Hòa Thượng Tuyên Hóa
Sắc Dục Chướng Ngại Ðường Ðạo
Ðức Phật dạy: "Trong các thứ ái dục,
không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh
bằng. May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp
thiên hạ không ai có thể tu Ðạo được cả!"
Nên biết ái dục là gốc rễ của sinh
tử. Chúng sinh chịu khổ trong vòng luân hồi đều là do lòng ái dục
mà ra. Truy cho cùng gốc ái dục thì nào phải chỉ mới có trong đời
này, hay đã có từ 2, 3, 4 kiếp trước đâu. Nó đã có từ vô thỉ kiếp,
khi sinh tử mới bắt đầu vậy. Đời đời kiếp kiếp, bỏ thân này sinh
thân kia, đều do ái dục làm cho luân chuyển. Chỉ đến ngày nay, thử
hỏi mình đã có một mảy may ý nghĩ tạm rời cái gốc rễ ái dục này
chưa? Bởi cái hạt giống, cái gốc rễ ái dục quá sâu dầy, nên sinh tử
cứ vô cùng vô tận.
Ðối với kẻ mới phát tâm tu, điều chướng
ngại nhất khi dụng công là lòng tham đắm sắc dục giữa nam và nữ. Ðây là vấn đề
căn bản nhất.
Nếu quý vị không buông
xả được ái dục, thì dầu cho quý vị xuất gia tám vạn bốn ngàn đại kiếp, quý vị
cũng chỉ phí thời gian trong Đạo Phật và tạo nghiệp chướng với mỗi bữa ăn mình
thọ dụng.
Người tu Ðạo nên chú ý! Chớ gieo duyên
nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc.
Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong
sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hạt cát vậy.
Tu đạo thì trước hết phải trừ tập khí.
Trừ như thế nào? Bên trong thì khắc kỷ phục lễ, bên ngoài thì đoạn dục khử ái,
cả hai đàng cùng dụng công, ắt sẽ thành công.
Con người sinh ra bởi sắc dục, chết bởi
sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục, và thuận theo thế tục thì cứ sống đi chết
lại không ngừng. Kẻ xuất gia thì đi ngược lại, có đi ngược mới thành thánh, nên
cái gì hay với thế gian thì lại không hay với người xuất gia; người thế gian
tham, chúng ta không tham; cái gì người thế gian yêu thích, chúng ta không yêu
thích; cái gì người thế gian mê, chúng ta không mê. Muốn cầu đại đạo ắt phải ra
khỏi đường mê.
Khuyết điểm lớn nhất của chúng sinh là
si ái - ngày đêm sống trong si ái, không thể xả bỏ được. Nếu chuyển được tâm
háo sắc thành tâm tu học Phật Pháp, từng giờ từng phút không lãng quên việc tu
học, thì sẽ mau chóng thành Phật.
Thân thể ai không nhiễm ô thì người ấy
là Phật; thân thể ai nhiễm ô thì người ấy là chúng sinh. Nhiễm ô là gì? Nói vắn
tắt thì "nhiễm ô" tức là nhìn không thông, xả không được, giờ giờ
phút phút luôn sinh khởi vọng tưởng.
Tinh lực dồi dào thì không cảm thấy
lạnh.
Khí lực sung túc thì không cảm thấy đói.
Thần lực đầy đủ thì không cảm thấy mệt."
Tinh, khí, thần là ba báu vật. Người xuất gia phải tu trì tinh,
khí, thần.
"Chuyên nhất thì linh.
Phân tán thì bị ngăn ngại."
Chuyên nhất về việc gì? Tức là chuyên nhất đoạn dục vọng, trừ tham
ái. Nếu không đoạn dục vọng, trừ tham ái thì có xuất gia tu Ðạo đến muôn đời đi
nữa cũng vẫn không thành công. Vì vậy, việc này rất là trọng yếu.
Tại sao thế giới càng ngày càng băng
hoại? Vì ai ai cũng tranh - tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị,
và nghiêm trọng nhất là tranh sắc dục.
Dâm dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu
không đoạn dâm dục thì muốn sinh lên trời cũng không được, huống hồ là muốn
chứng Ðạo Bồ-đề vô thượng? Vì vậy, nếu muốn tu phép Thiền-định Tam-ma-đề, muốn
vượt khỏi biển sinh tử khổ đau, thì trước hết phải vượt qua cửa ải này.
Học Phật Pháp thì cần phải dùng trí huệ
chứ không thể dùng tình cảm. Dùng trí huệ để học Phật Pháp thì đó là Chánh
Pháp. Dùng tình cảm mà học Phật Pháp thì đó là Mạt Pháp.
Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay,
chúng sinh chúng ta do quen sống buông xuôi theo tình cảm và dục vọng của mình,
nên cứ phải loanh quanh luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Vì bị vô minh, ái
kiến và kiêu mạn luôn luôn vây phủ nên chúng ta chưa thể chứng được quả-vị
A-la-hán. Do đó, chúng ta không nên tin tưởng ý niệm của mình. Chúng ta phải dè
dặt, không được bất cẩn. Chúng ta phải tuyệt đối thận trọng, chớ nên đắm nhiễm
sắc dục và cũng đừng tin ở ý niệm của mình!
Quý vị phải thận trọng, chớ gần gũi sắc
dục; gần gũi sắc dục tất sinh họa. Quý vị hãy ghi nhớ rằng mình phải hết sức
cẩn thận, đừng bao giờ mê đắm sắc tướng. Nếu quý vị mê chấp, cùng với sắc tướng
"hợp lại thành một", ắt sẽ có tai họa xảy ra.
Nam giới cần phải tránh xa nữ giới và
đồng thời, nữ giới cũng cần phải tránh xa nam giới. Đó là phương pháp "sinh
thiện, diệt ác" dùng để đối trị lòng tham ái và tham dục.
Nam thì nên xem những
phụ nữ cao niên như mẹ, và nữ thì nên xem những người đàn ông già cả như cha.
Khi người nam gặp những người nữ trạc tuổi mình hoặc hơn mình một vài tuổi thì
hãy xem họ như chị, nếu nhỏ tuổi thua mình thì xem như em gái, còn nếu là trẻ
con thì xem như con cái của mình vậy, và nên phát tâm cứu độ họ. Quý vị phát
tâm độ thoát họ tức là quý vị có lòng từ bi, muốn mang lại lợi ích cho kẻ khác
(lợi tha). Như thế, quý vị vừa làm lợi cho mình lại vừa có thể làm lợi cho
người khác nữa. Khi hai hành vi tự lợi và lợi tha này tương ưng, thì niệm ác sẽ
tự nhiên tiêu tan và vọng tưởng cũng ít bớt.
Đức Phật dạy: "Hãy
thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ." Đây
là cách người nam đối xử với người nữ. Về cách người nữ đối xử với người nam
thì có thể đảo lại: "Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nam sắc, cũng đừng nói
năng với họ!" Quý vị không được cùng nhau chuyện trò với người khác phái.
Đừng nói là cười đùa, ngay cả nói năng cũng không thể được!
Phàm là người tu Đạo, hễ
lửa đến thì nên tránh xa. "Lửa" tức là gì? Ở đây, "lửa" là
dụ cho dục vọng và ái tình, và cũng là tình cảm mong muốn các cảnh giới của lục
trần. Lục căn thì thuộc về tình, còn lục trần thì thuộc về cảnh. Cả sáu căn
(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hợp với sáu trần (hình sắc, âm thanh, hương
thơm, mùi vị, tiếp xúc, pháp) làm cho con người bị đắm say mê muội, mê đắm đến
nỗi "sống say chết mộng"!
Vì vậy, "người tu Đạo thấy sự dục lạc tất phải tránh xa."
Người tu Đạo cần phải lánh xa dục vọng. Nếu quý vị có thể "thấy mà như
không thấy, nghe mà như không nghe," tức là đã đạt được cảnh giới:
Nhãn quán hình sắc nội vô hữu,
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.
(Mắt nhìn hình sắc, lòng không động,
Tai vẳng chuyện đời, dạ chẳng hay.)
Thì bấy giờ quý vị không cần phải tu hạnh "viễn ly" nữa.
Nếu quý vị ngày ngày tiếp xúc với trần cảnh mà không bị đắm nhiễm thì không
sao; nhưng nếu không làm được như vậy thì cần phải nghiêm cẩn tu hạnh
"viễn ly" - lánh xa lửa dục!
"Cấu nhiễm" tức là những dục
vọng trong tâm, đặc biệt là những ý nghĩ về sắc dục. Không dứt bỏ lòng dâm dục
tức là có cấu nhiễm; loại trừ lòng dâm dục rồi tức là không còn cấu nhiễm nữa.
Khi cấu nhiễm không còn thì tâm được thanh tịnh, trong sạch - các hạnh mà quý
vị tu hành đều được thanh tịnh cả.
Lòng dâm dục cố nhiên là
nhơ uế, và cũng là thứ dục vọng to lớn nhất. Ngoài ra, các thói tham, sân, si,
kiêu mạn và nghi hoặc cũng đều là những cấu nhiễm trong tâm. Trừ sạch các thứ
cấu nhiễm này thì sự tu hành của quý vị sẽ tương ưng với Đạo. Bấy giờ, quý vị
sẽ có thể "trở về nguồn cội" (phản bổn hoàn nguyên) và tìm lại được
cái tâm thanh tịnh vốn có của mình.
Đức Phật dạy chúng ta nên dùng trực tâm
mà tu Đạo và suy nghĩ về Đạo. Trong mỗi niệm, chúng ta nên lấy việc thoát vòng
tình dục làm mục tiêu của mình. Ái tình và dục vọng chính là bùn lầy; chúng ta
cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy.
So với vũng bùn lầy lội,
thì lòng ham muốn tình dục và các vọng tưởng về sắc dục còn nguy hại, đáng sợ
hơn nhiều! Cho nên, "Phải trực tâm niệm Đạo, phải một lòng một dạ, chỉ có
một cái tâm ngay thẳng để suy nghĩ về Đạo và việc tu Đạo, thì mới có thể thoát
được sự khổ, tránh khỏi nỗi thống khổ bị sa lầy."
Một khi phạm giới dâm, quý vị sẽ rất dễ
phạm giới sát, cũng dễ dàng phạm giới trộm cắp, và vọng ngữ. Bởi vậy, phạm giới
dâm thì các giới sát sinh, trộm cắp, dối trá đều bao hàm trong đó.
Trai gái yêu nhau, rốt ráo có ý nghĩa
gì? Tướng mạo dù có đẹp bao nhiêu cũng chỉ là da bọc đồ thối: Trong ấy nào là
phân, nước tiểu... Chín lỗ trong thân thường lưu những thứ bất tịnh: Mắt thì có
ghèn, tai thì có ráy tai, mũi thì có dãi mũi, miệng thì có nước miếng, thêm đại
tiểu. Quý vị nghĩ rằng cứu cánh thân này có sạch sẽ chăng?
Nếu mình không hao tán
tinh khí thần thì có hay không có ăn uống không thành vấn đề nữa. Chính bởi vì
mình ngày ngày cứ xoay chuyển trong cảnh giới hữu lậu nên mới cần phải ăn uống.
Vì sao người ta có bịnh? Vì lúc bình
thường không chú trọng đến sức khỏe. Người tại gia nên bớt làm việc dâm dục,
tăng cường việc thể dục, vận động. Ðó là căn bản của sức khỏe. Nếu quý vị cứ
suốt ngày hành dâm, không giữ phép tắc quy củ thì thân thể vĩnh viễn không thể
khỏe khoắn được.
Không có lòng tham dục thì phiền não gì
cũng chẳng có. Một khi có lòng tham dục thì chuyện gì cũng xảy ra. Thế giới,
vạn sự vạn vật vạn loài, thứ gì cũng do lòng tham dục sinh ra cả.
Ma vô cùng thông minh. Nó rình biết
người kia có lòng tham muốn thứ gì thì nó sẽ dùng phương pháp thích hợp để dụ
hoặc người đó. Do đó người tu hành chúng ta không cần thiết phải niệm chú gì
đặc biệt, cũng không dùng pháp môn gì. Chỉ cần mình chân thật, không
tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cứ chăm chỉ
khổ tu, thì không có ma gì phá hại được quý vị. Chỉ cần quý vị có lòng tham, có
lòng kiêu hãnh, muốn chiếm tiện nghi, muốn tìm đường tu tắt, thì sẽ dễ dàng bị
dính vào ma sự.
Người tu mà sợ cô độc thì chẳng thể tu.
Người thuyết pháp bất luận rằng người
đó có thần thông quảng đại tới đâu, quý vị cũng phải quan sát người
đó. Nếu người đó có lòng tham lam, tới đâu cũng kiếm tiền; hoặc có lòng dâm
dục, thì người đó không phải thứ thiệt, mà là thứ giả. Nếu người đó không có
lòng tham, lòng dâm dục, không có mưu đồ, thì người đó mới là thứ thiệt.
Người xưa nói: Vạn ác, dâm đứng
đầu. Ðó là đường chết, không thể đi. Quý vị cứ làm chuyện dâm dục thì
cũng như đi vào đường chết.
Ăn uống giúp tăng dục vọng. Dục vọng
giúp thêm vô minh.
Ái dục chính là sinh tử. Sinh tử chính
là lòng ái dục. Ái dục là gốc của sinh tử. Nếu không trừ bỏ lòng ái dục vô minh
thì rốt ráo không thể nào thoát khỏi biển ái sinh tử.
Không thể có chuyện là chẳng đoạn trừ
lòng dâm mà có thể thành Phật. Trong thiên hạ không có chuyện đó. Ðời nay đa số
người ta thích mau chóng, thích có kết quả ngay, nên khi họ nghe nói có pháp
huyền diệu thì liền bị mê hoặc rồi rơi vào lưới ma. Ðến lúc chết mà vẫn cho là
có pháp bí mật, hay mật pháp! Bí mật? Bí mật! Bí mật đến độ phải vào địa ngục
luôn!
Cái lậu (chỗ lũng) lớn nhất là dục lậu
- lòng dâm dục. Khi có ý dâm dục thì cũng như bị giặc cướp tới cắp, cuỗm hết
tài sản bảo vật. Cũng giống như gỗ bị mối ăn thì gỗ thành vô dụng. Lại cũng như
món ăn ngon mà bỏ chút phân vào thì chẳng ai dám ăn. Ba ngày nôn mửa là khác!
Nếu quý vị còn thích đẹp đẽ, xinh xắn,
mỹ quan thì hẳn thói quen (ham sắc) chưa trừ.
Ăn thịt thì dục niệm sẽ nhiều, vọng
tưởng cũng nhiều, rất khó nhập định. Không ăn thịt thì dục vọng mới nhẹ, lòng
sẽ biết đủ, cũng sẽ bớt vọng tưởng. Ðó là do khí huyết mình nhẹ nhàng, không
hỗn trược.
Người tu hành không thể có niệm tà dâm,
tức là ý tưởng dâm dục. Nếu còn chút niệm dâm dục, thì quyết không bao giờ vượt
khỏi tam giới, vẫn phải lưu chuyển hoài hoài trong luân hồi sinh tử, vì niệm
dâm dục chính là gốc rễ của sinh tử. Nếu đoạn trừ được nó, thì mới có thể ra
khỏi tam giới mà chứng quả Phật. Bởi vậy người tu hành nhất định phải dứt hết ý
tưởng dâm dục. Làm sao dứt được? Trước hết là không nên ăn những thứ giàu chất
dinh dưỡng, bởi lý do bản thân người tu không thiếu chất dinh dưỡng, cho nên
không cần thâu nhập thêm dinh dưỡng nữa. Ăn nhiều, lòng dục nhiều; chất bổ
dưỡng nhiều, tức sinh những ý niệm dâm dục. Muốn không có ý dâm thì phải tiết
chế vấn đề ẩm thực, không ham ăn ngon, không ham ăn nhiều, phải luyện tập sao
đủ duy trì sinh mạng là được rồi, đó là bí quyết của người tu. Nếu không, chúng
ta mang các món ngon gồm sơn hào hải vị để cúng cho cái đền thờ ngũ tạng, thì
đây quả là cái họa dẫn tới phá giới về dâm dục.
Nói về người xuất gia thì mỗi ngày ăn
một bữa, nhưng cũng có người không theo quy điều này, tự động đến tiệm để mua
thức ăn. Người đó đương có dục niệm về ăn, vậy dục niệm về sắc chắc cũng không
bỏ được. Cứ nghĩ cũng biết, những hành động đó đều là vị kỷ. Nói chung, phàm là
vị kỷ tức đã có sự tham cầu.
Trong phạm vi của luật nhân quả thì
phạm tội tà dâm là nghiêm trọng nhất. Sự trừng phạt còn ghê gớm nữa: Một người
lúc sống phạm giới tà dâm bao nhiêu lần, thì khi chết sẽ bị một cái cưa lớn cưa
thân người ấy từ đầu xuống chân bấy nhiêu lần. Sinh tiền kết hôn một trăm lần
thì chết rồi bị cưa một trăm lần.
Người có đẹp lộng lẫy đến đâu, cũng chỉ
là bọc da thối. Người xấu xí tới đâu cũng chỉ là bọc da thối. Bên ngoài tuy
không giống nhau nhưng bên trong thì một thứ, chẳng gì đẹp đẽ hay xấu xí. Nếu
càng tìm bên trong càng thấy toàn là máu, mủ, đờm, dãi, nhớp nhúa. Xét đến năm
tạng, thì toàn là phân và nước tiểu. Bên ngoài đẹp đẽ, bên trong thối không thể
chịu được, có gì khác đâu? Cần gì mình phải chấp trước vào cái thân này chớ!
Người ngu si thì chú ý vẻ đẹp bên ngoài, chấp trước vào cái tướng đẹp đẽ mỹ
miều, rồi ghét bỏ cái tướng xấu xí. Ðây chẳng phải là ngu si sao?
Bởi vì có lòng dâm dục nên mới phát
sinh ra những chuyện ác trên đời. Nếu quý
vị có
thể làm những việc lành, tự mình thanh tịnh, không có hành vi dâm loạn thì đó
tức là chúng thiện phụng hành.
Chỉ có những kẻ vô
cùng si mê mới vừa muốn giữ cái tâm dâm dục lại vừa muốn được khai ngộ. Tư
tưởng này thuộc loại ngu si tột đỉnh, và những người mang tư tưởng này là những
kẻ khó có thể giáo hóa nhất; cho dù bây giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giáng
thế đi chăng nữa thì Ngài cũng không có cách nào làm cho họ đắc Đạo hay chứng
quả vị được cả! Cho nên, hạng người này là ngu dốt nhất, si mê nhất!
Quý vị xem, hạng
người có chút “tiểu trí tiểu huệ” ấy vì không đoạn trừ dâm-tâm nên nói toàn
những chuyện ái dục – anh yêu em, em yêu anh - cứ yêu qua yêu lại như thế rồi
cuối cùng họ thành ma luôn! Thành ma rồi thì sao nữa? “Những loại ma ấy
cũng có đồ chúng.” Chúng ma ấy cũng có
đồ đệ, cũng có kẻ ủng hộ chúng. “Tất cả đều
tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.” Bản
thân loài ma không biết xấu hổ, kẻ nào cũng tự xưng rằng: “Tôi chính là
Phật! Chúng tôi đây đều là những đấng tối cao, vô thượng!” Hễ cái gì là to lớn,
thì chúng xưng chúng là cái đó. Chúng vốn là ma nhưng lại không chịu thừa nhận
mình là ma, mà cứ xưng là Phật. Phật thì cũng có Phật giả mạo vậy. Trên thế
gian này cái gì cũng có giả được cả, cho nên loài ma cũng có thể làm ông Phật
giả. Song le, chúng không chịu nhận chúng là thứ giả. Chúng cho rằng chúng là
thứ thiệt, và cũng là “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên
trời, dưới trời, chỉ mình ta là tôn quý) nữa!
Trước khi nhập diệt,
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: “Hiện nay Ta còn ở tại thế gian thì bè lũ
Ma-vương không dám xuất hiện. Song le, lúc Phật Pháp đang ở vào giai đoạn
tàn lụn - Thời Mạt Pháp, thì sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra
đông đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm.” “Thời Mạt Pháp” chính là thời đại của chúng ta
hiện nay. Vào thời điểm này, loại ma-dân ấy rất đông đúc và chúng đi khắp nơi
nói chuyện dâm dục. Bất luận nam hay nữ, kẻ nào cũng ưa thích dâm dục và đồng
thời cũng muốn thành Phật, muốn được khai ngộ.
Sự khác biệt giữa “phản” (trái) và
“chánh” (phải) – giữa Ma-vương và Bồ-tát - vốn rất vi tế; khác biệt như thế
nào? Bồ-tát thương xót và che chở tất cả chúng sinh với lòng từ-bi, chứ tuyệt
đối không có lòng dâm dục. Trong khi đó, Ma-vương đối với chúng sinh thì cứ đề
xướng “ái”, chuyên môn nói chuyện dâm dục, chú trọng dâm dục; thậm chí chúng
còn nói rằng hễ tâm dâm dục càng nặng bao nhiêu thì khai ngộ được quả vị càng
cao bấy nhiêu, và dùng tà thuyết ấy để hại người.
Bồ-tát thì không có tâm dâm dục, các
ngài đối với tất cả chúng sinh hoàn toàn không có sự phân biệt. Có tâm dâm dục
tức là ma. Không có tâm dâm dục, chỉ đơn thuần xót thương và cứu giúp tất cả
chúng sinh – đó mới chính là cảnh giới của chư Phật và chư Bồ-tát. Ma
thương người là có mưu đồ, có tham dục. Bồ-tát thương người thì không có tham
dục. Không có tham dục tức là không có tâm dâm dục.
Không đoạn trừ tâm dâm dục mà ngày ngày
cũng ngồi Thiền, cũng tu hành, tất quý vị vừa tu hành vừa bị lậu
thoát. Quý vị tu được một phần thì lậu thoát mười phần, tu được mười phần thì
lậu thoát mất một trăm phần. Quý vị muốn ngồi Thiền mà lại không chịu dứt
bỏ dâm-tâm ư? Quý vị vừa muốn ngồi Thiền để được khai ngộ, lại vừa muốn
tìm cầu thứ lạc thú điên đảo ấy, thì chẳng khác nào muốn nấu cát và sạn cho
thành cơm vậy.
Khi không còn dâm-tâm thì sẽ không thấy
có tướng nam tướng nữ, không còn phân biệt giữa mình với người, và cũng không
thấy có tướng chúng-sinh, tướng thọ-giả nữa.
Nếu quý vị quả thật không có tâm dâm
dục, thì quý vị sẽ:
Mắt nhìn hình sắc, trong chẳng có,
Tai vẳng chuyện đời, tâm chẳng hay!
(Nhãn quán hình sắc, nội vô hữu
Nhĩ thính trần sự, tâm bất tri.)
Khi mắt nhìn biết bao hình sắc mà trong lòng chẳng thấy có gì hiện
hữu và tai nghe những âm thanh êm dịu mà tâm trí lại không hay không biết gì
cả, tức là đã có được chút “hỏa hầu.” Tâm phải không dao động, không một ý nghĩ
nào dấy khởi, dục-niệm phải hoàn toàn không còn nữa, thì mới là đúng thật. Nếu
có những lúc quý vị vẫn còn tơ tưởng đến phái nữ, thì vẫn chưa được.
Vì quý vị không thể dừng hẳn
tham và dục, nên sáu căn biến thành lục tặc (sáu kẻ cướp) và sáu thức xuất
hiện. Nếu quý vị không khởi tham dục, thì kẻ cướp, sáu căn không cướp
phá gì được, còn sáu thức không còn là thức phân biệt nữa. Mọi việc đều trở về
cội nguồn của nó và mọi phiền não sẽ tiêu vong. Quý vị nên chú ý vào
chi tiết này. Tất cả là tùy thuộc ở điểm quý vị có tham dục hay
không. Nếu quý vị còn có tham dục thì quý vị chưa tách rời
chính mình ra khỏi ma sự. Nếu quý vị không còn tham dục, thế là quý
vị đã cùng chư Phật chung phần.
"Phú quý bất năng dâm"
nghĩa là giàu sang mà không dâm... Người giàu có, lắm tiền bạc, thế lực
lớn, thường chẳng biết giữ phép tắc, không chịu kiểm soát hành vi của mình, hóa
thành dâm loạn. Tuy nhiên, nếu quí vị cũng ở trong hoàn cảnh giàu
sang, mà không có hành vi dâm loạn, biết giữ quy củ, chất phác thực
thà, thì quí vị không vi phạm luật pháp của thế gian, chẳng phạm tới luật pháp
của cõi trời, cũng chẳng phạm vào luật pháp của địa ngục. Ðó là phú quý bất
năng dâm.
Con người sao lại dâm loạn? Chỉ vì tâm
si mê tác quái. Ngu si tức mê mờ, hồ đồ, u tối nên mới dâm loạn, làm phân tán
tinh lực, thời gian, và đánh mất đi tự tính trân bảo vô giá. Nếu luôn điều phục
thân, thì không phạm tội giết hại, trộm cắp, tà dâm. Muốn không phạm ba nghiệp
ấy thì trước hết phải diệt trừ tham sân si. Tâm như sóng biển ba đào; hết gợn
này rồi lại đến gợn khác. Vọng tưởng này vừa đi thì vọng tưởng kia lại tới. Vọng
tâm tuy không thiệt, nhưng rất khó điều phục. Điều phục tâm tức là rèn luyện
tâm vọng này cho đến khi nó như đứa bé ngoan ngoãn.
Hành dâm là điều cấm tuyệt đối với
người xuất gia, còn đối với các đệ tử Phật tại gia thì việc tà dâm chỉ cấm nếu
không phải là giữa vợ chồng. Ngoài ra, tư tưởng dâm dục cũng phải giới hạn,
không thể nào cứ từ sáng đến tối hồ tư loạn tưởng, suốt ngày để cho tư tưởng
dâm dục ám ảnh cho đến bạc cả tóc, rụng cả răng! Có biết đâu, tới kiếp sau
những tư tưởng đó vẫn còn theo đuổi, rồi kiếp kế tiếp măi măi không thôi, đúng
là "vì dâm dục mà sinh, vì dâm dục mà tử".
Nếu biết giữ giới không sát sinh, không
trộm cắp và chủ yếu là không tà dâm. Khi không tà dâm thì bảo bối nơi thân mình
không biết tiêu hao mất. Bảo bối này, tôi tin rằng quý vị đều biết rõ. Bởi vậy,
trọng yếu là ở “Trì giới luật.” Căn bản của sinh mạng chúng ta là
vật gì, tôi không cần phải nhiều lời. Nếu mình có thể trì giới không tà dâm,
thì tự nhiên sẽ có quang minh sáng lạng, kiên cố hơn kim cương.
Tôi xin nói thật cho quý vị nghe: bất
luận là nam hay nữ, hễ nam nghĩ đến nữ hay nữ nghĩ đến nam, đó gọi là lậu.
Nếu ý nghĩ (nam nữ) không đoạn thì quý vị không đắc được lậu tận thông.
Lại nói sâu hơn một chút cho các vị
nghe, nói thực cho các vị biết, vì rằng nếu không nói thật, cứ che đậy úp mở
thì biết bao giờ các vị mới hiểu sự thật bên trong? Nói thật thì: Nếu các vị
không để mất tinh thì gọi là lậu tận. Nếu tinh mất thì gọi là
lậu. Không những tinh không mất mà ngay cả tư tưởng ý niệm (dâm dục) cũng phải
không có. Khi ý niệm vi tế nhỏ nhiệm về dâm dục không có nữa thì mới lậu tận.
Hiện tại các vị đã hiểu chưa? Vì sao thiên ma không lậu tận? Vì chúng có tâm
dâm dục. Quỷ thần cũng có tâm dâm dục.
Thế nào là trần lao? Chính là sự dâm
dục. Trần lao chính là dâm dục mà dâm dục chính là trần lao. Vì thiên ma tham
luyến sự dâm dục nên chúng không muốn quý vị buông bỏ việc dâm dục. Chúng khiến
quý vị tham luyến. Chúng nói: "Chúng ta là bạn tốt. Tôi không buông bỏ
chuyện dâm dục, nhưng anh muốn từ khước, buông bỏ việc này sao? Không thể
được!" Vì thế tụi nó tới tìm quý vị. Ðể làm gì? Nói toạc ra, là vì chúng
không thể để quý vị giải thoát khỏi thế giới này.
Nếu quý vị tu hành có được
định lực thì yêu ma quỷ quái đều muốn ăn thịt quý vị cho bằng được.
Nhưng không phải là ăn thịt quý vị đâu! Tôi sẽ hết sức chân thực
trình bày cho quý vị được rõ chẳng giữ lại điều gì. Ðiều gì thực sự
sẽ xảy ra? Chỉ vì quý vị không nghĩ đến dâm dục, tinh đầy đủ, khí đầy
đủ, thần đầy đủ, nên bọn chúng thấy rằng lúc này quý vị có
nhiều của báu. Chúng nói: "Ta nhất định tới đoạt bảo bối của
mày!" Thế là bọn kéo lại phá hoại quý vị. Nguyên nhân là chúng muốn
đoạt bảo bối! Nếu quý vị nam có bạn gái và quý vị nữ có bạn
trai, thì những người ấy cũng sẽ cướp đi của báu trân quý của quý
vị vậy. Quý vị thử nghĩ có điều gì khác sẽ xảy ra?
Một số người trong chúng ta hiện nay,
tâm dâm dục nặng hơn tâm học Phật Pháp. Những người đó không hề nghĩ
rằng: “Hằng ngày tôi đều nghiên cứu Phật Pháp, không ngừng tìm tòi học hỏi. Ngủ
không được thì tôi nghiên cứu Phật Pháp; lúc thức dậy thì tôi càng nên học hỏi
Phật Pháp nhiều hơn nữa!” Họ không nghĩ như thế! Trằn trọc, ngủ không được, họ
lại sinh tâm dâm dục, cứ thấy rằng nghiên cứu Phật Pháp chẳng ý vị gì
cả. Một khi dâm tâm dấy khởi, họ cảm thấy đó là điều vô cùng thích
thú kỳ diệu, và đó là một thứ vô minh đang chi phối họ đến tâm thần điên đảo,
mê muội!
Quý vị, bất luận là nam hay nữ, nếu tâm
dâm dục quá lớn mạnh, sung mãn, thì quý vị có thể ngày ngày chí thành khẩn
thiết xin từ bỏ, lâu dần dâm tâm sẽ bị tiêu diệt, tà tri tà kiến cũng bị trừ
khử!
Quý vị chớ có lấy làm kinh ngạc khi
thấy tôi nói hết ra một cách trắng trợn như vậy, bởi vì thiên kinh vạn quyển,
ba tạng mười hai phần kinh, đến tận cùng thì cũng chỉ nói tới vấn đề này thôi.
Nếu chẳng có vấn đề "dục," thì kinh điển gì cũng chẳng cần thiết, mọi
thứ pháp đều "không," mọi thứ pháp đều "như." Bởi vì có vấn
đề đó, chúng ta mới phải tu. Nếu quý vị chẳng thể nào bỏ ái và đoạn dục, thì dù
có xuất gia tu đến tám vạn đại kiếp, cũng uổng phí công phu, hoài ngày tháng, ở
trong chốn đạo ăn cơm chùa mà tạo nghiệp. Nếu chấm dứt ái dục, trừ dâm tâm, mới
thực sự hết tâm tham, không có tham ắt không có phiền não. Vậy tới khi nào thì
bỏ được tâm tham đây? Tất nhiên phải phá được vô minh, mới đoạn trừ tâm tham
được. Lý do các vị Bồ-tát tu hành dũng mãnh và tinh tấn, chính là để phá trừ
một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân, tới khi chứng được quả vị Ðẳng
giác thì mới đem hết vô minh diệt trừ để chứng quả vị Phật. Tâm tham là một
trong ba độc rất khó đoạn trừ. Chúng ta lúc mới phát tâm tu hành, thì cái làm
chướng ngại sự dụng công của chúng ta chính là tâm tham dâm, nam thì ham nữ, nữ
thì ham nam, một vấn đề căn bản. Ai chẳng muốn trừ tâm tham dâm mà lại mong
thành Phật đạo, thì chẳng khác gì lấy cát nấu lên để làm cơm ăn, một chuyện
không thể xảy ra được.
Lửa vô minh rút cuộc là gì? Nói một
cách rất đơn giản, rất gọn gàng thì nó chính là tâm dâm dục của tình tham ái
nam nữ. Loại tâm niệm đó mà khởi động, thì không ai nói giỏi được, không có
pháp nào mà chế ngự nó. Cho nên biết bao nhiêu người bị vướng trong cảnh hồ đồ,
tạo ra những việc hồ đồ, có thể nói rằng một lần sai sẩy, tức thành cái hận
thiên thu, không phương cách nào cứu vãn. Khi hai phái nam nữ đương trong thời
kỳ luyến ái, nếu như ai có hỏi họ, tại sao lại thương anh ấy? Tại sao thương
chị ấy, chắc chắn họ sẽ hồi đáp: "Không biết tại sao." Ðó là tại vô
minh. Rất mong các vị xuất gia đều có thể dứt được ái, trừ được dục, tu trì thì
dụng công, xin cố gắng!
Chùa Kim Sơn có một thầy chẳng dám uống
sữa. Bởi vì sau khi uống sữa thì lòng dâm dục nổi lên, không sao kềm chế được;
do đó thầy chẳng uống sữa. Chúng ta ăn uống là để duy trì sinh mạng, lấy vật
thực làm thuốc men. Không ăn thì chết đói, nên ăn để duy trì sự sống chứ chẳng
phải chúng ta cần ăn các thức bổ dưỡng để nuôi thân. Khi thức ăn quá bổ béo thì
rắc rối lắm đấy.
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Phi
tinh phú nhân, diễn thuyết kinh, pháp” là nói đến bọn yêu mỵ, ma quái này
có thể bay tới nhập vào thân quý vị, chúng làm quý vị có năng lực giảng
thuyết kinh pháp (mặt khác, quý vị lại phá giới; lén lút hành dâm). Do đó, quý
vị cần phải hiểu rõ, đừng nhìn biểu hiện múa may, động đậy, nhảy nhót rồi
cho là mầu nhiệm, là hay ho, đúng đắn!
Không Truy Cầu: Không truy cầu thì sẽ
không khởi ý niệm dâm dục. Dâm dục là do mình có mong cầu. Con gái mong con
trai, con trai mong cầu bạn gái, đó là thứ truy cầu kẻ đối phương. Không những
chỉ cầu thôi mà còn truy, theo đuổi nữa, giống như cái khoan, cứ nhắm về phía
trước mà khoan. Nếu không có sở cầu, thì làm sao còn ý niệm tà dâm? Một chàng
trai tuấn tú, một cô gái xinh xắn chỉ là hai bị thịt hôi hám không hơn không
kém mà thôi. Tại sao tham luyến chứ? Nếu không có sở cầu thì mình không sao
phạm giới dâm này.
"Dã dung hối dâm" có
nghĩa là chải chuốt hình dáng là khiến kẻ khác sinh lòng dâm. Ví dụ như người
con gái bôi phấn thoa son, trang điểm thật lộng lẫy, đây chính là khêu gợi,
khiến người khác trông thấy liền sinh lòng tà vạy. Thế nên người nữ tốt nhất là
để dung mạo tự nhiên, không cần phải tô son điểm phấn. Nếu bôi son trét phấn
vào môi vào má hồng hồng đỏ đỏ, cho rằng làm như vậy rất có ý nghĩa, song thật
ra thì chẳng có ý nghĩa gì cả, mà chỉ là thể hiện sự điên đảo của chúng sinh - sự
điên đảo của chúng sinh chính là ở điểm này vậy!
Người tâm nhiều tham luyến, tham luyến
cái gì? Chính là tham đắm dâm dục. Người tham đắm dâm dục, phải có phương
cách để ngăn chặn “dâm”. Phương cách đó như thế nào? Chính là quán thân bất
tịnh. Nam, nữ diện mạo có xinh đẹp cách mấy cũng đều là bất tịnh; đã là
bất tịnh, thì làm sao có thể tham luyến? Nên mới nói “chúng sinh nhiều
tham luyến phải quán bất tịnh”. Biết nó là bất tịnh, nên không tham đắm;
không tham đắm, thì sẽ không có tâm dâm dục mạnh mẽ như thế!
Nói rõ một chút, quý vị không giữ gìn
được tinh, khí, thần của mình đều gọi là “lậu”. Người nữ mỗi tháng đều có kinh
nguyệt, đây cũng gọi là lậu. Căn nguyên chính ở chỗ nam nữ không dừng được tâm
dâm dục, gọi đây là “lậu” lớn nhất. Lậu có rất nhiều như thế!
Người có tâm dâm dục, nhưng không cần
sợ, ông xem Hỏa Ðầu Kim Cang trong Kinh Lăng Nghiêm, lòng dâm dục
của ông ta vốn rất nặng, nhưng sau đó ông có thể dụng công phu biến lửa dâm dục
thành lửa trí huệ mà làm Hỏa Ðầu Kim Cang. Cho nên nói dâm dục vốn là nhân của
tịnh tính. Nếu ông có một niệm chánh, đó là nhân của tịnh tính. Nếu ông chứa
chấp một niệm tà thì sẽ không thanh tịnh, cho nên không phải đoạn trừ tính dâm
dục, mà biến dâm dục thành tịnh tính. Dâm tính vốn không thanh
tịnh, nhưng cần biến nó thành tịnh tính – chánh tri chánh kiến. Ðấy mới là
đúng! Cho nên nói: Tính dâm tức là tịnh tính thân, trừ dâm thì được
Pháp thân thanh tịnh.
"Dâm tâm bất trừ, Trần bất
khả xuất."
Nghĩa là:
"Lòng dâm không dứt, Trần gian chẳng thoát."
Chỉ hai câu này thôi cũng đủ chứng minh bộ Kinh này hàm chứa diệu
lý chơn thật, xác quyết của chư Phật nói ra: "Nếu không trừ được lòng dâm
dục, thì không thể ra khỏi được Tam Giới." Cũng có thể nói rằng: Nếu không
đoạn dục, khứ ái, thì căn bản không thể nào chứng quả được! Trong Kinh Lăng
Nghiêm còn dạy rằng:
"Nhược bất đoạn dâm,
Tu Thiền Ðịnh giả,
Như chưng sa thạch,
Dục kỳ thành phạn,
Vô hữu thị xứ."
Nghĩa là:
"Không dứt lòng dâm,
Mà tu Thiền Ðịnh,
Cũng như nấu cát,
Rồi mong thành cơm,
Thật chẳng thể được."
Bởi vì có vô minh, thành ra thứ gì cũng
không hiểu thấu, chỉ biết ái. Từ sáng đến tối chỉ nghĩ đến thứ này: đó là nghĩ
đến sự dâm dục và ái dục. A! Chẳng thể buông bỏ dù chỉ trong chốc lát. Nếu các
ông chú tâm, thích thú tham cứu Phật Pháp cũng như khi say mê ái dục vậy thì sẽ
thành Phật rất chóng. Nhưng tiếc thay các ông không thể chuyển đổi ý thích dục
lạc thành ý thích Phật Pháp. Do vậy, càng học Phật Pháp, càng thấy vô vị. Rằng:
“Tật xấu của tôi nhiều như thế đó, Phật Pháp đều nói toạc ra cả. Ôi! Thật là
tôi không muốn học chút nào. Phật Pháp kêu gọi tôi thay đổi tâp khí, làm sao mà
tôi có thể làm được điều ấy?” Đó là một ví dụ về si ái.
Vô minh khiến cho kẻ phàm phu chỉ biết
dụng công vào mấy thứ tình dục. Họ nghĩ rằng chuyện tình ái ở thế gian là thật,
cho nên họ không thể xa rời và cũng không nỡ buông bỏ nó. Do đó họ gắn bó với
lục thân quyến thuộc một cách rối ren mà buông xả không đành. Rồi họ tạo ra
biết bao thiện ác lẫn lộn, họ cũng không phân biệt được giữa ô nhiễm và thanh
tịnh. Đời đời kiếp kiếp, họ cứ quay quanh trong vòng sinh tử luân hồi, vĩnh
viễn không bao giờ ngừng. Cho nên nói vô minh là căn bản của sinh tử.
Người tu hành không có mấy thứ rắc rối đó đè nặng trong tâm, cho
nên họ dễ được thanh tịnh, giải thoát và hết sinh tử. Nếu không cắt đứt vô
minh, chúng ta vĩnh viễn sẽ bị nó chi phối, để rồi xuống địa ngục, chạy lên núi
đao, hay là vào chảo dầu sôi. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ hối hận là lúc đầu sao
mình không chịu tu hành tinh tấn. Nhưng rất tiếc là đã không còn kịp nữa.
Nếu
quý vị cắt đứt ái dục, thì sự linh ứng đã phi thường rồi; nếu quý vị chưa đoạn
được ái dục, thì dù có tụng kinh đến mười ngàn lần cũng không công hiệu!
Lúc chưa giác ngộ, thấy thứ gì đều cho
là thiệt, nhất là đối với tài sắc danh thực thùy (tiền tài, sắc dục, danh vọng,
ăn uống, ngủ nghỉ), thứ gì cũng tham luyến, không xả bỏ được. Nếu là giác ngộ,
thì mọi thứ sẽ thành hư ngụy, như hình bông hoa trong gương, bóng mặt trăng
dưới nước, tất cả đều là ảo ảnh, chẳng phải chân thiệt.
Quý vị ngồi Thiền tới một trình độ kha
khá thì sẽ có ma tới thử thách xem Ðạo-lực của quý vị ra sao. Có khi chúng hóa
hiện làm kẻ nam hay người nữ với dáng mạo đẹp đẽ để dụ dỗ-nếu tâm bất động thì
quý vị vượt qua được thử thách, nếu động tâm thì quý vị sẽ đọa lạc. Ðây là điều
vô cùng quan trọng, quý vị hãy nhớ cho kỹ! Hễ sẩy chân lỡ bước là ôm hận ngàn
đời!
Người tu hành phải tu làm sao để dẹp bỏ
"cái tôi" (ngã tướng). Nếu không còn "cái tôi" thì chuyện
gì cũng nhẫn nại, cam chịu được. Cảnh giới có tới, quý vị cũng chẳng động tâm.
Hãy xem mình như hư không. Cảnh vừa lòng tới, cũng cứ tu hành. Cảnh nghịch ý
tới, cũng cứ tu hành. Nói cách khác, gặp cảnh vừa lòng cũng đừng sinh tâm hoan
hỷ vui mừng, gặp cảnh trái ý cũng chớ lo âu sầu muộn. Bất luận là thuận hay
nghịch, đều phải nhận thức cho rõ ràng. Nếu quý vị có thể "như như bất
động" (không khởi tình cảm, vọng tưởng hay chấp trước), thì sẽ không bị
cảnh giới làm cho lay chuyển. Nếu lúc nào cũng "liễu liễu thường
minh" (sáng suốt chiếu soi nhân quả mọi sự), thì sẽ xoay chuyển được cảnh
giới.
Tình ái cũng là bệnh và bệnh nặng nhất
chính là dục niệm. Khi dứt sạch lậu thì hết dục niệm, hết các ý nghĩ dâm dục,
hết sự khát khao, vọng tưởng, niệm gì cũng không còn.
Trí tuệ chính là không ngu si, không
làm những việc mê muội. Việc mê muội có rất nhiều rất nhiều. Ðó chính là những
việc vốn không nên làm mà quý vị vẫn làm, nghiêm trọng nhứt là tâm dâm dục, vốn
không nên làm, nhưng vì mê muội đến, cứ làm theo ý mình, buông lung theo dục
tình. Phàm phu chỉ thích làm những việc mê muội mà không chịu tu Phật pháp.
Không làm việc ngu si chính là trí tuệ. Quý vị không tu trí tuệ, chính là phàm
phu; nếu tu trí tuệ – tức đoạn dục khử ái, thì thân mình và Phật
giống nhau.
Cái gì gọi là giác ngộ? Tức giác ngộ
tình dục là những thứ nguy hại, làm tổn thương đến thân thể và khiến cho quý vị
ngu si. Một niệm dục chính là một niệm ngu si, niệm niệm dục chính là
niệm niệm ngu si, cho nên nói: "Nghiệp hết tình không là chân Phật,
nghiệp nặng tình mê là chúng sinh." Phải buông bỏ những tâm niệm ô nhiễm,
ngoài cách này ra không còn cách nào hết. Tâm niệm ô nhiễm chính là dục niệm,
nói rõ hơn, chính là niệm dâm dục. Nếu thân làm những niệm dâm dục này, chính
là thân nghiệp không thanh tịnh. Nếu miệng nói việc ỷ ngữ, thì khẩu nghiệp
không thanh tịnh. Nếu tâm thường nghĩ đến việc dâm dục, thì ý nghiệp không
thanh tịnh. Nếu thân khẩu ý đều không phạm, thì ngày thành Phật không xa. Người
đời thường đi ngược với sự giác ngộ, hiệp với trần lao. Hiệp với trần gì? Chính
là hiệp với những thứ trần ô nhiễm không thanh tịnh. Nếu một khi quý vị rơi vào
lưới dục tình thì sẽ bị ô nhiễm. Nếu ly khai tình dục, mới có thể rời xa ô
nhiễm. Cho nên nói: quay lưng với trần lao chính là hiệp với sự giác ngộ, quay
lưng với giác ngộ chính là lăn lộn trong trần lao. Nếu quý vị ô nhiễm thì không
được thanh tịnh, không được thanh tịnh thì không thể thành Phật.
Nếu quý vị phóng túng theo ái dục, chạy
theo tình ái, thì càng ngày càng lún sâu, mê mờ càng ngày càng tăng. Nếu quay
đầu, tức là Niết bàn, và cũng là bỉ ngạn. Nếu không quay đầu, thì mê lầm càng
ngày càng sâu càng đậm. Tuy mê mờ sâu đậm, nhưng nếu biết quay mình, đó chính
là đốn ngộ.
Người ta ở đời, nếu không chấp trước
danh vọng thì cũng ôm chặt lợi lộc, không chấp trước tiền tài, thì lại mê đắm
sắc đẹp, do đó không thể nhìn thủng (hiện tượng), chẳng thể buông bỏ (mọi chấp
trước). Muốn nhìn thủng, muốn buông bỏ, song lại chẳng được. Vì sao chẳng kham?
Bởi vì trong tâm có "con quỷ" tinh tế và "con sâu" linh lợi
tác quái, do đó rất nhiều việc mình để lỡ cơ hội, đối diện với bồ tát mà chẳng
nhận ra Ngài. Bồ-tát ở ngay trước mặt, thế mà cứ đi tìm kiếm khắp nơi. Ðó chính
là bị điên đảo vọng tưởng chi phối vậy.
Tà-sư khi nói chuyện thì chuyên môn có
tâm phan-duyên và giảng toàn những điều sai trái, không đúng đắn. Chẳng hạn như
dâm dục là không đúng, thì họ lại tán dương: “Đúng! Đó là pháp môn kỳ diệu
nhất,” khiến cho người ta bị rối trí, mê muội, không thể tìm thấy chân lý. Lấy
phải làm trái, đúng nói không đúng, không đúng nói đúng - những kẻ như thế gọi
là tà sư. Đầu óc họ đầy dẫy những tà tri tà kiến; cái biết và cái thấy của họ
đều không chánh đáng – cái gì “chánh” thì họ nói là không đúng, còn cái gì “tà”
thì họ lại bảo là hay nhất!
Tà-sư khi nói pháp thì chuyên môn nói
về chuyện dâm dục, và những điều họ nói đều không đúng với đạo lý - về điểm
này, mọi người cần phải biết phân biệt cho rõ ràng. Vì biết rằng tất cả chúng sinh
đều có dục niệm rất nặng nề, cho nên ngay từ lúc mới bắt đầu giáo hoá họ, không
đòi hỏi họ phải đoạn tuyệt lòng ái-dục (hay tâm dâm dục) liền, mà chỉ dùng vô
số pháp môn phương tiện để làm cho họ tự có cái nhìn thấu đáo về dâm dục, rồi
tự ý đình chỉ cái tâm ấy. Đó là cảnh giới của bậc Bồ-tát, hoàn toàn khác hẳn
với cảnh giới của hàng tà-sư ngoại đạo; vì vậy, mọi người cần phải hiểu cho
tường tận điểm này.
Người chứng được sơ quả, mắt thấy sắc
nhưng chuyển được sắc trần, tai nghe âm thanh nhưng chuyển được thanh trần, và
cũng như vậy đối với các căn khác. Câu nói "bất nhập thanh hương vị xúc
pháp" là nghĩa không hề bị một trần nào dao động. Lúc đó, danh không lay
chuyển được, lợi không lay chuyển được; đối với hết thẩy mọi thứ, lòng không bị
động, cũng như ý nghĩa câu: "Nhãn quan hình sắc nội vô hữu, nhĩ thính trần
sự tâm bất tri," tức là mắt nhìn hình sắc nhưng bên trong không có gì, tai
nghe chuyện mà tâm không hay biết. Có câu: "Na-già thường tại định, vô hữu
bất định thời", không có lúc nào mà ngoại vật làm cho tâm dao động, không
có khắc nào bị mê hoặc trước ngoại cảnh.
Nói từ gốc rễ thì đạo là con đường dẫn
tới liễu sinh thoát tử. Tu đạo là khép cánh cửa sinh tử. Cửa sinh tử là gì?
Chính là dục niệm. Mang tâm dâm dục là mở cửa sinh tử, đoạn trừ tâm dâm dục là
khép cửa sinh tử. Hạng người thượng đẳng khi nghe qua đạo này bèn nghĩ rằng:
"A! Vốn nó là như vậy!" Do đó cảm thấy mà làm theo, để trở về nguồn
cội, quay chiếu lại mình, xoay lưng với trần cảnh mà hướng về giác ngộ (bội
trần hiệp giác), và dụng công tu đạo. Từ sáng đến tối ở đó tu hành, như tình
trạng gà ấp trứng, như rồng nuôi ngọc, như mèo rình chuột, tập trung tinh thần
để dụng công. Chỉ một lòng tu đạo, không còn vọng niệm gì khác.
Người tu đạo, thứ nhất phải phá được
cánh cửa sắc dục. Nếu không phá được nó thì không có hy vọng tu tập thành công.
Cả ngày mà đầu óc hồ đồ, tâm điên đảo, cũng không thành công. Cho nên tôi thực
thà nhắn quý vị là chúng ta phải hàng phục cái tâm này. Hàng phục tâm chính là
dứt cái niệm dâm dục. Nếu không đoạn trừ được nó thì dù tu cho đến muôn đời cũng
chẳng khác gì nấu cát để hòng có cơm ăn, xưa nay chẳng có chuyện đó bao giờ.
Các vị có muốn tu thành quả thánh vô
lậu không? Ðoạn dục cắt ái, thanh tâm quả dục, thì còn có chút hy vọng, nếu
không, không hy vọng gì, tốt hơn là mau mau hoàn tục kẻo lãng phí thời gian!
Ai tu Ðạo rồi thì gặp nghịch cảnh hay
thuận cảnh trong tâm cũng không động. Nếu định lực tới trình độ đó, thì sẽ
không còn bị cảnh lay chuyển, mà ngược lại có thể chuyển cảnh. Ðó mới là công
phu chân chánh của người tu Ðạo. Lại có câu:
Thái sơn băng tiền nhi bất kinh
Mỹ sắc đương tiền nhi bất động.
Tạm dịch:
Thái Sơn sụp đổ mà không sợ
Sắc đẹp trước mắt tâm không động.
Người con trai đứng trước người đẹp như Tây Thi chẳng hạn, nếu theo
phép quán "sọ đầu lâu", tự nhiên sẽ hết động tâm.Người con gái khi
gặp một chàng trai anh tuấn như Phan An năm xưa, nếu theo phép quán "xương
trắng", cũng chẳng động tâm. Nếu không có pháp đó thì mỗi khi gặp gái đẹp,
trai anh tuấn, cái tâm liền chạy lăng xăng, như vượn leo, như ngựa chạy, không
biết như thế nào mới đúng. Chỉ vì không đủ định lực, thành thử uổng phí mất Ðạo
nghiệp, thật đáng tiếc biết bao!
Hàng ngày tôi giảng kinh thuyết pháp
cho các quý vị, điều khẩn yếu vẫn phải nhấn mạnh về đoạn trừ các niệm dâm. Kinh
Lăng Nghiêm nói: "Lòng dâm không trừ, thì không ra khỏi cõi
trần." Nhất định phải trừ các niệm về dâm dục, mới mong lìa khỏi
cảnh hồng trần, cho nên có câu: "Lòng dâm không đoạn, nấu cát ra cơm,
chẳng thể có việc này." Quý vị! Người tu hành không giống người trong thế
tục. Cái gì người đời tham, ái, mê, thích thì chúng ta cần phải diệt trừ. Có câu
nói:"Thoát trần ly tục," nghĩa là hết thảy các thứ từ lời
nói đến tư tưởng, người tu và người tục không giống nhau. Ðiểm này quý vị phải
chú ý, không thể bị nhiễm ô theo giòng thế tục.
Nói với học sinh:
Khi vào đại học, các em hãy đào sâu đạo
đức nhân bản, hun đúc cho mình một cá tính chững chạc. Đấy không phải rằng các
em cần đeo đuổi chuyện yêu đương lãng mạn. Khi chưa trưởng thành, mà mình đã
học về “giáo dục ái tình” ở trường, thì thử hỏi thứ giáo dục ấy dẫn mình đi về
đâu? Khi còn vị thành niên, các em không nên tùy tiện nói chuyện yêu đương, hay
làm chuyện loạn luân giữa nam nữ. Nếu ta quan niệm rằng “trai không bạn gái là
quái vật, gái không bạn trai là cù lần”, thì quả thật thế giới chúng ta đang
sống nguy ngập tệ hại lắm!
Tại sao tôi nói nền giáo dục ở khắp thế
giới gần kề sự phá sản toàn diện? Là vì giới trẻ bị “gặt” trước khi chúng chín
mùi. Là vì người ta đã dạy chuyện nam nữ ái tình cho giới trẻ quá sớm. Việc này
khác chi lúa chưa chín mà ta vội gặp. Khi lúa mới trổ bông mà ta đã gặt, thì
mùa ấy sẽ thất. Nếu mầm mới lú mà ta vội ngắt, thì cuối mùa, chẳng có gì để
gặt.
Lao đầu vào chuyện yêu đương tình ái
lúc mình chưa trưởng thành chững chạc thì cũng hệt vậy (lúa chưa chín mà vội
ngắt). Và dù rằng đây là việc tệ hại nhất, người ta ai cũng cho việc trai gái
hẹn hò, yêu đương lãng mạn là việc hợp thời, đúng mốt nhất. Thật là quan niệm
điên đảo về tình yêu. Đáng buồn thay!
Truyền hình dạy chúng ta trộm cắp, hành
hung, đốt phá, và dâm loạn: đó là những thói hư tật xấu mà truyền hình dạy.
Hỏi: Giới Luật nhà Phật thật vô cùng nghiêm khắc. Như Hòa Thượng
nói là "không được tà dâm, không nên có tâm tham đắm sắc dục giữa nam
nữ," ắt hẳn sẽ có người phản đối: "Như thế là không hợp nhân
đạo!" Xin Hòa Thượng khai thị cho.
Ðáp: Muốn học làm Phật thì chẳng thể vừa lòng người được. Quý
vị muốn học làm người thì phải học làm người tốt. Tóm lại, quý
vị muốn tu hành thì phải như thế!
Hỏi: Dùng cách gì để khống chế, khắc phục lòng dâm dục, sợ hãi và
hoài nghi?
Ðáp: Ðừng ăn thịt, đừng ăn hành, đừng ăn tỏi, đừng ăn những thức
có tính chất kích thích; và hãy quán tưởng: "Tất cả người nam là cha
tôi, tất cả người nữ là mẹ tôi"; được như vậy thì lòng dâm dục sẽ
chẳng thể nảy sinh.
Do có ưu sầu nên có sợ hãi. Không có ưu sầu thì không có sợ hãi.
Không có lòng ích kỷ thì cũng không có sợ hãi. Hễ không tranh, không
tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối, thì tự nhiên
không cần phải sợ sệt gì cả!
Vì sao có lòng hoài nghi? Bởi chẳng có tín tâm! Bán tín bán nghi
nên mới đâm ra ngờ vực:
Tín vi Ðạo nguyên công đức mẫu.
Nghĩa là:
Ðức tin là nguồn đạo, là mẹ của mọi công đức.
Tin tưởng ở trí huệ bản hữu của tất cả chúng sinh; đó tức là không
hoài nghi.
Tụng rằng:
Ngày ngày luôn nói thật,
Chẳng sợ bị chửi, đánh,
Giết ta, ta chẳng sợ,
Giải thoát, nào quái ngại!
"Ngày ngày luôn nói thật." Mọi ngày đều nên
nói lời chân thật, đừng dối trá.
"Chẳng sợ bị chửi, đánh." Hãy
thẳng thắn mà nói lời chân thật. Dù bị đánh bị mắng, quý vị vẫn cứ nói
thật.
"Giết ta, ta chẳng sợ." Cho dù
có kẻ giết quý vị, quý vị cũng đừng sợ sệt. Sợ gì chứ?
"Giải thoát, nào quái ngại!" Ðược
chân chánh giải thoát thì có gì mà quái ngại, có gì mà phải sợ hãi chứ?
Hỏi: Chúng tôi phải làm thế nào để khôi phục bổn-tính của mình?
Ðáp: Việc này thì rất dễ, song le, cũng rất khó. Muốn khôi phục
trí huệ quang minh của bổn tính thì trước nhất là phải giảm bớt dục niệm, tức
là cần phải quả dục. Dục vọng mà giảm bớt thì trí huệ liền hiện
tiền. Dục vọng mà dẫy đầy thì trí huệ chân chánh không thể hiện tiền được.
Cho nên, "lọc tâm, ít dục; giảm dục, biết đủ" chính
là bước đầu tiên của việc tu Ðạo. Nếu quý vị có thể thanh lọc tâm trí,
giảm bớt dục vọng, thì trí huệ quang minh bản hữu của quý vị sẽ xuất hiện.
Hỏi: Nhà Phật nói "Sáu Căn thanh tịnh" là nghĩa gì?
Ðáp: "Sáu Căn thanh tịnh" tức là: Mắt nhìn
thấy hình sắc nhưng không bị sắc-trần làm giao động, tai nghe
âm thanh nhưng không bị thanh-trần làm giao động,mũi ngửi
mùi hương nhưng không bị hương-trần làm giao động, lưỡi nếm
mùi vị nhưng không bị vị-trần làm giao động, thân không
bị xúc-trần làm giao động, vàý cũng không bị pháp-trần làm
giao động, không bị cảnh giới làm lay chuyển tức là Tam-Muội, cũng
gọi là Ðịnh.
Ðịnh không hẳn là phải ngồi Thiền mới có; mà đi, đứng, nằm, ngồi,
đều có thể ở trong Ðịnh. Người ở trong Ðịnh không phải như khúc gỗ hay bùn đất,
cái gì cũng không biết; mà trái lại, kẻ có Ðịnh thì hiểu biết mọi thứ nhưng
không bị chúng làm lay chuyển. Ðó chính là "người có thể chuyển hoàn
cảnh, chứ không để hoàn cảnh lay chuyển người" vậy!
Hỏi: Phật-tính xưa nay gốc
thanh tịnh, vậy vô-minh từ đâu ra?
Ðáp: Vô-minh từ nơi ái tình
mà ra. Vô minh chính là một tên khác của ngu si.
Hỏi: Làm sao để loại bỏ dâm dục ?
Đáp: Nếu đừng nghĩ tới, thì sẽ loại bỏ được. Nếu cứ liên tục nghĩ đến,
thì làm sao bỏ được? Ngay khi những niệm này vừa khởi lên, phải biết rõ nó. Một
khi biết rõ, thì nó biến mất.
Hỏi: Bạch Hòa Thượng, có một số những người mẹ không hôn thú đang
gây ra nhiều vấn nạn xã hội, rồi sau đó là có việc phá thai... Con tự hỏi Hòa
Thượng có ý kiến hay đề nghị gì về vấn đề này.
Đáp: Quý vị đang đề cập về những bà mẹ độc thân. Khổ thay, những người
này đã đánh mất nhân phẩm, vì thế họ không tôn trọng những luật lệ trước khi
lập gia đình. Ngày nay, những người trẻ thích khiêu vũ, xem phim ảnh, và ca
hát. Họ hưởng thụ ăn uống, vui chơi và tìm khoái lạc. Những đam mê và hành vi
dẫn đến sự mất nhân phẩm, đến độ họ không còn ý thức việc họ là con người. Là
người, phải có hành vi của người, nhưng họ lại giống như ma quỉ - lén lút không
tôn trọng luật lệ, muốn thử hết trước khi lập gia đình... và vì thế, họ có
thai. Những chuyện như thế này có thể không có gì quan trọng ở phương Tây,
nhưng ở phương Đông thì thật xấu hổ.
Vấn đề này xảy ra do chỉ do một niệm vô minh: Nam theo đuổi
nữ, nữ tìm kiếm nam... Bởi vì vô minh, nên hành nghiệp theo sau, sau khi hành
nghiệp tạo tác thì có danh sắc, lục nhập, xúc, và thọ hiện hữu…, tất cả những
thứ này đều tạo tác bởi vô minh. Do mê mờ, tình ái khởi sinh, tiếp theo là dục
vọng muốn nắm bắt (thủ và hữu), và sau đó là nhiều vấn đề khác xuất hiện… cho
đến khi già chết (lão, tử) đến. Toàn bộ chuỗi biến cố này được gọi là Pháp Mười
Hai Nhân Duyên.
Vì người đời không hiểu Mười Hai Nhân Duyên nên, họ làm những việc
trái với đạo lý. Vì vậy vấn nạn của họ càng ngày càng lớn. Cho đến lúc họ mang
thai, sự việc càng trở nên rắc rối hơn khi thay vì dưỡng thai bào để sinh
nở, họ lại phá hủy bào thai lúc thai từ một đến bốn tháng tuổi.
Tội phá thai rất nặng. Quý vị có thể nghĩ chúng chỉ là con ma bé
nhỏ, nhưng những con ma này có những năng lực tâm linh to lớn có thể làm quý vị
chết hay mang những tật bệnh kỳ lạ, làm cho quý vị nói năng lảm nhảm và lẫn lộn
đầu óc đến khi điên dại... Tội phá thai còn nặng hơn tội giết người
lớn. Nếu quý vị không muốn có con, tại sao lại gây ra việc thụ thai? Tại sao
rắc rối như thế? Khổ thay, đàn ông và đàn bà không hiểu đạo lý làm người
nên những vấn đề này mới xảy ra.
Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần cung cấp giáo dục về
tình dục cho những người trẻ, và dạy họ đừng dính mắc vào tình ái cho đến khi
khôn lớn trưởng thành; nếu không, họ sẽ gặp những vấn nạn khó khăn. Chúng ta
phải thúc đẩy mạnh mẽ để họ tuân theo những quy tắc này.
Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng
đừng để tình ái xen vào.
Trong nghiệp sinh tử, tình ái và dục vọng là gốc chướng Ðạo. Là
người tu Ðạo, bất luận đối với người hoặc đồ vật, nếu sinh ra lòng ái dục thì
sẽ chướng ngại sự tu hành, làm mình không phát triển được. Nói một cách rõ ràng
hơn, ái dục là sinh tử, sinh tử chính là ái dục. Ái dục là nguồn gốc của sinh
tử. Nếu không phá vỡ tình ái dục vọng vô minh, thì mình sẽ không thể ra khỏi
biển lớn sinh tử. Làm sao để thoát sinh tử? Rất giản dị, chỉ cần "đoạn dục
khử ái," nghĩa là dứt dục vọng, trừ ái tình, chẳng cách nào khác hơn.
Người tu Ðạo đừng nên suy nghĩ về tình ái dâm dục, càng không nên
có hành vi yêu đương. Ðối với bất cứ người nào, không nên sinh lòng yêu đương;
hễ có lòng yêu đương thì gốc khổ không thể tránh được; vì có lòng yêu đương thì
khó thoát vòng sinh tử.
Có người nói: "Con người là động vật có tình cảm, chuyện ăn
uống và dâm dục là việc tự nhiên." Chính bởi vì nhân duyên đó, nên cần
phải tu Ðạo. Trong Kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương có dạy rằng:
Mình xem những người già như mẹ mình, những người lớn tuổi như chị,
những cô trẻ là em và những đứa nhỏ là con. Hãy Sinh ra lòng độ thoát họ và
diệt trừ những niệm ác.
Là kẻ tu đạo mình phải luôn luôn quán tưởng như vậy. Nếu quả không
có ái, phải chăng khi gặp người khác mình cứ ngậm miệng chẳng để ý đến họ?
Không đúng! Mình không chấp trước vào tình ái, không sinh lòng yêu đương, nhưng
không sinh ra lòng ruồng ghét kẻ khác, cũng không thể nói rằng: "Bởi vì
tôi không thương người ta nên tôi phải ghét họ." Ðó là điều sai lầm. Như
vậy thì thế nào là đúng? Tức là không thương mà cũng chẳng ghét ai. Không
thương, không ghét chính là Trung-đạo.
Tu hành là tu cái gì? Chính là tu pháp Trung-đạo. Ðối đãi với người
mình luôn luôn bình đẳng, dùng tâm từ bi; nhưng phải luôn cẩn thận, chớ để rớt
vào cạm bẫy ái tình.
Quý-vị nên chú ý! Ðừng nên bị tình ái làm cho mê hoặc. Nếu có người
gởi cho quý-vị phong thơ tình, quý-vị cảm thấy lòng mình vui mừng, giống như có
con thỏ nhảy nhót, con tim hết sức hoan hỉ, cho rằng hễ có kẻ yêu mình, là
chuyện tốt. Sự thật là người yêu quý-vị chỉ muốn kéo quý-vị đọa lạc mà thôi.
Quý-vị thiện-tri-thức nên tựa vào chỗ này mà dụng công phu, phải
thật sự hiểu rằng: "Ái tình là thứ phiền hà vô cùng." Từ vô lượng
kiếp tới nay, sở dĩ sinh tử không thể chấm dứt được là vì sao? Chính là bị hai
chữ "ái tình" làm hại. Nếu như mình có thể "đoạn dục khử
ái" thì mới có thể siêu thoát Tam-giới, không còn sinh tử nữa.
Thứ mình thích thì mình yêu, không thích thì ghét bỏ. Hễ khi thích,
tức là mình đã sinh lòng yêu thương. Hễ khi ghét lòng mình sinh ra sự ghét hận.
Cả hai thứ, yêu, ghét đều là do tình cảm mà có. Người tu hành xử lý sự việc
không dựa vào tình cảm. Tuy nhiên cũng không thể giống như ông Quan Công, ngồi
chễm chệ trên bàn xử lý, người ta đảnh lễ, ông cũng không thèm nhìn tới. Ðối
với người, mình phải có sự hòa nhã, lễ độ, không nên cống cao, ngạo mạn, coi
thường kẻ khác.
Tóm lại, đối với người khác mình phải có lòng từ bi, tìm phương
tiện giúp đỡ họ. Lúc nào cũng nên nghĩ đến người khác và khiến họ sinh lòng
hoan hỉ. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng
đừng để tình ái xen vào. Các vị nhớ lấy! Ðó là pháp môn vô cùng trọng yếu.
Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm.
Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh.
Hai gốc cậy hiện được lưu giữ tại
Vô Ngôn Đường Vạn Phật Thánh Thành
Tuy nhiên, bởi vì yêu nhau quá đậm đà nên tạo ra tội nghiệp cũng
hết sức sâu dầy. Ðời đời kiếp kiếp sinh ra trầm luân, đọa lạc vào đường súc sinh,
trở thành ngạ quỷ, cuối cùng đọa địa ngục. Ðến nay đôi vợ chồng nầy biến thành
thảo mộc. Gốc cây nầy đáng lẽ gồm có hai nhánh, nhưng nó lại sinh trưởng cùng
một chỗ, nên mãi mãi ràng buộc với nhau không xa lìa. Quý-vị thấy không, nhánh
bên trái bao quanh lấy nhánh bên phải, nhánh bên phải cũng nhào sang ôm lấy
nhánh bên trái, giống như đàn ông đàn bà hai người ôm nhau vậy. Ðó mới thấy
rằng đôi nam nữ nầy tập khí ái tình si mê, hạ liệt bao kiếp rất sâu đậm. Ngày
nay chúng thành loại thảo mộc mà cũng không bỏ được lòng si ái đó. Ở giữa hai
gốc nầy có một cục đá, mà hai người nầy quý như châu báu. Cục đá đó là gì?
Nguyên lai nó là trương mục ngân hàng của hai vị đó trong tiền kiếp.Quý-vị xem gốc cây nầy gồm có hai nhánh, song đôi hợp thành một,
nhánh trên nhánh dưới kết hợp với nhau, quý-vị biết đó là gì không? Ðây là do
vô lượng kiếp về trước có một đôi nam nữ thương yêu nhau rất sâu đậm. Hai người
đó phát nguyện rằng: "Tại thiên, nguyện tác tỷ dực điểu. Tại địa, nguyện
vị liên lý chi." Nghĩa là nếu sinh lên trời thì làm đôi uyên ương hai cánh
liền nhau, nếu sinh dưới đất thì nguyện làm gốc cây liền cành. Ðôi nam nữ nầy
rất chung tình, nên kết làm vợ chồng. Cả hai người có một sở thích giống nhau,
đó là: ham tiền. Người đàn ông thì thí mạng để kiếm tiền, người đàn bà thì
thích phung phí tiền, cho nên có qua có lại hết sức hợp tình hợp ý.
Mấy năm trước có lần chúng tôi vào thành thuyết Pháp. Khi đi ngang
qua bờ sông thấy gốc cây nầy, liền nhặt đem về. Quý-vị nhìn xem: đầu gốc cây
nầy bị chặt đứt, rễ cũng bị chặt mất luôn, lộ ra hai nhánh rất khô cằn, song
hai nhánh cây nầy vẫn triền miên ôm chặt lấy nhau. Quý-vị không thấy đó đáng
thương xót sao?
Như vậy đủ thấy rằng tình yêu càng sâu đậm thì càng nguy hiểm. Ðây
không phải là chuyện nói chơi nói giỡn đâu. Có người trong bụng nghĩ rằng:
"Thầy ơi! Thầy nói Pháp này tôi không thể tin được, bởi vì nó không có chứng
minh, không hợp lý. Ðại khái Thầy muốn dọa con nít, nói lời chiêm bao
thôi." Tin hay không là do quý-vị, tôi không có cách nào làm quý-vị tin
được bởi vì đây là Pháp rất khó nói, khó thuyết. Người đã mê luyến ái thì dù
mình có nói cách nào đi nữa họ vẫn không thức tỉnh, không chấp nhận được. Sự
tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm. Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh
tịnh. Không phải người ta không biết lý ấy; biết nhưng cố phạm là vì chẳng cách
gì dứt bỏ thói quen đã làm trong nhiều kiếp trước.
Tục ngữ Trung Hoa có câu rằng: "Khi tay đã cầm cây củi khô
rồi, thì y khó chịu bỏ ra để đổi lấy cành hoa." Ðó là muốn ví dụ những
người luôn luôn chấp trước vào tình yêu. Nếu mình nói với họ rằng, hãy bỏ đi
những thứ luyến ái đó để tu Ðạo là điều quý hơn, chắc chắn họ sẽ cố chấp không
muốn quay đầu lại. Rằng:
Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo.
Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân.
Nghĩa là:
Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận
cây cỏ không gốc.
Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ
chẳng lòng tin.
Tôi đã bảo tồn gốc cây nầy lâu năm rồi. Có nhiều người tôi không
muốn cho họ thấy bởi vì có nói pháp nầy cho họ, họ cũng chẳng tin. Tôi phải chờ
cho thời điểm chín mùi rồi tôi mới nói. Ngày 24 tháng 10, quý-vị từ khắp nơi xa
xôi đến đây để triều bái, tôi đem gốc cây nầy ra Vạn Phật Ðiện. Tuy nhiên cho
đến ba tuần sau tôi mới nói là vì nếu không nói thì e chẳng còn thời gian nữa;
nên bất kể là quý-vị có tin hay không, tôi cứ kể nhân duyên của gốc cây nầy cho
quý-vị nghe.
Giảng tối ngày 12 tháng 11, năm 1982 tại Vạn Phật Thánh Thành
Nỗi Bất Hạnh của Cửa Phật
Tới lúc chết rồi mà vẫn cho là bí mật, bí mật, bí mật... Mật đến
chỗ rơi vào địa ngục vẫn còn mật.
Tôi vừa nói cho quý-vị nghe công án của gốc cây đó, quý-vị không
tin cũng chẳng sao. Bây giờ chúng ta thảo luận đến vấn đề sau đây, tuyệt đối
không thể không tin được.
Tại sao con người phải học Phật-pháp? Ðộng cơ tối thượng không
ngoài ý muốn "ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử." Song chẳng may
nhiều người có chí thoát đường mê nhưng lại đi vào đường mê.
Theo Phật-giáo vì muốn thoát luân hồi nhưng bởi chẳng cẩn thận nên
rất dễ rớt vào mê hồn trận. Nếu không biết khéo dùng trạch-pháp-nhãn, sáng suốt
mà lựa Pháp, thì dễ bị những thứ tà tri tà kiến làm mê hoặc, rồi đi làm những
việc không nên làm.
Thí dụ như muốn ly khổ đắc lạc, song lỡ xẩy chân rơi vào cửa địa
ngục. Lại còn những chuyện tệ hại hơn nữa, tức là trong Phật-giáo Mật-tông có
kẻ dạy phương pháp gọi là Song Tu Pháp. Họ nói chỉ cần niệm thần chú gì gì đó,
trai, gái cùng nhau tu pháp "Hoan Hỷ Thiền." Còn nói đó là pháp cao
nhất, không những thỏa mãn được lòng dâm dục, mà còn có thể tức khắc thành
Phật. Song, thành Phật đâu phải dễ dàng như vậy! Nếu không cắt đứt lòng dâm
dục, mà thành Phật, thì rất là vô lý. Trong thiên hạ không có đạo lý nào như
vậy cả.
Ðời nay, đa số con người đều tham tu cho mau cho chóng, thích đi
đường tắt. Hễ nghe nói có phương pháp huyền diệu thì liền bị mê hoặc, rồi rớt
vào lưới ma, tới lúc chết rồi mà vẫn cho là bí mật, bí mật, bí mật... mật đến
chỗ rơi vào địa ngục vẫn còn mật.
Ðừng cố tình nói dối, đừng làm những chuyện như "bịt tai mà ăn
cắp chuông."
Người xuất gia nhất định phải có một nền tảng tu hành cho vững
vàng. Nền tảng vững vàng là gì? Tức là nghiêm thủ giới luật. Người xuất gia
phải cần học thuộc lòng "Tứ Phân Luận" tức là Luật Sa-di, Luật
Tỳ-kheo, Luật Tỳ-kheo-ni, Kinh Phạm Võng, v.v... rồi nghiên cứu tường tận, thì
mới đủ tư cách làm người xuất gia.
Nếu nền tảng không vững vàng, suốt ngày hết nghĩ đến tiền bạc lại
nghĩ đến sắc dục thì "thân tuy xuất gia, nhưng tâm không nhập đạo."
Như thế thì xa cách đạo trăm ngàn dặm. Những người xuất gia nầy ở trong
Phật-giáo làm chuyện bại hoại, không thể thừa nhận họ là người xuất gia được.
Người xuất gia không được đi phan duyên cái nầy, đi phan duyên cái
khác, cũng không được đơn độc đi ở một ngôi chùa nhỏ, kêu cư sĩ lại hộ pháp.
Ðơn độc tiếp thọ đồ cúng dường, hành vi như vậy không hợp với qui luật của đức
Phật chế định. Nếu như mình có những hành vi nầy, thì phải mau mau sửa đổi, bởi
vì:
Thí chủ nhất lạp mễ, trọng nhược Tu Di Sơn.
Thực liễu bất tu Ðạo, bì mao đãi giác hoàn.
Nghĩa là:
Hạt gạo thí chủ cho, nặng bằng núi Tu Di.
Ăn xong chẳng tu Ðạo, đeo sừng, đội lông trả.
Thuở xưa người chân chính tu đạo, ở nhà tranh, tự mình cày ruộng,
tự mình ăn; tuyệt đối không nhờ vào ngoại duyên. Vì mục đích diệt lòng tham,
nên họ ở nhà lá mà tu hành. Hoặc giả họ bế quan, vì muốn làm cho học vấn và đạo
đức mình được chắc thật. Nếu như chân chính tu Ðạo, thì có thể ở một mình đơn độc,
nhưng không thể đơn độc tiếp thọ sự cúng dường của cư sĩ. Làm vậy là đem
Chính-pháp biến thành Mạt-pháp, cũng là phá hoại Phật-giáo.
Hiện tại người tu hành thích đơn độc tu ở nơi tịnh xá. Tại sao vậy?
Bởi vì nếu họ không giữ giới luật thì chẳng có người nào thấy, phạm qui củ cũng
không có ai biết được, có thể tùy tâm sở dục, muốn làm gì, chẳng có ai quản
thúc, được tự do tự tại, có thể nói rằng không có ràng buộc gì cả. Hoặc giả có
kẻ khác thì ở trong tịnh xá của mình chiêu tập một số cư sĩ, lại nói là làm
pháp này hội nọ, nhưng thực tế chỉ là mượn áo nhà Phật, nhờ vào danh Phật để
kiếm miếng ăn mà thôi.
Có những người xuất gia, không dùng tiền cúng dường của cư sĩ vào
những việc Phật sự, ngược lại lợi dụng tiền đó đi mua những vật xa xỉ, xe hơi,
làm những điều ích lợi riêng tư. Hoặc giả là mua T.V., rồi ngày ngày coi T.V.,
quên lãng cả việc tu hành sớm tối. Hoặc giả là mua tủ lạnh để chứa những thức
ngon vật lạ. Nói tóm lại, họ đắm trước sự hưởng thụ, tham đồ vật, tham sung
sướng. Phong khí hiện tại chính thật là như vậy. Họ đem tính chất khổ hạnh của
Phật-giáo hoàn toàn biến cải, thật là cô phụ sự khổ tâm của Ðức Thích Ca Mâu Ni
Phật xưa kia vậy!
Có người nói: "Sinh ra trong thời đại nầy, mình cần phải coi
T.V., cần phải biết tin tức quốc tế, nếu không thì là đui mù, câm điếc không
biết gì cả." Bạn biết những chuyện ngoài đời rồi thì sao? Biết được chuyện
ngoài đời, đến lúc chết có tránh được chăng?
Có người lại nói: "Người tu hành có thể tránh được cái chết
hay sao?" Bạn tu hành, tới khi chết cũng phải chết, song trước khi chết
tâm mình sáng suốt, tuyệt đối không phiền não, không rối ren, an nhiên mà chết.
Nếu mình không tu hành, tới lúc chết thì cũng chết vậy; nhưng chết một cách hồ
đồ, mơ màng, mê muội. Không nhớ nam, cũng nhớ bắc, lòng không thanh tịnh, ôm
hận mà chết. Ðó là chỗ khác biệt, quý-vị có biết chăng?
Ðối với người tu hành chân chính, lúc chết tâm họ rất sáng suốt,
biết mình từ đâu tới và sẽ đi về đâu; rõ ràng không có mơ hồ gì cả, không quên
đi bản lai diện mục của mình. Người không tu hành lúc tới thì mơ màng, khi đi
thì lại càng hồ đồ, cả một đời mê muội. Họ không biết gì lý do gì mình tới, rồi
vì sao đi. Cũng không biết từ đâu lại, rồi đi về đâu. Hoàn toàn mù mịt.
Mục đích xuất gia là liễu sinh thoát tử, không phải vì hưởng thụ.
Nên khi đã đi tu rồi cần gì tham lam vật chất hưởng thụ? Có lòng tham hưởng thụ
thì cần gì xuất gia? Tôi chủ trương rằng bất luận ai muốn đơn độc trụ một ngôi
chùa nhỏ để tìm cách hưởng thụ, thì chi bằng hoàn tục cho rồi. Bởi vì sao? Bởi
vì hoàn tục so với đơn độc trụ một chùa nhỏ tốt hơn nhiều, không tạo nên những
tội nghiệp vừa kể. Ðiểm đó hy vọng quý-vị đại chúng chú ý.
Nói rằng người tu hành đơn độc trụ nơi một chùa nhỏ mục đích không
phải là để tu hành mà tại tham đồ hưởng thụ cúng dường, câu nói đó nhất định có
nhiều người không muốn nghe. Tôi không cần biết quý-vị có muốn nghe hay không,
tôi vẫn nói vì nghĩ đến tiền đồ của Phật-giáo. Nên chi nói ra, khiến người khác
khó chịu. Thêm một lần nữa: "Phàm là người xuất gia thích hưởng thụ, không
có sự tu trì, thì bất quá chỉ đội lốt thầy tu thôi." Hy vọng các đạo hữu
khuyến khích lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau, đừng cố tình nói dối, đừng làm chuyện
như "Bịt tai mà ăn cắp chuông." Lấy vải thưa che mắt thánh.
Giảng ngày 11 tháng 11 năm 1983
(Vạn Phật Thành ngày 9 tháng 5 năm 1982)
Thế giới có thành, trụ, hoại, không; loài người có sinh, lão, bịnh,
tử; đó là đạo lý tự nhiên. Các vị nên hiểu rõ đạo lý này: thành tức rồi sẽ trụ,
rồi sẽ hoại, rồi sẽ không; sinh rồi sẽ già, rồi sẽ bịnh, rồi sẽ chết. Nếu chẳng
có thành thì chẳng có trụ, chẳng có hoại, chẳng có không; nếu không có sinh thì
cũng không có lão, không có bịnh, không có tử.
Song nếu ta dùng vọng tưởng chấp trước để phân biệt chuyện này, thì
dù phân biệt đến hết mấy đại kiếp cũng không phân biệt rõ ràng được. Phân biệt
bao nhiêu cũng là hồ đồ. Vừa mới hiểu rõ được một chút thì lại hồ đồ, thế nên ở
mãi trong vòng luân hồi không thoát ra được. Nếu muốn thoát luân hồi phải đả
phá cái đạo lộ si mê vọng tưởng này thì tu hành mới thành Ðạo, chứng ngộ bổn
lai Phật quả, xưa nay vốn chẳng chẳng có gì là âu sầu phiền não. Tất cả những
thứ Ngũ trược, Lục trược đều chẳng có. Song loài người không biết buông bỏ cái
giả, nên không nắm được cái chân thật; nên nói rằng:
"Xả bất liễu giả,
Thành bất liễu chân;
Xả bất liễu tử,
Hoán bất liễu sinh".
Dịch là:
"Không vất bỏ cái giả
Sao có được cái thật;
Không buông xả cái chết
Sao đổi thành cái sống?"
Nếu không kiềm chế tính hư vọng cuồng dại thì trí huệ chân chính
không bao giờ xuất hiện được. Tự tính bị che đậy bởi vô minh. Vô minh có hai kẻ
giúp đỡ, có hai tên làm kế hoạch. Bọn chúng là gì? Thứ nhất là thức ăn, thứ hai
là sắc đẹp; một cái gọi là thực dục, một cái gọi là sắc dục! Hai thứ này giúp
đỡ cho vô minh làm đủ thứ chuyện xấu, cho nên sách Nho có nói rằng: "Thực,
sắc tính dã." Nghĩa là háo ăn, háo sắc đều là bản tính của chúng sinh vậy.
Song, mình phải biết tại sao vô minh chẳng phá được? Tại sao phiền não cũng
không đoạn được? Trí huệ tại sao chẳng hiện? Ðó chính là do mình có lòng tham
ăn, lòng háo sắc!
Ăn uống thì trợ giúp cho dục vọng, dục vọng lại làm tăng trưởng vô
minh. Con người sinh ra thì biết ăn, con nít sinh ra là biết uống sữa. Không có
sữa thì nó khóc, uống rồi lại muốn thêm nữa. Ðúng vậy! Lòng tham này mới sinh
ra đã có, sau khi có lòng tham ăn rồi thì sinh ra lòng tham sắc. Con trai thì
ham nữ sắc, con gái thì ham nam sắc, quyến luyến nhau, ham muốn không chịu
buông bỏ, không thể nhìn suốt được. Ăn uống bao nhiêu thứ tinh hoa đều biến
thành tinh. Hễ tinh mà sung mãn thì sinh ra lòng sắc dục, cho nên người xưa nói
rằng: "Bão noãn tư dâm dục, Cơ hàn khởi đạo tâm." (No ấm thì nghĩ
chuyện dâm dục, Ðói lạnh mới khởi lòng trộm cắp.) Khi ăn no rồi, con trai nghĩ
đến con gái, con gái thì nghĩ đến con trai, chỉ có khởi dục niệm này. Khi nghèo
thì nghĩ cách trộm cắp, cũng vì để có đồ mà ăn, ăn rồi tình dục lại khởi lên.
Thế nên hễ ăn cho đủ chất dinh dưỡng, mập mạp phì nộn rồi thì lại chỉ khởi lòng
dâm. Con người trước tiên là khởi lòng tham ăn, muốn ăn thật ngon miệng, muốn
ăn để thân thể cường tráng. Song ăn ít thì không đủ, mà ăn nhiều làm sao thỏa
mãn được lòng tham? Cho nên người ta chết vì sắc, vì thực. Nếu vô minh không có
thực và sắc toa rập thì chẳng có thể tác hại được ai.
Người xuất gia ăn đồ càng dở càng tốt, không có dinh dưỡng thì lại càng
tốt nữa. Thế nên đối với vấn đề ăn uống đừng có quá coi trọng. Ăn là để duy trì
mạng sống mà hành Ðạo; không cần phải có quá nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng
không ăn những đồ hư hoại, khiến cho cơ thể sinh bịnh; đó là thực hành Trung
Ðạo.
Tôi rất cảm phục một người ở Ðài Loan, vị đó tức là Thủy Quả Hòa
Thượng, (5) Ngài không ham tiền cũng không ham sắc. Ngài chẳng thèm nhìn đến
những phẩm vật người ta cúng dường Ngài. Ðó là việc mà kẻ phàm phu không làm
được, bởi vì không ai có thể buông bỏ được lòng tham, thậm chí còn coi tiền tài
như tính mạng. Nhưng Ngài thì rất thanh thoát, coi nhẹ tiền tài, lễ vật chất
đống một chỗ ai muốn lấy gì thì lấy, Ngài không để ý tới, và để cho đồ đệ muốn
ăn cắp bao nhiêu tiền cũng được (những kẻ ăn cắp sau này đều hoàn tục). Các vị
thấy đó, phải chăng sau đó Ngài đã quản lý tiền một cách chặt chẽ hơn? Không
phải vậy đâu! Không những Ngài không quản lý tiền bạc, mà ngay đến nhìn, Ngài
cũng không thèm nhìn nữa. Các vị coi Ðịnh lực của Ngài cao như thế nào! Ngài
chỉ ăn trái cây, đậu phụng, không ăn những thức nào có mùi vị hay đồ nấu, xào,
luộc. Bởi vì Ngài không nhập theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên
chứng được Sơ Quả. Ngài tu hành cảm ứng rất lớn nên Ngài thường bảo hộ Ðài Loan
này. Có người nhận ra được Ngài là ai, nhưng cũng có người chẳng biết được đức
hạnh của Ngài, do đó nhục mạ Ngài, gọi Ngài là "Á Dương Tăng" (ông
thầy ngu dốt).
Năm nay thân thể Ngài yếu đi nên Ngài chỉ ăn một chút cháo, song có
kẻ lại phỉ báng, nói rằng Ngài đọa lạc rồi. Kỳ thật, những người đó không hiểu
được và họ đã sai lầm. Ăn hay không ăn cháo là chuyện của Ngài, tại sao phải
tìm cách xoi mói Ngài? Nếu như ai ai cũng tu hành như Lão Hòa Thượng Thủy Quả,
chẳng tham chẳng nhiễm, thì Phật Giáo nhất định ngày càng sáng tỏ và phát
triển, Chánh Pháp sẽ trụ thế. Ngài đã làm tôi hết sức hoan hỷ, là vị đồng tu
đồng Ðạo, hợp với tôi lắm vậy.
Không thể nói rằng tất cả ở Vạn Phật Thành đều tốt đẹp, đều là Phật
Pháp cả. Song mọi người ở đây đều y chiếu Phật Pháp mà thi hành, không chú
trọng đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp, ở tốt; họ chỉ chú trọng làm sao duy trì cái
thân Tứ Ðại giả hợp này để sống là đủ rồi. Nhu yếu của chúng ta là Pháp, là mùi
vị Pháp Vô thượng. Thế nên mỗi ngày ở Vạn Phật Thành đều có giảng Kinh thuyết
Pháp. Lúc nghe Kinh thì cần phải dũng mãnh tinh tấn, hết lòng mà nghe giảng,
đừng lười biếng. Các vị nghe giảng Kinh không phải vì Sư Phụ, mà nghe là vì
mình mà nghe. Nếu các vị chuyện gì cũng biết thì không cần phải nghe, song
không phải chuyện gì các vị cũng biết cả. Những điều mình biết là thứ Thế Trí
Biện Thông, thứ thông minh có thể biện biệt, thấu đạt chuyện đời của kẻ phàm
phu. Học Phật Pháp tức là vì mình mà học, không phải là vì Sư Phụ hay là vì
người khác mà học. Các vị hãy ghi nhớ, đừng để cho thời gian trôi qua vô ích,
rồi sau đó có hối tiếc thì đã trễ.
Tại sao chúng ta có phiền não? Bởi lòng tự tư (ích kỷ). Tại sao có
tự tư? Bởi có dục tâm, mới tìm hết cách để giữ lấy nó, sợ nó đi mất. Nếu nó bị
thương tổn thì sẽ phát ra nóng giận. Tại sao nóng giận? Chính là do vô minh và
tình ái tác quái. Giả thử, không có vô minh, không có tình ái, thì tâm nóng
giận sẽ chạy xa cả ngàn vạn dặm, muốn kiếm nó cũng kiếm không được.
Nếu có tình ái tất có tự tư. Có tâm tự tư rồi thì chẳng còn từ một
thủ đoạn nào để tiến tới mục đích, thậm chí có thể hy sinh cả mạng sống mà
không tiếc thân. Truy ra tận gốc là vì dục niệm. Nếu quả không có dục niệm, tất
không có tâm tự tư. Không có tự tư thì không có phiền não.
Có phiền não, tất có sinh tử; nếu không có phiền não, thì không có sinh
tử. Ý nghĩa này, ai ai cũng biết, có điều không thực hành mà thôi. Phải biết
rằng, không có dục thì không có vô minh. Phá được vô minh thì pháp tính hiển
hiện. Chúng ta học Phật, đầu tiên là trừ vô minh, đoạn phiền não. Dụng công tới
chỗ viên mãn thì chứng được giải thoát.
Tại sao chúng ta không có trí huệ? Bởi vì vô minh. Vô minh sinh ra
dục, dục sinh ra tự tư, tự tư sinh ra phiền não. Tham cầu mà không được thì có
phiền não, người đối với ta không tốt cũng là nguyên nhân của phiền não. Tại
sao có phiền não? Bởi có cái Ngã. Nếu quả là vô ngã, thì không có phiền não.
Nếu có thể tới được chỗ không có vô minh, không có tự tư, thì phiền não sẽ biến
mất. Quý vị tin hay không tin, cái lý nó là như vậy. Thiên kinh vạn điển, nói
tới nói lui cũng chỉ có thế. Cho cái ngã không còn, phá cái vô minh, tiêu diệt
cái dục, thì sẽ không có tự tư, không có phiền não, kiếm phiền não cũng không
kiếm ra được. Tại sao? Bởi gốc gác của vấn đề đã được giải quyết.
Quý vị phải chú ý! Năm thứ dục, tài, sắc, danh, thực, thùy (ngủ),
đều do vô minh và tình ái mang đến. Nếu như không có tình dục, ta sẽ thấy không
có gì là trọng yếu. Bởi có tình dục nên mới cảm thấy cái này không tốt, cái kia
cũng không tốt, cái gì cũng không đúng, đó chính là con quỷ tình dục nó tác
quái. Nếu chúng ta hàng phục được quỷ tình dục này, thì chúng ta vào nhà của
Như Lai một cách mau chóng, lên tòa Như Lai, mặc áo Như Lai và thuyết pháp Như
Lai.
Vô minh tức là tham, sân, si, mạn, nghi. Năm thứ ác nghiệp nầy có
thể khiến cho con người điên đảo đến phát cuồng.
1. Tâm tham: Là đối với cảnh thuận, chúng ta sẽ
khởi lòng tham ái đến nỗi không có thì không được. Thậm chí có người vì muốn
được mục đích của mình mà bất chấp các thủ đoạn, bằng không họ chẳng cam lòng.
2. Tâm sân: Là khi gặp cảnh nghịch, chúng ta sẽ
giận hờn và nổi nóng, như không chửi người thì cũng đánh người, thậm chí còn
giết hại người nữa. Đó đều là do tâm sân hận tác quái, nó khiến con người mất
cả lý trí và ý chí xử sự mọi việc. Người có tâm như thế, ắt sẽ làm cho xã hội
chẳng được an ninh, trật tự.
3. Tâm si: Là người không có trí huệ, không biết
phải trái, cũng không phân biệt được thiện ác, cho nên hồ đồ điên đảo, hậu quả
là thành kẻ bất lương, tạo nhiều nghiệp tội.
4. Tâm mạn: Là tự đề cao mình và đè ép người khác.
Tự cho chuyện gì mình cũng hay hơn, nổi bậc hơn người. Thứ hành vi cống cao ngã
mạn nầy là điều tối kỵ, chúng ta không nên có.
5. Tâm nghi: Là người đối với việc chính đáng lại sinh
lòng hoài nghi, không tin lời nói của bất cứ ai. Người có thứ tâm lý như vậy là
bất thường, là sai lầm vì đã tự hạ thấp mình.
Năm loại tâm lý nầy đều là không bình thường, đều là do cái nhân vô
minh dẫn đến. Người tu hành nhất định phải tiêu diệt vô minh, đừng để nó gây
sóng gió thành tai họa vô cùng tận như vậy.
Vô minh khiến cho kẻ phàm phu chỉ biết dụng công vào mấy thứ tình
dục. Họ nghĩ rằng chuyện tình ái ở thế gian là thật, cho nên họ không thể xa
rời và cũng không nỡ buông bỏ nó. Do đó họ gắn bó với lục thân quyến thuộc một
cách rối ren mà buông xả không đành. Rồi họ tạo ra biết bao thiện ác lẫn lộn,
họ cũng không phân biệt được giữa ô nhiễm và thanh tịnh. Đời đời kiếp kiếp, họ
cứ quay quanh trong vòng sinh tử luân hồi, vĩnh viễn không bao giờ ngừng. Cho
nên nói vô minh là căn bản của sinh tử.
Người tu hành không có mấy thứ rắc rối đó đè nặng trong tâm, cho
nên họ dễ được thanh tịnh, giải thoát và hết sinh tử. Nếu không cắt đứt vô
minh, chúng ta vĩnh viễn sẽ bị nó chi phối, để rồi xuống địa ngục, chạy lên núi
đao, hay là vào chảo dầu sôi. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ hối hận là lúc đầu sao
mình không chịu tu hành tinh tấn. Nhưng rất tiếc là đã không còn kịp nữa.
Tôi xin khuyên quý vị nên tu hành cho kịp thời, đừng có tưởng là
ngày tháng còn dài mà hẹn lần, hẹn lựa.
Bậc cổ đức có nói: “Đừng đợi đến già mới học đạo, mồ lẻ loi
lắm kẻ thiếu niên.” Học đạo được một ngày là gần được Niết Bàn thêm
một chút. Như vậy từng chút từng chút, quý vị sẽ đến được cõi Niết Bàn. Nếu quý
vị không chuyên cần tu đạo mà lại muốn đến Niết Bàn, thì sẽ không đến được đâu!
Công việc trên đời, dù chúng ta có lãng phí thời gian để làm, rốt cuộc cũng
chẳng được lợi ích gì. Nhưng chỉ có pháp môn tu hành là không lãng phí thời
gian. Nếu quý vị tu được một phút thì được một phút lợi lạc. Cho nên nói: “Gom
cát thành tháp,” tức là từng bước, từng bước không ngừng tiến tới, tự nhiên quý
vị sẽ đến được bờ bên kia.
Giảng ngày 5 tháng 7 năm 1984
Cổ đức có câu: "Thiện ác lưỡng điều đạo, tu đích tu, tạo đích
tạo" (thiện ác hai con đường, đường tu và đường tạo). Ðiều này nói ra hoàn
toàn xác đáng. Tu cái gì? Tu đường thiện. Tạo cái gì? Tạo nghiệp ác. Thiện tri
thức cảnh giác chúng ta mà không bao giờ chán, có điều chúng ta ngu si, không
biết lãnh giáo những điều ngay, cứ việc ta ta làm, chỉ biết lợi cho mình mà không
nghĩ lợi cho người khác và, nói cách khác là chỉ biết tạo nghiệp ác, không tu
thiện, cho nên không thể nào ra khỏi sáu nẻo trong vòng luân hồi.
Ý nghĩ của chúng ta kể ra thì vô lượng, vô biên, vô cùng tận. Niệm
thì chạy lên thiên đàng, niệm thì xuống địa ngục. Vọng tưởng về thiện tức thuộc
phạm vị thiên đàng, vọng tưởng về ác thì thuộc về địa ngục, do đó, chúng ta
nhất cử nhất động, một lời nói một công việc làm, lúc nào cũng phải thận trọng,
từng giờ từng khắc lưu tâm, đâu đâu cũng phải chú ý, trong ngoài như một.
Trông bề ngoài thì hành động rất tốt, nhưng bên trong thì đầy vọng
tưởng, cái đó cũng không mang lại kết quả. Phải làm sao cho trong ngoài như
một, không chạy theo vọng tưởng mới được. Có những người trong tâm thì đầy vọng
tưởng, nghĩ rằng người ngoài không ai biết, rồi cứ như vậy ngày ngày vọng
tưởng, cho đến khi xuống địa ngục cũng mang theo, mà chính mình thì không biết
tại sao đọa địa ngục. Những hạng người như vậy thật đáng thương!
Chúng ta là người tu học, ở chung phải giữ miệng. Ðại chúng ở chung
một nơi, phải đề phòng chuyện thị phi. Có câu nói rất chí lý: "Họa tòng
khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập." Nghĩa là họa do bởi lời từ miệng thốt ra,
bệnh cũng do từ miệng mang vào. Chúng ta không nên bạ đâu nói đấy, cố tránh
chuyện phiền phức, giữ miệng cho kín là tốt hơn cả. Lại có câu: "Thị phi
chỉ vì hay mở miệng, phiền não đều do cưỡng xuất đầu." Ðộc tọa phòng tâm,
nghĩa là khi ngồi một mình chúng ta phải cẩn thận đề phòng tâm ý, chớ theo vọng
tưởng, nhất là các tư tưởng về dâm dục. Người xuất gia càng phải đặc biệt chú
ý, quản lý kỹ càng cái tâm, không cho những tư tưởng vô ích đến quấy nhiễu.
Vọng tưởng thì ai ai cũng có, nhưng khi đã khởi vọng tưởng thì ta
phải vận dụng các phương cách để khống chế, không cho vọng tưởng làm mưa làm
gió. Những phương cách đó là hoặc ngồi thiền, hoặc đi kinh hành hay kiếm một
cái gì khác để làm, sao cho tinh thần tập trung lại thì sẽ không có vọng tưởng.
Người tu đạo, thứ nhất phải phá được cánh cửa sắc dục. Nếu không
phá được nó thì không có hy vọng tu tập thành công. Cả ngày mà đầu óc hồ đồ,
tâm điên đảo, cũng không thành công. Cho nên tôi thực thà nhắn quý vị là chúng
ta phải hàng phục cái tâm này. Hàng phục tâm chính là dứt cái niệm dâm dục. Nếu
không đoạn trừ được nó thì dù tu cho đến muôn đời cũng chẳng khác gì nấu cát để
hòng có cơm ăn, xưa nay chẳng có chuyện đó bao giờ.
Các vị có muốn tu thành quả thánh vô lậu không? Ðoạn dục cắt ái,
thanh tâm quả dục, thì còn có chút hy vọng, nếu không, không hy vọng gì, tốt
hơn là mau mau hoàn tục kẻo lãng phí thời gian!
Bất kể là phái nam hay phái nữ, hoặc giả là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, là người già hay trẻ nít, ai nói đạo lý chánh đáng thì ta
nghe, ai nói không chánh đáng thì đừng có tin, chúng ta nhất định phải có con
mắt chọn pháp (trạch pháp nhãn). Hợp đạo lý thì đi tới, không hợp đạo lý thì
rút lui; chọn điều thiện mà theo, bất thiện thì sửa đổi, đó là quan điểm hết
sức cơ bản của người tu.
Có người biết rõ lỗi của mình mà không sửa đổi, biết mà vẫn làm
quấy. Những hạng người này rất khó giáo hóa, họ chẳng kham nổi Phật pháp, chẳng
thể học gì thêm. Người ta nói: "Gỗ mục khó đẽo gọt, tường bằng phân khó
trét," nếu chính mình không tự giúp cho mình, tự mình coi thường mình, thì
ai còn coi trọng mình, ai còn giúp đỡ mình nữa? Ðó là điều cần phải tự xét cho
kỹ.