Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

TU HÀNH





TU HÀNH
*****

1. Tại sao chúng ta nên tu hành?

Có lẽ làm người thì ai cũng biết rằng cuộc đời là biển khổ, khổ bởi bốn nỗi khổ lớn là sinh – lão – bệnh – tử, khổ bởi mong cầu bất toại nguyện, khổ bởi ái luyến mà phải chia lìa, khổ bởi oán ghét mà phải sống chung đụng, khổ bởi mang thân người với đầy rẫy tham – sân – si – mạn – nghi. Đó là lý do mà hàng ngàn đời nay đã có không biết bao người trong nhân loại đi tìm con đường giải thoát khỏi bể khổ trần gian này. Thế nhưng số người tìm được con đường chánh đạo đúng đắn để thoát khổ thì không có nhiều, mà phần lớn họ lạc vào con đường tà đạo, mơ hồ, ảo tưởng, lầm lạc… Kết cục thì không những họ không thoát khổ mà còn trầm luân ngày càng sâu hơn trong biển khổ cuộc đời này. Phật nói về sự luân hồi tái sinh khi ngài còn đang ở trong vương cung như sau:

"Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm([1]) nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này([2]),
Khổ thay, phải tái sinh".
(Kinh Pháp Cú - KPC([3]) - 153)

Khi còn ở trong vương cung, Thái tử Tất-đạt-đa([4]) luôn trăn trở với cuộc sống đầy phiền não, khổ đau của mình cũng như của mọi người, mọi loài trên hành tinh; nhìn những cảnh những người sống trên cao mà bóc lột ức hiếp những người thấp cổ bé họng, cá lớn nuốt cá bé, các loài vật cắn xé, ăn thịt lẫn nhau, Thái tử không cam lòng; nhìn loài người mãi mê vui say hưởng thụ dục lạc thế gian mà không nghĩ đến ngày mai, Thái tử sinh lòng ngao ngán:

"Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu?
Bị tối tăm bao trùm,
Sao không tìm ngọn đèn ([5])?".
(KPC - 146)

Đức Phật đã nhận rõ tất cả mọi thứ trên thế gian này không có gì là trường tồn vĩnh cửu, tất cả chỉ là vô thường, tạm bợ, một khi tử thần đến thì tất cả đều vô nghĩa, không ai có thể níu giữ được bất cứ thứ gì. Ngài đã phê bình những người tham đắm đời sống thế gian, thường chấp chặt vào gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, của cải, tài sản như sau:

"Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não,
Tự ta, ta không có([6]),
Con đâu, tài sản đâu".
(KPC - 62)

"Người tâm ý đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ".
(KPC - 287)

"Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở".
(KPC - 288)

"Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-bàn([7])".
(KPC - 289)

"Việc đáng làm, không làm,
Không đáng làm, lại làm,
Người ngạo mạn, phóng dật,
Lậu hoặc([8]) ắt tăng trưởng".
(KPC - 292)

Đức Phật cũng nhận thức rõ về thân xác con người như sau:

"Sắc([9]) này bị suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đổ vỡ,
Chết chấm dứt mạng sống".
(KPC - 148)

"Thành
([10]) này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn([11]), lừa đảo chất chứa".
(KPC - 150)

Pháp của Phật là dành cho người sáng suốt, không phải dành cho người mê mờ. Do vậy đức Phật so sánh hai hạng người như sau:

"Ðêm dài cho kẻ thức,
Ðường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chân diệu pháp".
(KPC - 60)

"Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say".
(KPC - 171)

"Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng,
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới".
(KPC - 174)

"Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời;
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này".
(KPC - 175)

Chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người bằng xương bằng thịt đầu tiên trên hành tinh này tu hành đắc đạo, chấm dứt cuộc trầm luân trong biển khổ cuộc đời. Ngài đã để lại cho nhân loại chân lý Tứ Diệu Đế với con đường Bát Chánh Đạo rõ ràng. Tuy nhiên không phải ai trong nhân loại cũng may mắn hiểu, biết và tin vào con đường của Ngài. Cho nên với những ai được mang thân người, được gặp Pháp Phật là một phước báu vô lượng.

"Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp([12]),
Khó thay, Phật ra đời!".
(KPC - 182)

"Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia([13]),
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này([14])".
(KPC – 85)

"Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát".
(KPC – 86)

"Tám chánh([15]), đường thù thắng,
Bốn câu([16]), lý thù thắng.
Ly tham, pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn([17]), người thù thắng".
(KPC - 273)

Sau sáu năm tìm đạo gian khổ, cuối cùng khi đạt được trí tuệ viên mãn, Ngài nhận ra trên thế gian này không có con đường nào có thể chấm dứt những cuộc trầm luân trong sinh tử ngoài con đường Bát Chánh Đạo. Đức Phật cũng khẳng định giá trị thiết thực của con đường giải thoát mà bản thân Ngài đã thành tựu được như sau:

"Ðường này([18]), không đường khác,
Ðưa đến kiến thanh tịnh.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn".
(KPC - 274)

"Nếu người theo đường này,
Ðau khổ được đoạn tận.
Ta dạy người con đường.
Với trí, gai chướng diệt".
(KPC - 275)

Tuy nhiên, việc tu hành là do tự bản thân mỗi người phải tự mình thực tu, thực chứng, giống như việc ăn cơm, uống nước, ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, không ai tu thay cho người khác được. Đức Phật chỉ là người chỉ đường mà thôi, Ngài nói: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Như Lai chỉ là bậc đạo sư”.

"Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai([19]) chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma".
(KPC - 276)

Vì vậy Ngài luôn phê bình những người khi đang còn sức trẻ mà ham chơi, biếng nhác, không tinh cần, thiếu sự nỗ lực, tận lực để đạt những gì cần đạt, chứng đắc những gì cần chứng đắc:

"Khi cần, không nỗ lực,
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười,
Chí nhu nhược, biếng nhác,
Với trí tuệ thụ động,
Sao tìm được chánh đạo?".
(KPC - 280)

"Người ưa ngủ, ăn lớn
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi".
(KPC – 325)

Tóm lại, Pháp Phật là một chân lý của loài người, chỉ có loài người mới có thể giác ngộ được Pháp Phật, chỉ có tu hành theo Chánh Pháp Phật mới có thể tự cứu mình ra khỏi biển khổ trầm luân của cuộc đời. Ngoài ra những con đường khác chỉ là hình thức ru ngủ, an ủi tinh thần, xoa dịu những tâm hồn yếu đuối hay vốn đã quá nhiều tổn thương mà thôi.

2. Tu hành có bạn – Bạn đồng tu

Trong giới tu hành có câu châm ngôn "Ăn cơm có canh - Tu hành có bạn", đây là một câu nói bình thường nhưng lại vô cùng có ý nghĩa, chẳng những đối với những người tu mà làm bất cứ việc gì cũng thế, nếu thiếu bạn bè là thiếu sự hỗ trợ, chúng ta khó mà thành công.

Việc tu hành cũng như người đi đường vậy, phải có bạn đồng hành thì mới có thể tiến bộ lên được. Trong thời đức Phật, các vị Tỳ kheo cũng phải quần tụ lại với nhau thành từng tập thể lớn nhỏ, hàng trăm, hàng ngàn người, lập nên tăng đoàn, họ ở trong các thiền viện, tịnh xá cách xa khu dân cư, làng mạc. Họ sống tách rời dân nhưng phải dựa vào sự cúng dường của dân, sự cúng dường về trú xứ, thực phẩm, y áo, thuốc trị bệnh, vv... thì mới an ổn tu hành được, bởi vì họ đã không còn làm việc gì ngoài việc tu hành nữa. Trong số họ có những người bạn thân thiết như Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) và ngài Moggallana (Mục-kiền-liên), cả hai đều là bạn đồng hành tha thiết tu hành. Hoặc chí ít thì họ cũng tập hợp thành từng nhóm nhỏ, tối thiểu là 3 người, như trường hợp nhóm 3 Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Nandiya và Kimbila, họ cùng trú tại khu vườn trong rừng Gosinga (rừng Sừng bò) để thay nhau đi khất thực, phụ giúp nhau những lúc trở ngại, (tìm đọc thêm bài Tiểu Kinh Khu Rừng Sừng Bò - Trung Bộ Kinh - Tập 1 để rõ hơn); hay 5 anh em Kiều-trần-như lúc đức Phật còn đang tu hành trong khu rừng Khổ hành vậy.

Với những người đang tu hành thì không ai có thể tự tồn tại được một mình cả, bởi vì trong cuộc sống không ai tránh khỏi những lúc ốm đau, bệnh hoạn, hoặc gặp phải khó khăn này hay khó khăn khác… Lúc đó họ sẽ cần ối thiểu một người khác để lo cơm cháo, chăm sóc, tắm rửa, chạy chữa thuốc men cho mình. Người tu chỉ có thể sống độc cư, độc bộ, độc hành khi đã xả sạch các lậu hoặc thô, thân không còn bệnh hoạn, tâm đã ly dục ly ác pháp hoàn toàn và quyết định đi vào giai đoạn cuối cùng để chứng đắc quả A la hán mà thôi.

Trên bước đường tu hành nếu ta gặp được một người bạn lành thì đó là một điều hi hữu, một đại phước duyên vô cùng to lớn. Bạn lành là người đồng một chí hướng, cùng chung một lý tưởng, cùng san sẻ công việc, cùng gánh vác trách nhiệm, họ có những kinh nghiệm quý báu và sẵn sàng chia sẻ cũng như chỉ lỗi cho ta để ta không lầm đường lạc lối. Khi có được người bạn như vậy thì nhất quyết không được đánh mất, bởi vì chính họ là ân nhân, là tri âm tri kỷ, là người bạn tâm giao hiếm có trong đời. Cho nên Phật dạy:

"Nếu được bạn hiền trí,
Ðáng sống chung hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy,
Hoan hỷ sống chánh niệm".
(KPC – 328)

"Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu".
(KPC – 76)

Trong kinh A-Hàm, chúng ta thấy các vị đệ tử của đức Phật rất thánh thiện, giàu trí tuệ và thân thiết. Cũng vậy, chúng ta tuy mỗi người một phương, mỗi người một nghiệp duyên, có đôi chút sai khác, không cùng cha mẹ, tuổi tác, nhưng cùng một hoàn cảnh, cùng tâm nguyện, cùng tựu chung về một nhà, phát tâm tu học cùng một thầy, rõ ràng chúng ta có duyên với nhau từ trong tiền kiếp. Vậy thì chúng ta có xứng đáng để gắn kết và nương tựa nhau tu hành giải thoát hay không?

3. Thọ nhận sự cúng dường của cha mẹ – Sự báo hiếu tối thượng

Chúng ta là những người kém phước để có thể xuất gia, để có thể thọ hưởng phước cúng dường của thiên hạ. Thôi thì chúng ta cùng nhau tu tại gia và xin được nhận sự cúng dường của cha mẹ mình cùng với những ai có thiện chí vậy. Chúng ta chỉ cần mỗi ngày một bữa cơm chay, cố gắng tu tập xả tâm thật tốt để trở thành những người đệ tử chân chính của đức Phật, coi như tạo duyên để cha mẹ và những ai hữu duyên được thọ hưởng phước của người tu hành, để họ khỏi phải đi cúng dường, làm từ thiện đối với những người khác không tu hành ở bên ngoài, đặng đời sau họ được thọ nhận phước lành do duyên cúng dường cho chúng ta hôm nay vậy. Và không cần đợi đến đời sau mà ngay tại đời này họ cũng được hưởng sự yên vui do chúng ta đem lại đó thôi. Đấy chính là sự báo hiếu và đền đáp tối thượng nhất ở đời của người con đối với cha mẹ, của người tu đối với người cúng dường, bởi vì cha mẹ nào cũng muốn con mình hạnh phúc, người cúng dường nào cũng muốn mình được an vui. Trên đời này không có việc làm nào cao quý hơn việc tu hành, đó chính là hạnh phúc của chúng ta, của cha mẹ chúng ta, và cũng là của tất cả chúng sinh trên hành tinh này. Bởi vì ở đâu có một người tu hành thì sẽ đem lại phước đức vô lượng vô biên, không thể nào đong đếm hết được cho cả gia đình ấy, dòng tộc ấy, quê hương xứ sở ấy, thậm chí cả hành tinh này. Đức Phật có xác định về điều đó như sau:

“Làng mạc hay núi rừng,
Thung lũng hay đồi cao,
La hán trú chỗ nào,
Ðất ấy thật khả ái”.
(KPC - 98)

"Tín tâm, sống giới hạnh,
Ðủ danh xưng tài sản,
Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính".
(KPC - 303)

Khi nói về sự lợi ích của việc cúng dường, đức Phật cũng dạy như vầy:

"Tháng tháng bỏ ngàn vàng,
Tế tự cả trăm năm,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự".
(KPC - 106)

"Dầu trải một trăm năm,
Thờ lửa tại rừng sâu,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự".
(KPC - 107)

"Suốt năm cúng tế vật,
Ðể cầu phước ở đời,
Không bằng một phần tư,
Kính lễ bậc chánh trực”.
(KPC - 108)

"Keo kiết không sinh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Ðời sau, được hưởng lạc".
(KPC - 177)

Xưa nay nhiều người nghĩ rằng việc đem lễ vật đi cúng bái, cầu xin thần Phật ở các đền, chùa, điện, miếu… là sẽ thu về được lợi lạc cho bản thân và gia đình. Sự thật không hề có chuyện đó, không có ông thần hay ông Phật, ông Chúa, đức mẹ nào có đủ năng lực để có thể ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai cả, mà chỉ có luật nhân quả mới là “đấng quyền năng” để thực thi chuyện đó. Chỉ khi cúng dường cho người tu hành mới đem lại cho thân chủ rất nhiều lợi ích thiết thực mà thôi.

Đối với những người không may bị bệnh tật, không thể xuất gia được như những người bình thường thì cũng không có nghĩa là con đường giải thoát bị đóng lại, họ vẫn có thể tu hành tại gia, vẫn có thể đạt được những kết quả như mong muốn, chứ không vì thế mà thua kém những người xuất gia. Bởi vì ngoài kia có hàng vạn người tuy họ đủ phước duyên xuất gia ở các tông phái khác nhau trong đạo Phật hay ở các tôn giáo khác, họ được thọ hưởng sự cúng dường của thiên hạ, nhưng trong đó có được mấy người tu hành thật sự đàng hoàng, tử tế, đạt được trí tuệ giải thoát, xứng đáng với sự cúng dường của mọi người đâu. Cho nên chúng ta phải biết biến cái bất lợi thành cái có lợi cho bản thân, như vậy thì việc tu hành cũng không thua kém gì những người xuất gia rồi.

“Ta gọi người Trưởng lão([20]),
Chưa hẳn đã xuất gia,
Tu gốc nghiệp lành này([21]),
Phân biệt ở chánh hạnh”.

“Nếu rõ pháp như thật([22]),
Vô hại đối quần sanh,
Bỏ các hạnh uế ác,
Đây gọi là Trưởng lão”.

“Nếu có người tuổi nhỏ,
Các căn không thiếu sót([23]),
Phân biệt chánh pháp lành,
Đây gọi là Trưởng lão”.

"Ai chân thật, đúng pháp,
Không hại, biết chế phục,
Bậc trí không cấu uế,
Mới xứng danh Trưởng lão".
(KPC - 261)

"Không phải nói lưu loát,
Không phải sắc mặt đẹp,
Thành được người lương thiện,
Nếu ganh, tham, dối trá".
(KPC - 262)

Như vậy, Trưởng lão là một kết quả tu hành giải thoát cụ thể theo đạo Phật chứ không phải một danh xưng suông. Trưởng lão không phân biệt tuổi tác, giới tính, giai cấp, xuất gia hay tại gia. Bất cứ ai cũng có thể trở thành Trưởng lão nếu tu hành đúng con đường Bát Chánh Đạo mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy cho loài người.

4. Cần phải giác ngộ khổ để giải thoát

Đức Phật dạy: Cần phải sống trong khổ để thấy biết khổ thật sự. Cần thấy biết khổ để nhàm chán thế gian. Do sự nhàm chán thế gian nên mới ly tham đời sống. Do ly tham nên được giải thoát. Cụ thể cần giác ngộ các lý vô thường, khổ, vô ngã:

"Tất cả hành vô thường,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh".
(KPC - 277)

"Tất cả hành khổ đau,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh".
(KPC - 278)

"Tất cả pháp vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh".
(KPC - 279)

5. Kết quả tu tập

Trong thời đức Phật có ngài Tỳ kheo tên là Ăng-gu-li-ma-la, xuất thân từ một người học trò thông thái rồi trở thành tên cướp khét tiếng trong vùng, song nhờ duyên lành gặp được Phật, ông buông đao kiếm, tu hành một thời gian là trở thành thánh nhân. Bà Liên-hoa-sắc, vốn là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng gặp nhiều ngang trái nên cuộc đời đẩy bà vào chốn kỹ nữ chốn lầu xanh, nhờ đủ duyên gặp Phật cũng tu hành đắc đạo, trở thành một bậc đệ nhất thần thông trong giới Tỳ kheo ni. Ngoài ra còn có những gương hạnh tiêu biểu như: ông Ni-đề vốn là một người thuộc tầng lớp cùng đinh, khốn khổ trong xã hội Ấn Độ, ông làm nghề gánh phân, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật nên đã xuất gia tu hành, chỉ sau chưa đầy một tuần lễ với sự nỗ lực tinh tấn dũng mãnh, ông đắc thánh quả A-la-hán, hoàn toàn giải thoát khỏi đời sống thế gian khổ đau; ông Châu-lợi-bàn-đặc vốn là một người “dốt đặc cán mai” nhưng nhờ được thân cận Phật nên ông đã chứng đạo trước cả ngài A-nan đa văn thông thái. Còn rất nhiều gương hạnh khác mặc dù họ phải chịu bệnh tật đau đớn khổ sở, nhưng nhờ duyên lành gặp được Phật pháp nên họ cũng chứng thánh quả giải thoát, chấm dứt tái sinh luân hồi.

Chúng ta không nên mặc cảm về bản thân, bởi vì thánh nhân cũng từ những người phàm phu mà thành, mà phàm phu thì không thể nào tránh khỏi những lỗi lầm trong quá khứ. Phật dạy có hai hạng người đáng kính trọng, đó là người không bao giờ lầm lỗi và người có lỗi lầm mà biết sửa đổi. Sự thật, không hề có người không bao giờ lầm lỗi, mà chỉ có những người lầm lỗi mà không chịu sửa đổi và có những người lầm lỗi mà quyết tâm sửa đổi mà thôi. Khi quyết tâm sửa đổi thì họ xứng đáng được thọ nhận sự cung kính, tôn trọng và cúng dường của người khác. Trong Kinh đức Phật có dạy:

"Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che".
(KPC - 172)

"Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che".
(KPC - 173)

"Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy,
Người trí ấy diệt sân,
Ðược gọi người hiền thiện".
(KPC - 263)

"Hương các loại hoa thơm,
Không ngược bay chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay,
Chỉ có bậc chân nhân,
Tỏa khắp mọi phương trời".
(KPC - 54)

"Hơn thống lãnh cõi đất,
Hơn được sinh cõi trời,
Hơn chủ trì vũ trụ,
Quả Dự Lưu([24]) tối thắng".
(KPC - 178)

Trên đây đức Phật đã xác định giá trị của một người biết tu hành sửa đổi từ một người phàm phu trở thành một người đức hạnh, hiền thiện, một bậc chân nhân là không thể lấy hương thơm nào so sánh được. Chỉ có người biết tu sửa mới trở thành người thật sự có giá trị, để sống một cuộc đời cao thượng, có ý nghĩa, đáng sống. Ngược lại, nếu không tu sử thì dù sống một trăm năm cũng chỉ là sống một cuộc đời vô nghĩa mà thôi.

Khi nói về việc tu hành, Trưởng lão Thích Thông Lạc viết:

Tu hành không khó, khó là người không ly dục ly ác pháp.

Đọc những bài kệ trên đây chúng ta thấy tu hành theo Phật giáo không khó, khó là tại chúng ta không chịu ly tâm tham, tâm sân, tâm si. Nếu chịu khó và quyết tâm lìa tâm tham, sân, si thì ngay đó được gọi là Trưởng lão. Trưởng lão trong đạo Phật được xem là một bậc tu chứng đã giải thoát hoàn toàn như bậc A-la-hán. Trưởng lão không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ, không phân biệt tuổi tác nhỏ hay lớn, dù là người tu sĩ lớn tuổi hay trẻ tuổi, người cư sĩ cũng vậy, một khi đã tu chứng thì đều được gọi là Trưởng lão. Ngược lại, dù một vị Tỳ kheo tám mươi tuổi mà tu không chứng thì không được gọi là Trưởng lão”.

Pháp Phật là chân lý của loài người, dành cho tất cả mọi đối tượng, không phân biệt tầng lớp cao thấp, giàu nghèo, giới tính, xấu đẹp, chỉ cần bạn đủ lòng tin, quyết tâm thì sự tu tập đều có kết quả, đều thu lại được những giá trị cao quý nhất trong cuộc đời này.

***

PS: Mình mất một ngày để viết xong bài này, cho nên không thể không có những thiếu sót, không thể không có những sự non nớt, tuy nhiên có thể nó rất có ích đối với một số người, rất tầm thường đối với một số người và vô giá trị đối với một số người còn lại. Nhưng dù sao mình cũng muốn chia sẻ những giá trị này đến với những ai có duyên. Trân trọng.

***




([1]) Ý nói đi tìm con đường giải thoát.
([2]) Ý nói nguyên nhân dẫn đến có đời sống hiện tại.
([3]) Kinh Pháp Cú là tập hợp 423 bài kệ do đức Phật nói ra trong nhiều dịp khác nhau, trong suốt 45 năm hoằng dương Chánh Pháp của Ngài với nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu.
([4]) Thái tử Tất-đạt-đa là tên của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn chưa tu hành thành đạo.
([5]) Ngọn đèn: ý nói ngọn đèn trí tuệ, tức con đường giải thoát.
([6]) Tự ta, ta không có: ý nói thân người là không có thật, còn không được bảo toàn.
([7]) Niết-bàn: sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ.
([8]) Lậu hoặc là phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi,…
([9]) Sắc: chỉ cho cái thân người.
([10]) Thành: ở đây cũng chỉ cho cái thân người.
([11]) Mạn: sự kiêu mạn, sự chấp chặt vào thân tâm.
([12]) Tức là chân lý Tứ Diệu Đế.
([13]) Ý nói sự giải thoát hoàn toàn, chấm dứt mọi phiền não, khổ đau trong kiếp người.
([14]) Ý nói sự luân hồi, tái sinh.
([15]) Tức là con đường Bát Chánh Đạo.
([16]) Tức là Tứ Diệu Đế, gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
([17]) Tức là người giác ngộ Tứ Diệu Đế.
([18]) Tức là con đường Bát Chánh Đạo.
([19]) Tức là đức Phật Thích Ca.
([20]) Trưởng lão: là bậc tu hành đạt được kết quả tâm hết sạch phiền não.
([21]) Nghiệp lành, tức Thập thiện, bao gồm: 1-không sát sinh, 2-không trộm cắp, 3-không tà dâm, 4-không nói dối, 5-không nói lời thêu dệt, 6-không nói lời lật lọng, 7-không nói lời hung ác, 8-không tham lam, 9-không sân hận, 10-không si mê. 
([22]) Ý nói phân biệt được chánh pháp Phật và tà pháp ngoại đạo.
([23]) Ý nói người ấy không bị khiếm khuyết về mắt (mù), về tai (điếc), về thân (thiếu tay, chân), về ý (thiểu năng trí tuệ).
([24]) Quả Dự Lưu: đoạn diệt 3 kiết sử: thân kiến, nghi, giới cấm thủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét