Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

NHỮNG GƯƠNG HẠNH THÁNH TĂNG THỜI ĐỨC PHẬT


NHỮNG GƯƠNG HẠNH THÁNH TĂNG THỜI ĐỨC PHẬT


1. La-hầu-la - cậu bé hạnh phúc nhất thế gian

Cậu bé La-hầu-la là đứa con trai duy nhất của Thái tử Siddhārtha (người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca), khi cậu vừa tròn 10 tuổi, bằng tuổi một đứa bé bước vào lớp cuối cấp Tiểu học bây giờ thì đã được mẹ hướng dẫn cho xuất gia, rời bỏ gia đình, từ bỏ cung điện, ngai vàng trong tương lai. Sau 10 năm học đạo thì trở thành bậc thánh nhân A-la-hán.

Kết luận: Bạn không nhất thiết phải học quá nhiều các kiến thức của người thế gian, chỉ cần biết đọc biết viết, có hiểu biết vừa đủ là được. Quan trọng là bạn cần phải tu học trở thành một người sống đúng đạo đức làm người, mới có thể sống hạnh phúc an nhiên giữa cuộc đời. Nếu muốn bạn có thể tiến xa hơn, tu hành rốt ráo để trở thành một bậc thánh giải thoát.

2. A-nan - người thông minh nhưng chứng đạo rất muộn

A-nan là một nam thanh niên khôi ngô, tuấn tú, được coi là người đa văn, được thận cận Phật, được nghe Phật thuyết pháp nhiều và nhớ nhiều nhất. Nhưng khi Phật nhập diệt thì A-nan vẫn bật khóc vì sự ra đi của Ngài, điều này cho thấy A-nan vẫn chưa thật sự giác ngộ. Đêm trước khi tăng đoàn tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất thì A-nan mới tu chứng đạo.

Kết luận: Học nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều không bằng thực hành sống đúng đạo đức làm người, làm thánh. Muốn được giải thoát cần phải lấy thực hành sống đúng đạo đức làm quan trọng. Có thực hành mới có giải thoát. Học nhiều mà không thực hành thì cũng giống như cái tủ đựng kinh sách, chỉ thêm cản trở trên bước đường tu, chẳng có lợi ích gì cả.

3. Ca-diếp - chủ trương sống khổ hạnh

Xuất thân từ tầng lớp Bà-la-môn, trong một gia đình giàu có nhưng ngài không thọ hưởng dục lạc thế gian, khước từ hôn thú. Ngài xuất gia theo Phật và tu 8 ngày thì chứng đạo. Ngài chủ trương sống khổ hạnh ở núi cao, rừng sâu, thường đi lượm vải cũ để mặc. Khi đi khất thực ngài hướng đến những người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh, tránh xa người giàu sang.

Kết luận: Con người vốn sinh ra từ dục vọng, sống trong dục vọng, chết cũng bởi dục vọng. Dục vọng là ác pháp, là phiền não, khổ đau. Sự giàu sang sẽ cản trở người xuất gia tầm đạo. Chỉ có xa rời các dục vọng, lạc thú trên thế gian mới có thể tiến tới sự giải thoát, chấm dứt luân hồi sinh tử. Cần phải hiểu rõ như vậy để tránh xa sự thụ hưởng các dục lạc thế gian.

4. Ni-đề, người làm nghề gánh phân tu hành đắc thánh quả A-la-hán

Ni-đề là một người thuộc tầng lớp cùng đinh, khốn khổ trong xã hội Ấn Độ, ông làm nghề gánh phân, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật nên đã xuất gia tu hành. Chỉ sau chưa đầy một tuần lễ với sự nỗ lực tinh tấn dũng mãnh, ông đắc thánh quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn khỏi đời sống thế gian khổ đau. Sau đó ông được hàng vua chúa cung kính đảnh lễ.

Kết luận: Giai cấp và tầng lớp xã hội không có ý nghĩa phân biệt người có đạo đức hay không. Người có đạo đức mới là người đáng trân trọng. Những người sống trong cùng cực, khốn khổ, ít tài sản sẽ dễ buông xả và tu hành chứng đạo nhanh hơn. Ngược lại những người sống trong nhung lụa, giàu sang thường khó buông xả, do vậy cuộc sống cũng bất an hơn.

5. Angulimala - tướng cướp buông đao trở thành bậc thánh nhân

Ông Angulimala là một tên tướng cướp giết người khét tiếng tàn bạo ở vương quốc Kosala, với tay nhuốm máu, đầy tội lỗi, nhưng nhờ đủ duyên lành gặp được Phật ông liền buông bỏ đao kiếm xuống, hóa sinh ngay thành một bậc hiền nhân, tinh tấn tu hành. Không bao lâu sau ông chứng quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn ra khỏi sinh tử, chấm dứt luân hồi khổ đau.

Kết luận: Bất cứ con người nào cũng có mầm thiện lành ở trong tâm, chỉ cần gặp được người có đủ lòng vị tha thì sẽ cảm hóa được họ, biến họ trở thành một người có đạo đức thật sự. Không nên áp đặt theo định kiến rằng "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" mà cướp mất đi những cơ hội để cho những người có một quá khứ lầm lỗi được quay đầu làm lại cuộc đời.

6. Liên-hoa-sắc - người kỹ nữ ở chốn lầu xanh trở thành bậc A-la-hán

Trong thời Đức Phật tại thế còn có một câu chuyện điển hình khác, đó là chuyện về người kỹ nữ tên là Liên-hoa-sắc trở thành bậc thánh nhân. Bà Liên-hoa-sắc là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng cuộc đời gặp nhiều điều bất hạnh, trái ngang. Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, cuối cùng bà gặp được Phật và tu hành chứng quả A-la-hán giải thoát hoàn toàn.

Kết luận: Xinh đẹp không phải luôn là lợi thế của con người, ngược lại còn có thể là thảm họa cho chính họ. Thường thì những người xinh đẹp rất tự hào về bản thân, song chính điều đó đã khiến họ phải chuốc lấy những điều bất hạnh không ngờ tới. Khi đó họ mới thấy sắc đẹp là nguy hiểm, chỉ có đạo đức mới cứu rỗi được cuộc đời của con người mà thôi.

7. A-na-luật - một người mù đắc thánh quả A-la-hán, trở thành thiên nhãn đệ nhất

Ông A-na-luật là một thanh niên xuất thân từ dòng dõi quý tộc, tài năng hơn người nhưng sớm giác ngộ đời là biển khổ, ông khước từ kết hôn, quyết chí xuất gia tu hành giải thoát. Với sự kiên định, nỗ lực, tinh tấn đến mù cả hai con mắt, cuối cùng ông đắc đạo quả A-la-hán, trở thành bậc Thiên nhãn đệ nhất. Ông được nghe Phật giảng về 8 điều giác ngộ.

Kết luận: Người thật sự có trí là người sớm giác ngộ sự thật cuộc đời là biển khổ, khi đó họ sẽ không chấp nhận sự ràng buộc thường tình của thế gian nữa. Có như vậy mới quyết chí vượt thoát ra khỏi biển khổ ấy. Việc làm một người sống có đạo đức thì không phân biệt người lành lặn hay người tật nguyền, chỉ cần có quyết tâm là có thể đạt được ý nguyện.

8. Subhùti - chứng đạo với lòng yêu thương

Subhùti là vị tu sĩ được Phật triển khai cho một đề tài về tâm Từ, và ông áp dụng tu tập đến chứng quả A-la-hán, trở thành đệ nhất về hạnh Từ vô lượng. Với ngài, tất cả mọi loài hữu tình (động vật) hay vô tình (thực vật) trên thế gian này đều đáng được trân trọng, bảo vệ, yêu thương. Sau khi chứng đạo ngài không làm tổn thương đến cả một nhành cây, ngọn cỏ.

Kết luận: Chỉ cần chuyên tâm với một pháp tu đúng đặc tướng của mình là có thể chứng quả A-la-hán giải thoát. Không nhất thiết phải tu nhiều pháp mới chứng đạo. Việc tìm ra pháp tu cho mình, nếu may mắn được bậc A-la-hán chỉ cho là một điều vô cùng quý, bằng không thì phải tự mình tìm ra pháp tu cho mình, bởi chỉ mình mới hiểu bản thân mình nhất.

9. Các vị đệ tử chân chính thời Đức Phật bị trọng bệnh

Ngoài những tấm gương điển hình trên đây, trong thời Đức Phật còn có nhiều vị đệ tử chân chính như các Tôn giả Vakkali, Khemaka, Assaji, Channa,... các cư sĩ Dighavu, cư sĩ Cấp Cô Độc... họ là những người đệ tử thuần thành nhưng bị bệnh nặng, do có được duyên lành giác ngộ lý vô thường, vô ngã, khổ, không... Cuối cùng họ cũng chứng quả giải thoát.

Kết luận: Bệnh hoạn không phải là chướng ngại khiến cho người ta không thể tiến tới sự giải thoát hoàn toàn, ngược lại nó còn là cơ hội để con người có thể vượt ra khỏi biển khổ. Chỉ có điều những người bệnh hoạn thì cần phải có ý chí và nghị lực hơn người, có như vậy mới có thể vượt qua những đau đớn, tiến tới sự làm chủ nhân quả, chấm dứt tái sinh luân hồi.

* Đề-bà-đạt-đa - phản bội Phật, phải chịu quả báo

Trong thời Đức Phật không thể không nhắc đến Đề-bà-đạt-đa, một điển hình về kẻ vong ân bội nghĩa. Đề-bà-đạt-đa xuất gia tu hành, ban đầu cũng là một người đệ tử ngoan đạo, nhưng về sau bị danh lợi cám dỗ, ông ta quay lại phản bội Phật, thậm chí lập mưu hãm hại Phật để dành lấy Tăng đoàn. Cuối cùng ông ta phải trả giá, phải chết trong đau đớn tận cùng.

Kết luận: Không phải ai có duyên gặp được Phật pháp cũng đều giữ được duyên lành đó. Nếu không sáng suốt phân biệt thiện ác thì rất dễ bị danh lợi cuốn đi lúc nào không hay. Phải hết sức cẩn trọng, cảnh giác trong từng tâm niệm nhỏ để tránh bị sa vào ác pháp. Mất đi duyên Phật pháp là sẽ bị đọa vào địa ngục vô dán không biết đến bao giờ mới gặp lại nữa.

BÀI HỌC

1. Tam bảo, Phật pháp là điều quý báu nhất thế gian. Chỉ có Phật pháp mới cứu rỗi con người thoát ra khỏi bể khổ trầm luân cuộc đời này.

2. Bất cứ xuất thân từ giai cấp nào, trong tầng lớp nào, hoàn cảnh ra sao... chỉ cần nỗ lực tu hành thì vẫn chứng đắc đạo quả giải thoát.

3. Thông minh, học giỏi, thành đạt cao không phải là yếu tố quyết định sự giải thoát, mà quan trọng là việc thực hành sống đạo đức.

4. Những người kiêu căng thì không thể tu hành giải thoát được, cùng lắm là tạo được chút phước hạnh cho đời sống sau mà thôi.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét