TU ĐỊNH SÁNG SUỐT
Hỏi: Kính thưa Thầy, những lúc
nào con tu Định Sáng Suốt. Khi ngồi trên xe buồn ngủ, hoặc đang may vá buồn
ngủ, con tu Định Sáng Suốt có được không?
Đáp: Được. Khi buồn ngủ con nên
tu Định Sáng Suốt, tu Định Sáng Suốt là con phải đi kinh hành hoặc ngồi ám thị
hướng tâm mạnh, phải gằn giọng như ra lệnh: “Phải tỉnh thức sáng suốt như ban
ngày, không được buồn ngủ như ban đêm nữa!”
Tốt hơn hết khi buồn ngủ thì con
nên đứng dậy đi kinh hành, nhưng con ngồi trên xe hoặc đang may vá buồn ngủ thì
không thể đi kinh hành được, vậy chỉ còn có cách dùng pháp hướng tâm đuổi ma
hôn trầm mà thôi.
Định Sáng Suốt là một loại thiền
định để thư giãn khi làm việc cũng như tu tập quá sức nên sanh ra mỏi mệt lười
biếng, hôn trầm, thùy miên, v.v… Sau mỗi thời gian tu tập các loại định khác
thì lại xen kẽ Định Sáng Suốt vào để thư giãn thân tâm trở về trạng thái bình thường,
khiến cho thân tâm bớt căng thẳng, bớt mỏi mệt và thoải mái dễ chịu hơn.
Người tu tập thiền định mà không
biết dùng Định Sáng Suốt thư giãn thì càng tu tâm trí càng u tối, đần độn, ai
bảo sao nghe vậy, chẳng biết phân biệt thiền nào của Phật và thiền nào của
ngoại đạo.
Phần đông hiện giờ tu sĩ cũng như
cư sĩ đều chịu ảnh hưởng của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, ngồi tu thì
ức chế tâm cho hết vọng tưởng, họ nghĩ rằng hết vọng tưởng là thành Phật hay là
chứng ngộ hoặc triệt ngộ, do đó có nhiều trường hợp xảy ra:
1- Nếu người tu tập có hệ thống
thần kinh tốt thì không bị rối loạn, còn người tu tập có thần kinh yếu thì bị
rối loạn và điên khùng.
2- Nếu người tu tập có hệ thần
kinh tốt không bị rối loạn, không điên khùng, nhưng vì quá tập trung ức chế tâm
không vọng tưởng nên nặng đầu, các cơ mặt bị căng khiến cho đau nhức khó chịu
hoặc các cơ hoành hoặc ngực tức lói làm cho sự tu tập có lùi chứ không có tiến.
3- Nếu người tu tập hệ thần kinh
tốt và các cơ mặt, cơ hoành đều tốt thì không bị rối loạn, không bị căng đau
nên ức chế ý thức ngưng hoạt động. Ý thức ngưng hoạt động thì tưởng thức thay
vào hoạt động, giống như người ngủ có chiêm bao. Nhưng ở đây vì tu tập ức chế
nên con người vẫn hoạt động bình thường, nhưng lại ý thức không hoạt động.
Tưởng thức hoạt động với mức độ
bình thường thì đương nhiên người này có nhiều lý luận mơ hồ trừu tượng, siêu
hình, vô vi mà đức Phật gọi những hạng người này là những hạng người sống trong
tưởng tri như các nhà học giả, các nhà thần học, các nhà Đại Thừa như Long Thọ,
Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, v.v… và các thiền sư Đông Độ. Còn tưởng thức hoạt
động ở mức độ cao thì họ sống hoang tưởng nhưng họ chưa hẳn điên thật, gần
giống như người điên.
Đó là những trường hợp xảy ra cho
những người tu thiền ức chế tâm mà không có phương pháp thư giãn. Còn ngược
lại, thiền xả tâm của đức Phật tu hành không ức chế tâm mà còn có một loại định
thư giãn như quý vị đã biết, đó là Định Sáng Suốt. Cách thức tu tập Định Sáng
Suốt có hai giai đoạn:
Giai đoạn một: Ví dụ, lúc 7 giờ
sáng bắt đầu chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở, đến 7 giờ 30 phút chúng ta xả ra
nghỉ, xả nghỉ tức là thư giãn, thư giãn tức là tu Định Sáng Suốt.
Muốn tu Định Sáng Suốt thì chúng
ta phải ngồi tựa lưng, buông thõng hai tay hai chân, các cơ trong thân cũng phải
đều buông thõng xuống hết rồi chúng ta hướng tâm nhắc: “Các cơ trong thân buông
xuống hết, thần kinh trong thân đều thư giãn hết, thân tâm phải thoải mái, nhẹ
nhàng, thanh thản, an lạc và vô sự.”
Khi nhắc như vậy xong thì ta
buông thõng các cơ xuống không được gồng một cơ bắp nào cả và tâm thì không
được tập trung vào một đối tượng nào, để tự nhiên cho thân tâm tự do một cách
dễ chịu.
Giai đoạn hai: Ví dụ, khi thân tâm
thoải mái dễ chịu thì chúng ta hướng tâm nhắc: “Thân tâm phải thanh thản, an
lạc và vô sự, tâm phải sáng suốt như ban ngày, như ánh sáng mặt trời.” Trong
thời gian thư giãn, thỉnh thoảng chúng ta lại nhắc câu pháp hướng như trên, cứ
như vậy để giúp cho thân tâm nhẹ nhàng thoái mái cho đến hết giờ thư giãn
Trong lúc tu Định Sáng Suốt thư
giãn như vậy, thân tâm cảm giác tỉnh táo, nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc và vô
sự thì đó là tu đúng, bằng ngược lại là tu sai.
Khi thư giãn xong, cơ thể phục
hồi lại sức khoẻ, cảm giác tỉnh thức và siêng năng ham tu, còn ngược lại thì tu
sai. Bấy giờ tiếp tục tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, vừa đi kinh hành vừa hướng
tâm tỉnh thức theo bước đi mà cũng vừa hướng tâm ly tham đoạn ác pháp.
Khi đi kinh hành xong khoảng độ
30 phút, chúng ta ngồi lại xả nghỉ và thư giãn như trước, cứ như vậy chúng ta
tiếp tục tu tập suốt ngày đêm không biết mỏi mệt và càng tu càng thấy tiến bộ
rõ rệt, tức là thấy thân tâm an lạc, thanh thản, vô sự giải thoát rõ ràng.
Riêng về phần pháp hướng thì thấy hiệu quả, cụ thể rõ ràng hơn, cứ ra lệnh là
thân tâm làm theo như ý muốn của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét