Trăn trở về lương tâm người thầy qua cái chết của học sinh (phần 1):
Nghệ thuật dạy dỗ của người thầy
(Dân trí) - Những sự cố học sinh quyên sinh đều làm cho những người có lương tri phải đau lòng. Đó không chỉ là sự tổn thất đối với gia đình các em mà còn là sự mất mát của xã hội, nhất là đối với nhà trường và thầy cô giáo của các em.
>> Vì đâu một học sinh lớp 10 tự tử?
>> Vụ học sinh lớp 10 tự tử: Thầy giáo xin tạm nghỉ việc
LTS Dân trí - Vụ học sinh lớp 10 Nguyễn Ngọc Dương ở trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) quyên sinh cách đây chưa lâu, khiến dư luận phải đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là trách nhiệm của thầy giáo có liên quan trực tiếp với sự cố đáng tiếc đó.
Bài viết dưới đây của một thầy giáo có sự nhìn nhận khách quan, lưu ý trách nhiệm và lương tâm của người thầy trong cách ứng xử với trò, nhất là đối với những trò có những biểu hiện tâm lý không bình thường. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần rút ra để tránh tái diễn những vụ đau lòng tương tự.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà giáo Dương Cầm, được chia làm hai phần:
Cú sốc
Vốn là thầy giáo dạy kiến thức văn hóa và giáo dục đạo đức cho học sinh, nhiều lúc tôi phải trăn trở, đau lòng với những sự thật cay đắng xảy ra ở đâu đó trong môi trường giáo dục của chúng ta.
Một vụ điển hình làm tôi thấy tiếc nuối, đau lòng và suy nghĩ trăn trở kéo dài là sự cố dẫn đến cái chết của em Nguyễn Ngọc Dương - học sinh lớp 10C3 trường THPT Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng vừa xảy ra ngày 29/4/2011.
Sự việc như một hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh những nhà sư phạm đã có phần thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những biểu hiện bất thường của học trò như vậy. Có lẽ họ vẫn thường nghĩ rằng mình làm người thầy dạy dỗ học sinh cho nên có quyền được nói gì thì nói, miễn sao không nằm ngoài việc học tập của các em.
Họ cho rằng mình hoàn toàn đúng vì tất cả những lời nói đó xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm, mà không ý thức được rằng: ở lứa tuổi này và với hoàn cảnh cụ thể của các em, thì việc tiếp nhận những lời nói, thái độ và hành động thiếu cân nhắc của người thầy đôi lúc là cú sốc lớn, là quá nặng nề với các em.
Họ không hiểu rằng cái sự dạy dỗ của mình cũng đòi hỏi một “nghệ thuật”. Nếu không có thể dẫn tới hậu quả khó lường. Vẫn biết rằng với số lượng học sinh khá đông, việc quan tâm sâu sát đến từng học sinh là điều rất khó. Nhưng với các học sinh trong lớp mình làm chủ nhiệm và đặc biệt với những học sinh có biểu hiện bất thường, thì việc tìm hiểu sâu sắc hơn đối với các em là thuộc về trách nhiệm và lương tâm của người thầy.
Ngôi trường nơi Dương theo học trước khi học sinh này tự vẫn. (Ảnh: D.P)
Do không may bị ốm, biết về vụ việc này hơi muộn, nhưng tôi đã đọc kỹ tất cả những thông tin về cái chết của em Nguyễn Ngọc Dương trên những báo điện tử có uy tín hàng đầu như Dân trí, Vietnamnet và Tiền Phong. Qua đó tôi cũng có thể hình dung, hiểu được điều gì đã xảy ra giữa thầy giáo Hoàng Xuân Mĩ và em Nguyễn Ngọc Dương.
Trong bài viết này tôi muốn nói lên những vấn đề ẩn đằng sau vụ việc mà tôi chưa thấy được đề cập một cách thỏa đáng qua những bài báo trên mạng.
Sau khi em Dương không làm được bài tập thì những diễn biến tiếp theo sau đó giữa thầy Mĩ và em Dương, tôi cho rằng không đơn giản và chỉ có mấy câu ngắn gọn như vừa trích ở trên đây.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
|
Một số học sinh lớp 10C3, cùng lớp khẳng định thêm: “Khi thầy M. hỏi bài tập trước đó đâu, D. nói quên ở nhà. Các em cũng cho biết có chuyện D. nói to trước lớp với thầy việc mình không làm được bài. Và thầy M. có nói, nếu “anh” thấy học lớp này khó quá thì nên nói với cha mẹ xin chuyển lớp khác. D. sau đó đã khóc. Lúc ra chơi, có bạn thấy cậu đứng ở hành lang, mắt buồn rượi, muốn tới an ủi, D. chỉ nói “không sao, bạn vào lớp trước đi”.
Qua sự việc em Dương bật khóc trước lớp chúng ta có thể thấy rằng vấn đề không đơn giản chỉ là những lời nói bình thường thuần túy mang tính giáo dục của người thầy giáo. Điều đó có thể phân tích như sau:
Trước hết, việc thầy Mĩ bắt em Dương đứng trước lớp như một hình phạt là điều không phù hợp và không nên làm đối với học sinh cấp III.
Thứ hai, xét kỹ trong câu nói: “Nếu em không thích học lớp này thì bảo bố mẹ xin chuyển sang lớp khác...” của thầy Mĩ đối với học sinh là đã có những điều khó chấp nhận, bởi ít khi có chuyện học sinh không thích học lớp mà mình đã theo học từ đầu. Việc chuyển lớp là điều bất đắc dĩ. Như vậy là giáo viên đã có những lời nói không cần thiết.
Tôi cũng từng là học sinh giỏi suốt quá trình học từ lớp 1 đến lớp 9 như em Dương, nhưng khi lên cấp 3 việc học của tôi ngày càng sa sút nên tôi hiểu được điều gì đã xảy ra trong tư tưởng của em Dương trong hoàn cảnh đó.
Thứ ba là trong câu nói của mình thầy Mĩ có dùng “dốt”, một từ tối kỵ khi dùng trong nhà trường và bản chất của nó trong trường hợp này là sự xúc phạm, sỉ nhục. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ xem, một em vốn là học sinh giỏi nhiều năm nay bỗng bị la mắng là “dốt” sẽ bị tổn thương như thế nào.
Nếu bằng cách nói khác, thay từ “dốt” bằng từ “học chưa tốt” với thái độ ân cần thì mọi chuyện đã có thể trở nên nhẹ nhàng hơn. Qua bức thư tuyệt mệnh và những thông tin liên quan, tôi nhận thấy em Dương là một con người nhạy cảm, giàu tình thương, sống nội tâm và có phần yếu đuối nên rất dễ bị tổn thương.
Vậy nên nếu nói rằng thầy Mĩ hoàn toàn không có lỗi như độc giả Hoàng Ngọc Quỳnh Lam trong bức thư Gửi nam sinh Ngô Quyền và các trò định chết là không thuyết phục.
Theo tôi, bức thư đó chưa đánh giá được vấn đề một cách sâu sắc và khách quan. Còn theo quan điểm của bản thân em Dương trong thư tuyệt mệnh của mình đã khẳng định rằng: “Dương bị thầy M, giáo viên chủ nhiệm (kiêm dạy môn Hóa) sỉ vả” thì dù đúng hay chưa đúng, cũng là điều không thể thay đổi và đáng lưu ý.
Mặt khác trong câu nói của thầy Mĩ có nhắc đến phụ huynh, rất có thể hàng ngày em đã mang mặc cảm có lỗi với bố mẹ về việc học tập của mình, và khi thầy nhắc đến điều đó càng làm em khổ sở dằn vặt nhiều hơn, cảm thấy bị xúc phạm đến bật khóc giữa lớp.
(Còn nữa)
Dương Cầmduongcam1976@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét