Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

SUY NGHIỆM VỀ CÁI CHẾT


SUY NGHIỆM VỀ CÁI CHẾT


Cuộc đời là một tấn bi kịch trên sân khấu mà con người là những diễn viên dưới sự đạo diễn của “Nhân quả”, là những cuộc gặp gỡ và chia ly mà chỉ những ai thiếu may mắn như Bảo mới có dịp sớm nhận ra. Rồi một mai rời xa thế giới, Bảo ước nguyện cho muôn loài thế giới được sống trong bình yên, hạnh phúc.

Sự thật mỗi cuộc đời là một chuỗi ngày dài của hành trình tiến về cái chết, chờ đợi và không thể biết trước được rằng cái chết đến với mình như thế nào. Tất cả đều như vậy! Đừng phủ nhận! Hãy suy nghĩ đi, bạn sẽ thấu hiểu sự thật ấy! Chẳng có gì là quá sớm để bạn tư duy những điều như vậy! Thân ngủ uẩn này là bất tịnh, là vô thường, và vô ngã, là khổ đau, là thứ không có giá trị, là đồ bỏ đi,… Có gì đáng để chúng ta cưng phụng, chiều chuộng, khổ đau vì nó? Thật đáng thương cho những kẻ vì ngu muội, thiếu hiểu biết một cách chân thật về cuộc đời mà trở thành kẻ nô lệ cho tấm thân ngũ uẩn vốn là thứ vay mượn tạm bợ và chẳng có gì bền chắc này.

Trong khi chúng ta còn sống chúng ta nên thỉnh thoảng suy nghiệm về cái chết. Ðúng ra chúng ta nên nghiệm về nó hàng ngày. Ðức Phật khuyên nên nghĩ về cái chết thường xuyên vì làm vậy có nhiều cái lợi.
“…Phải tinh tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả…”
(Kinh Nhất Dạ Hiền)
Chúng ta hãy xem suy nghiệm về cái chết thì được lợi như thế nào.
Trước tiên, chúng ta cần nói rõ rằng suy nghiệm về cái chết không có nghĩa chúng ta phải trở nên buồn rầu, sợ hãi, bệnh hoạn, hoặc ngã lòng, chỉ muốn tự tử. Không, trái lại khi nghiệm một cách hiểu biết về cái chết chúng ta càng có thể sống một cách hiểu biết và từ bi hơn.
Thí dụ, mỗi khi bực mình khó chịu, tôi thường suy nghiệm như thế này (nếu tôi không bị mất tỉnh giác lắm): Ðời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết đến nơi. Vậy gây gỗ cãi nhau với người khác thì được ích lợi gì? Nổi cơn nóng giận thì được ích lợi gì? Hoàn toàn không được gì cả. Tốt hơn là mình nên giữ lòng bình an. Cãi nhau hay nổi nóng không giải quyết vấn đề, mà chỉ tạo thêm hận thù phiền toái. Nghĩ như vậy giúp tôi nguôi lại, tự kiểm soát lấy mình không để bị cảm giác sai lôi cuốn, và quan hệ với người khác nhẹ nhàng khéo léo hơn. Ðương nhiên điều này không phải luôn luôn dễ làm và đôi khi (có lẽ rất nhiều khi) tôi quên đi và bị vướng vào những đại ngôn và xúc cảm quá mức, nhưng khi tôi đã tự nhắc được mình về sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự phi lý của việc nổi nóng, tôi nguôi lại và ăn nói với sự dịu dàng và tự chế.
Cũng vậy, khi tôi bị kích động hoặc lo lắng về một chuyện gì đó, tôi tự hỏi lo lắng bồn chồn có được ích gì. Cuộc đời sẽ trôi qua và cái chết chờ đón tất cả mọi người. Không ai trên thế giới này có thể thoát được cái chết. Cái chết làm bình đẳng tất cả mọi người. Do đó, khi còn sống thì tôi nên sống cách tốt nhất mà tôi có thể làm được, tức là sống theo đạo pháp, sống với tỉnh giác, sống từng giây phút một, từng ngày một, làm hết sức của mình cho ngày đó. Nghĩ minh mẫn như vậy thì tôi sẽ bỏ qua mọi lo lắng và sống một cách nhẹ nhàng hạnh phúc hơn.
Hơn nữa, chúng ta có thể suy luận rằng dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và chết. Vậy thà chúng ta già mà không lo lắng thì chẳng hay hơn không! Ðó là điều sáng suốt hơn. Không ai có thể chối cãi sống không lo là sướng. Ngược lại lo nhiều làm chúng ta rút ngắn tuổi thọ, gây thêm bệnh và chết sớm. Nghĩ được như vậy cũng giúp chúng ta bỏ qua mọi lo lắng và sống hạnh phúc hơn. Do vậy, suy nghĩ về cái chết một cách hiểu biết thì chúng ta càng bao dung nhẫn nại hơn, tử tế dịu dàng hơn, đối với bản thân chúng ta cũng như đối với người khác.
Và rồi chúng ta cũng ít bám víu vào của cải vật chất, ít tham lam hơn. Vâng, khi chúng ta nhận rõ sự ngắn ngủi của cuộc đời, và cho dù chúng ta tích lũy của cải được bao nhiêu, khi chết chúng ta cũng chẳng mang theo được một xu, thì chúng ta sẽ ít tính toán hơn. Chúng ta có thể nới lỏng ra và bắt đầu hưởng trọn niềm vui chia sẻ và ban bố, yêu thương và quan tâm người khác. Chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc đời không phải chỉ là tích lũy dành dụm của cải. Chúng ta sẽ thích rộng rãi hơn, chia sẻ và đem niềm vui và hạnh phúc đến cuộc đời người khác. Mang lại niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác chính là cái làm cho cuộc đời có ý nghĩa và đẹp hơn. Ðó mới là điều quan trọng. Lòng thương yêu và trắc ẩn có thể mọc chồi và nở hoa trong chúng ta giống như một cây đầy hoa đẹp. Chúng ta có thể trở thành những con người thật sự tốt đẹp đầy lòng từ bi, đáp ứng bằng cả con tim mà không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, v.v… Cuộc đời chúng ta sẽ có thêm ánh sáng mới và chúng ta có thể nói mình thật sự hạnh phúc và nhân bản. Và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận. Chúng ta có thể chết một cách hạnh phúc và an bình, với một nụ cười trên môi.
Khi bốn ngọn núi lăn đến..
Có lần đức Phật kể một chuyện ví von về cái chết để nhấn mạnh với chúng ta là cần phải sống một cuộc đời có ý nghĩa. Ngài đặt câu hỏi sau đây cho vua Ba Tư Nặc (Pasenadi): "Tâu Bệ hạ, ngài sẽ làm gì nếu được cho biết rằng sẽ có bốn ngọn núi khổng lồ từ bốn phía đông, tây, nam, bắc, tiến đến vương quốc của ngài, nghiền nát tất cả mọi sinh linh, và không ai có thể thoát được?"
Vua Ba Tư Nặc trả lời: "Kính bạch Đức Thế tôn, với một thiên tai vĩ đại như vậy, sự hủy diệt sinh linh khổng lồ như vậy, và vì tái sinh làm kiếp người không phải dễ, cho nên có còn cách nào khác là ta phải sống một cuộc đời chính đáng và làm điều thiện." Ðức Phật lúc đó mới đi thẳng vào vấn đề: "Thưa Bệ hạ, tôi xin nói cho ngài biết -- tuổi già và cái chết đang lăn đến nghiền nát ngài đó. Vì tuổi già và cái chết đang lăn đến, ngài sẽ làm gì đây?" Ðức vua trả lời rằng trong tình huống như vậy, ông càng cần phải cấp tốc sống một cuộc đời chính đáng và làm điều thiện. Vua cũng nhìn nhận rằng mọi quyền uy, thanh thế, của cải và dục lạc mà mình đã hưởng, khi chết cũng sẽ thành số không.
Cho nên khi chúng ta suy niệm có hiểu biết về cái chết, chúng ta sẽ nhận ra rằng của cải, quyền uy, thanh thế và dục lạc không phải là tất cả. Chúng không thể đảm bảo đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Biết bao người đã có những thứ đó mà vẫn sống một cuộc đời đầy hỗn loạn, thiếu hạnh phúc. Một số người hối tiếc là mình đã đối xử tệ bạc, dẫm chân và hủy hoại người khác trong lúc lo quay cuồng chạy theo tham vọng trần gian. Một khi đã đạt đến tột đỉnh, họ thấy rằng thành tựu của họ cho cùng cũng chẳng lấy gì làm thỏa mãn, mà còn trống rỗng và vô nghĩa. Ðôi khi họ ước gì đã dành nhiều thời giờ cho người thân, cho bạn bè, đã biểu lộ nhiều quan tâm, hiền dịu hơn. Họ hối tiếc đã bỏ lơ người thân thiết của mình. Một số người khi đã đạt được một mức thành công nào đó thì thay đổi thái độ nửa chừng. Họ dành nhiều thời gian cho người thân, bạn bè và xã hội, và sẵn sàng từ bỏ những tham vọng cao nhất để chấp nhận mức ít hơn.
Nếu chúng ta đọc về những người giàu có thành công đã làm cuộc đời họ xáo trộn như thế nào thì chúng ta có thể học được từ những sai lầm của họ. Một ngày nọ tôi có đọc cuốn sách tựa đề Những người thua cuộc giàu nhất thế giới. Tôi thấy đó là cuốn sách thật có tính giáo dục cao. Tựa đề đặt thật hợp. Họ là những người thua cuộc trong cuộc sống mặc dù giàu có. Vâng, tôi học được nhiều đạo pháp từ cuốn sách đó, về việc tiền bạc và thành công không bảo đảm một người được hạnh phúc. Thay vào đó họ bị thiếu hạnh phúc vì của cải và thành công của họ. Ðọc về những người giàu có và nổi tiếng, như Howard Hughes, Mario Lanza, Elvis Presley, Marilyn Monroe, và Aristotle Onassis, sống và chết như thế nào, tôi thật không ganh tị gì với họ.
Những người hào nhoáng như Elvis và Monroe chết do dùng thuốc quá liều, đã sống đúng theo câu tục ngữ: "Từ nghèo đến giàu, và từ giàu đến trống không." Tất cả những của cải và thành công của họ cũng không đem lại được cho họ cái hạnh phúc mà họ tìm kiếm. Hạnh phúc vẫn lẫn tránh họ. Họ có vẻ thật đáng thương, tràn ngập thịnh nộ, đau khổ, sợ hãi và trống rỗng. Hoặc lấy trường hợp của một người đàn bà được thừa hưởng gia tài khổng lồ, lấy chồng bảy lần mà vẫn không tìm được hạnh phúc. Bà ta nói với người viết tiểu sử của mình: "Tôi thừa hưởng tất cả mọi thứ ngoại trừ tình yêu. Tôi luôn luôn đi tìm tình yêu, vì tôi không biết nó là gì." Sáu cuộc hôn nhân đầu tiên chấm dứt bằng ly dị, và lần chót thì ly thân. Rốt cuộc lại, mặc dù của cải khổng lồ bà ta được mô tả như "chỉ là một người đàn bà bệnh hoạn yếu đuối dẫy đầy cô đơn." Bà ta chết vào năm 66 tuổi với vài người bạn ở giường bệnh, nhưng không có người chồng nào. Tôi tin những chuyện bi thảm như vậy cũng có ở Ðông phương nữa.
Dĩ nhiên, khi nói về người khác, chúng ta không có ý chê bai theo kiểu ta đây là đúng. Chúng ta chỉ muốn nhấn mạnh ở điểm cần có những giá trị đúng đắn trong cuộc sống, để hiểu được bản chất của tình thương yêu và từ bi đích thực. Chúng ta cũng không có ý lên án sự giàu có và thành công, hay nói không ai nên cố gắng được thành công hay giàu có. Không, chúng ta không có ý nói như vậy. Chúng ta hiểu rằng ai cũng phải có đầu óc thực tế. Chúng ta hiểu rằng khi làm việc ngoài đời thì đương nhiên ai cũng phải cố hết sức để kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Nói cho cùng, nếu ta muốn làm việc thiện và giúp người khác, chẳng hạn như cất nhà từ thiện, bệnh viện và thiền viện cũng như bố thí cho tăng và người nghèo, chúng ta cần có tiền. Cho nên chúng ta không khuyên người đời đừng làm giàu. Dĩ nhiên chúng ta cần tích lũy của cải một cách lương thiện, không làm hại ai.
Nói cách khác, chúng ta nhấn mạnh ở sự cân bằng về đạo đức. Chúng ta cần giá trị tinh thần, cần biết hạnh phúc không phải là tự phục vụ mình mà là chia sẻ, quan tâm với người khác. Khi chúng ta có giá trị đúng đắn chúng ta có thể sống một cách có ý nghĩa và đem niềm vui và hạnh phúc đến cho tất cả mọi người liên hệ đến môi trường cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta đã hiểu đạo pháp, nhất là chân lý về vô thường, khổ và vô ngã, chúng ta sẽ không bám víu vào tiền tài danh vọng. Chúng ta có thể sống trong khiêm tốn và từ tâm, chia sẻ của cải và thành công, và tìm niềm vui trong việc làm người khác hạnh phúc. Nhưng khi chúng ta không có một sự hiểu biết sâu xa rằng hạnh phúc là gì -- rằng hạnh phúc thật sự chỉ đến từ một tâm hồn đã được giải thoát khỏi tham, sân, si - thì chúng ta có thể làm điều sai, lún sâu vào vũng bùn vật chất dục lạc và đạt đến một kết cục khốn cùng. Cho nên chúng ta cần suy tư kỹ về sống và chết, và lái vào con đường đúng đắn.
Một cảm giác khẩn cấp
Suy tư về cái chết còn mang lại cho chúng ta cái trong tiếng Phạn gọi là samvega -- một cảm giác khẩn cấp vốn có thể tăng năng lực cho chúng ta đủ sức làm mọi điều tốt trước khi chết, và cụ thể là giúp chúng ta tập thiền để cảm nhận được chân lý và thấu hiểu sâu sắc hơn. Ðức Phật nói đa số chúng sinh chạy dọc theo bờ bên này mà ít kẻ tìm cách vượt qua bờ bên kia. Ðức Phật muốn nói rằng chúng ta ai cũng vướng bận theo đuổi vật chất dục lạc và những thú vui thường tình của cuộc đời. Chúng ta không chịu tìm cách vượt đến cái phi thường -- vượt qua cái sống và chết, để được nếm cái mật ngọt thần tiên của miền cực lạc, của Vô Dư Niết Bàn.
Niết Bàn này là gì? Ðức Phật nói đó  điều không thể mô tả được mà phải được chứng nghiệm do chính bản thân mỗi người. Nhưng đức Phật có cố cho chúng ta vài ý tưởng về Niết Bàn. Chẳng hạn, ngài mô tả đó là vô sanh, vô thủy, vô tướng, vô điều kiện, vô tử, là hạnh phúc cao nhất, là an bình vĩ đại nhất. Niết Bàn tượng trưng cho một trạng thái không nổi dậy và không mất đi, bất sanh bất diệt. Ðó cũng là sự tắt ngấm mọi ngọn lửa tham sân si, sự chấm dứt của tâm thức và vật chất, sự tận diệt mọi khổ ải.
Một người mà đã chứng đắc Niết Bàn, vốn có thể xảy ra trong khi ngồi thiền, được coi là đã giác ngộ. Một người đã giác ngộ có thể là bậc A La Hán hoặc Phật. Cái khác biệt giữa bậc A La Hán và Phật là ở chỗ bậc A La Hán được giác ngộ nhờ nghe theo lời dạy của một người đã giác ngộ khác, trong khi Phật thì tự đạt lấy giác ngộ.
Một người giác ngộ là một người có thể đương đầu với mọi thịnh suy của cuộc đời với một tinh thần thăng bằng. Qua mọi thăng trầm như thắng hay thua, thành công hay thất bại, khen ngợi hay chê trách, đớn đau hay sung sướng, danh thơm hay tiếng xấu, người đó vẫn thanh thản, không lay chuyển. Người đó giữ được như vậy không phải vì họ ảo tưởng hay không có cảm xúc, mà là vì họ đã giác ngộ và hiểu biết; họ hiểu cái bản chất thực của sự hiện hữu, bản chất của hiện tượng vật chất và tinh thần, bản chất của lẽ vô thường, sự thiếu an ninh và thiếu tinh túy của cái gọi là ngã theo ý nghĩa cơ bản nhất. Nếu người đó không thèm muốn khoái cảm hay không sợ đau, điều đó không có nghĩa là họ không cảm nhận được những cái đó. Họ cảm nhận được nhưng họ không để bị chúng chi phối vì họ biết được bản chất đích thực của chúng. Họ có thể dùng trí tuệ và thanh tịnh để đón nhận cả đau đớn lẫn khoái cảm khi chúng xảy ra.
Điều đó cũng áp dụng cho những điều trần tục khác như khen chê, thua thắng. Nếu được khen họ không thấy vênh váo kiêu ngạo. Họ không tự hào. Nếu bị chê trách họ không bị bực dọc hay ngã lòng. Đối với họ chẳng sao. Họ vững chãi và không xao xuyến vì họ biết họ đã làm đúng thật sự -- với không một mảy may tham sân si nào. Động cơ của họ chỉ là tâm từ và tâm bi. Họ không có một ham muốn nào dù là giết một con kiến hay con muỗi. Lương tâm họ trong sạch, tâm hồn nhẹ nhàng và tự do. Một bậc A La Hán sống kiếp cuối cùng trên trái đất này và khi chết đi sẽ không phải tái sinh nữa. Ra đi như một ngọn đèn tắt ngúm. Người đã nhập diệt. Người đã nhập Vô Dư Niết Bàn, chấm dứt mọi hiện hữu, chứng đắc thanh tịnh tuyệt đối của Niết Bàn.
Do đó các vị A La Hán vào thời đức Phật đã có câu kệ:

Ta không ham thích cái sống

Ta không ham thích cái chết
Nhưng ta chờ đợi phiên mình
Tỉnh giác và điềm nhiên
Một câu kệ khác đặt như sau:

Các pháp hữu vi đều vô thường

Có bản chất sinh và diệt
Đã sinh rồi thì phải diệt
Hạnh phúc nhất là khi (hoàn toàn) lặng yên, chấm dứt
Suy nghiệm về cái chết có thể giải thoát chúng ta khỏi sự kềm kẹp của sự quyến rũ ái dục. Chúng ta sẽ không bị của cải vật chất đánh lừa mà sẽ chuyền mọi tiềm lực cho một cuộc sống trọn vẹn và toại nguyện hơn, chăm bồi phát triển trí tuệ và từ bi. Chúng ta có thể tìm con đường tu thiền định (Giới – Định – Tuệ), hay nếu đã học thiền rồi, thì nỗ lực hết mình để đạt được cái mục đích tối hậu là giải thoát mọi sự khổ.
Suy nghiệm dẫn đến hiểu biết và chấp nhận
Suy nghiệm thường xuyên về cái chết - cái chết là không tránh khỏi và tài sản chúng ta chính là các hành động của mình - có thể thúc đẩy chúng ta sống một cuộc đời tốt đẹp để khi chết chúng ta không còn sợ chết. Hơn nữa, bởi ai cũng phải chết, nên khi có người thân qua đời, chúng ta sẽ không bị dằn vặt thương tiếc nhờ chúng ta hiểu biết và chấp nhận. Đây không phải là vì chúng ta không có cảm xúc hay không có con tim. Không, chúng ta có con tim, một con tim mềm yếu là khác. Chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc nhưng chúng ta cũng biết thực chất của sự hiện hữu, và có thể chấp nhận rằng cái chết luôn đan quyện vào cuộc sống.
Khi giải thích cách người hiểu biết chấp nhận cái chết như thế nào, đức Phật nói: "Biết được thực chất của trần gian, người hiểu biết không đau buồn thương tiếc. Than khóc chỉ dẫn đến thêm khổ sở đớn đau. Khóc không làm người chết sống dậy. Người than khóc trở nên xanh xao gầy yếu. Người đó chỉ hành hạ lấy mình và sự khóc than thương tiếc là vô nghĩa." Đức Phật nói người hiểu biết đã nắm được chân lý của sự hiện hữu sẽ "giật bỏ mũi tên đau buồn tuyệt vọng". "Người đó không có bám víu. Nhờ đã đạt được sự bình an của tâm hồn, người đó đã vượt qua mọi thương tiếc. Người đó đã được giải thoát."
Vậy cho nên chúng ta nên suy nghiệm về những mặt sâu xa của lời dạy đức Phật để chúng ta có thể đối diện cái chết không phải với đau buồn mà với hiểu biết. Những người đã khuất cũng không muốn chúng ta mất sự tự chủ. Họ không muốn chúng ta tan nát con tim, mà ngược lại biết chấp nhận sự ra đi của họ một cách thanh cao. Vì đã tái sinh, họ cũng không còn ở đó để xem chúng ta khóc. Sự khóc lóc đau buồn của chúng ta không giúp được gì cho họ. Khóc lóc thật vô ích. Nếu chúng ta nghiệm kỹ, thì chúng ta có thể thấy sự đau buồn của chúng ta chỉ là vì sự dính mắc của mình. Chúng ta không chịu nổi sự chia tay. Nhưng nếu chúng ta suy nghiệm cho sâu và trở nên hiểu biết hơn, chúng ta có thể chầp nhận điều không tránh khỏi. Thay vì than tiếc, chúng ta có thể can đảm hơn. Chúng ta có thể đáp ứng có ý nghĩa hơn, chẳng hạn như quyết tâm sống một cuộc đời mẫu mực để tôn vinh hay tưởng nhớ người thân. Một người hiểu biết chắc chắn sẽ không muốn ai than khóc cho mình. Thay vào đó, họ có thể nói: "Nếu thật sự muốn tôn vinh hay tưởng nhớ tôi thì hãy sống một cuộc đời tốt đẹp, làm việc thiện, tử tế với đồng loại… Đó là tất cả những gì tôi yêu cầu."
Khi một người mất đi, người ta làm đủ mọi thứ để tỏ lòng tôn vinh tưởng nhớ, tiếc thương như nhạc kèn, hương khói, than khóc, điếu văn, tưởng niệm… Nhưng đức Phật cho biết chuyện tôn vinh như vậy là điều Ngài không muốn. Ngài nói: "Ðây không phải là cách tôn vinh cao diệu nhất. Nhưng, này A nan, ai tuân theo đạo pháp, sống theo đạo pháp, đi con đường đạo pháp, đó mới chính là tôn vinh Như Lai một cách cao diệu nhất. Cho nên, A nan, con phải tự tâp luyện cách đó: chúng ta cần theo đạo pháp, sống theo đạo pháp, đi con đường đạo pháp." Và mặc dù chúng tôi đã có đề cập trước đây, chúng ta hãy lập lại đây một lần nữa: lời khuyên bảo cuối cùng của đức Phật là: Mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần (để được giải thoát).
Không lời than khóc nào có thể động đến đống tro của kẻ chết
Trong các kiếp trước của Ngài, đức Phật lúc đó là (Phật sắp thành) cũng không biểu lộ sự đau buồn khi những người thân mất. Ðức Phật có tuệ nhãn nhớ lại những kiếp trước, và tục truyền rằng trong một kiếp mà Ngài là một nông dân, Ngài không than khóc khi người con trai duy nhất từ trần. Thay vào đó, ngài tự suy nghĩ: "Cái gì phải tan rã thì sẽ tan rã và cái gì phải chết thì sẽ chết. Mọi sự sống là tạm bợ và phải đến cái chết." Khi một người hỏi tại sao ngài không khóc - có phải vì là một người cứng cỏi, không có cảm xúc cho con mình? -- Ngài trả lời rằng mình rất thương con, nhưng than khóc không làm con sống lại được. "Không lời than khóc nào có thể chạm đến đống tro của kẻ chết. Tôi than khóc để làm gì? Con tôi đi con đường nó phải đi."
Trong một kiếp khác khi Ngài không khóc than cho cái chết của một người anh và bị người đời cáo buộc là có con tim sỏi đá, Ngài trả lời rằng họ chưa hiểu tám duyên trần mà ai cũng phải chịu, đó là được và mất, vui và buồn, khen và chê, tiếng xấu và tốt. "Bởi vì các người không hiểu tám duyên trần này nên các người mới la khóc. Tất cả mọi vật hiện hữu đều tạm bợ và cuối cùng rồi cũng phải chết đi. Nếu các người không hiểu điều này, và do u minh mà kêu than la khóc, tại sao tôi phải theo các người để la khóc?"
Trong một kiếp khác nữa Ngài không khóc lúc người vợ trẻ trung xinh đẹp lìa đời. Thay vào đó Ngài suy nghĩ: "Cái gì có tánh chất tan hủy thì phải tan hủy. Mọi sự hiện hữu đều là vô thuờng," và Ngài ngồi xuống ăn uống như thường, cho thấy một khả năng phi thường sống có tỉnh giác từng khoảnh khắc một. Mọi người chung quanh lấy làm kinh ngạc và hỏi tại sao ngài có thể bình tĩnh vào một thời điểm như vậy. Chẳng lẽ Ngài không yêu người vợ xinh đẹp đến độ những người không biết nàng còn không cầm được nước mắt hay sao? Ngài trả lời bằng câu kệ:

Sao ta phải đổ lệ cho nàng

Hỡi Sammillabbasini xinh đẹp?
Ðã bị đưa vào đa số của tử thần
Từ nay đối với ta nàng đã mất 
Sao một người mệt yếu phải khóc
Vì một cái vay mượn không phải của mình?
Ông ta cũng sẽ trút hơi thở cuối cùng
Bỏ mặc mọi giây phút cho thần chết.
Cho dù ông ta đứng, ngồi
Di chuyển hay nghỉ ngơi
Chỉ cần một nháy mắt
Thần chết có thể đến liền
Ta coi đời một điều không chắc
Không tránh khỏi mất hết bạn bè
Hãy yêu thương những gì còn sống
Vì không ai sống được với đau buồn.
Những truyền thuyết đầy kinh ngạc như vậy về sự tự chế của Ngài thật là đáng nể. Nó cũng dạy cho chúng ta suy tư thật kỹ và sâu sắc về lời Phật dạy, hiểu được sự thật về vô thường và chấp nhận thực tế của cái chết. Nhờ vậy khi chúng ta gánh chịu sự ra đi của người thân yêu chúng ta mới có thể nghĩ lại về những việc đức Phật đã làm trong quá khứ và giữ được sự bình tĩnh cho mình.
Cái chết không xa lạ với chúng ta
Một cách nghĩ khác về cái chết để chế ngự nỗi sợ chết là cho rằng cái chết chẳng có gì xa lạ với chúng ta. Trong cõi ta bà thế giới với vòng sinh tử vô tận, đức Phật đã nói rằng chúng ta đã chết và tái sinh không biết bao nhiêu lần -- nhiều đến độ giả sử xương chúng ta không tan và chất chồng lên với nhau thì mỗi người chúng ta có một đống xương còn cao hơn ngọn núi cao nhất nữa! Ðức Phật cũng nói, nước mắt mà chúng ta đã khóc khi mất những người thân trong cõi ta bà này còn nhiều hơn bốn biển.
Thật sự, đức Phật nói, chúng ta đã chịu khổ quá đủ để thấy mệt mỏi với thế gian rồi, và nỗ lực đi tìm con đường thoát khỏi cái mê hồn trận khổ đau này, con đường để đến cõi vô tử Niết bàn. Rủi thay, chúng ta chỉ có trí nhớ ngắn hạn và không thể nhớ được những kiếp trước của mình. Làm sao chúng ta có thể nhớ lại kiếp trước khi mà nhiều khi chúng ta còn không nhớ mình làm cái gì ngày hôm trước! Và do vậy cho nên chúng ta cứ sống môt cách tự tại, không có nỗi gấp rút để vun bồi trí tuệ đặng giải phóng chúng ta khỏi mọi đau khổ. Tuy nhiên, vào thời đức Phật, có nhiều vị tăng, dĩ nhiên kể cả đức Phật, có khả năng nhớ lại những kiếp trước. Trong thời đại này cũng vậy, có những câu chuyện kể về những người có khả năng kỳ lạ nhớ được kiếp trước của mình. Francis Story và Bác Sĩ Ian Stevenson đã viết nhiều sách ghi chép lại nhiều trường hợp như vậy.
Khi chúng ta suy niệm về tái sinh chúng ta được lợi hai cách:
1) Chúng ta có thể coi cái chết, nói cho cùng, là không xa lạ gì với chúng ta. Chúng ta đã gặp cái chết nhiều lần trước rồi. Cho nên chúng ta không cần phải đối diện nó một cách sợ hãi. Chúng ta chỉ coi nó như là một sự chuyển tiếp, một sự thay đổi từ một kiếp này qua một kiếp khác.
2) Chúng ta càng có quyết tâm tìm cách ra khỏi cõi ta bà, khỏi vòng sinh tử. Chúng ta có thể học sâu thêm lời Phật dạy. Và chúng ta có thể cố gắng nhiều hơn để thực hành lời dạy đó, phát triển lòng độ lượng, đạo đức và thiền định.
Cái chết khoảnh khắc
Theo một cách nhìn khác nữa, thì chúng ta vẫn đang trải qua cái chết từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Bởi nói một cách tuyệt đối thì chúng ta đang chết từng khoảnh khắc một và tái sinh vào khoảnh khắc kế tiếp. Theo đức Phật, ý thức trổi lên và tan đi liên tục. Khi một ý thức vừ tan đi thì một ý thức khác nổi lên tức thì và điều này xảy ra vĩnh viễn, cho đến chừng nào chúng ta giác ngộ Niết bàn. Hiện tượng cơ thể cũng liên tục nổi lên và tan biến. Do đó cái mà chúng ta trải qua là sự xuất hiện và tan biến liên tục của những hiện tượng tinh thần và vật chất. Theo một cách nào đó thì đây cũng là một loại chết và tái sinh đang xảy ra từng khoảnh khắc một. Trong tiếng Phạn, điều này gọi là khanika-maranam - cái chết khoảnh khắc. Trong cuốn Con đường Thanh lọc (Visuddhimagga)  đoạn nói như sau:
"Trong cái nghĩa tuyệt đối thì sinh linh chỉ có một khoảnh khắc rất ngắn để mà sống, cái sống chỉ dài bằng một khoảnh khắc ý thức. Cũng giống như một cái bánh xe, bất luận nó đang lăn hay đang đứng yên, ở bất cứ lúc nào nó cũng chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất của vòng bánh xe: cũng vậy cái sống của một sinh linh chỉ dài bằng thời gian của một khoảnh khắc ý thức. Ngay khi cái khoảnh khắc đó chấm dứt thì sinh linh đó cũng chấm dứt. Bởi vậy có câu: "Sinh linh của cái khoảnh khắc ý thức vừa xảy ra đã sống xong rồi, nhưng không còn sống nữa, và cũng sẽ không sống trong tương lai. Sinh linh của cái khoảnh khắc tương lai chưa sống, cũng không đang sống bây giờ, nhưng sẽ sống trong tương lai. Sinh linh của khoảnh khắc hiện tại thì chưa sống qua, nhưng đang sống ngay bây giờ đây, và sẽ không sống trong tuơng lai."
Theo cách nhìn này, thì sinh linh cũng chỉ là một từ có tính cách quy ước mà thôi. Phân tích cho tận cùng thì sinh linh chỉ là một chuỗi ý thức nổi lên rồi tan đi. Một ý niệm chết đi, một ý khác trổi lên -- chỉ có thế. Và chúng ta gọi cái chuỗi liên tục hoặc là cái tiến trình này là sinh linh. Nhưng theo cái ý nghĩa tối hậu thì không có sinh linh - không có một linh hồn hay tinh thần bất đổi, mà chỉ là một chuỗi ý thức đến rồi đi, cái ý thức này tạo duyên cho một ý thức khác nổi lên.
Thêm nữa, cái chết quy ước mà chúng ta kinh qua vào cuối cuộc đời cũng không phải là cái chết tối hậu. Một ý thức khác lập tức trổi lên nhưng trong một thể xác mới hoặc ở một cõi mới tùy theo kiếp tái sinh của mỗi người. Chỉ khi nào người đó đã loại trừ được cái vết dính tinh thần về tham sân si thì người đó mới khỏi chịu tái sinh. Nếu suy niệm như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận được bản chất vô thường, khổ và vô ngã. Và chúng ta mới có thể xem việc sống chết một cách nhẹ nhàng.
Vài điều để suy nghĩ
Mỗi lần bạn đọc báo và thấy trang cáo phó, bạn có nghĩ một chút về cái chết không? Bạn có ngừng lại và suy niệm về thực tế cái chết của chính mình? Khi cái chết xảy đến cho người khác, chúng ta không có cảm giác nhiều về chuyện đó. Người chết có thể là một người xa lạ đối với chúng ta. Sự đau khổ không phải là của chúng ta, và ngoài ra, chúng ta đã mất hết cảm giác về những chuyện chết chóc - ngày nào báo chí cũng đăng tải. Ðọc những tin con người bị giết, nhất là trong chiến tranh, mạng sống có vẻ rẻ mạt. Có vẻ như không ai tôn trọng mạng sống con người. Nhưng khi cái chết xảy đến cho những người thân cận với chúng ta, chúng ta phản ứng như thế nào? Và khi chúng ta đối diện với cái chết của chính mình, chúng ta có sợ hãi kinh hoàng không? Vâng, mặc dù chúng ta biết chết chóc và thảm kịch xảy ra đầy dẫy chung quanh chúng ta, chúng ta vẫn kinh hoàng và không chịu chấp nhận khi nó thật sự xảy đến cho chính mình.
Khi chúng ta đọc những bài tưởng niệm trên báo, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù một người đã qua đời mấy năm rồi nhưng nỗi đau khổ của sự chia lìa mà người còn sống chịu đựng thì vẫn còn đó, như thể là mới bị đau khổ ngày hôm qua. Ðôi khi trong những lời tưởng niệm này người phối ngẫu hay thân nhân vẫn công khai diễn đạt nỗi đau buồn mà họ vẫn cảm nhận và những giọt nước mắt mà họ vẫn nhỏ cho người thân thương của mình. Chúng ta hiểu rằng cảm nghĩ như vậy là bản chất con người. Nhưng đức Phật cũng dạy chúng ta rằng, là con người, chúng ta có thể tự hấp thụ trí tuệ và sức mạnh để chấp nhận sự mất mát và chịu đựng nó một cách kiên cường. Không phải đức Phật muốn chúng ta vô cảm giác mà ngài muốn chúng ta có trí tuệ để chấp nhận sự mất mát và hiểu ra sự vô ích của nỗi thương tiếc của mình. Chắc chắn là Ngài không muốn chúng ta tiều tụy héo hon vì thương tiếc, trở nên ốm yếu và mất mọi hứng thú trên đời. Người Phật tử nói riêng cần hiểu điều này và chấp nhận sự mất mát một cách kiên định.
Nếu người Phật tử muốn viết một thông điệp đi kèm với một cáo phó hay tưởng niệm nào trên báo, tại sao không viết những thông điệp có tính cách Phật giáo như là: Mọi pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần cho Niết bàn vô vi; hoặc những suy nghiệm có ý nghĩa về cái chết như là: Cũng như giọt sương ở đầu ngọn cỏ vào lúc bình minh sẽ rất sớm tan biến và không vương lại lâu: thì cũng vậy cuộc đời giống- như-giọt-sương của con người cũng rất ngắn và phù du. Con người cần phải thông hiểu điều này, làm việc lành và sống một cuộc sống đạo đức; bởi sẽ không ai thoát được cái chết.
Hoặc nếu người nào muốn viết riêng tư hơn, thì có thể viết một thông điệp đại ý như thế này: "Mình ơi, nếu mình có thể biết được, mình sẽ vui lòng mà biết rằng con cái chúng ta đã lớn khôn tốt đẹp. Em đã dạy con đạo pháp kỹ lưỡng, biết tôn trọng những giá trị đáng quý của tình thương yêu và lòng tử tế, trí tuệ và sự thông hiểu. Em đã dạy con không bắt chước bạo động và tham lam thường thấy ở các phương tiện truyền thông như ti-vi và chiếu bóng. Nhờ vậy, con rất nhẹ nhàng và thương yêu mọi người. Về phần em, em vẫn giữ giới và tập thiền định. Em thực tập tỉnh giác trong cuộc sống hàng ngày và đi tu tập một năm vài lần. Em rất bình an, và lớn lên trong đạo pháp. Em cố gắng không khổ đau thương tiếc mình, vì mình và em đã hiểu được lời dạy của đức Phật -- rằng tiếc thương là vô ích: nó chẳng phục vụ được mục đích gì. Và em biết mình cũng không muốn em thương tiếc, mà chỉ cần em sống một cuộc sống tốt và gương mẫu.
"Tuy nhiên em phải thú nhận rằng cũng có những lúc em cảm nhận được nỗi đau, khi em nhớ mình kinh khủng, nhất là khi em nhớ lại những lúc hạnh phúc bên nhau, niềm vui chúng ta san sẻ với nhau, nụ cười hiền và ánh mắt sáng của mình, cách mình cười to và chọc ghẹo em. Vâng, khi em đắm mình trong nỗi luyến tiếc đó, em thú nhận em muốn bật nước mắt. Nhưng mình ơi, em kềm chế mình được. Em có tỉnh giác. Em có thể quan sát nỗi đau và chấp nhận nó. Em có thể quan sát ý nghĩ và tâm trạng mình. Em có thể suy niệm về lời Phật dạy và hiểu cái vô ích của tiếc thương. Em có thể vui vẻ và nhận ra những may mắn của mình -- tối thiểu chúng ta đã có những ngày hạnh phúc bên nhau và giờ đây em có con để sống mà lo cho chúng. Em biết nỗi đau của em đến từ sự dính mắc và từ sự thiếu hiểu biết về bản chất của mọi sự hiện hữu. Cám ơn đức Phật đã dạy chúng ta tỉnh giác, đã dạy chúng ta sống trong hiện tại, hạnh phúc từng giây phút, hiểu sự may mắn của mình, và tận hưởng cái hạnh phúc của một cuộc đời sống đạo hạnh.
"Em biết thông điệp này hơi dài. Em cũng biết mình không còn nữa để  đọc nó. Nhưng nó giúp em cảm thấy đỡ hơn khi diễn đạt tâm tư bằng cách này. Em xin cám ơn mình về cái hạnh phúc mà mình đã cho em, và em xin dâng hiến tất cả những việc thiện mà em đã làm, và cuộc sống tốt đẹp mà em đang cố sống, tất cả xin dâng hiến để tưởng niệm đến tình yêu ngọt ngào của mình. Em ước mong rằng mình, ở bất cứ kiếp tái sinh nào, cũng tiếp tục tu tập đạo pháp cho đến lúc chứng đắc Niết bàn, nơi chấm dứt mọi sự khổ," vân vân và vân vân.
*
Tôi phải thú nhận rằng đó là một thông điệp khá dài và tôi hơi đi quá đà. Nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chủ đề của bài thông điệp, chủ đề về sự thông hiểu và chấp nhận. Đó chỉ là đểcho thấy khái niệm về một thông điệp hay diễn đạt có tính cách Phật giáo là như thế nào. Thông điệp đó có thể viết ngắn hơn và đơn giản hơn. Hoặc giả, trừ mục đích giáo dục ra, thì một thông điệp như vậy là không cần thiết. Những tình cảm đó rất riêng tư và có thể nên giữ kín. Khi một người đã hiểu được đạo pháp rồi thì người đó chỉ cần sống một cuộc sống tốt lành và cảm thấy mãn nguyện.

Quốc Bảo biên tập và chỉnh sửa lại.
-ooOoo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét