Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

PHÁP MÔN TỨ NIỆM XỨ

PHÁP MÔN TỨ NIỆM XỨ
(Định Vô Lậu câu hữu Tứ Niệm Xứ)

Như thế nào là Định Vô Lậu câu hữu Tứ Niệm Xứ? Như trong kinh đức Phật đã dạy Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ có bốn chỗ: 1. Thân; 2. Thọ; 3. Tâm; 4. Pháp. Vậy chúng ta tu tập Định Vô Lậu trên bốn chỗ này nên gọi là câu hữu Tứ Niệm Xứ.

1- Thân Niệm Xứ

Trong Tứ Niệm Xứ, đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ-kheo, ở đây tỳ-kheo quán thân trên thân nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”

Chúng ta nên lưu ý lời dạy này: “Quán thân trên thân,” quán thân trên thân tức là xem xét thân của mình coi có lậu hoặc hay không? Nếu có thì phải khắc phục hay chế ngự không cho lậu hoặc tác động vào thân, vì vậy mà Đức Phật dạy: “Chế ngự tham ưu,” tham ưu tức là lậu hoặc.

Như vậy trên thân quan sát thân có nghĩa là xem thân coi có chướng ngại pháp hay không để đẩy lui các chướng ngại pháp ra khỏi thân không cho các chướng ngại pháp tác động làm khổ cho thân, như vậy tức là tu Định Vô Lậu câu hữu với Thân Niệm Xứ.

Hằng ngày chúng ta ngồi hoặc đi, hoặc nằm, hoặc đứng đều xem xét thân của mình coi có chướng ngại pháp thì đẩy lui cho khỏi, đừng để chướng ngại pháp trong thân dù một phút giây nào cả thì đó là thân vô lậu, mà thân đã vô lậu là giải thoát. Cho nên Đức Phật thường ca ngợi pháp môn Tứ Niệm Xứ là đạo lộ đệ nhất pháp vô lậu.

“Này các thầy tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.”

2- Thọ Niệm Xứ

Đức Phật dạy: “Này các thầy tỳ-kheo, ở đây tỳ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”

Lời dạy này quý vị nên lưu ý là phải luôn luôn xem xét từng phút, từng giây trên các cảm thọ của thân và của tâm, nếu các cảm thọ này làm chướng ngại cho thân và tâm thì chúng ta tìm mọi cách đẩy lui không để chướng ngại pháp này trong thân tâm của chúng ta nữa thì đó là khắc phục sự đau khổ giúp cho thân tâm giải thoát, khi thân tâm không còn chướng ngại pháp là thân tâm vô lậu, như vậy trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu tức là tu tập Định Vô Lậu câu hữu với Thọ Niệm Xứ.

3- Tâm Niệm Xứ

Lời Phật dạy: “Này các thầy tỳ-kheo, ở đây tỳ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”

Quý vị nên lưu ý lời dạy này “Trên tâm quán tâm” tức là dạy quý vị hằng ngày quan sát xem xét tư duy nội tâm của quý vị nó đang khởi những niệm gì, đang nghĩ gì, đang lo sợ, đang phiền não bất toại nguyện, đang giận hờn ganh ghét, đang nghĩ suy những âm mưu thâm độc để hại người, đang tính toán những trò giải trí không lành mạnh, đang nghĩ những chuyện tào lao không ích lợi, đang khởi những niệm tưởng không đâu để độ người tu hành thiền định bằng những thần thông siêu việt, khiến cho mọi người quá kính nể phục lăn sát đất, hoặc đang khởi những niệm làm thế này làm thế kia để cúng dường Phật, Pháp, Tăng v.v…?

Tất cả những niệm khởi lên trong tâm được quan sát và xem xét, cuối cùng phải được đẩy lui tất cả các niệm ra khỏi tâm không còn một bóng dáng nào cả. Khi tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp thì tất cả những niệm được khởi lên trong tâm điều là niệm ác, đừng nghĩ rằng chúng tôi khởi niệm làm ích lợi chúng sanh như: làm từ thiện, phóng sanh, bố thí, giúp người bằng cách này hoặc bằng cách khác, trong khi tâm dục chưa lìa, ác pháp chưa đoạn thì những hành động đó chưa phải là thiện, đó là hành động làm danh làm lợi khéo léo cho cá nhân mình bằng những lý luận lừa đảo của nó.

Theo Phật giáo, khi nào tâm thanh tịnh tức là tâm đã ly dục ly ác pháp thì niệm khởi là niệm thiện, còn chúng ta còn phàm phu thì niệm khởi là niệm ác. Tại sao vậy? Tại vì tâm còn danh và lợi, cho nên tuy việc làm nhìn bên ngoài là thiện mà trong tâm là ác pháp. Việc làm thiện đó chẳng có phước báo gì cả, người làm việc thiện này thường hay bị bệnh tật khổ đau v.v…

Vì thế, người tu Định Vô Lậu câu hữu Tâm Niệm Xứ luôn luôn quan sát tâm mình xem coi có niệm gì khởi ra thì mau mau tìm mọi cách đẩy lui niệm đó khỏi tâm, hướng tâm trở lại vị trí thanh thản, an lạc và vô sự của nó.

Tóm lại, người tu Định Vô Lậu câu hữu Tâm Niệm Xứ, tức là trên tâm quán tâm. Khi tâm có niệm khởi thì phải đẩy lui niệm khởi đó ra khỏi nội tâm thì chỗ này đức Phật dạy: “Nhiệt tâm, tỉnh giác.” Phải luôn cảnh giác, rất tỉnh ở niệm vừa khởi khi thấy mặt nó ngay liền, đồng thời mổ xẻ niệm này ra nên đức Phật gọi là quán tâm, tức là xem xét tư duy cho thấu suốt niệm đó.

Pháp môn này khác với pháp môn tri vọng, vì tri vọng là biết vọng liền buông, tức là không cần phải hiểu vọng thuộc về loại nào trong lậu hoặc, cho nên pháp tri vọng là pháp ức chế tâm.

Còn pháp trên tâm quán tâm là pháp xả tâm, vì những niệm có niệm là một chướng ngại pháp cho tâm thì nên quán xét đẩy lui, còn có niệm không phải là chướng ngại pháp của tâm thì không cần đẩy lui.

Thưa quý vị! Niệm không chướng ngại tâm của quý vị đó là niệm thanh thản, niệm an lạc và niệm vô sự. Tại sao chúng tôi lại bảo thanh thản, an lạc và vô sự là niệm?

Thưa quý vị! Nếu tâm không niệm thì tâm không, nhưng ở đây nó biết rõ ràng là có tâm thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế mà chúng tôi bảo niệm thanh thản, niệm an lạc và niệm vô sự, quý vị cứ suy ngẫm có đúng không? Niệm ấy có chướng ngại tâm không? Vì nó không chướng ngại cho tâm nên chúng ta không đẩy lui nó.

4- Pháp Niệm Xứ        

Bây giờ chúng ta tu tập tới Định Vô Lậu câu hữu với Pháp Niệm Xứ. Đây là pháp thứ tư của Tứ Niệm Xứ, pháp này coi vậy chứ không đơn giản, nếu chúng ta không biết rõ nó thì khó tu tập vô cùng và chúng ta sẽ bị nhận ra tâm thanh tịnh sai lầm. Từ chỗ các pháp tác động khiến tâm sanh ra niệm thiện ác, từ chỗ các pháp tác động tâm sanh ra các cảm thọ cho thân và tâm khiến ra vô lượng vô biên chướng ngại pháp.

Vì chính các pháp mà tạo cho tâm của chúng ta bất an, và nếu chúng ta không chủ động điều khiển được tâm thì tâm sẽ sanh ra muôn ngàn ác pháp khác để tạo thành nghiệp lực. Nghiệp lực này sẽ tiếp tục tái sanh luân hồi mãi mãi trong muôn kiếp, muôn đời của chúng ta. Nghiệp lực này không phải một sanh ra một, mà một sanh mười, mười sanh trăm, trăm sanh ra vạn, vạn sanh ra triệu, v.v…

Hằng ngày trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi của chúng ta, chúng ta đều quan sát thân, thọ, tâm, pháp xem coi có chướng ngại pháp hay không? Như trên đã dạy, nếu trên bốn chỗ này không có chướng ngại pháp thì chúng ta xem tâm đang phóng dật ở chỗ nào?

Thường tâm không phóng dật là tâm định trên thân, mà tâm định trên thân thì tâm luôn biết hơi thở ra hơi thở vô một cách rất tự nhiên, chứ không bị ức chế hay bị bắt buộc phải tập trung trong hơi thở ra vô như các loại thiền khác.

Đức Phật đã xác định khi nào tâm không phóng dật là tâm định trên thân, tâm định trên thân tức là tâm định trên hơi thở, tâm định trên hơi thở là tâm chỉ biết có hơi thở mà thôi. Nơi đây chúng ta phải lưu ý, khi tâm không khởi niệm thì tâm hay phóng dật theo các pháp bên ngoài.

          Ví dụ: Khi tâm không có niệm thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự, nhưng tâm không định trên hơi thở (Thân Hành Niệm nội) mà lại phóng tâm chạy theo các sắc pháp bên ngoài thân, như tâm cảm nhận cỏ, cây, trời, mây, nước, núi, sông, v.v… nói chung là tâm đang phóng dật theo tất cả các hình ảnh của sắc pháp. Người tu Thiền Đông Độ đến chỗ này họ cảm thấy như tâm mình phủ trùm vạn hữu, cho nên Bàng Long Uẩn nói: “Dễ dễ dễ, ý Tổ sư trên mỗi đầu ngọn cỏ.” Ngược lại đức Phật bảo chỗ này tâm còn phóng dật theo các pháp nên chưa được định.

Người tu Định Vô Lậu câu hữu với Pháp Niệm Xứ thì phải lưu ý điều này, nếu để tâm phóng ra ngoại cảnh lang thang trời, trăng, mây, nước theo âm thanh sắc tướng bên ngoài như thiền sư Ba Tiêu của Nhật Bổn theo âm thanh tiếng con nhái kêu hay tiếng con ếch nhảy, tiếng nước kêu, đó là tâm đang phóng dật theo pháp chứ không phải tâm định.

Vì thế người tu thiền định của đạo Phật phải cảnh giác điều này, khi mà tâm đi lang thang phóng dật như vậy thì phải nhắc khéo cho tâm trở về hơi thở như đức Phật dạy: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra” nhưng không được ức chế nó mà phải để nó tự nhiên định vào hơi thở. Chỗ này chúng ta chỉ cần biết là khi tâm đang phóng dật theo pháp trần thì tâm định ngay liền trên hơi thở, bởi vì tâm không còn khởi niệm nữa nên nó đã ly dục ly ác pháp nhưng chưa quen định trên hơi thở. Chỗ này đức Phật đã dạy: “Thì Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.”

Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Niệm Xứ là một pháp môn thiền định dễ tu nhất hơn tất cả các pháp môn khác vì nó không ức chế tâm, không tập trung tâm vào một chỗ, nó luôn luôn quan sát trong bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, nếu có chướng ngại pháp xâm chiếm vào bốn chỗ này thì nó dùng tất cả mọi sự hiểu biết của các pháp ngăn ác, diệt ác pháp và đẩy lui, khiến cho tâm ở trong trạng thái thanh tịnh an lạc giải thoát.

Nếu hằng ngày cứ giữ gìn pháp này tu tập thì luôn luôn lúc nào cũng có sự giải thoát, kéo dài một phút sẽ giải thoát một phút, một giờ sẽ giải thoát một giờ, một ngày sẽ giải thoát một ngày, một tháng sẽ giải thoát một tháng.

Sự giải thoát ấy tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là tâm thiền định, cho nên thiền định mà không ức chế tâm, không tập trung tâm mà lại có thiền định.

Tu chỉ có mục đích xả tâm tham, sân, si mà lại có thiền định thì thật là tuyệt vời, thiền định lại làm chủ sự sống chết và chấm dứt được sự tái sanh luân hồi. Cho nên trong kinh Nguyên Thủy đức Phật thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chúng ta lưu ý pháp môn này:

“Này các thầy tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.” (Kinh Niệm Xứ -Satipatthanasutta- trong kinh Trung Bộ tập 1 trang 131 thuộc tạng kinh Pali).

Hầu hết các nhà học giả không có kinh nghiệm tu hành trong Tứ Niệm Xứ nên dựa theo sự dẫn giải của đức Phật trong kinh mà không hiểu ý nghĩa của Phật muốn nói gì trong chín giai đoạn quán thân trên thân như:

1. Quán niệm thân hành tướng nội (hơi thở), tỉnh thức trong hơi thở.
2. Quán niệm thân hành tướng ngoại như đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, co tay, duỗi tay, ngó tới, ngó lui, mang bát, mặc y, v.v… đó là tỉnh thức trong hành tướng ngoại thân.
3. Quán niệm thân hành tướng ngoại và tướng nội như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, hơi thở, v.v… và tất cả các cảm giác xảy ra toàn thể nội ngoại thân hành, tỉnh thức trong mọi hành động thân nội, ngoại tướng sanh diệt.
4. Quán thân bất tịnh để phá ngã chấp thân là của chúng ta.
5. Quán thân tứ đại duyên hợp để phá chấp thân là vật thường hằng.
6. Quán thân tử thi chết trương phồng hôi thúi để phá chấp thân là đẹp xinh thơm tho để nhàm chán sắc dục.
7. Quán thân tử thi bỏ trong nghĩa địa bị các loài cầm thú xé ăn và loài côn trùng, dòi đục khoét để nhàm chán thân xa lìa sắc dục
8. Quán bộ xương còn nối với những sợi gân để nhàm chán các pháp thế gian chẳng có gì là bền chắc.
9. Quán bộ xương trắng để tránh tâm sắc dục và nhàm chán các pháp thế gian.
Các nhà học giả dựa theo chín pháp quán thân trên thân trong kinh Tứ Niệm Xứ mà hiểu theo kiến giải của mình rồi dạy người tu tập đã biến pháp môn Tứ Niệm Xứ thành một pháp môn ức chế và tập trung tâm quá căng thẳng, khiến cho mọi người tu tập thành bịnh các cơ mặt và thần kinh.

Các nhà học giả đâu hiểu rằng Tứ Niệm Xứ là bốn nơi để cho hành giả quan sát tư duy, suy ngẫm để đẩy lui tất cả các chướng ngại pháp tức là những pháp làm cho tâm bất an, làm cho tâm khởi ham muốn. Chín pháp quán thân trên thân thì có ba pháp tập tỉnh thức, còn sáu pháp xả các chướng ngại pháp để tâm hoàn toàn sống trong chánh niệm.

Người tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Niệm Xứ tức là quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp có chướng ngại pháp liền tìm mọi cách đẩy lui để lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự như trên đã dạy, đó là sự giải thoát. Còn nếu giải thích vòng vòng theo kinh Tứ Niệm Xứ thì chỉ có người tu chứng mới hiểu được ý của đức Phật, còn người không tu chứng sẽ lý giải sai pháp khiến cho người đời sau tu hành chẳng có giải thoát mà còn rơi vào trạng thái có thể điên khùng, bệnh tật.

Hầu như các sư Nam Tông tưởng giải ra tu tập cho nên ông nào cũng không nhập định được, chết một cách rất là đau khổ, không có vị nào làm chủ sự sống chết được, đó là kinh sách Nguyên Thủy mà các sư tu hành còn như vậy, huống là kinh sách phát triển của Đại Thừa, thầy nào thầy nấy tu hành đến khi sắp chết đều nhe răng méo miệng khổ sở vô cùng, thật đáng thương!


Đáng thương vô cùng, lúc còn mạnh tay khỏe chân thì luận đông luận tây dạy người tu hành tưởng mình như là Phật sống, không ngờ sự tu hành của mình chưa ngả về tới đâu mà vội mưa pháp vọng ngữ để giết hằng loạt người ham tu thiền, ham tu có thần thông, cuối cùng thầy trò dẫn nhau xuống địa ngục mà không biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét