rằng mai này những người không biết Phật Pháp, kể cả những người bạn khác tôn giáo khi hỏi đến Phật tử Hà Nội và những ai nghe lại bài giảng của chúng tôi ngày hôm nay khi hỏi về Phật Pháp rằng:
- Hôm nay, thời đại hôm nay có phải là thời mạt pháp hay không, khi chúng tôi không nhìn thấy một Tăng, Ni, Phật tử nào thực hiện thần thông, phép lạ?
Các vị hoàn toàn có thể thanh thản trả lời rằng:
- Thưa bạn, chúng tôi có phép lạ.
● Lẽ ra trước câu hỏi dễ ghét tôi đã nổi điên mà tôi đã không nổi điên.
Đó là phép lạ.
● Lẽ ra người như bạn tôi không thương nổi nhưng tôi vẫn thương được.
Đó là phép lạ.
● Lẽ ra ngồi khơi khơi như thế này với một cái ghế không có chỗ dựa như thế này, trong một điều kiện nhiệt độ như thế này rất là khó chịu nhưng vẫn nhăn răng cười được đó là phép lạ.
Các vị tưởng tượng đi, nếu chiều nay tại đây và bây giờ. Tôi biểu diễn phép lạ, tôi giẫm lên than hồng, tôi nuốt than, tôi nuốt dao lam, tôi đi trên nước, tôi độn thổ các vị nhìn sướng thiệt, nhưng mà nói thiệt nghe, trong bụng nghĩ sao?
Nói thiệt, đừng nói dối.
Những phép lạ đó của tôi có giúp được gì cho các vị hay chỉ nhìn cho sướng mắt? Nhưng mà nếu từng người ở đây đối xử với nhau bằng sự cảm thông, bằng sự yêu thương, bằng sự chia sẻ thì xin hỏi phép lạ ấy ảnh hưởng tích cực đến xã hội Hà Nội hay không?
Như vậy, phép lạ đạo Phật có cần hay không?
Cần chứ.
Đạo Phật ra đời đem lại cái cần chứ không đem lại cái lạ.
Ngay tại đây và bây giờ, bà con hoàn toàn có thể thực hiện phép lạ. Chữ phép lạ hôm nay tôi nói là cái gì?
● Chuyện lẽ ra phải xảy ra nhưng nó không xảy ra là phép lạ.
● Chuyện không xảy ra nhưng đã xảy ra đó là phép lạ.
● Thương được cái thiên hạ thương không nổi đó là phép lạ.
● Bỏ được cái thiên hạ không bỏ được đó là phép lạ.
● Có khả năng đui mù câm điếc khi mình vẫn ngon lành đó là phép lạ.
Chuyện rất đặc biệt.
● Trích Pháp thoại chùa Phụng Thánh, Hà Nội – 13/10/2023
🌾 Sư Giác Nguyên giảng.
(Toại Khanh)
Tri ân cô Diệu Hỷ ghi chép.
🙏Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét