Trăn trở về lương tâm người thầy qua cái chết của học sinh (phần 2):
Những điểm tựa cần thiết cho học sinh
(Dân trí) - Đừng vội quy kết cho cái chết của em Dương là vì bệnh trầm cảm, vì như vậy sẽ là thiếu khách quan và chưa xác đáng. Vấn đề ở đây là cần phải xem xét những điểm tựa cần thiết, nâng đỡ tinh thần cho học sinh ra sao.
>> Vụ học sinh lớp 10 tự tử: Thầy giáo xin tạm nghỉ việc
>> Vì đâu một học sinh lớp 10 tự tử?
>> Nghệ thuật dạy dỗ của người thầy
Áp lực tâm lý
Có thể trong khoảng thời gian gần đây em Dương đang phải trải qua những khó khăn khác về mặt tinh thần.
Em Dương là học sinh giỏi suốt quá trình học tiểu học và THCS, sau này vì nguyên nhân nào đó khiến kết quả học tập của em giảm sút, chính điều đó đã là một áp lực tâm lý quá năng nề đối với em.
Có thể em đã rất mặc cảm về bản thân, cảm thấy hổ thẹn với bạn bè và có lỗi với bố mẹ nên khi thầy giáo Mĩ có những lời nói, thái độ và hành động thiếu quan tâm hiểu biết tâm lý, thiếu tôn trọng học trò như vậy thì chẳng khác nào đẩy bi kịch trong em đến cùng cực. Vì vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn sau đó em Dương đã tự tử.
Đừng vội quy kết cho cái chết của em Dương là vì bệnh trầm cảm, vì như vậy sẽ là thiếu khách quan và chưa xác đáng. Thực tế gia đình em Dương đã phủ nhận lời của ông Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo nói rằng em Dương có biểu hiện của bệnh trầm cảm từ tháng 11 năm ngoái.
Nhưng giả sử điều đó là một thực tế đi nữa thì cũng chưa có bất kỳ một kết luận khoa học nào của các nhà chuyên môn.
Hơn nữa nếu em Dương thật sự bị trầm cảm thì chính thái độ cư xử, hành động và lời nói của thầy Mĩ có thể là tác nhân đẩy sự bi quan tiêu cực của em lên đến tột cùng, làm cho “căn bệnh” của em đến thời khắc bùng vỡ, đưa em đến bờ vực tuyệt vọng và đi đến quyết định quyên sinh.
Thư tuyệt mệnh của học sinh Dương (Ảnh: D.P)
Có giả thiết nói rằng em Dương có thể bị tác động từ phim ảnh, văn hóa hay phong trào tự tử của học sinh, diễn viên nước ngoài. Trong trường hợp của em Dương thì giả thiết này, theo tôi, cũng không thuyết phục.
Qua bức thư tuyệt mệnh của em Dương viết cho em trai mình có đoạn: “...Hãy sống hòa đồng với bạn bè, trân trọng từng phút giây sống trong hạnh phúc của mình”. Điều đó nói lên rằng em đã rất ý thức được giá trị cuộc sống đáng quý như thế nào. Luật sư Trịnh Khắc Triệu (ở Hải Phòng) nói: “Khi đọc những bức thư tuyệt mệnh cháu Dương để lại tôi nhận thấy Dương là một học sinh thông minh, rất tình cảm”.
Câu hỏi với nhiều phía
Chúng ta cứ mãi xoay quanh vấn đề thầy Mĩ có lỗi hay không có lỗi mà quên đi một điều quan trọng hơn đó là lương tâm người thầy và trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội đối với con em chúng ta. Có phải những người có liên quan đến cái chết của em Dương vì thiếu quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của các em, đến khi sự việc không hay xảy ra, các chuyên gia nhảy mới vào phân tích và mới giật mình nhận ra được một số vấn đề?
Phải thừa nhận hành động của em Dương là nông nổi, nhưng chúng ta phải làm gì để ngăn cản những hành động đó mới là điều quan trọng hơn, cần làm hơn.
Xét về mặt lý, có thể những hành động và lời nói của thầy Mĩ chưa đến mức phạm lỗi. Nhưng xét về mặt lương tâm và trách nhiệm của một người giáo viên thì không thể nói là hoàn toàn không có lỗi như lời của ông Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hải Phòng cùng một số bạn đọc khác.
Lỗi của thầy là sự chủ quan, thiếu quan sát và quan tâm đến diễn biến tâm lý học sinh. Điều này có thể chứng minh được vì theo như gia đình phản ánh thì ngay cả khi gọi điện về báo cho gia đình là em Dương nghỉ học không xin phép, thầy còn nói “nó cứ điên điên, khùng khùng”.
Đặt trường hợp làm cha mẹ bạn sẽ nghĩ như thế nào khi đứa con ngoan của mình được giáo viên phản ánh với những từ ngữ như vậy?
Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ông giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng, về lời khẳng định em Dương bị trầm cảm và sau đó là sự giải thích mập mờ cho rằng phóng viên không hiểu ý nên trình bày chưa đúng ý của ông.
Tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ông giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng, về lời khẳng định em Dương bị trầm cảm và sau đó là sự giải thích mập mờ cho rằng phóng viên không hiểu ý nên trình bày chưa đúng ý của ông.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
|
Việc em Dương không chia sẻ câu chuyện ở trường với bố mẹ cũng đặt ra những câu hỏi cho phía gia đình về sự quan tâm tới con cái.
Đa số phản ứng về hành động quyên sinh của em Dương mới chỉ dừng lại ở mức độ biểu hiện bên ngoài với những lời chê trách, mà chưa đi tìm hiểu sâu sắc hơn căn nguyên của hành động đó, dẫn đến nhìn nhận sự việc thiếu khách quan, thiếu sâu sát.
Khi sự việc xảy ra thầy Mĩ vẫn đứng bên ngoài vì chưa có chứng cứ vi phạm, để nỗi đau lại hoàn toàn cho gia đình em Dương.
Tóm lại, đi tìm lời giải đáp thật khách quan và chính xác cho cái chết của em Dương là điều khó khăn. Nhưng đó là điều không thể không làm.
Với bài viết này tôi không hề có ý bênh vực gia đình em Dương và công kích thầy Mĩ. Mà bằng cái nhìn khách quan và kinh nghiệm của người trong nghề, tôi chỉ muốn nói lên quan điểm của mình để góp thêm tiếng nói làm cho công lý minh bạch rõ ràng, xem xét đúng trách nhiệm những người có liên quan, để môi trường giáo dục ngày càng trong sạch, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Dương Cầm