Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Chống giặc sinh tử - Làm chủ bệnh

Chống giặc sinh tử - Làm chủ bệnh

-      Thưa Thầy, tại sao con tác ý đuổi bệnh và tập trung an trú thì cái bệnh của con nó như là tăng lên vậy, nó làm cho con mệt hơn. Kính xin Thầy chỉ giáo cho con được rõ?
-      À, bây giờ con tập trung hít thở đi. Bởi vì con vận dụng, để tập trung an trú cho được đó, nhưng mà không ngờ cái sự tập trung của con nó lại tiêu hao năng lượng, cho nên cái bệnh nó gia tăng lên. Vì mình vận dụng thì nó phải tiêu hao năng lượng, vì nó phải sử dụng năng lượng con. Cho nên con thấy sao mà nó cứ tăng lên. Do đó con không thể sử dụng an trú trong đó để đuổi bệnh ra được.
Bởi vì, theo Thầy thấy sức tuổi già của con nó không đủ sức, chớ đủ sức thì, Thầy nói thực sự cái bệnh gì, đau mấy đi nữa mà an trú trong hơi thở thì nó cũng bay đi hết. Nhưng mà con có dám đâu! Nghĩa là cái sức của con nó không đủ, vì con lớn tuổi rồi. Chớ mà tuổi trẻ như mấy chú này, mà đau như con thì Thầy nói “chết bỏ”! Một là chết, hai là đuổi bệnh đi, biết không? Vì đó là phương pháp của Phật mà! Đó là “Chánh niệm tĩnh giác”. Con đọc tập 4 “Những Lời Gốc Phật Dạy”, con thấy đức Phật bị bệnh sắp sửa gần chết, đức Phật “chánh niệm tĩnh giác” tác ý đuổi đi. Tinh cần, tức là tác ý đuổi đi. Nghĩa là an trú trong đó rồi tác ý, an trú trong đó rồi tác ý, như vậy thì cái bệnh gì nó cũng đi hết.
Nhưng vì con sức khỏe không có, cho nên con giữ trong Tứ Niệm Xứ thôi: “Thanh thản, an lạc, vô sự” rồi tác ý. Tứ Niệm Xứ nó cũng tĩnh giác, nhưng mà tĩnh giác không phải an trú trong các pháp. Con hiểu chỗ Thầy muốn nói không?
Con ngồi nghỉ chơi bình thường như thế này, bây giờ nếu Thầy nhức cái đầu thì Thầy bảo: “Thọ là vô thường, cái nhức đầu hãy đi đi!”. Bây giờ, Thầy để bình thường, Thầy không trú ở chỗ nào hết. Con hiểu ý Thầy muốn nói không? Do đó, Thầy nghỉ ngơi dưỡng bệnh, chứ không có gì hết mà lại có pháp đẩy bệnh thôi. Cho nên nó chậm nhưng mà nó lại hợp và dễ dàng với sức khỏe của con.
-      Bạch Thầy, Thầy có dạy là trong khi nghỉ ngơi 10 phút, 20 phút, 30 phút rồi tác ý thư giãn. Thời gian thư giãn dài hơn, có nghĩa là nằm nghỉ ngơi hoặc ngồi nghỉ ngơi… thời gian thư giãn dài hơn… Con hiểu như vậy mà bây giờ đôi khi con tác ý thì gần như nó lại tăng lên. Con tác ý đuổi bệnh ra mà như ngược lại mình bảo nó lại vậy. Con tác ý thì nó lại lên; con bảo nó đi thì nó lại vô. Còn con không tác ý thì nó lại đi…
-      Thật sự ra, con làm gan như thế này đi! Bởi vì theo như hôm mà thầy Thanh Quang ở đây, thầy cũng bị đau lên tăng xông. Thầy cũng tu tập nhưng mà còn khỏe hơn con nhiều, cũng lớn tuổi rồi nhưng còn khỏe hơn con, cho nên Thầy bảo: “Có chết, cứ chết! Cứ ngồi thẳng lưng lên rồi nhiếp tâm, an trú, quét cho sạch đi!”.
Rồi nó cũng tăng lên, tăng lên… Thầy nói: sao mà nó tăng lên dữ vậy?
Thầy mới bảo: “Chết bỏ!”.
Thầy Thanh Quang về làm tiếp thì nó tiêu mất! Không có sợ chết thì nó tiêu, bởi vì nghiệp nó chuyển. Còn nó không chuyển là do mình sợ, mình lui trở lại, nó dập mình xuống. Con hiểu không? Còn mình không sợ thì nó không làm gì được mình. Con có dám chết không? Làm gì thì sớm muộn con cũng phải chết một lần thôi! Chớ làm sao mà không chết! Tuổi con nay lớn rồi. Bây giờ mình làm gan một bữa thử coi!
Bởi vì, như đức Phật nói“Sức chịu đựng tận cùng của sinh mạng thì nó sẽ mát lạnh”. Nghĩa là trước cái cảm thọ nó đánh mình bất kỳ bệnh gì, mà mình chịu đựng cho đến khi mà sức tận cùng chịu đựng thì nó sẽ mất.
Còn mình thấy nó hơi tăng lên cái mình sợ, mình lo, rồi giảm xuống, không dám đấu đá với nó thật sự. Còn bây giờ mình liều chết, nội nó nghe mình liều chết là nó cũng hoảng sợ rồi, chớ chi nói tới… Phải làm gan con, mình phải làm gan hơn con!
Theo Thầy thiết nghĩ, theo đạo Phật chúng ta chọn lấy: Một là làm chủ sanh - già - bệnh - chết, trong đó là đã có cái bệnh rồi. Mà nó đánh mình bằng bệnh rồi, vả lại nó là cái nghiệp nữa, không phải ít đâu. Cái lực của nó ghê lắm! Vì vậy mà chỉ còn có cái chỗ là mình phải quyết định: Một là chết, chết trên bồ đoàn, chớ không chết nằm trên giường, cho nó làm gì nó làm…
Vì vậy cho nên mình quyết tâm, quyết định như vậy thì con sẽ thắng được nó, và thắng được nó thì lần sau con coi nó quá thường! Còn mình chưa thắng nó thì mình thấy nó e sợ mãi thôi: “Nó làm cho mình chết đó, hết tu”. Nó lí luận hay lắm: “Chết hết tu”!
Không ngờ tôi tu nên tôi chết, còn sướng hơn là tôi nằm nhà thương tôi chết, tôi sợ… Con hiểu không?
Cho nên đối với Thầy, làm gan thì nó qua khỏi, còn mình không gan thì thôi, đầu hàng thì thôi, sợ thì thôi… Cho nên vì vậy, đến đây Thầy dạy: “Chết chôn!”.
Làm gì sớm muộn rồi cũng chết, Thầy cũng chết, con cũng chết, không có người nào không chết. Sống thêm chi một hai ngày mà cứ đau bệnh hoài có phải khổ không? Đánh một bữa cho nó tan nát hết đi! Nó xách gói nó chạy, mình sung sướng cái thân.
Thà là nó độc lập! Đất nước nó độc lập được thì nó hòa bình, dân tộc nó trong đó sung sướng. Chớ đất nước gì mà cứ bị người ta cai trị. Người ta muốn đau mà mình cứ chịu đau; người ta bảo chết thì mình cũng chịu chết, chớ mình không dám cãi nó, thì thôi đất nước đó bị nô lệ rồi.
Như bây giờ con đây là bị nô lệ, nô lệ giặc, có phải không? Cho nên bây giờ mình phải quyết tâm một bữa, mình mở màn đánh nó một trận, nó sẵn sàng nó đánh mình rồi. Cho nó chết một bữa!
Con cứ ngồi bất động như thế này, ngồi thẳng xương sống lên. Nó có đau chân đau tê gì, kệ cha nó. “Chết bỏ!” tao kỳ này tao chết. Thà chết một đêm!
Thay vì con tu một ngày vài ba giờ, bây giờ bệnh nặng con tu suốt đêm. Suốt đêm chưa hết thì một ngày nữa. Chừng nào con tu không nỗi nữa, con nằm bẹp xuống đó thì có Thầy tới. Con dám không?... Dám chớ! Cứ làm một bữa, một trận con sẽ biết, Thầy không có sợ đâu!
Không phải mình tự tử đâu, mà mình có pháp. Bây giờ con về nương như vậy đi. Hơi thở của con có bị rối loạn không? Có bị tức ngực không? Có bị nặng đầu chưa?
-      Bạch Thầy, đầu thì chưa nặng nhưng như bị khô phổi, cho nên không còn tu được nhiều, sau này chỉ còn có 30 phút thôi…
-      Vậy thì, con sẽ dùng cánh tay con để đuổi bệnh. Đưa ra, con sẽ thấy cái bệnh đi ra, như  nó không đi ra, mà cứ đi vô thì cứ tác ý đuổi đi ra. Cứ đưa ra, đưa vô như thế này, phải không?
Bây giờ con bảo: “Thọ là vô thường!”, bệnh của con là bệnh gì, con phải nói cái tên cho rõ ràng cho nó nghe: Đi ra khỏi thân ta.” Mày không ra thì phải theo cánh tay này tao đuổi ra. Rồi con tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra”. Rồi con đưa tay ra như vầy, thì con thấy cái bệnh của con nó theo ra. Rồi nó có theo ra hay không ra cứ kệ nó. Nó có tăng lên cũng kệ nó, con cũng cứ thấy nó đi ra thôi. Rồi con đưa tay vô.
Đây là Thầy dạy con đòn cuối cùng, chứ thật sự ra Thầy dạy hôm rày cho con cái pháp đánh nó bằng Tứ Niệm Xứ trên tâm thanh thản mà thôi. Nghĩa là con cứ nghỉ ngơi mà đánh, cứ mỗi lần tác ý mà thấy nó vô là đánh. Vì nó là phương pháp nhẹ, nó thư giãn để mà đuổi bệnh thôi, nhưng mà nó không được thì đây là đòn chót. Vì trên Tứ Niệm Xứ mà người ta gặp bệnh là người ta ôm Định Niệm Hơi Thở mà người ta quét chớ người ta không có đầu hàng nó đâu. Chỉ có nương hơi thở, mà hơi thở của con thì nó khô, con dùng cánh tay thì dễ hơn.
Khi đó con mới: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra”, rồi con đưa tay ra. Con dùng cái tưởng con đưa cái bệnh theo ra. Rồi con đưa tay vô, con đừng có nghĩ gì hết và con đưa tay vô.
Rồi con đưa tay ra và nghĩ cái bệnh của con đi ra, cứ nghĩ cái bệnh đi ra. Con nghĩ cái bệnh của con đi ra, … con cứ làm hoài.
Cái  bệnh của con nó có tăng lên thì mặc kệ nó, “chết bỏ!”, tao cứ biết cánh tay đưa ra, đưa vô thôi. Và con trú như vậy, làm riết.
Một giờ chưa xong, hai giờ chưa xong, ba giờ chưa xong, bốn giờ chưa xong… một đêm! Sáng ra con hết bệnh. Mà không hết thì con ngồi đó con chết cho Thầy! Không! Phải vậy chớ! Mình tu hành, mình phải nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ chết, mà chết thì phải làm chủ bệnh. Một lần chết mà sau này nghiệp nó sẽ không tới con. Còn nếu không, chớ không thì con chết không khéo con sẽ mang theo nghiệp đó, nó đi theo con, rồi con sanh lên con cũng bị bệnh đau nữa, không có chạy khỏi đâu.
Còn nếu mà con chết đi mà con chiến thắng được nó như vậy, không có đầu hàng nó, thì sau này nó không có đeo theo con được. Cho nên con đừng có sợ. Con đừng có nghĩ rằng: Giờ mình chết thì vợ con nó sẽ khổ. Không có lo, không có nghĩ đến cái thứ ái kiết sử này nữa. Tôi đi tu rồi, tôi phải thắng giặc sanh tử của tôi chớ. Bây giờ thương tụi bây, tụi bây có đỡ bớt cho tao được gì không? Tụi bây có đỡ bớt cho tao lúc chết này không? Nương tựa tụi bây, tụi bây có làm gì đỡ bớt cái cơn bệnh đau này?
Cũng như con bệnh mà con cái nó có đỡ bớt cho con được bệnh không? Nó có thương con thì nó mua cho con vài ba viên thuốc để cho con uống thôi, chớ nó không làm sao mà chịu cái bệnh khổ thay cho con được. Mà chính cái pháp này nó sẽ chuyển cái bệnh khổ đau cho con. Cái pháp của Phật con dám làm một đêm thì sáng hôm sau con sẽ hết bệnh, không có còn bệnh nữa. Thầy nói: “Phải gan ruột!”
Hễ đến với Thầy, thứ nhất là phải gan. Gan ruột rồi thì Thầy nói không có cái gì mà chướng ngại hết. Chẳng hạn như bây giờ mà các con bị hôn trầm thì quyết định đi sáng đêm cho mày chết. Tao có pháp mà!
Bây giờ các con bị bệnh đau, thì các con có pháp các con quét. Một đêm chưa xong thì các con tu liên tục, chừng nào xong mới ra khỏi nơi đây thôi. Tôi nhất định không thèm ăn cơm nữa. Phải như vậy đó, vậy đó.
Còn bây giờ các con mà thấy loạn tưởng, thì các con thấy đó là đồ bỏ, các con đừng có nói chuyện, các con đừng có sợ. Thầy nói thật: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Tất cả những niệm khởi này phải dừng lại hết, tao cho mày biết. Mình điểm mặt nó vậy, rồi bắt đầu an tịnh tâm hành, nương theo đó rồi cứ tác ý: “Mày không có vô nữa!”.
Hễ thấy nó vô thì dừng lại tác ý: “Dừng lại, không được vô chỗ này nữa!”. Các con nỗ lực, các con làm như vậy, một đêm hôm sau không còn một cái niệm gì xen trong đầu hết. Bởi vì đức Phật đã trang bị cho chúng ta đủ pháp hết. Nhìn Định Niệm Hơi Thở là các con thấy mỗi đề mục là đem lại sự an lạc cho thân và cho tâm của ta, cái nào cũng có hết. Tâm tham, tâm sân, tâm si, cái gì cũng đủ hết, tại vì chúng ta còn nhát gan, chưa đủ sức chiến đấu. Cái phương pháp đức Phật đã trình bày cho chúng ta, đem cho chúng ta đủ hết, không có còn cái pháp nào mà đức Phật không giúp cho chúng ta, để chúng ta chiến thắng giặc sanh tử.
Nó lòi cái mặt nào thì đã có pháp ở đó rồi. Bởi vì ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện; mà ngăn ác không có pháp ngăn thì làm sao? không có pháp diệt thì làm sao mà diệt được?
Bây giờ, cái thân con đau là ác pháp chớ gì, mà không có pháp thì làm sao con ngăn được? Phải có pháp chứ. Mà pháp thì đức Phật đã trình bày cho chúng ta ở trên Định Niệm Hơi Thở rồi. Đề mục nào nó cũng rõ ràng hết, chớ đâu có phải ngồi lảm nhảm ba cái đề mục đó để mà chơi đâu. Mà chính những cái đề mục đó là những phương pháp đối trị đó.
Các con thấy tại sao đức Phật bảo: “An tịnh thân hành” ? Tại cái thân không an thì bây giờ phải bảo nó an. Thì như vậy phải nhiếp tâm trong cái hơi thở để rồi nó sẽ an, chớ có gì đâu. Vì đó là mục đích của đạo Phật dạy cho chúng ta rõ nghĩa như vậy. Thế mà đọc không có ai hiểu nghĩa, không rõ nghĩa, không biết pháp đối trị bệnh!
Còn tâm của mình cứ trạo cử lăng xăng, thì đức Phật dạy cho chúng ta cái đề mục: “An tịnh tâm hành” bảo cái tâm nó phải an ổn và thanh tịnh. Chớ tại sao cứ để lăng xăng lộn xộn trong đó hoài, cứ để nghĩ như thế này, ngợi như thế kia hoài. Cho một phát mày tiêu luôn, phải không?
Pháp của Phật nó có ý nghĩa chứ tại sao chúng ta không biết dùng nó? Mình nhiệt tâm. Trong khi nó lăng xăng, lộn xộn thì mình nhiệt tâm mà đập, dùng pháp mà đập, cũng như dùng vũ khí mà đánh, mà diệt. Nó phải tiêu đi chứ, đâu có đầu hàng chúng nó đâu. Cho nên, người biết Phật pháp, biết tu là không bao giờ sợ giặc sanh tử, nó không đến. 
Ví dụ, nói như bây giờ nó làm cho con mệt, sắp sửa muốn chết, nó làm cho co tay giật chân thì ngồi lại, ngồi cứng ngắc lại, cắn chặt răng rồi nhiếp tâm vô cái đề mục nào đó, để làm cho cái thân nó an ổn trở lại, nó sẽ chạy qua hết, nó không chết được.
Còn người ta nằm xuống, thở ọc ạch hơi thì nó sẽ chết, không chạy đâu khỏi, nó chận nghẹt cổ. Còn mình không sợ, ngồi thẳng lên, cho mày nghẹt cổ tao hít thở nè. Rồi bắt đầu nhắc trong đầu: “An tịnh thân hành”.
Cái cần cổ nó bị đờm chận, thường thường người chết là hay bị đờm chặn nghẹt cổ. Cho nên, tác ý một hơi là thông đàm hết. Mà thật là như vậy, Thầy nói: Có pháp làm chủ bệnh mà, tại vì mình không tu tập, chứ làm chủ thật sự!
Thầy nói hôm nay, tất cả mọi cái này, tiếng nói của Thầy các con thu ngàn năm nó cũng còn, mà Phật pháp là Thầy chấn chỉnh nó như vậy. Cho nên bây giờ Thầy nói con là, một là đừng có sợ chết, sớm muộn gì rồi con cũng chết. Tóc con đã bạc trắng rồi, con ốm cũng như Thầy rồi, không có còn bao lâu nữa đâu. Thầy thì mạnh, còn con thì rề rề…
Vậy thì con phải nỗ lực dập nó một trận coi thử con có chết không? 
Không có sợ!
Nghĩa là nó làm gì nó làm, nó quay cái nhà này con chóng mặt, nó đảo lên đảo xuống… Mặc kệ nó! Đảo gì đảo, tao ngồi đây, tao không nằm.
Mặc dù con nằm xuống thì con sẽ không thấy chóng mặt, không đảo lộn, nhưng mà nhất định ngồi chết chứ không nằm.
Mặc kệ, nó làm cho con rất khó chịu, và nó làm cho con khổ sở nữa. Nhưng mà lúc bây giờ con ôm chặt pháp, thì con sẽ vượt qua.
Thầy nói như vậy, nếu lượng sức làm được thì làm; còn nếu lượng sức mà còn nhát gan thì đừng có đổ thừa Thầy. Có chết lại đổ thừa Thầy: “Tại Thầy mà con chết”…
-      Bạch Thầy, con không dám đổ thừa… Con nghĩ rằng cái bệnh này là do cái nghiệp của con nó nặng nên đi chậm thôi… Chứ con cũng tin tưởng pháp của Phật để lại, để con nhiếp tâm đuổi bệnh. Thầy cũng dạy và Thầy để lại cho tất cả chúng sanh, và trong đó có con. Con cũng kiên trì đuổi bệnh, không dám nghĩ gì… nhưng tại vì con thấy tác ý thì nó tăng lên nên con xin Thầy xem xét và chỉ giáo lại cho con.
-      Bây giờ, cái hơi thở của con thì Thầy sợ nó bị rối loạn, vì nó là nội tạng.
-      Bây giờ con không dám sợ chết nữa…
-      Thôi được rồi, không có sợ chết thì con cứ dùng cánh tay của con. Bây giờ con cứ tập, con biết dùng cánh tay đưa ra, đưa vô rồi phải không? Con cứ dùng nó đi, mà con thấy dùng nó được rồi, thì con đánh nó một đêm thì nó tởn mặt, chớ có gì đâu mà sợ. Con làm thử một đêm đi…
Nếu có chết thì chết đi cho rồi, cho khỏe cái thân chớ làm chi mà cứ kéo dài cái bệnh như vậy, chết còn sướng hơn.
Thầy nói thật mà, có đau bệnh thà chết còn sướng hơn là nằm đó mà đau bệnh. Mặc dù cái bệnh của con nó không là gì, nhưng nó cũng làm cho con khó chịu. Lúc thì vầy, lúc thì khác, lúc thì ăn được, lúc thì không ăn được. Nó hành hạ mình dữ vậy!
“Tao nợ gì mà dữ vậy? Tao cho mày một bữa là mày chết hết đó!”
Phật pháp mà, Phật pháp dạy cho chúng ta làm chủ được những cái sự này mà, tao đâu có sợ!...
Hễ cái người biết được Phật pháp là cái phước của họ quá lớn. Họ chuyển được nhân quả chứ đâu có để nhân quả làm chủ họ. Cho nên, con đừng có sợ những điều đó, đừng có nghĩ nghiệp này nó quá nặng. Bây giờ Thầy nói nghiệp như cái núi Hy Mã Lạp Sơn đó, nghĩa là nó lớn như vậy đó. Nhưng mà đối với Phật pháp nó sẽ làm cái núi đó đổ sạch hết không còn đâu, không còn chút nào hết.
Chính Thầy biết, Thầy cũng đâu phải không có nghiệp, nghiệp lớn lắm. Nhưng mà đối với Thầy bây giờ đó, không có cái nghiệp nào tác động được Thầy. Không làm gì được, nghĩa là nghiệp nó bị đổ vỡ hết rồi. Cho nên đức Phật nói: “kèo cột…”, nghĩa là khi đức Phật tu chứng rồi, ổng nói, kèo cột ổng đã bẻ gãy hết rồi. Còn Thầy cũng đã bẻ gãy hết rồi. Còn các con bây giờ thì cứ cột kèo giăng sao mà các con không chịu bẻ. Phật pháp đó là dùng để bẻ, còn gì nữa mà không chịu bẻ?
Đức Phật ổng bẻ cái gì bây giờ? Nhờ pháp đó mà bẻ đi chớ. Vậy mà bây giờ Thầy đem hết sức dạy cho các con để các con bẻ cột kèo nó hết, thế mà không chịu bẻ, sợ gì ba cái thứ nghiệp đó chớ. Từ cái vô minh, nó không thấy nên mình mới sợ, bây giờ minh rồi thì không sợ nữa. Minh rồi là gì các con có biết không? - Là ngộ được chơn lý.
Lẽ ra các con thấy các con ngộ được Chơn lý: Cái gì khổ? Tham, sân, si phải không? Nguyên nhân nào sanh khổ? Các con biết rồi, là lòng ham muốn chớ gì?
Ham muốn sống tức là còn tham chớ. Còn không muốn sống thì đâu có sợ bọn giặc này phải không? Mình xả bỏ hết đi, đó là một cái chơn lý rõ ràng mà. Vì vậy mà cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự các con cũng đã nhận ra rồi đó. Không có người nào là không biết cái này, tức là cái chơn lý thứ ba: “Diệt đế”.
Còn Đạo đế là bao nhiêu pháp các con học rồi, còn gì nữa. Cái gì cũng thông hết rồi, cái gì cũng biết hết rồi, bây giờ chỉ còn mở một trận đánh thôi. Các con làm được là giỏi. Mà nghiệp thì làm gì mà nó đánh mình chết nổi!...
Các con nghĩ coi, Thầy nói nếu chết thì ông Phật đã chết lâu rồi. Nếu chết thì Thầy cũng đã tiêu ma hồi nào rồi, chớ đâu còn, làm sao tới bây giờ còn ngồi đây dạy Đạo nữa, có đúng không nào?
Thì như vậy các con có nghiệp cũng cỡ bằng sức nghiệp của Thầy, cỡ bằng sức nghiệp của ông Phật thôi chớ có hơn được? Có cái nghiệp nào hơn. Nhân quả thì nó có một cái từng lớp của nó là nhân quả như vậy thôi, chớ không có cái nào hơn.
Bởi vậy, khi nhìn thấy nhân quả nó không phải dữ tợn đâu. Cũng như mình nói nếu nó dữ tợn nữa thì cơn đau nó phải tăng lên, chớ sao nó chỉ đau tới đó, tới chớn đó rồi đứng đó thôi à. Các con tréo hai chân coi đau thử sao, rồi nó đau tới mức cuối cùng thôi, không tăng nữa, tới đó thôi rồi nó giảm xuống. Nó không có tăng lên nữa đâu. Tại cái sức của nó tới đó là hết rồi. Rõ ràng cái nghiệp của nó chỉ có một chút tới đó chứ đâu có hơn nữa. Chớ đâu có phải đau hoài, đau hoài, tăng lên, tăng lên…
Đâu có đâu, nó chỉ tới mức cỡ đó thôi. Ban đầu các con thấy tê tê, sau đó nó nhức nhức tăng lên, đau đau như là ai lấy dao mà xẻ thịt như vậy, phải không? Nhưng mà nó đau tận cùng, tới mức đó nó hết rồi, nó không có tăng lên nữa. Các con bữa nào ngồi kiết già các con sẽ thấy 2 chân các con sẽ đau. Nó đau tới một lúc, tới đó rồi nó dừng ở đó. Nó đau hoài, đau hoài ở mức độ đó để cho mình ngán, lôi chân xuống chớ không có gì. Nó khôn, nó kéo dài, nhưng mà nó kéo dài hoài, nó thấy không được thì nó lùi, nó giảm xuống, từ từ nó giảm xuống. Cứ ngồi đi rồi sẽ thấy nó giảm xuống. Cứ ngồi đi, ngồi kiết già một đêm đi, không có gãy giò đâu mà sợ. Thầy nói thật mà, rồi nó lui dần xuống. Thí dụ, khoảng bây giờ là 7 giờ, các con ngồi đến 12 giờ bắt đầu nó lui rồi. Cái khoảng thời gian như vậy, nó không thắng mình được.
Ví dụ như các con bây giờ ngồi có một tiếng thôi, từ 7 giờ đến 8 giờ, bắt đầu nó đau, rồi nó kéo dài các con cho tới 12 giờ đồng hồ, thì khoảng  từ 10 giờ, 11 giờ nó đau mới ghê gớm lắm. Nhưng nó giữ cái mực đau ghê gớm đó cho tới 12 giờ thì nó tụt xuống. Nó thấy thắng không được thì nó lui. Nghiệp nó là vậy, nó chuyển.
Bởi vì, nghiệp nó tác động, nó làm cho mình sợ hãi, mà mình không sợ hãi tức là mình chuyển nghiệp. Nó giữ cái mực làm cho mình đau đớn khổ sở để làm cho mình sợ, cho mình lui, nhưng mình thấy nó thường quá cho nên nó bắt đầu nó lui, nó đầu hàng rồi. Tức là mình đã chuyển cả nhiều đời trong khi mình chịu đau trong mấy tiếng đồng hồ. Mình chịu đau tới cái mực nằm chịu đó là mình đã chuyển nhiều đời khổ của mình, nhiều nghiệp ác của mình khổ, cho nên nó đau đôm đốm nước mắt. Chịu đựng như vậy thì các con biết cái người gan dạ lắm, mới đấu đá với nghiệp lực mới nổi. Đây là kinh nghiệm của Thầy mà. Thầy nói, ở bên Thiền tông, người ta tu ngồi thiền, ngồi tu tập, ngồi nhiều lắm.
Người ta nói: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!”. Nó đau đến tận cùng thì nó mới ngửi được mùi hương chớ.
Mấy ông Thiền sư ổng ngồi thiền, thì thật sự ra mấy ổng đâu phải nhập thiền định gì, ổng ở trong định tưởng mà thôi. Nhưng mà khi mấy ổng ngồi, ổng tu tập thì chân của mấy ổng luôn luôn ngồi kiết già.
Bên Thiền tông ngồi kiết già, chớ không có ngồi bán già như mình đâu. Cho nên trận đánh của hai cái chân kiết già này, nó đánh quá trời quá đất. Nhưng mà cái ông này ổng gan thiệt, cho nên khi mà nó hết đau rồi thì nó mát lạnh. Nhưng mà mấy ổng bị ức chế tâm, không có niệm thiện, niệm ác cho nên ổng rơi vào cái định tưởng thôi, chớ bên Thiền tông cũng gan ghê gớm lắm.
Còn mình thì sao? Đối với mình là con Phật thì còn phải gan hơn nữa chớ. Con Phật mà nhát gan hơn Thiền tông thì dở. Thiền tông người ta còn tréo chân, người ta chịu đau mấy tiếng đồng hồ, còn mình thì mình ngay cái bệnh của mình mà mình chiến đấu, chớ mình đâu có tạo ra cái bệnh đâu? Tại vì lúc bệnh mình phải chiến đấu thôi, còn cái kia người ta đã tạo ra bệnh để người ta chiến đấu. Chứ hai cái chân của con có đau không? mắc mớ gì mà phải ngồi chịu đau dữ vậy? Vậy mà nó dám chịu đau, vậy mà nó còn dám tuyên bố: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốt”, nghĩa là đau quá, đau như sương lạnh, “Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Các con thấy hay quá phải không? Đúng là mấy ông Thiền sư này cũng dữ chớ không phải thường còn mình bây giờ mình thua sao?
Đó là bài kệ của Thiền sư Hoàng Bá, ổng tu như vậy đó mấy con. Còn mình bây giờ mình tu dở quá vậy? Mình con Phật mà mình tu thua con Tổ nữa… Tổ làm sao bằng Phật phải không? Vậy mà người ta còn như vậy đó.
Cho nên, Thầy thấy ở đây ai mà tu nỗ lực, gan dạ thì Thầy thấy đúng là con Phật. Con cháu Phật mới vậy chớ; con cháu phàm phu nó nằm dài, nó đi nhà thương hết ráo. Cho nên mấy con về đây với Thầy, Thầy huấn luyện cái tư tưởng của mấy con mạnh lên, không có đầu hàng được. Rồi từ đó từng chút, từng chút mấy con tiến tới. Mấy con thấy càng ngày nghị lực của mấy con càng kiên cường, gan dạ của mấy con không thể lường nổi. Cho nên, nghiệp lực của mấy con nó chuyển hết sạch. Một đời tu mà chuyển hết muôn đời nghiệp.
Mỗi một đời chúng ta là biết bao nhiêu chuyện ác, mà khi đến đời chúng ta gặp được Chánh pháp thì cái nghiệp của chúng ta nó lớn vô cùng. Thế mà trong một đời chúng ta tu mà cái gan dạ nó chuyển sạch.
Thầy nói là trong mấy tiếng đồng hồ, mấy con ngồi chịu đau là mấy con chịu cái sức chịu đựng của bao nhiêu đời đã làm ác của mấy con trở thành cái quả đó. Vậy mà mấy con không thấy sung sướng để trả nghiệp, lại  chạy trốn nữa. Nợ người ta, bây giờ chạy trốn lại không chịu vui lòng mà trả thì làm sao hết nợ? Cho nên, không có người nào tu mà bình an, không có đau đớn mà có thể làm chủ sự sanh, già, bệnh, chết đâu.
Mấy con nghe đức Phật, giờ phút sắp sửa chứng đạo là Ma vương nó hành hạ cái thân của đức Phật tới mức độ nào chưa? Chớ đừng có tưởng đâu cứ muốn thành Đạo đâu phải chuyện dễ. Phải một trận sống chết chớ đâu phải dễ !
Thầy cũng phải “một phen sương lạnh buốt”, chớ đâu phải dễ đâu. Nghĩa là ngồi sừng sững mà chống với những cơn bệnh kinh khủng. Nghĩa là Thầy nói, những cơn lạnh mà các con biết cảm lạnh mà… Mình nói là cảm lạnh, chứ sự thật ra mình tu hành tới mức độ đó, nó phải như vậy. Nó lạnh ở trong xương nó lạnh ra, nó “rét”!... Vậy mà dựng thân ngồi như vầy, chịu đựng như vậy… Cho mày chết, chứ nhất định không nằm đâu, không lấy mền trùm đâu, mặc cái áo mỏng thường thôi, chớ không lấy đồ đắp nữa. Cho mày chết luôn!
Nó rét như vậy, nó run như vậy, thì các con biết… Tu tập như vậy mình mới thấy cái sức kiên cường, cái sức ôm pháp của mình lúc bây giờ. Ôm chặt pháp, đừng lìa pháp!
Cho nên con ôm chặt cánh tay của con như thế này là cái hành động đưa ra, đưa vô thì sẽ đẩy lui được bệnh đó. Dữ tợn lắm!
Còn mình đau bệnh mà mình cứ lìa pháp, mà mình không dám, rồi  nằm cho nó khỏe!... Sự thật là mình nuôi dưỡng cái nghiệp. Cho nên nó nói: “Cái thằng này thua rồi, đè đầu cho nó đau nữa”. Còn cái thằng này đè nó không nổi, sao mà nó cứ cục cựa cánh tay hoài, mà nó ngồi hoài, không chịu nằm. Lôi đầu nó xuống nó không có chịu, làm cách gì nó cũng không chịu nằm hết. Trời đất ơi, ráng làm cho nó một trận mệt thân để nó nằm xuống mà nó không chịu nằm, nó cứ đưa tay ra vô… Thôi cái thằng này không làm sao nó được nữa, thôi mình xách gói mình chạy… thì nghiệp nó chạy đi, thì mình hết bệnh, chuyển nó rồi.
Mấy con gan đi, nghe lời Thầy làm một bữa đi. Thầy coi chuyện sống chết như là cái chuyện không có đối với Thầy; không có sống chết gì hết. Ráng cố gắng lên đi! Làm nổi không? Làm nổi mà!
Con biết không, người Việt Nam mình có Quang Trung cũng là anh hùng, phải không? Trần Hưng Đạo cũng là anh hùng, Lý Thường Kiệt cũng là anh hùng! Trời đất ơi, “Châu chấu đá xe, tưởng là chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Con thấy toàn là các vị anh hùng không à! Một nước nhỏ mà dám đánh nước lớn, thì con cũng là một nước nhỏ, thì cũng dám đánh nước lớn chớ? Thì tại sao mà lại đầu hàng? Mình là con cháu của các bậc anh hùng không à, mà lại đầu hàng! Nhất là đất nước chúng ta anh hùng đánh giặc. Mà bây giờ giặc ở đây là giặc sanh tử mới nên đánh chớ. Giặc này mình phải đánh chớ, đâu phải chịu thua.
Mà bây giờ đất nước Việt Nam có Thầy đánh thắng giặc, thắng giặc sanh tử, thì không lẽ có một người anh hùng đánh thắng như vậy, thì mình cũng nương theo anh hùng để đánh thắng giặc của mình chớ. Chớ mấy con để nuôi giặc sao, hay là chịu nô lệ nó? Dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu nô lệ một nước nào. Hễ nước nào vô đây cai trị là nó cứ rầm rì, rầm rì âm thầm chiến đấu, cho nên chúng ta bị giặc diệt biết bao nhiêu không? Các vị anh hùng chúng ta bị giặc diệt biết bao nhiêu không?
Trước khi Bác Hồ thành công trong công cuộc giải phóng đất nước, biết bao nhiêu anh hùng của đất nước chúng ta bị giặc giết không? Các con có biết không, âm thầm chiến đấu với nó, chống với nó. Mặc dù sức mình không nổi nhưng vẫn âm thầm chống với nó, không đầu hàng.
Giặc sanh tử trong thân chúng ta, nên chúng ta không đầu hàng. Đầu hàng chạy ra kia hưởng dục lạc, ăn uống phè phỡn, nhậu nhẹt cho say đi rồi biết. Thật sự ra các con đừng có hèn nhát cái kiểu đó. Một dân tộc anh hùng thì anh hùng cả trên mặt trận sanh tử luân hồi nữa chứ. Thì tại sao một dân tộc này có một người tu hành như Thầy, làm sáng tỏ lại con đường đi của Phật giáo thì các con cũng noi gương của Thầy chứ!
Dân tộc này là dân tộc anh hùng, không còn thua nước nào đâu. Thầy nói không còn thua nước nào đâu. Khi Thầy xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả thì tất cả các nước trên thế giới này phải học, phải học của dân tộc Việt Nam, chớ không học thì nó sẽ khổ đau thôi; còn nó học thì sẽ hết khổ. Mình không mời nó cũng tới đây nó học thôi. Tại vì dân tộc này hoàn toàn hết khổ đau rồi, thì các dân tộc kia phải bắt chước, nếu không thì sẽ làm khổ nhau thôi. Vậy thì mình là con người làm gương, Thầy là con người đi trước để dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam chúng ta, con cháu chúng ta. Con cháu chúng ta làm được thì tất cả những con người trên hành tinh này sẽ tập trung về Việt Nam để học hỏi cái đạo đức này, không làm sao không học.
Các con nghĩ, nó đâu phải là cái tôn giáo đâu, nó là cái Chơn lý của loài người mà. Nó xuất phát từ một con người nhưng người ta không biết, người ta dựng nó lên thành một cái tôn giáo. Cuối cùng mình bị ảnh hưởng của tôn giáo thôi, chứ sự thật ra nó không phải. Nó là sự thật của con người, là chơn lý của loài người, là Bốn chơn lý; Bốn cái chơn lý rõ ràng. Cho nên các con ráng, ráng cùng Thầy xiết chặt bàn tay nỗ lực tu, tu để mà xây dựng lại hạnh phúc cho loài người. Đừng có sợ! Con chết đi để tiếng muôn đời: Tôi chết trên pháp Phật, tôi ngồi sừng sững để đấu tranh với giặc sanh tử. Chết có phải anh hùng không? Chết đừng có chui trong cái mùng mà nằm, chết đừng có chui trong cái màn. Đừng có sợ !
Không có gì khích lệ các con bằng sự sách tấn của Thầy như cái kiểu này. Thầy thương các con, Thầy khích lệ các con ghê gớm lắm, để làm các con gan dạ, nghị lực, chiến đấu kiên cường thắng giặc. Giặc nó cai trị từ ngàn đời muôn kiếp, chớ đâu phải mới bây giờ. Mình là cái người nô lệ nó từ hồi nào tới bây giờ mà không chịu cởi ách nó ra.
Từ lâu tới giờ chưa có một bài kệ, một bài văn sách tấn của chúng ta, để chúng ta thấy được cái nỗi khổ của một con người chúng ta, như đức Phật nói: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”. Nghĩa là nói con người khổ quá khổ, thế mà con người không biết. Giặc nó đến cai trị chúng ta, nó hà khắc chúng ta như thế này, như thế nọ, chúng ta đâu có thấy. Nếu không có những cái ngòi bút của những nhà cách mạng, làm sao chúng ta thấy được nỗi đau đớn của dân tộc chúng ta bị cai trị, các con!
Các con đọc những bài ca của Lưu Hữu Phước sách tấn những thanh niên chúng ta lên đường cứu nước, chúng ta nghe cái lòng nó rộn ràng… không thể đứng trước giặc Pháp cai trị. Còn Thầy sách tấn cho mấy con không thể đứng trước giặc sanh tử đàn áp mấy con, tới mức độ phải đau đi nằm nhà thương như vậy.
Các con thấy những ngòi bút của những nhà cách mạng. Các con đọc những bài viết của cụ Hồ sách động dân tộc chúng ta đứng lên đấu tranh với giặc. Đọc những bài đó, những bài thơ của Tố Hữu, các con đọc lên thấy nói người dân chúng ta chết dưới roi, dưới vọt của giặc Pháp, dưới gốc cao su… làm cho chúng ta căm gan tức giận để đứng lên chống giặc… Còn bây giờ giặc sanh tử, mọi người đều bị giặc sanh tử cai trị, mà đức Phật nói: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”, sách tấn chúng ta một cách, đó là nỗi khổ cho chúng ta mà tại sao chúng ta không ôm những phương pháp này mà chúng ta diệt giặc trong tâm của chúng ta, để chúng ta thoát khổ?
Các con nhìn thấy ai là những người làm được?
Các bài kinh của Phật kêu gọi chúng ta đứng lên dẹp giặc sinh tử. Thầy nghĩ rằng những bài viết của Thầy ngày nào sẽ sách tấn cho mấy con bằng những câu thơ, bằng những lời văn, bằng những tập ký, bằng những bài báo… để làm gì mấy con? Để nói rằng giặc sinh tử đang cai trị mấy con, mọi con người phải đứng lên đấu tranh giặc sinh tử y như trong thời mà Bác Hồ đi làm cách mạng kêu gọi toàn dân đứng dậy… Còn Thầy kêu gọi cái năng lực, cái sức lực, nghị lực, … cái gan dạ kiên cường của mấy con để chống lại giặc sinh tử của mấy con. Vì pháp Phật có rồi, chỉ còn có chút chúng ta có kiên cường mà thắng nó.
Mọi người đều bị cai trị bởi giặc sinh tử 4 người: Sanh, già, bệnh, chết. Nó chiếm hết trong mấy con, trong cơ thể của mấy con hết, không còn chỗ nào mà nó không sai được. Mấy con không đau khổ, còn Thầy đau khổ vô cùng.
Cho nên, Thầy giải phóng được quê hương của Thầy rồi, Thầy muốn các con cũng giải phóng được quê hương của các con. Mình là những nước nhược tiểu đang bị giặc đế quốc cai trị, thì ba cái giặc sinh tử, ba cái giặc nhân quả này nó lại là đế quốc, nó luôn luôn muốn ngự trị, cai trị con người mình. Nó muốn bảo mày đau là đau, bảo mày chết là chết, bảo mày ham ăn cái này là ăn, bảo mày thích uống cái kia là uống… Nó sai mình tứ tung, các con nghĩ có phải không?
Nó bảo vô quán ngồi là mình vô quán ngồi… giờ này không ăn, thấy trái chuối nó bảo ăn, lột ra nuốt!… ăn vặt ăn vịa, ăn lặt vặt tùm lum, vậy mà nói mập béo!... Các con thấy có đúng không? Giặc sai mà không biết, nó cai trị, nó bảo sao nghe vậy!...
Cái giặc sinh tử nó như vậy, cái giặc nhân quả nó như vậy, các con cứ nghĩ coi, Thầy nói có đúng không? Các con đang bị nô lệ, còn Thầy bây giờ bảo Thầy ăn Thầy có ăn không? Nó sai Thầy được không? Nó bảo Thầy bệnh Thầy có bệnh không? Còn nó bảo các con bệnh là các con có đầu co cổ muốn nằm, có phải không?
Bởi vậy, các con thấy mình đang bị nó cai trị, thế mà không nỗ lực chiến đấu. Súng đạn bây giờ đã trang bị cho mấy con đủ hết rồi, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đức Phật đã trang bị cho chúng ta đủ vũ khí để chúng ta chiến đấu. Tại sao chúng ta không chiến đấu?
Thầy nói nè, nội 19 cái đề mục Định Niệm Hơi Thở cũng đủ để chúng ta đủ sức chiến đấu với nó. Trang bị cho chúng ta những bộ giới đức, giới hạnh, toàn bộ là giới. Đụng tới giới là chúng ta đập nát hết. Thế mà chúng ta cứ để phạm giới không hà. Các con thấy không, đức Phật trang bị cho chúng ta từ những tư tưởng tri kiến, cho đến những phương pháp hành để mà chúng ta phá vỡ… coi như là trang bị cho chúng ta đủ hết. Bây giờ chỉ còn chúng ta muốn đánh giặc hay không muốn đánh giặc mà thôi. Hay là, thấy nước của chúng ta yếu, “Thôi nước mình yếu quá, thôi kệ, thôi đừng đánh”…, thì cái đó là mấy con đầu hàng giặc rồi.
Ngày xưa, đất nước Việt Nam chúng ta giải quyết được cái nước nhược tiểu của chúng ta, các nước nhược tiểu khác nó thấy, nó bảo: “Này, coi cái ông Việt Nam này, ổng nhỏ nhoi mà cũng giải phóng được mình cũng đứng lên, không có đầu hàng”. Làm cho ba cái thằng Anh nó cũng rút dù về hết, có phải không?
Mấy con thấy không, còn bây giờ Thầy đã giải phóng được rồi, thì cũng khích lệ cho mấy cái nước nhược tiểu này nó đứng lên chớ. Mấy con, mỗi người là một nước, vậy mà mấy con không đứng lên đòi quyền độc lập chớ!
Hiện giờ mấy con đang tu tập là mấy con đứng lên đòi, cho nên nó đánh mấy con dữ lắm, chớ nó đâu có vừa, có đúng không? Nó đánh mấy con nào là buồn ngủ, nào là hôn trầm rồi gục tới, gục lui, rồi ở ngoài tác động bên ngoài nữa, viện trợ bên ngoài nữa, ác pháp bên ngoài nữa… Trời đất ơi, nay người này rỉ tai nói chuyện này, mai người kia rỉ tai… thiếu điều chúng tôi muốn bỏ cuộc luôn, có phải không?
Mấy con thấy ác pháp ghê lắm chứ. Nội giặc sinh tử ở trong này rồi, mà giặc ở bên ngoài nó tiếp viện nhau nữa; tụi nó tiếp viện vô làm cho mình trong này chới với, muốn thắng mà không thắng nổi…
Các con nhớ lời Thầy, các con sẽ về sẽ chiến đấu. Rồi bắt đầu!
Bây giờ các con có hỏi Thầy điều gì nữa không?
(Mùa An Cư, Tu viện Chơn Như 2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét