Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN


THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN


Thập Nhị Nhân Duyên là 12 yếu tố cấu thành nên vũ trụ nói chung và chúng sinh nói riêng, trong đó bao gồm cả loài người. Vũ trụ đang vận hành theo 12nd liên tục không ngưng nghỉ, loài người cũng đang bị 12nd tác động, chi phối liên tục không gián đoạn.

Dưới đây là bài tham khảo của Tỳ kheo Thích Tâm Hải, tuy nhiên bài viết này còn một số chỗ chưa thật sâu sát, cho nên Vijja Ratana bổ sung thêm nội dung trong dấu ngoặc vuông […] in nghiêng.
Vijja Ratana

________________________________________

Mười hai nhân duyên
(Thập nhị nhân duyên)
-Thích Tâm Hải-
________________________________________

A. Dẫn nhập

Mười hai nhân duyên (Thập nhị nhân duyên) là cách trình bày đặc biệt của giáo lý Duyên khởi (Paticcasamuppada)[1]). Giáo lý này do chính Đức Phật thể chứng dưới cội bồ đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn.
Mười hai nhân duyên, hay Duyên khởi, là một giáo lý rất đặc thù, là điểm xác định sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Nó là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập nhất quán trong tất cả các kinh điển. Nhận thức rõ về giáo lý mười hai nhân duyên sẽ giúp người học Phật hiểu cặn kẽ hơn về các vấn đề khác như nghiệp, nhân quả, luân hồi tái sinh,... đồng thời gợi mở một hướng sống tích cực cho mỗi cá nhân trong hiện tại.

B. Nội dung

I/ Ðịnh nghĩa:

1- Thế nào là nhân duyên?

Nhân là yếu tố quyết định, điều kiện chính làm sinh khởi, có mặt của một hiện hữu. Duyên là điều kiện hỗ trợ, tác động làm cho nhân sinh khởi. Ví dụ: hạt lúa là nhân của cây lúa; các yếu tố như đất, độ ẩm, ánh sáng mặt trời, người gieo... là duyên để hạt lúa (nhân) nảy mầm phát triển thành cây lúa. Mối quan hệ nhân - duyên thực ra phức tạp và vi tế hơn nhiều, đặc biệt là trong thế giới tâm thức; và "nhân duyên" nói cho đủ là "nhân - duyên - quả".
"Nhân duyên" trong "mười hai nhân duyên" hàm ý nghĩa "nhân duyên khởi": sự nương tựa vào nhau mà sinh khởi, sự tùy thuộc phát sinh, nói chính xác là "do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt".

2- Mười hai nhân duyên là gì?

Trong kinh Tương Ưng Bộ II (Samyutta Nikàya), Ðức Phật đã thuyết minh về mười hai nhân duyên (Duyên khởi) như sau:
"Do Vô minh, có Hành sinh; do Hành, có Thức sinh; do Thức, có Danh Sắc sinh; do Danh Sắc, có Lục nhập sinh; do Lục nhập, có Xúc sinh; do Xúc, có Ái sinh; do Ái, có Thủ sinh; do Thủ, có Hữu sinh; do Hữu, có Sinh sinh; do Sinh sinh, có Lão Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi".
"Do đoạn diệt[2] Tham ái, Vô minh một cách hoàn toàn, Hành diệt; do Hành diệt nên Thức diệt; do Thức diệt nên Danh Sắc diệt; ...; do Sinh diệt nên Lão Tử, Sầu Bi, Khổ, Ưu, Não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt". (tr 1-2)
Mười hai nhân duyên được Ðức Phật định nghĩa gồm hai chiều hướng: chiều hướng sinh khởi (còn gọi là lưu chuyển: do Vô minh, Hành sinh...) và chiều hướng đoạn diệt (còn gọi là hoàn diệt: do đoạn diệt Tham ái, Vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt...). Khi mười hai nhân duyên được thành lập (tập khởi), nghĩa là năm uẩn[3] tập khởi, và đây là chiều hướng của khổ đau, luân hồi. Khi mười hai mắt xích này bị phá vỡ (đoạn diệt) thì cấu trúc năm uẩn cũng tan rã, và đây là con đường của an lạc, giải thoát. Năm uẩn chính là cấu trúc của con người và cuộc đời. Sự hiện hữu của con người tự nó nói lên mười hai nhân duyên đang vận hành theo chiều tập khởi.
Theo cách trình bày trên, vô minh được xem như là căn nguyên, nguồn cội, cốt lõi của mười hai nhân duyên. Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm vô minh là nguyên nhân đầu tiên của chuỗi liên kết đó. Bởi Ðức Phật dạy, Vô minh cũng do nhân duyên sinh, là duyên khởi. Khi có nhân duyên (tích cực) thì vô minh cũng sẽ chuyển hóa thành trí, tuệ; đây là ý nghĩa "Vô minh diệt, Minh sinh".
Cũng cần lưu ý đôi chút về số mục (12 chi phần) của dạng thức Duyên khởi này. Ðịnh nghĩa được nêu trên, trích từ kinh Trung Bộ II, là một cách trình bày tiêu biểu nhất, gồm đầy đủ cả 12 chi phần. Trong một số bản kinh khác, như kinh Ðại Duyên (Trường Bộ kinh II), kinh Ðại Bỗn Duyên (Trường A Hàm I)... Ðức Phật trình bày chỉ gồm 5, 8, 10, 11 và đầy đủ nhất là 12 chi phần. Vấn đề này được các nhà nghiên cứu Phật học có thẩm quyền phân tích rất tỉ mỉ, và tất cả đều thống nhất, số mục 12 chi phần được xác định qua nội dung thiền quán của Ðức Phật dưới cội bồ đề. Ðây là dạng thức chính xác, đầy đủ và phù hợp nhất với tư duy của con người. Sự sai khác về số mục các chi phần chỉ là thể hiện phương pháp giáo hóa linh động của Ðức Phật, Ngài tùy thuộc vào trình độ của người nghe mà nói vắn tắt hoặc đầy đủ. Ðiều này sẽ được làm sáng tỏ ở phần nói về sự vận hành của mười hai nhân duyên.
Ðối tượng nghe giáo lý mười hai nhân duyên là con người, vì nặng về tâm luyến ái và chấp thủ, nên Ðức Phật luôn nhấn mạnh đến các chi phần này, đặc biệt là trong chiều hướng, con đường đoạn diệt - giải thoát. Khi Ái (hay bất luận một chi phần nào) sinh khởi, lập tức cấu trúc 12 nhân duyên hình thành; và ngược lại, khi chi phần Ái hay Thủ (hoặc một chi phần bất kỳ) đoạn diệt, lập tức chuỗi mắc xích 12 nhân duyên tan rã. Ðây cũng là ý nghĩa, mà trong luận Ðại Tỳ Bà Sa ghi rằng, nói Duyên khởi có một chi phần cũng được, hai, ba, ... cho đến 12 chi phần cũng được.

II/ Ý nghĩa của mười hai chi phần nhân duyên:

1- Vô minh (Avijjà): sự mê mờ, cuồng si của tâm thức; hay nói cách khác là sự không hiểu biết như thật về hiện hữu là duyên sinh, vô thường và không có một tự thể độc lập, bất biến.
[Cụ thể, Vô minh là không giác ngộ Tứ Diệu Đế, không thông suốt lý Vô thường, Vô ngã, Khổ, Không, Nhân quả, Nghiệp, tái sinh luân hồi…].

2- Hành (Sankhàra): động lực, ý chí hành động tạo tác (ý hành) của thân, miệng và ý.
[Có 3 hành: Thân hành, Khẩu hành, Ý hành; và 3 dạng hành: hành thiện, hành ác, hành kết hợp thiện và ác].

3- Thức (Vinnana): tri giác của con người về thế giới thông qua các cơ quan chức năng như mắt (nhãn thức), tai (nhĩ thức), mũi (tỉ thức), lưỡi (thiệt thức), thân (thân thức) và ý (ý thức).
[Hay còn gọi là Nghiệp, là một dạng từ trường tồn tại trong không gian].

4- Danh sắc (Nàma - rùpa): sắc là phần vật lý và sinh lý, danh là phần tâm lý. Với con người, sắc là cơ thể vật chất, các giác quan và chức năng của chúng; danh là các tâm phụ thuộc (tâm sở), như xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư.
[Danh chính là phần Nghiệp được chuyển qua. Sắc chính là phần vật chất, bắt đầu từ tinh trùng và trứng].

5- Lục nhập (Chabbithàna): có nơi gọi là sáu xứ, là sự tương tác giữa 6 căn (= 6 nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là 6 trần (= 6 ngoại xứ: hình thể, âm thanh, hương vị, mùi vị, xúc chạm và ý tưởng - pháp).

6- Xúc (Phassa): sự gặp gỡ, tiếp xúc, giao thoa giữa các căn (chủ thể) và trần (đối tượng). Nói rõ hơn, xúc chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua 6 cơ quan tri giác. Lưu ý là, khi có thức phát sinh do mắt tiếp xúc với hình thể (sắc trần), thì sự nhận biết đó mới gọi là nhãn thức... Vậy, xúc là sự gặp gỡ, giao thoa giữa căn, trần và thức.

7- Thọ (Vedanà): sự cảm thọ. Nói khác đi là các phản ứng tâm lý phát sinh khi mắt tiếp xúc với hình thể, tai tiếp xúc với âm thanh... ý tiếp xúc với ý tưởng (pháp).
Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (phi khổ phi lạc). Ðây là chất liệu mà con người thường lấy để xây dựng những giá trị gọi tên là hạnh phúc và khổ đau, bất hạnh. Thực ra, chúng là do duyên sinh, luôn thay đỗi, không hề có một tự tính cố định.
[Lạc thọ tương đương với Tham. Khổ thọ tương đương với Sân. Bất lạc bất khổ thọ tương đương với Si].

8- Ái (Tanhà): gọi đủ là ái dục hay khát ái: sự vướng mắc, yêu thích, tham luyến; gồm có Dục ái, Sắc ái và Vô sắc ái.
[Dục ái là các ham muốn thuộc về tinh thần, hay còn gọi là lục dục. Sắc ái là các ham muốn thuộc về vật chất. Vô sắc ái là các ham muốn thuộc về tưởng].

9- Thủ (Upadàna): gọi đủ là chấp thủ: sự kẹt vào, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào một đối tượng.
[Thủ có 4 loại: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã luận thủ].

10- Hữu (Bhava): tiến trình tương duyên để hình thành, gồm dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
[Hữu có 3 loại: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu].

11- Sinh (Jati): sự ra đời, tạo nên, xuất hiện. Sinh ở đây không phải là sự sinh ra em bé, mà là sự thành tựu các bộ phận cấu thành (năm uẩn), thành tựu các xứ (các cơ quan tri giác và chức năng của chúng).
[Sinh còn gọi là sinh y, tức đời sống].

12- Lão tử (Jaramrana): sự suy nhược, tàn lụi, tuổi thọ lớn, tan rã, tiêu mất, tử vong. Với sinh mạng con người, lão tử được biểu hiện dưới các hiện tượng: răng lung, tóc bạc, da nhăn, các cơ quan tri giác suy yếu và chết.

III/ Sự vận hành của mười hai nhân duyên:

Thông qua ý nghĩa của các chi phần mười hai nhân duyên, đặc biệt là chi phần Lục nhập, một lần nữa khẳng định rằng, dạng thức duyên khởi này là giáo lý nói về con người, bởi vì chỉ ở con người mới có đầy đủ 6 cơ quan tri giác. Do vậy, khi nói về sự vận hành của mười hai nhân duyên cũng chính là nói về sự vận hành con người.
Vì không nhận biết hiện hữu (con người và thế giới) là do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: đây là cái tôi và đây là cái của tôi (Vô minh). Chính ảo tưởng và sự bất giác này quấy động tâm thức, làm sinh khởi lòng tham ái, chấp thủ... Và đó là động cơ cho các hành động của thân, lời và ý (Hành). Mỗi khi ý niệm về một tự ngã sinh khởi thì Thức có mặt. Sự hiện hữu của Thức tất yếu đòi hỏi sự có mặt của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức (Danh sắc, Lục nhập). Khi căn, trần và thức gặp gỡ nhau (Lục nhập), thì Xúc sinh khởi. Cảm thọ (Thọ) có mặt ngay khi căn, trần và thức giao thoa nhau; cảm thọ sẽ tuôn chảy như một dòng thác mà không một năng lượng nào có thể ngăn cản được, vì bản chất của cảm thọ là thế. Thọ bao gồm những phản ứng tâm lý trước đối tượng như là buồn, vui, yêu, ghét, trung tính... Cảm thọ dễ chịu sẽ làm phát sinh luyến ái (Ái). Trong Ái đã bao hàm chấp thủ và nó được biểu hiện dưới nhiều hình thức tương ứng với các cảnh giới của tâm thức (Hữu). Hữu tạo ra Sinh, và mỗi khi đã có Sinh, thì tiến trình suy yếu, tan rã, mất đi sẽ vận hành như một hệ quả đương nhiên: nghĩa là lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não; hay khổ đau có mặt. Ðó là sự vận hành của mười hai nhân duyên theo chiều sinh khởi (lưu chuyển) - chiều vận hành này có động lực là vô minh, tham ái và chấp thủ. Nói khác đi, đây là con đường của khổ đau, luân hồi được dẫn dắt và chi phối bởi vô minh.
Trong phần thuyết minh về mười hai nhân duyên, Ðức Phật không chỉ nêu lên con đường tập khởi, như đã phân tích ở trên, mà Ngài đã chỉ ra nguyên nhân tập khởi và con đường đoạn tận (hoàn diệt). Mỗi khi đoạn diệt bất kỳ một chi phần nào trong chuỗi 12 mắt xích (nhân duyên), thì lập tức nó tự tan rã. Tuy nhiên, với con người, tham ái và chấp thủ là nặng nề nhất; nên đoạn tận tham ái hoặc chấp thủ thì vòng xích mười hai nhân duyên không còn lý do để hiện hữu. Ðó là ý nghĩa của lời Phật dạy: "Ái diệt tức Niết bàn".
Sự vận hành của mười hai nhân duyên không chỉ đơn giản là tiến trình hình thành một sinh mạng (từ ý niệm tối sơ về hiện hữu đến hơi thở cuối cùng), mà sự vận hành của nó (chiều thành lập - lưu chuyển) nói lên căn nguyên có mặt của con người (và cuộc đời); nó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Bao giờ tham ái, chấp thủ hoặc vô minh chưa được đoạn tận thì con người vẫn bị chi phối bởi sự vận hành của mười hai nhân duyên - nghĩa là vẫn luẩn quẩn trong luân hồi, khổ đau bất tận - khi 12 nhân duyên đoạn diệt, đồng nghĩa với toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt.

IV/ Một số cách giải thích về mười hai nhân duyên:

Mười hai nhân duyên, hay Duyên khởi, là nguyên lý của mọi hiện hữu. Nó là sự thật nên không bị giới hạn trong không gian và thời gian. Ðức Phật khẳng định rằng: "Duyên sinh là thực tính của mọi hiện hữu, sự thật này không thay đổi dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện". Một hiện hữu dù nhỏ như hạt nhân của nguyên tử đến to lớn như vũ trụ cũng không nằm ngoài nguyên lý này. Với đặc tính đó, giáo lý mười hai nhân duyên có thể dùng để soi sáng nhiều vấn đề khác trong cuộc đời như luân hồi, nhân quả... tùy thuộc theo góc quan sát của người giải thích. Ở đây chỉ giới thiệu 4 cách giải thích phổ biến.

1- Dạng thức tổng quát:

"Do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt". (Tiểu Bộ kinh, tr.291). Dạng thức này là cách trình bày khái quát, tóm tắt và đơn giản nhất do chính Ðức Phật nói. Nó được xem như là một nguyên lý cho mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Nói chính xác hơn, nếu mười hai nhân duyên là dạng thức duyên khởi riêng về con người, thì dạng thức tổng quát nói về bản chất của thế giới hiện tượng, đặc biệt là thế giới không có tình thức (khí thế giới).

2- Ba đời hai tầng nhân quả (Tam thế lưỡng trùng nhân quả):

Ba đời là quá khứ, hiện tại và tương lai (vị lai). Theo cách giải thích này, Vô minh và Hành thuộc về quá khứ; hiện tại gồm có 8 chi phần (từ Thức đến Hữu); Sinh và Lão Tử thuộc về vị lai. Mặt khác, Thức, Danh Sắc, Lục nhập được xem là quả hiện tại của nhân quá khứ là Vô minh và Hành, đây là tầng nhân quả thứ nhất. Các chi phần Thọ, Ái, Thủ và Hữu là nhân hiện tại cho quả vị lai là Sinh và Lão Tử; đây là lớp nhân quả thứ hai. Sự phối hợp giữa 2 lớp nhân quả này với các duyên tạo nên một mối quan hệ có vẻ chặt chẽ, tương tục của dòng chảy thời gian: quá khứ - hiện tại - vị lai. Qua cách giải thích này, ý đồ dùng giáo lý mười hai nhân duyên để giải thích luân hồi đã thể hiện rõ. Tuy nhiên, cách phân chia như trên sẽ dễ đưa đến một ngộ nhận, như là Vô minh và Hành chỉ có ở quá khứ, 8 chi phần tiếp theo chỉ có ở hiện tại, Sinh và Lão Tử thì thuộc về tương lai (!). Thực ra, trong hiện tại (và ngay trong mỗi chi phần) đã có mặt Vô minh. Khi một chi phần hiện hữu thì lập tức có sự hiện hữu của mười một chi phần còn lại. Nếu một chi phần bất kỳ vắng mặt thì mối liên kết 12 chi phần nhân duyên tự sụp đổ. Như đã phân tích, mười hai nhân duyên là một dòng tương tục, chằng chịt, không hề lệ thuộc vào thời gian (quá khứ, hiện tại hay tương lai). Cách giải thích này vô tình làm thô thiển và đơn giản hóa giáo lý mười hai nhân duyên - một giáo lý vốn được xem là rất thâm sâu và tinh tế.

3- Nhân quả đồng thời:

Khi nói "Do Vô minh, Hành sinh...", không nên hiểu là hành do Vô minh sinh ra. Giữa Vô minh và Hành... là mối quan hệ nhân quả tuyến tính, đơn phương; nghĩa là các chi phần trong mười hai nhân duyên hiện hữu tùy thuộc vào yếu tố thời gian (trước - sau). Cách giải thích này nói rằng, ngay trong một sát na[4] đã có sự hiện hữu đầy đủ của cả 12 chi phần. Khi ý niệm lệch lạc về một cái tôi và cái của tôi (tự ngã) có mặt, lập tức có mặt chuỗi nhân quả tương tục: ý chí tạo tác (Hành), tri giác phân biệt và chấp thủ (Thức)... đến Lão Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não. Mỗi một chi phần vừa là quả vừa là nhân cho các chi phần khác, chúng nuôi dưỡng lẫn nhau.

4- Sự hiện hữu của một đời sống con người (mạng căn):

Một trong 3 yếu tố quyết định để hình thành một thai nhi là có sự hiện hữu nghiệp thức đi đầu thai. Nghiệp thức này là kết quả của Vô minh và Hành trong quá khứ. [Các yếu tố khác là có sự mong cầu của một cặp vợ chồng và có sự giao hợp có khả năng dẫn đến có thai]. Giai đoạn tượng thai chính là thời điểm Danh Sắc có mặt. Lục nhập là giai đoạn thai nhi hình thành đầy đủ các căn. Giai đoạn trẻ bú mớm là giai đoạn của Xúc. [Thực tế Xúc hình thành ngay từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ]. Trẻ từ 3-5 tuổi là lúc Thọ hình thành. [Thực tế Thọ cũng hình thành ngay từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ]. Từ đây trở về trước, theo lối giải thích này, là biểu hiện của nghiệp quá khứ, trẻ chưa tác ý thiện ác để tạo nên nghiệp hiện tại. Khi trẻ biết vui, buồn, ưa, ghét... là lúc Ái, Thủ, Hữu hình thành và chính đây mới là giai đoạn mà trẻ tạo nghiệp để đưa đến hình thành một thân mạng mới ở tương lai (Sinh, Lão Tử).

V) Một số hệ luận từ giáo lý mười hai nhân duyên:

1- Con người (và cuộc đời) là hiện hữu của cấu trúc mười hai nhân duyên, nên không hề có một tự ngã độc lập và thường hằng. Con người chính là chủ nhân của cuộc đời mình, bởi giáo lý mười hai nhân duyên cho thấy sự thật: "Không thể tìm ra một đấng sáng tạo, một Brahman, hay một vị nào khác, làm chủ vòng luân chuyển của đời sống; chỉ có những hiện tượng diễn tiến, tùy thuộc vào những điều kiện"[5].

2- Con người và cuộc đời là vô ngã, không có một tự tính thường hằng (vô thường), nên bên trong mỗi người luôn tiềm ẩn một khả năng giác ngộ, và cuộc đời luôn có cơ hội để xây dựng trở nên tốt đẹp.

3- Khi một chi trong mười hai nhân duyên vận hành nghĩa là mười một chi phần còn lại cũng vận hành. Ðiều này nói lên sự dung thông giữa cái "một" và cái "tất cả", vượt ra ngoài khái niệm không gian, thời gian, từ đó có thể khẳng định có sự hiện hữu của các loại thần thông.

C. Kết luận

1- Mười hai nhân duyên là giáo lý về con người và nói cho đối tượng nghe là con người. Vì con người bị vướng nặng vào Vô minh, Ái và chấp thủ nên Ðức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến các chi phần này khi hướng dẫn con người tu tập vì mục đích giải thoát, giác ngộ.

2- Mười hai nhân duyên, hay duyên khởi, không phải là một giáo lý dùng để đối trị chấp ngã hay nhằm giải thích thế giới; mà đây là sự thật và là một pháp tu tập vì giải thoát thiết thực cho con người. Do vậy, giáo lý này là căn bản của chánh kiến (thứ nhất trong Bát chánh đạo). Nói khác đi, chánh kiến là cái nhìn toàn diện, như thật về các pháp là do duyên sinh.

3- Vô ngã hay giải thoát, Niết bàn không phải là một trạng thái trống trơn, mà là sự trống rỗng ý niệm về một tự ngã thường hằng. Nói cách khác, đó là trạng thái không có mặt vô minh, tham ái và chấp thủ.

4- Mọi giá trị trong cuộc đời đều mang tính tương đối, bởi cuộc sống là duyên sinh, luôn trôi chảy và không thể nắm bắt.

5- Hiện hữu hay cuộc sống là hiện hữu của các mối tương quan đa phương giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên... Khi một cá nhân sống tốt là đang góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, và ngược lại. Mỗi người phải có trách nhiệm với cộng đổng, bởi xây dựng cộng đồng chính là đang bảo vệ cá nhân mình.

6- Mười hai nhân duyên, hay giáo lý duyên khởi nói chung, là một giáo lý vô cùng tinh tế và khó hiểu, bởi con người vốn đã quen với nếp tư duy hữu ngã từ vô thủy. Muốn có một nhận thức đúng về giáo lý này đòi hỏi phải có sự quán sát và tư duy thường xuyên về nó. Suy tư và thực tập giáo lý mười hai nhân duyên (theo chiều đoạn diệt), chắc chắn rằng sẽ từng bước mang đến cho hành giả một cuộc sống độ lượng, vị tha, giải thoát và an lạc trong hiện tại. Bởi như lời Phật dạy: "Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật (Ta)". Thấy Phật là thấy được thực tại tối hậu, vượt ra ngoài mọi ràng buộc của thế giới ngã tính - bị giới hạn bởi vô minh, tham ái và chấp thủ này.

Thích Tâm Hải
Nguyệt san Giác Ngộ, tháng 2-1999

Chú thích:

[1] Còn gọi là Duyên sinh, Y tha khởi: sự nương tựa vào các yếu tố khác mà sinh khởi, hình thành, hiện hữu; tùy thuộc phát sinh.
[2] Diệt trừ, xả bỏ, chuyển hóa (Pàli: uccheda)
[3] Hình thể (sắc), cảm thọ (thọ), ấn tượng của tri giác (tưởng), ý chí tạo tác (hành), và tri giác hiện hữu (thức).
[4] Khoảng thời gian rất ngắn giữa 2 biến cố, nhỏ hơn rất nhiều so với đơn vị thời gian là giây (Pàli: khana).
[5] Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga).

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

QUÁ TRÌNH TU TẬP GIẢI THOÁT


QUÁ TRÌNH TU TẬP GIẢI THOÁT
(Áp dụng cho người cư sĩ).


A. PHÁP TU CHO NGƯỜI CƯ SĨ

Người cư sĩ cần phải thực hành các pháp sau đây:

I/ Thông suốt những điều cần thông suốt

1- Lý Vô thường, Vô ngã, Khổ.
2- Tứ Diệu Đế - Bát Chánh Đạo.
3- Thập Nhị Nhân Duyên.

II/ Dứt bỏ những điều cần dứt bỏ

* Dứt bỏ 6 nghề ác:

1- Săn bắn.
2- Chài lưới.
3- Buôn bán thịt sống.
4- Buôn bán thịt chín.
5- Buôn bán chất say nghiện.
6- Buôn bán người.

* Giữ gìn Ngũ giới:

1- Không sát sinh.
2- Không trộm cắp.
3- Không tà dâm.
4- Không nói dối.
5- Không uống rượu.

II/ Trau dồi những điều cần trau dồi

* 3 Đức:

1- Nhẫn nhục.
2- Tùy thuận.
3- Bằng lòng.

* 4 Tâm vô lượng:

1- Từ.
2- Bi.
3- Hỉ.
4- Xả.

IV/ Tu tập những điều cần tu tập

* 3 Hạnh:

1- Không ăn phi thời.
2- Không ngủ phi thời.
3- Sống độc cư.

* Tứ Chánh Cần

1- Ngăn ác.
2- Diệt ác.
3- Sinh thiện.
4- Tăng trưởng thiện.

* Như Lý Tác Ý.

* Hàng tháng Thọ Bát Quan Trai một vài ngày.

B. BỐN CỬA VÀO ĐẠO

1. Cửa Vô minh

1.1- Triển khai tri kiến giải thoát.
1.2- Thông suốt giới luật đức hạnh, nhân quả.

2. Cửa Lục nhập

2.1- Độc cư, phòng hộ 6 căn.
2.2- Như lý tác ý.

3. Cửa Thọ

3.1- Giữ tâm bất động.
3.2- Định niệm hơi thở.

* Cách cắt đứt cơn đau bệnh:

"Khi thân đang đau bệnh nhức nhói khó chịu thì lúc bấy giờ chúng ta cắt đứt XÚC không cho thân và ý thức XÚC CHẠM nhau thì ngay đó cơn đau nhức nơi thân sẽ chấm dứt. Muốn cho thân và ý thức không XÚC CHẠM nhau thì phải tu tập tâm luôn luôn ở trong trạng thái tâm BẤT ĐỘNG. Có tu tập được như vậy chúng ta mới làm chủ được bệnh". (Trưởng lão Thích Thông Lạc).

"Diệt duyên CẢM THỌ có hai phương pháp:

1- Tâm BẤT ĐỘNG.
2- An trú tâm trong HƠI THỞ.

Pháp tu tập tâm BẤT ĐỘNG đã dạy ở trên, còn dưới đây là phương pháp AN TRÚ TÂM TRONG HƠI THỞ. Muốn thoát ra mọi sự khổ đau của cuộc đời thì phải đoạn trừ DUYÊN THỌ. Đoạn trừ DUYÊN THỌ thì phải tập AN TRÚ TÂM TRONG HƠI THỞ, theo phương pháp Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Cứ tu đề mục này trong nửa tháng hoặc một tháng để thân an trú được trong hơi thở thì lúc bấy giờ thân có cảm thọ khổ là liền dùng phương pháp này đối trị đẩy lui cảm thọ ra khỏi thân ngay tức khắc".

"...Muốn diệt duyên CẢM THỌ chúng ta là người phải có đầy đủ ý chí và nghị lực". (Trưởng lão Thích Thông Lạc).

4. Cửa Sinh

4.1- Xuất gia.
4.2- Thực hành đời sống 3 y 1 bát.

Khi thông suốt về 12 nhân duyên thì ta sẽ thấy con người ở hiện tại là con người do 12 nhân duyên hợp lại mà thành, sinh ra một chuỗi khổ đau mà không phải do mình cũng không phải do người khác tạo nên. Khi đó nếu còn nghĩ tôi trong quá khứ là ai, tôi ở hiện tại là ai, tôi trong tương lai sẽ là ai thì đó là cách nghĩ trong tưởng, cách nghĩ vô minh.

* Cách phá hôn trầm, thùy miên, loạn tưởng

"Muốn phá hôn trầm, thùy miên và loạn tưởng thì chỉ có tu tập pháp THÂN HÀNH NIỆM. Pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là một pháp môn tuyệt trần chuyên môn phá hôn trầm, thùy miên và loạn tưởng. Nhờ có tu tập pháp môn này thì ngồi lại chúng ta mới thấy tâm BẤT ĐỘNG". (Trưởng lão Thích Thông Lạc).

* Rèn sức Tỉnh giác

Rèn sức Tỉnh giác bằng pháp đi kinh hành và pháp Như lý tác ý kết hợp với giữ gìn Giới luật để làm chủ các ác pháp và các cảm thọ.

*** Lời khuyên quý giá của Đức Phật:

“Này các tỳ kheo! Với pháp được Ta khéo thuyết, hiện thị, hiện lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dù chỉ còn lại da, gân và xương trên thân; dù thịt máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng. Và như vậy toàn bộ khổ uẩn này bị đoạn diệt”. (Lời của Đức Phật).

"Khi quyết tâm tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì hãy nhìn vào thân tâm của mình để làm chủ nó, nếu nó làm sai hay làm đúng thì chúng ta đều biết liền. Biết sai thì ngăn chặn lại không làm theo; biết đúng thì tăng trưởng và làm theo cho thân tâm mỗi ngày một tốt hơn. Nhờ chúng ta biết tập sống như vậy nên từ chỗ sống hạ liệt trở thành thanh cao, còn nếu không biết sống như vậy thì từ sống từ cái hạ liệt sẽ mãi mãi sống trong cái hạ liệt. Cho nên đức Phật mới dạy như vậy: “SỐNG TRONG HẠ LIỆT KHÔNG THỂ CHỨNG ĐẠT CÁI CAO THƯỢNG”. Dù chúng ta muốn tu chứng đạt giải thoát mà cứ sống trong hạ liệt thì tu vô lượng kiếp cũng chẳng đi đến đâu". (Trưởng lão Thích Thông Lạc).

* Các quả tu chứng:

1. Quả Dự lưu

Đoạn trừ 3 hạ phần kiết sử sau:

- Thân kiến kiết sử.
- Hoài nghi kiết sử.
- Giới cấm thủ kiết sử.

2. Quả Nhất lai

Đoạn trừ 3 hạ phần kiết sử:

- Thân kiến kiết sử.
- Hoài nghi kiết sử.
- Giới cấm thủ kiết sử.

Muội lược:

- Tham kiết sử.
- Sân kiết sử.

3. Quả Bất lai

Đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử:

- Thân kiến kiết sử.
- Hoài nghi kiết sử.
- Giới cấm thủ kiết sử.
- Tham kiết sử.
- Sân kiết sử.

4. Quả A-la-hán.

Đoạn trừ 5 thượng phần kiết sử:

- Sắc tham kiết sử.
- Vô sắc tham kiết sử.
- Mạn kiết sử.
- Trạo cử kiết sử.
- Vô minh kiết sử.

C. KẾT LUẬN

* Bí quyết con đường tu tập giải thoát của đạo Phật là:

- Pháp Như lý tác ý.
- Sống độc cư.
- Giữ gìn tâm bất động.

*** Các câu tác ý cần nhớ:

- Các pháp là vô thường, là vô ngã, là khổ đau, không có pháp nào là mãi mãi, không có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta.
- Tâm như đất, ly Tham Sân Si cho thật sạch.
- Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
- Chỉ một đời này thôi nhất định tôi phải giải thoát.

-----------

Chú thích:
"1- Nhẫn nhục là thấy lỗi mình, không thấy lỗi người, nhờ có nhẫn nhục như vậy, nên tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
2- Tùy thuận là tùy theo mọi ý kiến của người khác, nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp.
3- Bằng lòng là vui lòng trước mọi hoàn cảnh, mọi người, mọi việc nhưng không vui lòng theo những điều làm ác.
4- Ăn ngày một bữa, không ăn phi thời, đó là hạnh sống của Phật và chúng Thánh tăng.
5- Siêng năng đi kinh hành, phá hôn trầm, thùy miên và vô ký, đó là hạnh sống không mê muội, không ngủ phi thời của Phật và chúng Thánh tăng.
6- Sống độc cư, độc bộ, độc hành là phong cách sống của Phật và chúng Thánh tăng để tâm không phóng dật."

(Trích Những Bức Tâm Thư - Tập III - Trưởng lão Thích Thông Lạc).

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI


CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI.
***


I. CÁC MỐI QUAN HỆ THÔNG THƯỜNG

Giữa con người với con người có nhiều mối quan hệ tình cảm, đó là các mối quan hệ:

- Tình yêu.
- Vợ - chồng.
- Cha mẹ - con.
- Ông bà - cháu.
- Bạn bè.
- Đồng chí.
- Đồng nghiệp.
- vv...

Trong các mối quan hệ như tình yêu, vợ chồng, cha mẹ con, ông bà cháu, bạn bè,... thì thực ra đây là những mối quan hệ còn mang tính ích kỷ, họ đến với nhau, gặp nhau trong cuộc đời này chủ yếu đều vì lợi ích cá nhân, họ nương tựa vào nhau, lợi dụng nhau để sống. Cho nên, có những điều không thể chia sẻ, và không phải ai cũng có thể bộc bạch, tâm sự, hiểu rõ nhau và có thể chia sẻ được với nhau những điều thầm kín, riêng tư của mình. Bởi vì giữa họ vẫn còn có những khoảng cách nhất định về sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau. Mặc dù được đánh giá cao về tình cảm nhưng thực chất trên đây vẫn chỉ là những mối quan hệ thông thường và phổ biến trong đời sống xã hội, chưa phải là những mối quan hệ quý giá nhất của con người. Còn những mối quan hệ đặc biệt hơn, đó là tình bạn tâm giao, tri kỷ, tri âm… Đây mới chính là những tình cảm cao quý nhất.

II. CÁC MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT

1. Bạn tâm giao

- Tâm là lòng mình.
- Giao là giao cảm.

=> Tâm giao là mối quan hệ giữa hai người bạn thân thiết, hiểu lòng nhau, giao cảm được với nhau. Tuy nhiên, người bạn tâm giao chưa hẳn đã hiểu đối phương một cách sâu sắc nhất, giữa họ vẫn còn có những khoảng không gian riêng tư, những điều bí mật không thể chia sẻ cùng nhau được.

2. Bạn tri kỷ
(Đồng nghĩa với Tri âm)

- Tri là hiểu biết.
- Kỷ là bản thân.
- Âm là tiếng lòng.
=> Tri kỷ, hay tri âm là mối quan hệ giữa hai người bạn cực kì thân thiết, có sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, họ hiểu rõ bạn như hiểu chính mình. Giữa hai người bạn tri kỷ gần như không có khoảng cách, họ tuy hai mà như một, họ không cần nói nhiều nhưng vẫn có thể hiểu được suy nghĩ của nhau, cùng chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của nhau, giữa họ không có sự toan tính, hơn thiệt, hoàn toàn vô tư, trong sáng, họ sẵn sàng sống chết cùng nhau.

Xét một cách toàn diện thì bạn tri kỷ là tình cảm đứng đầu trong tất cả mối quan hệ giữa con người với con người, vượt lên cả bạn tâm giao, tình yêu, vợ chồng, cha mẹ con cái,...

Con người ai cũng có những nỗi niềm riêng, những điều thầm kín, những bí mật mà không phải dễ dàng để chia sẻ với vợ hoặc chồng, hay với cha mẹ hoặc các con, càng khó hơn nhiều khi chia sẻ với ông bà hoặc các cháu của mình,... Chỉ có những người bạn tri kỷ mới có thể chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm sâu kín đó, bởi chỉ bạn tri kỷ mới đủ rộng lượng để lắng nghe, thấu hiểu bản thân mình.

Vì vậy, ai may mắn tìm được một người bạn tri kỷ, thì đó là người hạnh phúc nhất thế gian. Bởi vì các mối quan hệ khác đều không thể nào so sánh được với bạn tri kỷ.

Trên đây là những mối quan hệ giữa con người với con người, ngoài ra còn có một mối quan hệ đặc biệt khác, đó là quan hệ giữa những người đồng phạm hạnh trong tu hành với nhau.

3. Bạn đồng phạm hạnh

Đồng phạm hạnh là những người có cùng lý tưởng, mục đích, cùng giữ gìn Giới luật, tức những điều đạo đức làm người, làm thánh. Với mối quan hệ này, giữa họ không có mục đích nào khác ngoài việc hướng tới sự giải thoát. Cho nên họ sẵn sàng nhường nhịn nhau, chia sẻ cùng nhau mọi thứ như: cùng sống, cùng trò chuyện, cùng trao đổi ý kiến, cùng hòa thuận, cùng giải quyết vấn đề, cùng chia sẻ lợi ích. Họ là những người biết dung hòa các mối quan hệ giữa con người với con người.

Trong mọi mối quan hệ, điều hết sức cần thiết là thái độ đối xử bình đẳng lẫn nhau, tuy nhiên cũng cần phải có trật tự trên dưới dựa vào thứ tự tuổi tác, quan hệ xã hội, gia đình,... nhằm mục đích duy trì mối quan hệ được bền vững. Riêng trong quan hệ đồng phạm hạnh thì còn dựa vào giới luật, thiền định, trí tuệ, tri kiến của mỗi người nữa, trong đó giới luật là điều căn bản nhất, có tính quyết định tất cả.


Hạnh phúc chân thật của kiếp người là gì? Đó là khi ta trải qua thật nhiều những cung bậc cảm xúc của cuộc sống, vui nhiều và buồn cũng lắm, để rồi cuối cùng ta biết nhàm chán với nó, và từ đó ta hướng đến một lý tưởng cao hơn, lý tưởng của sự giải thoát khỏi những trói buộc, khổ đau của kiếp người, ta chính thức bước theo dấu chân của bậc giác ngộ. 

Tri kỷ trong đời thực khó kiếm. Quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ không có mấy người, nhưng tìm được rồi thì đúng là niềm hạnh phúc bất tận, như kẻ độc hành trên sa mạc gặp được tàng cây xõa bóng mát bên hồ nước trong vắt, tựa như ta bất ngờ tìm được một mảnh tâm hồn còn thiếu của ta vậy. “Rượu gặp bạn hiền nghìn chén ít/ Lời không hợp ý nửa câu nhiều”.

***