Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Chúng ta cần hiểu sự thật về cuộc đời này.


Chúng ta cần hiểu sự thật về cuộc đời này.


Đời người, theo quan niệm thông thường của nhiều người “là tranh đấu để được danh vọng, giàu sang, hạnh phúc trong cuộc sống”. Làm thế nào để đạt được hạnh phúc ấy mà không phải tranh đấu theo nghĩa thông thường?

Đức Phật dạy do nhân của kiếp quá khứ đã đúc kết nên cuộc đời hiện tại. Sướng, vui, buồn, khổ có danh vọng giàu sang hay nghèo hèn, khổ cực, nhất nhất đều phát xuất từ nghiệp quá khứ. Khi tái sinh, con người không thể nhớ những gì đã gây tạo trong quá khứ và tiếp nhận cuộc sống mới với những gì đã tạo sẵn. Đức Phật gọi đó là định nghiệp, một thứ nghiệp đã quy định. Tuy nhiên con người cũng có thể xoay chuyển được một phần định nghiệp với điều kiện chịu ngồi xuống và hành trì những lời của Phật dạy. Do sự thành tâm hay không, nghiệp của con người sẽ chuyển hóa nhiều hay ít. Đó là nói cho những người có tu. Còn như không tu mà cứ buông lung tâm ý sống theo dục vọng cố chấp thì nghiệp (những gì chúng ta đã tạo) sẽ lần lượt đến với mình theo thời gian, nó sẽ đến với ta nhiều hay ít, sướng hay khổ, hạnh phúc hay bất hạnh phúc. Vì vậy đúc kết lại là ngay từ khi sinh ra ở cõi đời này con người phải nên tiếp giáp ngay với đạo lý của đức Phật để tu tập và chuẩn bị cho cuộc đời mai hậu chứ không phải chỉ mãi mê tìm kiếm danh lợi trong cuộc sống này. Phật giáo cho biết: muốn biết đời trước ta đã tạo nghiệp gì hãy nhìn những gì ta lãnh thọ trong đời này thì biết. Muốn biết kiếp sau ta như thế nào? thì hãy nhìn những gì ta làm ngày hôm nay thì đời vị lai ta sẽ như thế đó. Cuối cùng chúng ta hiểu tại sao Phật giáo ra đời? Là vì Đức Phật Thích Ca hiểu trong cuộc sống trầm luân này chúng sinh không làm sao thoát được sự đau khổ trong sinh tử. Vì hễ sinh ra thì phải chịu khổ và trầm luân do vòng quay của luân hồi Nhân quả + Nghiệp đã tạo tác. Ngài ra đời là để dạy cho chúng sinh (loài người nói riêng) tu tập để hoặc thoát hẳn vòng sinh tự khổ đau hay ít nhất cũng gieo tạo được một chút phước đức cho đời vị lai. Tuy nhiên số người tin vào Phật giáo rất ít và dĩ nhiên sự việc không thể dễ dàng như bản hoài của Đức Phật. Vì vậy sự đau khổ vẫn cứ tồn tại không biết bao giờ mới chấm dứt. Oan oan tương báo, rồi oan gia đối đầu rồi hận thù gay cấn cứ mãi miết xảy ra. Những bậc tu hành xuất gia là những người đã có tạo căn lành từ đời trước. Kiếp sống này do sự đau khổ thúc đẩy, họ bước chân vào đạo. Do nổ lực tu hành hay không, có người chứng quả giải thoát sinh tử, có người không chứng quả đành phải chịu luân hồi và nhận chịu những gì mình đã gây tạo. Sau những thọ báo nhân quả trong sáu đường, họ tiếp tục tu và một ngày kia họ được giải thoát. Đó là con đường mà một chúng sinh phải bước qua.

Khi chúng ta ý thức được huyễn cảnh của đời sống và thọ nhận những lời dạy của đức Phật. Chúng ta phải nên lo tu tập để mau chóng ra khỏi vòng sinh tử vô gián đoạn này. Chúng ta nên ngừng lại tất cả lòng ham muốn vật chất cố hữu và tham vọng làm một cái gì đó trong cuộc đời ngắn ngủi này. Những điều này có thể vô ích nếu chúng ta hiểu được cái giả cảnh của thế giới ta bà này. 

Hiện nay lực lượng Ma vương rất hùng hậu. Nó thách đố với Đức Phật là sẽ tìm cách phá nát Phật giáo. Dựa vào câu chuyện giữa đức Phật và Ma vương. Chúng ta thấy Ma vương đã từng tuyên bố "Vào trong đời mạt kiếp tôi sẽ cho quyến thuộc của tôi giã làm người tu hành xuất gia ở trong đạo của ngài và âm thầm phá hoại chánh pháp của Ngài". Đức Phật nghe nói thế, chỉ biết nhỏ lệ. Hiện nay Ma vương đã thực hành lời nói này và đang lũng đoạn Phật pháp. Nó cũng có đồ chúng đông đảo, sẵn sàng uy hiếp những thế lực của Phật và những người tu hành chân chính. Trong số những người tu hành xuất gia phạm lỗi lầm trong đạo, có một số là Ma vương thật, một số là những người bị Ma hại. Sở dĩ bị hại là do họ không chánh tâm nhất đức tu hành, duyên nơi ngũ dục và lục trần quá nhiều. Những người này sẽ có số phận của họ và phải chịu sự hình phạt theo nhân quả. Chúng ta muốn chiến đấu chống lại Ma vương và đi theo con đường của đức Phật để giải thoát không phải là sự dễ dàng. Không phải là đối mặt với Ma vương mà thách đố nó hay đấu tranh với nó theo lối thế gian. Phương pháp hay nhất mà Đức Phật đã dạy là chúng ta phải tu hành có đạo lực.

Tóm lại, những người gọi là tín đồ Phật giáo nên nhìn rõ vào thực chất của cuộc sống trong sinh tử, cố gắng giảm thiểu công ăn việc làm lại, biết đủ và thực hành Phật pháp. Đời này đã lỡ rồi, nhất định không tái phạm những lầm lẫn xấu ác cho kiếp vị lai. Những người có duyên phận đã xuất gia nên nhận hiểu sứ mạng cao cả của mình là thay Phật giáo hoá chúng sinh. Nhất định không để cho lục trần ngũ dục lôi cuốn để cuối cùng sa đọa uổng một kiếp sống tu hành. Thế giới này không cần thiết hiện hữu. Những nổ lực của các nhà khoa học đôi khi không mang lại hạnh phúc cho chúng sinh mà lắm lúc làm cho con người ỷ lại vào nếp sống vật chất và sinh tâm buông lung. Thực chất thế giới Ta bà này được tạo thành do vọng tưởng và nghiệp lực của chúng sinh. Nó không phải là thế giới do chư Phật tạo ra để cứu độ chúng sinh. Trong hàng tỷ tỷ thế giới trong vũ trụ sinh diệt hàng ngày này sẽ có ngày thế giới Ta Bà này phải bị tiêu diệt. Vì vậy chúng ta không nhất thiết cầu mong thế giới này nó sẽ tồn tại cho hạnh phúc của nhân loại. Mà chỉ nên tìm mọi cách để xây dựng đời sống tâm linh cho nhân loại bằng những đạo lý của Phật giáo. Phật giáo là đạo lý giải thoát chứ không phải là một loại tôn giáo mà loài người xưng tụng và cho đó là thứ “Tôn giáo” của riêng những người theo nó. Thực chất nó là một hình thức đạo lý như bao nhiêu nguồn đạo lý khác nhưng thù thắng hơn là hướng dẫn loài người tìm được nguồn hạnh phúc chân thật. Vì vậy đức Phật người tìm ra đạo lý này đã nói “Tất cả các pháp thế gian đều là Phật pháp”. Chúng ta có thể hiểu ý Ngài muốn nói tất cả các thứ đạo trên thế gian này đều có khuynh hướng mang lại hạnh phúc cho loài người. Tuy nhiên hạnh phúc ở thế gian này theo ý ngài chỉ là tạm bợ. Ngài liền dạy chúng ta một loại hạnh phúc cao hơn đó là sự giải thoát ra khỏi ba cõi khổ đau .Tuy nhiên chúng sinh tạo nhiều nghiệp chướng khác nhau nên mỗi người tự thấy mình được giúp đỡ trong nhiều nguồn đạo lý khác biệt từ các đạo giáo. Đó là lý do có những người sùng tín Chúa và có những người tin Phật.

Cuối cùng trong dòng tuôn chảy của nhiều kiếp sống sinh tử khổ đau chúng ta sẽ gặp nhau trong giáo lý giải thoát của đức Phật. Chính Chúa Jesu là người theo đạo Phật và truyền bá những lời dạy của đức Phật dưới dạng “Kinh thánh”, Ngài nói “kẻ nào gieo gió sẽ gặt bão”. Đây không phải là giáo lý nhân quả sao? Hầu hết Kinh thánh đều là những lời giáo hoá của đức Phật mà Chúa Jesu đã thay Phật truyền bá ra.(Chúa Jesu ra đời 500 năm sau Phật lịch). Vì vậy ta sẽ không lạ gì khi thấy có những người mến mộ Chúa một cách tha thiết chỉ vì đọc được những lời dạy ứng hợp với tầng số tâm linh của họ. Những lời dạy này chính là những tư tưởng minh triết của một bậc giác ngộ, và ai ai cũng có thể đạt được những tư tưởng này nếu tin rằng mình có tánh giác ngộ. Nhiều nguồn tư tưởng tương tự được lặp đi lặp lại bởi những nhà hiền triết nhằm nhắc nhở chúng ta tu hành. Ví dụ như “Đừng làm kẻ khác đau khổ khi chính mình không thích đau khổ”. “Đừng nên nhìn kẻ khác với đầy ý tưởng xấu vì điều đó vô tình chúng ta tự làm cho mọi người thấy cái xấu xa tồi tệ của mình”, “Nếu không thể làm điều thiện thì đừng nên làm điều ác xấu”, “Đừng bắt chước một con sư tử khi mình chỉ là một con mèo” v.v… Nhiều tư tưởng rất hay có thể giúp mình hoàn thiện nhân cách đạo đức tuyệt vời. Cuộc đời đúng ra là một trường học dạy chúng ta nhiều điều lợi ích. Bởi chúng ta không nhận ra những lầm lỗi vấp ngã trên đường đời nên chúng ta không có nhiều cơ hội hay kinh nghiệm để tiến lên thành một con người hoàn hảo. Chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người và không nhận lỗi của mình nên phải dậm chân tại chỗ. Có người biết được điều này trên tử sàng, nhưng cũng không phải quá muộn nếu họ khởi niệm sám hối và tu sửa.

Chúng sinh đa nghiệp nên dù với nhiều pháp môn của Phật đưa ra đối với thời kỳ chánh pháp suy đồi này cũng khó giúp đỡ họ dừng lại bước chân lầm lạc. Ai cũng có quan điểm riêng về cuộc sống và nhiều người cố chấp không nghe lời ai hết cho mãi đến khi thất bại hay đau khổ thì họ mới sực tỉnh. Cái lầm lỗi lớn nhất là chạy theo cuộc sống mà không có một thế lực nào bảo vệ cho mình. Người ta có khuynh hướng sống theo truyền thống gia đình. Đa số người họ sống theo dục vọng. Chỉ có một số ít là sống theo đạo lý. Thật quá ít người có căn lành với Phật pháp. Phật bảo không thể độ người vô duyên. Vì vậy dù có tâm niệm Bồ tát chúng ta cũng không thể làm được điều gì hơn lời dạy này. Cách hay nhất là tự tu và tự giải thoát. Chúng ta cũng có thể gieo tạo một chút tinh hoa của Phật giáo đến mọi người. Nhưng con đường này đức Phật đã báo trước "Nó rất chông gai và người làm công hạnh này phải triệt để hy sinh chịu khổ nhọc và luôn chịu cả sự phỉ báng của nhiều người, những người không phù hợp với chính kiến của mình". Ngay cả những người theo mình cũng khó lòng duy trì cuộc sống của họ vì lý do quá sức chiụ đựng.

Có một vị thiền sư rất nổi tiếng về những năng lực tâm linh vĩ đại. Một vị học trò cảm mộ vị thầy này nên nhất định xin theo học đạo. Ban đầu vị thầy từ chối vì quán sát biết vị đệ tử này sẽ không thể nào chịu đựng được cuộc sống quá khổ nhọc. Lý do vị thầy đang sống chung với một bọn ăn mày để độ cho họ. Hàng ngày vị thầy này phải ăn uống rất khổ hạnh. Ngài sống dưới gầm cầu và ăn những thức ăn của ăn mày khi đói khi no. Ngài sống đúng nghĩa một người ăn mày giống như chuyên nghiệp nhưng không phải chuyên nghiệp vì mục đích của ngài là phương tiện độ người và tự tu. Sau nhiều lần nài nỉ vị học trò được thầy nói rằng là "Chỉ khi nào anh sống được như ta 3 ngày thì ta sẽ nhận anh làm đồ đệ". Anh học trò đồng ý. Ngày thứ nhất trôi qua dưới gầm cầu không còn gì ăn. Thầy bảo đồ đệ đi xin đâu được một khúc bánh mì. Hai thầy trò chia nhau gậm bánh mì. Tối đó một tên ăn mày lăn đùng ra chết. Thầy bảo đồ đệ: "Hãy giúp thầy khiêng tên ăn mày này đi chôn". Hai người hì hục trong bóng đêm khiêng người ăn mày chết đi chôn ở một nghĩa địa và trở về khi mặt trời sắp lên. Đến trưa hôm sau, học trò chuẩn bị đi xin ăn. Ông thầy ngăn lại bảo rằng còn một chút cơm khô của tên ăn mày chết để lại, con hãy cùng ta dùng đỡ. Tối đêm thứ hai một tên ăn mày khác lại lăn đùng ra chết. Một lần nữa hai thầy trò lại khiêng tên ăn mày đi chôn tiếp. Sáng hôm sau vị thầy không thể tìm thấy vị học trò đâu nữa. Anh đã chuồn lẹ vì không thể ăn bánh mì cơm ngụi rồi làm công tác chôn ngưòi chết suốt hai đêm.

Câu chuyện có vẻ tiếu lâm nhưng cũng đúng vì đối với bậc chân tu có đạo lực họ thể sống trong mọi trạng huấn của cuộc đời không thấy như thế nào là sự khó khăn. Nhưng đối với thường nhân cuộc sống phải ở mức hạn định của sức người và phải có thực phẩm đầy đủ để duy trì cơ thể. Chúng ta không đến nổi như vậy. Nhưng tham vọng của cuộc đời đôi khi thúc đẩy ta làm những việc không phù hợp với đạo lý. Chúng ta có thể không đủ trí tuệ để quán sát thấy cuộc đời này đầy ảo mộng. Kiếp người thật ngắn ngủi. Cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái đều do nhân duyên xếp đặt để cùng nhau xum họp trong một hoàn cảnh sống để đền trả nhân quả với nhau, với đầy đủ mọi oan trái không vừa ý hoặc hội ngộ nhau trong cảnh giàu sang hạnh phúc đẹp lòng.

Mỗi kiếp sống đều biểu hiện như thế với những nhân vật khác nhau y hệt một vở tuồng trên sân khấu mà người đạo diễn đã sắp đặt cho mỗi vai trò của diễn viên tùy theo nội dung vở tuồng. Đạo lý này rất phổ biến tuy nhiên có người không hiểu được vẫn tin chắc những gì hiện hữu là có thật. Họ nói đây là con tôi. Đây là chồng, vợ, cha mẹ tôi. Đây là tài sản của tôi v.v... Không nhiều người thấy rõ thế giới này đã từng sinh diệt trong từng sát-na (đơn vị rất nhỏ của thời gian) và mạng người không thể ra khỏi quy luật chung của vũ trụ nhân sinh là THÀNH - TRỤ - HOẠI - DIỆT hay SINH - GIÀ - BỆNH - CHẾT. Chúng ta chỉ nên sống theo nền luân lý đạo đức là yêu cha kính mẹ, chung thủy với vợ chồng, có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái và bản thân nên tu dưỡng tâm linh. Đó là tất cả những gì Đức Phật muốn dạy loài người để có nền hạnh phúc tương đối trong cõi luân hồi vô gián đoạn này. Cao hơn nữa Ngài dạy đạo lý giải thoát ba cõi cho những người có căn tánh cao độ. Tuy nhiên phần lớn con người đều không sống được như bản hoài của Đức Phật. Vì vậy thế giới đã đi tới chỗ không như ý của mình. Và Đức Phật dạy tiếp: Vạn pháp đều là hư ảo mộng mị, nó sẽ lần lượt hủy diệt theo thời gian. Cái chân thật mà Đức Phật muốn nói là bản tâm Ngài khuyên mọi người nên quay về đó. Kinh giáo của Phật dạy rằng bản tâm này vô hình vô tướng (không phải là những cái suy nghĩ thấy biết thông thường), vì vậy muốn nhận ra nó phải ở trong trạng thái vô ngã tức là không thấy có mình có người, không tạo tác và không khởi lên những niệm tưởng để thấy sự hiện hữu của vạn pháp. Vấn đề này vô cùng khó khăn nên không ai dễ dàng thực hiện. Ngay từ chỗ nói rằng cái thế giới này là huyền ảo cũng vẫn có người không tin nhận thì làm sao họ nhận được một sự kiện quá cao siêu này?.

Vì thế giới này là tựu điểm của những chúng sinh tạo nhiều nghiệp chướng, họ phải gặp nhau ở thế giới này để ân oán được thỏa hiệp với nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy xã hội hàng ngày toàn cảnh chém giết nhau hãm hại nhau luôn cả vấn đề tranh đấu ý thức hệ toàn những oan trái không như ý mình và nhất là rất nhiều tai họa từ "trên trời giáng xuống" như động đất, núi lữa, sóng thần chẳng hạn. Có nhiều người nhờ những oan báo này mới thức tỉnh được cuộc đời bèn quay đầu hướng về đường tu tập. Nhưng sẽ còn rất nhiều chúng sinh vô minh vẫn tiếp tục đi con đưòng của thường nhân để tiếp tục chịu khổ đau trong vòng luân hồi khổ báo này.

Nói cho cùng ý nghĩa của cuộc đời là biết xử dụng mọi hình thức của cuộc sống để hoàn thiện con người mình hay nương nơi thiện hữu tri thức để tu tập. Đó là con đường chúng ta tìm thấy nền hạnh phúc chân thật. Không phải như hạnh phúc mà ta thường quan niệm phải tranh đấu bằng nhiều thủ đoạn khôn ngoan để có được. Điều này có thể có nhưng chỉ là nhất thời thôi. Không hay bằng hạnh phúc từ một tâm thể đã giác ngộ "huyển cảnh của đời sống". Một ngày ở trong đạo lý giác ngộ bằng cả đời chạy theo cuộc sống vô minh mà rốt cuộc chỉ được một mớ phiền não đa đoan. Cho nên người xưa từng nói: "Buổi sáng ngộ đạo buổi chiều chết cũng mãn nguyện".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét